Sống thăm thẳm nơi bãi rác

Thứ Tư, 24/04/2013, 16:30

Đã nhiều lần bãi rác Rù Rì- Nha Trang, thay đổi vị trí nhưng những con người nơi đây vẫn thế, sống và chết với rác đã trở thành cuộc đời của họ. Mỗi ngày có hơn 300 - 400 tấn rác đưa về bãi, thứ xã hội loại bỏ lại là nguồn sống của hàng trăm con người nơi đây qua 3,4 thế hệ. Họ đã phải trả cái giá không nhỏ cho việc sinh sống nơi đây, nhưng vẫn phải sống.

Nơi gặp nhau giữa 2 cõi âm & dương

Bãi rác Rù Rì, là bãi rác lớn nhất TP, cũng là nơi có nghĩa trang lớn thứ 2 ở Nha Trang. Đến nơi đây, ngoài không khí lành lạnh, âm âm với hàng ngàn ngôi mộ, còn là mùi hôi thối, rỉ sét của đủ loại rác thải từ khắp nơi đổ về. Bãi rác trước kia nằm tại nơi mà bây giờ là lò thiêu, do thấy vị trí thuận lợi, có đường mòn, diện tích thông thoáng nên bãi rác được đưa lên cao hơn. Chính là vị trí hiện nay, 1 ngọn đồi cao qua nhiều lần san lấp rác đã thành bãi bằng phẳng.

Đây vốn là khu vực đóng  quân của lính Đại Hàn ở Nha Trang, dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện rõ với lô cốt và bom mìn còn xót lại. "Sau năm 1975, người dân mới kéo lên đây để tìm sắt vụn, vốn là dây thép gai và các chướng ngại vật bao quanh đồn ngày trước. Ngày ấy, tiền chưa mất giá như bây giờ nên dù có 200 đồng/ kg sắt nhưng thế đã là nhiều lắm rồi", ông Nguyễn Văn Lợi 85 tuổi, sống tại bãi rác cho biết. Sau đó thì càng ngày càng có nhiều người tìm đến đây để sống với rác, mưu sinh từ rác.

Có thể chia thành 2 nhóm người nhặt rác: nhặt rác cố định và nhặt rác di động. Nghĩa trang, cũng là nơi nghỉ ngơi của những người nhặt rác di động nơi đây. Những nhà mồ có mái che, có sàn lát gạch là chỗ nằm ngủ, nghỉ ngơi rất lý tưởng. Nhắc đến phận người nhặt rác cố định thì phải kể đến hơn 50 căn lều phế liệu của hàng trăm người dân nơi đây, định cư và sống cả đời với rác. Với những người nhặt rác di động lại khác, họ chỉ đến nhặt rác vào ban đêm, và ngủ lại nếu quá muộn.

Rác về bãi, chủ yếu từ 17h- 23h mỗi ngày, đây cũng là thời điểm số người ở bãi rác tăng cao nhất, với 203 hộ dân kiếm sống. Họ làm rẫy ở khu vực xung quanh bãi rác vào ban ngày. Tuy nhiên mỗi khi có xe chở rác đến họ vẫn tranh thủ kiếm ăn, rồi lại tiếp tục làm rẫy. Ban đêm, số người nhặt rác lên đến 300-400 người. Nếu họ ngủ lại, ngoài việc ngủ ở nghĩa trang, số lượng lều trại dựng lên có thể lên tới hơn 120 chiếc. Bất kể nắng mưa, lễ Tết, họ vẫn bám vào bãi rác để mưu sinh.

Trẻ em nơi đây trước câu hỏi: "có sợ ma không?" "có sợ ông Ba bị bắt đi không?", dù có đứa mới chỉ 7,8 tuổi, nhưng chúng đều dõng dạc nhất loạt trả lời: "không sợ". Người lớn không thể dọa trẻ con bằng ma quỉ, hay ông Ba bị mỗi khi chúng ương bướng, nghịch ngợm, vì " bọn em quen rồi mà".

Nhiều hộ gia đình, có bữa không cần phải đi chợ, vì thức ăn nơi đây khá dễ tìm. Họ có thể tìm thức ăn từ những nơi không tưởng là…  rác và đồ cúng. Nhiều rác ở đây như: cá khô, mực khô, khô bò.v.v.  bị vứt đi vì quá hạn sử dụng, nhưng vẫn được đóng gói bình thường. Nhiều gia đình đến cúng cho người trong nghĩa trang đã để lại nhiều món cúng ở các mộ địa. Tất thảy đều còn có thể ăn được với các cư dân xóm rác,nhất là trẻ con.

Những công dân xóm rác Rù Rì, cũng là những người chuyên chăm sóc mộ phần của những người đã khuất. Mỗi dịp Tết đến, họ có thêm nghề tảo mộ, dọn dẹp cỏ, lau chùi, sơn, sửa lại những ngôi mộ. Thù lao từ 80.000 - 300.000 mỗi ngày tùy vào số lượng mộ địa người thuê làm. Được biết, ông Hùng là người chuyên coi mộ địa Công giáo nơi này, với 1 căn lều tạm bợ ông đã sống ở đây 6 năm.

Nghĩa trang chia làm 2 phần: nghĩa trang Công giáo và nghĩa trang dành cho người không theo tín ngưỡng. Với cuộc sống tạm bợ nơi đây, những công dân xóm rác Rù Rì dựa không ít vào những người đã khuất và ngược lại.

Bi kịch những cuộc đời khốn khổ

Dân xóm rác, khi làm rẫy, khai hoang, kiếm củi không ít người đã dẫm phải bom mìn còn xót lại mà qua đời, chịu cảnh tàn phế vĩnh viễn như: ông Lợi , anh Bằng, ông Chín dữ.v.v. Họ ngoài tên chính sẽ thêm từ "cụt" làm biệt danh. Nơi đây vốn là căn cứ của quân đội Đại Hàn thuở trước nên bom mìn xót lại còn nhiều. Anh Bằng "cụt", 1 nạn nhân của bom mìn cho biết: "tôi vì dẫm phải bom mà cụt chân thế này đây, chỗ này có cài nhiều bom mìn lắm, có lần công an lên chở đi tới 2 xe sidecar, chủ yếu là bom con cóc và 3 râu". Những loại bom này công phá không mạnh, chủ yếu là gây thương tật.

Bom mìn còn xót lại quanh khu vực đèo Rù Rì, là nỗi ám ảnh với người dân sinh sống nơi đây. Khi trúng bom, họ chủ yếu là chết do bị di chứng, thiếu tiền thuốc thang, sức khỏe kiệt quệ dần mà qua đời. Bà Chín lùn, 79 tuổi, tâm sự: "Nhiều người kiếm củi đạp phải bom, chạy vào lều của tôi cấp cứu. Bom mìn làm tàn phế nhiều người rồi, nhiều người đã chết. Những lúc mưa gió, rửa trôi đất rừng, bom mìn lộ ra nhìn mà sợ không dám bước chân".

Nhiều gia đình, đã sống với bãi rác này qua 3,4 thế hệ , có người đã bỏ mạng, tật nguyền vì rác. Chồng bà Chín lùn bị xe rác đè chết, bà Hường bị sụp hố rác, cây ngã đè rẫy 1 chân. Do bãi rác nằm trên đồi cao, nên nhiều người sơ ý, hoặc rác sụt lở mà lăn xuống thung lũng bên dưới, dẫn tới cảnh tật nguyền. Thêm nữa là do rác chưa đổ xong, đông người nhặt tranh nhau, nên mới bị rác đè lên người, trượt ngã. Phần còn là vì đêm tối, khói bụi từ việc đốt rác để tìm phế liệu mà nên.

Những phận người tàn phế, sống lay lắt với đây khiến bất kì ai nhìn thấy đều thương tâm. "Còi", là biệt danh mà người ta thường gọi ông Thanh, 1 người nhặt rác, đã ngoài 40 tuổi bị tật nguyền vì rác. " Tôi vốn là 1 thanh niên cường tráng lắm, nhưng bị tai nạn từ rác, tay trái cứ teo dần, mà thành ra như bây giờ", ông khóc không thành tiếng kể lại. Anh Nguyễn Phong, bị rác đè gãy chân, bà Lài bị rác đánh trúng rách tay.v.v.

Tại bãi rác này, "các căn nhà" đều làm từ phế liệu, giấy bìa cứng cũ. Có 1 nhà tình thương dành cho trẻ em ở. Nhưng rồi, cũng thành nhà kho chứa đồ, vì các em nhỏ thích sống cùng gia đình. Mà gia đình các em là ở trong những căn lều hoàn toàn làm từ phế liệu, rác thải.

Họ đã sống với những căn nhà làm từ phế liệu, không điện, không nước, thiếu ánh sáng. Tại bãi, có tất cả 50 căn lều làm từ phế liệu, cũng là nhà của những người nhặt rác cố định.  Ở đây thiếu nước sạch. Nguồn nước của họ là con suối nhỏ cách bãi không xa lắm.  Vì là khu dân cư tự nảy sinh, nên cũng chẳng có điện, chính vì vậy những căn lều phế liệu vốn lụp xụp, tối tăm, lại càng trở nên tối tăm hơn, thiếu ánh sáng nghiêm trọng.

Trẻ em có nhiều đứa đi học nhưng nghỉ lâu quá quên chữ, thường đi chân không, ăn mặc rách rưới. Mỗi người nhặt rác mỗi ngày chỉ kiếm được 40.000 - 50.000 đồng mà thôi. Ông Nguyễn Văn Sơn, sống hơn 40 năm tại bãi rác này cho biết: "có ai muốn sống ở đây đâu, nhưng vẫn sống, vì không có nghề gì thủ thân, lại không học hành nên dù không muốn cũng phải nhặt rác thôi". Với tất cả những cư dân xóm rác Rù Rì, đây là bi kịch lớn nhất.

Lớp học tình thương giờ thành kho chứa đồ xây nghĩa trang.

Người  bị tàn tật, kẻ sống tạm bợ qua 3,4 thế hệ, từ thời Mỹ - Ngụy,  kéo dài 40-50 năm, nhưng không ai trong số họ có ý định từ bỏ bãi rác. Nhiều người nhặt rác thâm chí không thích chụp ảnh vì sợ con cái họ sau này xấu hổ do gia đình sống ở bãi rác, đến 1 căn nhà tử tế cũng không có. Nhưng vì ít học, lại không có nghề nghiệp gì, nên dù muốn lắm, cũng không thể rời bỏ được.

Câu hỏi cho tương lai

Năm 2009, TP Nha Trang đã cưỡng chế tháo dỡ 89 lều trại mà người dân nơi đây đã xây dựng để làm nơi kiếm phế liệu, tiến hành bồi thường và hỗ trợ 50% đất nông nghiệp sản xuất, chuyển đổi sản xuất và khen thưởng cho các hộ dân này với số tiền lên đến hơn 1,3 tỉ đồng. Các hộ này hiện đăng kí hộ khẩu sinh sống vào tổ 22, hòn Chồng, Vĩnh Phước, Nha Trang. Nhưng vì không có nghề nghiệp ổn định, họ lại quay về chốn cũ.

Ông Ngô Châu Anh Nhân, phó giám đốc ban quản lý dự án cải thiện vệ sinh môi trường Tp. Nha Trang, dự kiến vào tháng 06- 2013tới đây sẽ : đóng của bãi rác Rù Rì và đưa vào sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn Lương Hòa, tại nơi mới này, những người nhặt rác ở Rù Rì sẽ không được tham gia nhặt rác nữa. Vị trí bãi rác mới theo dự kiến cách bãi rác hiện này không xa lắm.

Bà Nguyễn Thị Tâm, sống tại bãi rác cho biết: "Tiền nhà nước hỗ trợ cho, chỉ vào khoảng 10-15 triệu thôi, đương nhiên là có nhà vẫn được hỗ trợ 50 triệu đồng. Nhưng mà nợ nần phải trả ngay khi nhận tiền bồi thường xong, cũng chỉ còn lại vài triệu đồng, không có nghề nghiệp gì, chúng tôi đành quay về chốn cũ thôi". Dù nghe tin bãi rác sẽ đóng cửa và không được nhặt rác ở bãi rác mới nữa, nhưng các sinh hoạt tại đây vẫn diễn ra bình thường, việc nhặt rác vẫn tiến hành đều đặn và không có dấu hiệu người dân ở đây sẽ chuyển đi

Đức Thọ
.
.
.