Sử dụng robot nghìn tấn đào hầm dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Thứ Hai, 21/12/2020, 07:08
Mới đây, robot đào hầm đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội đã được đưa về Hà Nội đang thu hút sự chú ý của nhiều người dân. Điều đáng chú ý đây là một cố máy nặng gần 1.000 tấn, với trị giá lên tới 10-15 triệu USD, nhưng chỉ dùng 1 lần xong có thể hết công dụng.


Máy chục triệu "đô" dùng một lần là… bỏ

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), chiếc máy TBM đầu tiên đã cập cảng Hải Phòng và chuyển về ga S9 (Hà Nội). Máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) có chiều dài khoảng 90m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m; tốc độ đào hầm trung bình khoảng 10-12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày. Cỗ máy tiếp theo dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng trong tháng 12-2020. Sau khi lắp ráp xong máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Vỏ hầm có độ dày 30cm, chống thấm tuyệt đối. Giữa các khe của vỏ hầm được làm khít bằng gioăng cao su. Có 20 kỹ sư vận hành đến từ Hàn Quốc, Italy thực hiện điều khiển TBM.

Đoạn đi ngầm dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.

TBM gồm nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên, khoang đào, cánh tay trộn, vỏ hầm, hệ thống vận chuyển đất thải... vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian. “Dự kiến công tác lắp đặt máy TBM thứ 1 sẽ hoàn thành vào giữa tháng 1/2021, sau đó kiểm tra và chạy thử trong khoảng 2 tuần để kết thúc vào cuối tháng 1/2021. Trong điều kiện lý tưởng, không gặp trở ngại hay sự cố gì thì việc đào hầm sẽ diễn ra đúng theo tiến độ của dự án là sau Tết Nguyên đán”, ông Hiếu cho hay.

Mỗi robot đào hầm tương tự như dự án Nhổn-Ga Hà Nội có giá trị khoảng 10-15 triệu USD, tuy nhiên, khi đào hoàn thành xong dự án Nhổn- Ga Hà Nội, bộ phận khiên đào (đắt nhất của máy TBM) sẽ hết khấu hao và với dự án mới thì nhà thầu sẽ dùng máy mới hoàn toàn để đảm bảo chất lượng công trình. Khi đặt vấn đề cỗ máy đắt mà chỉ dùng một lần có lãng phí hay không, ông Hiếu cho hay, tất cả các chi phí đó đã nằm trong gói thầu, phía nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm. Mặt khác, đây là cỗ máy đặc chủng đã được thiết kế để phù hợp riêng với từng loại hình địa chất của từng dự án nên khả năng dùng một lần là hết khấu hao.  

11 hộ dân sẽ phải tạm di dời trong thời gian đào hầm

Một vấn đề khác cũng được khá nhiều người quan tâm là việc thi công ngầm thì nhà dân phía trên liệu có bị ảnh hưởng. Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt Đô thị Hà Nội khẳng định, sẽ rất ít ảnh hưởng song trong xây dựng rất khó nói hay. Mặc dù các phương án đã được tính toán kỹ song vẫn có thể có những tình huống bất khả kháng xảy ra. Để chuẩn bị cho việc này, 11 hộ dân ở khu vực phường Kim Mã, quận Ba Đình sẽ phải tạm di dời. Thực tế, máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance), điểm ưu việt của công nghệ EPB là tính ổn định cao, do đó trong khi đào không thay đổi địa chất nhiều.

“Trong quá trình robot đào hầm, sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép thì lập tức máy TBM cũng sẽ tạm dừng đào để xử lý. Các nhà thầu có thiết bị quan sát độ võng lún và đưa ra kịch bản biện pháp xử lý khi xảy ra khu vực có khả năng chuyển vị trí nền đất”, ông Hiếu cho biết.

Đoạn trên cao của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Ông Vũ Thế Mạnh, Giám đốc gói thầu CP03 (nhà thầu Fecon) thông tin, việc vận hành hai máy TBM đào hầm tại tuyến này sẽ do nhà thầu Fecon đảm nhiệm dưới sự giám sát và tham gia của các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, của nhà sản xuất TBM. “Máy đào hầm TBM là loại tự cân bằng áp lực trong khi đào, không gây mất áp lực lòng đất nên việc xảy ra sụt lún công trình phía trên là hiếm. Nhà thầu Fecon đã có kinh nghiệm xử lý sự cố với dự án metro Bến Thành- Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh. Đường hầm của tuyến này chạy sát qua nhà hát lớn, chỉ cách khoảng 7m nhưng không gây sụt lún hay ảnh hưởng đến các công trình xung quanh”, ông Mạnh quả quyết.

Theo ông Mạnh, tại Việt Nam chưa có nhà thầu nào vận hành được robot đào hầm này. Fecon là đơn vị đầu tiên là duy nhất hiện nay nhưng để vận hành được vẫn cần phải có sự chỉ đạo của các chuyên gia nước ngoài bởi việc đào ngầm dưới lòng đất sâu rất phức tạp.

4km hầm sẽ hoàn thành trong 16 tháng

Dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội. Nếu như trước đó, thời gian được khởi công từ tháng 9-2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017, thì với điều chỉnh này, dự án được thực hiện từ năm 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 4-2021, vận hành toàn tuyến vào tháng 12-2022. Trong tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội là 1,17 tỷ euro (khoảng 30.197 tỷ đồng), UBND TP Hà Nội cũng điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn dự án từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) từ 178,7 triệu euro (khoảng 4.610 tỷ đồng) xuống còn 158,7 triệu euro (khoảng 4.094 tỷ đồng) và vốn vay Chính phủ Cộng hòa Pháp từ 335,4 triệu euro (khoảng 8.653 tỷ đồng) lên 355,1 triệu euro (khoảng 9.161 tỷ đồng).

Trước đó, Kỹ sư trưởng Sôn Át-kin, liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) - Ghella (Italy) thực hiện gói thầu CP-03 cho biết, đối với phần đi ngầm có chiều dài 4km, hiện tại đã hoàn thành được 1/3 tiến độ các hạng mục. Trong đó, nhà thầu đã hoàn thành xong bản đỉnh (phần trần ga) và đang thi công bản trung chuyển của ga S9, dự kiến hoàn thành trong khoảng năm đến sáu tháng nữa. Ga ngầm S10 (tại Cát Linh) đã thi công xong hộp ga và nửa bản đỉnh; ga S11 (Văn Miếu) và S12 đều đã hoàn thành nửa tường vây. Khó khăn nhất trong thi công các đoạn ga ngầm là công trường rất chật hẹp, cho nên ảnh hưởng đến giao thông.

Công đoạn lắp máy đào hầm tại ga S9.

"Tuyến đường sắt đô thị nằm sát các tòa nhà cao tầng và hộ dân sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi phải chia nhỏ các gói thi công trong các ga và sử dụng công nghệ đào từ trên xuống (Top-down) để bảo đảm an toàn, hiệu quả", kỹ sư Sôn Át-kin cho hay.

Sau khi hoàn thành xong tầng trung chuyển, từ đầu năm 2021, nhà thầu sẽ đào tiếp xuống tầng ke ga là tầng cuối cùng của ga bằng máy đào hầm TBM. Nếu có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, dự kiến 4km đi ngầm sẽ hoàn thành trong khoảng 16 tháng.

Phạm Huyền
.
.
.