Tri ân, vinh danh những người hiến tạng nhân đạo

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:00
"Cuộc sống là một vòng quay bất tận, có những cuộc đời tưởng như kết thúc lại là điểm khởi đầu cho một hy vọng lớn. Để có một cơ thể khỏe mạnh, vượt qua được bệnh tật và xa hơn nữa là một gia đình hạnh phúc thì đã có một sự hy sinh thầm lặng của một người chưa hề quen biết".

Thông điệp đầy ý nghĩa nhân đạo này được đưa ra tại buổi lễ vinh danh người hiến tạng nhân đạo và vận động đăng ký hiến tạng nhân đạo được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy phối hợp với BV 115 và BV Nhi Đồng 2 tổ chức vào sáng 21/3.

Hơn 8.000 người đang cần được ghép thận

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, hiện nay nhu cầu được ghép tạng tại Việt Nam là rất lớn - với hơn 8.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận; hơn 1.500 người cần được ghép gan (Hà Nội); hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi, tụy tạng. Riêng tại BV Chợ Rẫy, hiện có khoảng hơn 1.000 người bị suy thận giai đoạn cuối đang chờ nguồn cho để được ghép.

Buổi lễ rất cảm động và thu hút đông đảo người đến tham dự.

Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn cho tạng vẫn quá khan hiếm, vì thế thời gian qua không ít bệnh nhân đã tử vong vì không có thận để ghép. Do đó, việc vận động đăng ký hiến tạng nhân đạo cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ từ tất cả các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân trong xã hội.

Những người hiến tạng được Bộ Y tế vinh danh, trao tặng Kỷ niệm chương và thẻ BHYT.

"Chương trình ghép tạng không thể thành công nếu không có sự hy sinh tự nguyện của những người hiến tạng. Những người thân trong gia đình đã sẻ chia sự sống của họ cho người ruột thịt của mình. Từ những tấm lòng nhân ái của những người không quen biết trong xã hội, suy nghĩ của họ đã vượt qua những suy nghĩ thường tình của người đời, mong muốn mang lại sức khỏe và sự sống trường tồn cho nhân loại. Đây là sự hy sinh cao cả và không thể dùng bất kỳ giá trị nào để trao đổi", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. 

Có mặt tham dự buổi lễ, bác Võ Văn Trọng (81 tuổi, thường trú huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là trường hợp đầu tiên hiến một quả thận để ghép cho con gái của mình được thực hiện tại BV Chợ Rẫy. "Cách đây 23 năm (năm 1992), con gái tôi là Võ Thị Thưởng (năm nay đã 57 tuổi) được xác định bị suy thận giai đoạn cuối.

Bác Võ Văn Trọng là trường hợp đầu tiên hiến thận để ghép cho con gái của mình.

Với bệnh đó, cả nhà tôi đã tưởng rằng con mình rồi sẽ đi sớm, nhưng sau đó với sự tư vấn và giúp đỡ của các y bác sĩ BV Chợ Rẫy, tôi quyết định hiến một trái thận để ghép cho con gái tôi. Sau ca ghép thành công, con tôi đã khỏe mạnh cho đến nay, cháu đủ sức khỏe để lo cho gia đình và hai đứa con (sinh trước khi bị bệnh và được ghép thận). Trong khi đó, bản thân tôi ở tuổi này vẫn còn minh mẫn và sức khỏe cũng rất tốt", bác Trọng vui mừng chia sẻ.

Thoạt nhìn anh Nguyễn Đình Hữu (ngụ quận Bình Thạnh) thật khó có thể nghĩ rằng anh đã từng là một bệnh nhân bị suy thận nặng, một tuần phải đi chạy thận ba lần. Những ngày tháng đau đớn và mệt mỏi ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của anh.

"Mỗi lần tôi chạy thận về là rất mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau nhức đầu, nói chung là luôn phải mất một khoảng thời gian để hồi phục và gần như tôi không còn sức khỏe để làm được gì cả". Những ngày anh đau đớn bệnh tật chạy thận cũng là lúc vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Không muốn vợ lo lắng nên anh cũng cố tỏ ra bình thường hoặc không than thở, buồn chán…

Tưởng rằng mọi chuyện sẽ càng ngày càng xấu đi nhưng bất ngờ anh được các bác sĩ BV Chợ Rẫy thông báo sẽ được ghép thận từ một người chết não cho. Ca ghép thận thành công, cuộc đời anh Hữu bước sang một trang mới. Hạnh phúc thêm đong đầy vì sau khi anh ghép thận, gia đình anh tiếp tục chào đón một thành viên mới - cậu con trai kháu khỉnh. "Tôi rất biết ơn các y bác sĩ BV Chợ Rẫy và đặc biệt luôn tri ân người đã cho tôi quả thận để cứu sống cuộc đời mình. Thực sự tôi cảm thấy mình quá may mắn…".

Việc hiến tạng còn gặp nhiều trở ngại

Hơi khác những trường hợp trên là ông Trần Văn Tú (54 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Ông là người đã hiến một quả thận cho em ruột của mình (48 tuổi) bị suy thận mạn. Theo lời ông kể thì ông có tất cả 7 anh em (3 trai 4 gái), nhưng các em gái đều đã có gia đình riêng và hoàn cảnh cũng khó khăn. Trong khi ông là anh lớn đã khá nhiều tuổi, đến thời gian chỉ làm công việc nhẹ nên ông quyết định hiến thận cho em trai.

"Hồi đó tôi cứ nghĩ em tôi sẽ chết, vì mỗi lần chạy thận thấy chú ấy rất đau đớn, khổ sở. Cuối cùng tôi quyết định hiến thận và em tôi được ghép vào cuối năm 2014 tại BV Chợ Rẫy. Sức khỏe của chú ấy giờ khá tốt, đủ để chăm lo cho hai đứa con gái", ông Tú cho hay. 

Một khách mời đặc biệt đã từng là bệnh nhân được ghép thận cũng đến tham dự buổi lễ là Nghệ sĩ ưu tú cải lương Minh Vương. Ông xúc động chia sẻ: "Đây là dịp để tôi nói lên những lời biết ơn, kính trọng của tôi đối với các bác sĩ của BV Chợ Rẫy, những người đã điều trị, chăm sóc tận tình cho tôi. Đến nay tôi khỏe mạnh được 3 năm rồi. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên ơn người đã hiến quả thận để tôi tiếp tục được sống.

NSƯT Minh Vương khỏe mạnh sau 3 năm được ghép thận.

Hiện giờ vẫn còn rất nhiều người đang phải chạy thận nhân tạo, chờ được ghép thận. Trong khi đó, hàng năm số người mất đi khá lớn và kèm theo đó số nội tạng cũng mất đi. Tôi thấy rất tiếc, nếu được sự đồng ý của thân nhân những người đã khuất hiến tạng thì trong một năm số người được ghép tạng sẽ rất lớn. Vì thế, tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người đồng ý hiến tạng".

Theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu - thận học TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, ở các nước, việc hiến tạng, cho tạng rất phổ biến. Còn ở Việt Nam, việc hiến tạng gặp nhiều trở ngại do tâm lý, tôn giáo và những ảnh hưởng văn hóa. Nguồn tạng được hiến tặng hiện nay chủ yếu là từ người sống, hiến một phần tạng (gan, thận) cho người thân.

Ông Lê Văn Chính hiến một quả thận cho con trai.

Nguồn hiến tạng từ người chết não và người đã ngừng tuần hoàn không nhiều do việc vận động hiến tạng gặp nhiều khó khăn vì người dân vẫn còn quan niệm "chết phải toàn thây" hoặc bị người nhà không đồng ý việc hiến tạng sau khi mất. Trong khi đó, một người hiến tạng có thể cứu sống được 6-7 người khác.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi lời tri ân sâu sắc đến những người chết não hiến tạng, gia đình người hiến tạng và những người sống hiến tạng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng gửi lời tri ân đến cả những bệnh nhân được ghép tạng bởi nhờ họ, các y bác sĩ của ngành Y tế mới có cơ hội nâng cao nghề nghiệp chuyên môn.

Ông Trần Văn Tú là người đã hiến thận cho em ruột của mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tại nước ta, việc ghép tạng đã có một hành lang pháp lý hoàn thiện - với Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH11 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006. Đây là văn bản pháp quy tạo một bước ngoặt cho chương trình ghép tạng ở nước ta. Về kỹ thuật, ghép gan và thận đã có hàng ngàn ca thành công. Đặc biệt, kỹ thuật ghép thận đã trở thành một kỹ thuật thường quy, cứu sống rất nhiều người bị suy thận.

Hiện Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có trụ sở tại BV Việt Đức và Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại BV Chợ Rẫy. Điều này có một ý nghĩa quan trọng để nâng cao hiệu quả của hoạt động hiến - lấy và ghép tạng, thúc đẩy sự phát triển ghép tạng ở Việt Nam phù hợp với hướng phát triển của ngành ghép tạng trên toàn thế giới. Tại buổi lễ, Bộ Y tế đã vinh danh, trao tặng Kỷ niệm chương và thẻ BHYT cho 403 người hiến tạng khu vực phía Nam.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhằm thúc đẩy tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân hiến tạng, Hội Ghép tạng Việt Nam và Hội Vận động hiến tạng đã được phép thành lập, đang chuẩn bị tổ chức đại hội tạo điều kiện cho các ngành ghép tạng Việt Nam có điều kiện hội nhập với các nước trên thế giới; Bên cạnh đó, người tham gia hiến tạng sẽ được tặng thẻ Bảo hiểm Y tế, Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân… Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến khích sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể… hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân.

Phú Lữ
.
.
.