Sự ích kỷ nhân danh huyết thống

Thứ Tư, 12/11/2014, 17:20
1.Vẫn biết "Tử bất đắc xét", nhưng có những chuyện không nói ra không được. Độ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ngày tôi còn ấu thơ. Vô tình đọc được bài báo viết về trường hợp một người đàn ông ở Đồng Tháp cho thuốc độc vào nồi cơm chiều rồi ép cả vợ con cùng ăn để chết chung.

Căn nguyên của vụ việc này, rất đơn giản. Người đàn ông ước giàu, nên ngày nào cũng mua hàng trăm nghìn đến cả triệu tiền vé số. Hết tiền, thì vay mua. Cứ mua hoài mà không thấy trúng, cho đến khi lãi mẹ đẻ lãi con không còn khả năng chi trả gia cảnh rơi vào cùng quẫn thì quyết định ép vợ con cùng tự vẫn theo. Câu chuyện này ám ảnh tôi cho đến tận giờ. Có thể, ám ảnh vì câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp, "Vì sao người đàn ông ấy ép vợ con phải chịu trách nhiệm chung cho hành vi do chính ông gây ra?".

Khi đối diện với sự bí bức do đời sống mang lại, khi đối mặt với những u uất trong cuộc sống hôn nhân, khi chạm phải những mâu thuẫn trong quan hệ gia đình… khi cuộc sống hiện đại thời bấy giờ rơi vào nghèo đói túng quẫn quá rất nhiều người sẽ nghĩ đến cái chết.

Chết, bấy lâu nay vẫn được xem là giải pháp cuối cùng để kết thúc tất cả những khốn khó hay phiền muộn. Dẫu rằng, chết có khi chưa phải là đã hết. Thế nhưng, chết - tức là mắt đã không còn thấy, tai đã không còn nghe, tâm đã không còn đoái hoài những trắc trở mà cá nhân người ấy khi còn sống đang mắc phải.

Trước khi biến suy nghĩ thành hành động, người ta bắt đầu lưu tâm đến những người thân thuộc. Chồng nghĩ đến vợ, mẹ nghĩ đến con… Bi kịch từ đây mà nẩy sinh.

2. Những vụ việc tự vẫn theo kiểu, cha ép con gái bị bại não uống thuốc trừ sâu rồi tự vẫn theo, mẹ ôm con thơ nhảy sông tìm lối thoát, mẹ cùng con treo cổ, mẹ ép con chết chung bằng khí gas…

Đó đều là những câu chuyện đau lòng vẫn thường xảy ra đâu đó trong đời sống này.

Nội dung của những bức thư tuyệt mệnh để lại hay những câu chuyện từ người thân trong những vụ việc cha mẹ ép con tự vẫn chung, đều có một điểm tương đồng "Sợ con khổ".

Sợ con khổ, là điều lo lắng của bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào. Thế nhưng, "sợ con khổ" nên ép con phải chết cùng có phải là một cách để "con hết khổ" không(?!).

Tôi nghĩ, chắc chắn là không, tuyệt đối là không, vĩnh viễn là không.

Một trong những đặc tính cố hữu của con người là sự trả đũa. Người ta trả đũa nhau hằng ngày, từ nhỏ nhất như lời ăn tiếng nói, đến nhỏ tương đối là bằng hành động, rồi nữa là khủng bố tinh thần…

Khi không còn gì để trả đũa nhau, họ sẽ trả bằng sự dằn vặt.

Nói bỏ quá cho, không phải là không có chuyện mẹ tử tử cùng con với mục đích là muốn chồng hối hận suốt đời hay ngược lại.

Tháng trước, Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh cũng tuyên phạt một người đàn ông sát hại con trai út của mình mức án tù chung thân. Người đàn ông này sau khi sát hại con đã tự vẫn bằng cách dùng dao đâm nhiều nhát vào cơ thể nhưng bất thành. Ông khai, ông sát hại con là vì muốn vợ phải hối hận suốt đời.

3. Phải chăng, khi sự yêu mến hay chiều chuộng cảm xúc của bản thân lên đến cao độ, thì con cái cũng chỉ là một phương tiện (hoặc công cụ), để các bậc làm cha làm mẹ ấy mang ra sử dụng(?).

Tôi không dám khẳng định, mặc cho tôi đã nghĩ về điều đó.

Ép một người khác phải chết, tước đoạt mạng sống của người khác, đã là hành vi của kẻ ác. Huống hồ là tước đoạt mạng sống, hay ép con mình phải chết cùng là hành vi tuyệt nhiên không thể chấp nhận được.

Mỗi cây mỗi trái, mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh. Thế nhưng, tựu trung vẫn là sự ích kỷ nhân danh huyết thống thôi.

Tôi gọi sự ích kỷ nhân danh huyết thống, chứ không phải sự ích kỷ nhân danh yêu thương. Bởi, làm gì có sự yêu thương khi đang tâm cướp đi mạng sống, cướp đi tương lai, cướp đi cả một thân phận của chính con thơ. Dẫu cho, vì bất cứ lý do gì đi chăng nữa

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.