"Sự sống thoi thóp" của thứ vải quý tộc chỉ có ở Việt Nam

Thứ Tư, 10/07/2013, 16:28

"Hôm qua em đi tỉnh về/Đợi em ở mãi con đê đầu làng/Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi…"  Câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính trong bài ''Chân quê''. Thế nhưng thật lạ, hầu như không mấy ai biết vải lĩnh là vải gì. Sau hàng trăm năm kể từ khi xuất hiện, nó lại dường như bị "mất dạng" trong vốn hiểu biết của nhiều người dân Việt.

Thứ vải quý tộc… chỉ có ở Việt Nam

Vải lĩnh còn được gọi là lĩnh Bưởi vì được sản xuất chủ yếu ở các làng Trích Sài, Bái Ân, Dâu, Nghè, Tân của vùng Bưởi, kinh thành Thăng Long xưa (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lĩnh Bưởi từng một thời là thứ thượng phẩm chỉ dành cho tầng lớp vua chúa, quan lại, được coi như một thứ vải sang trọng và "sành điệu".

Nghệ nhân Phùng Văn Thiêm - người nắm nghề duy nhất còn sống của nghề dệt lĩnh Bưởi cũng là một nghệ nhân tài ba, từng nức tiếng khắp vùng năm nay đã 93 tuổi. Đón tôi trong căn nhà sống chung với con cháu ở phường Lạc Long Quân, ông Thiêm không giấu nổi niềm hồ hởi và tự hào: "Trên thế giới không có loại vải nào giống lĩnh Bưởi của nước ta. Ngay cả Trung Quốc là nước nổi tiếng thế giới về dệt các loại vải từ tơ tằm, nhưng không có mặt hàng nào giống lĩnh, có được đặc tính như lĩnh Bưởi. Chỉ có ở Việt Nam mới sản xuất ra được thứ vải đặc biệt này".

Lĩnh Bưởi dệt từ những sợi tơ tằm tốt nhất, được chọn lọc kỹ càng, 5 sợi tơ tằm mới chọn được 1 sợi dệt lĩnh. Những thứ tơ được loại ra sau sau đó mới dùng để dệt lụa. Vì thế, lĩnh quý và hiếm hơn lụa. Lĩnh Bưởi óng và nhẹ như vờn bay trong gió. Lụa tơ tằm mặc một lúc là có thể nhàu nhưng lĩnh Bưởi dùng tay vò vẫn giữ dáng phẳng mịn. Khi được cắt may thành trang phục, vải lĩnh tạo cho người mặc một cảm giác nhẹ bẫng, không dính. Vì thế, quần lĩnh là thứ trang phục tôn lên vẻ đẹp "thắt đáy lưng ong" của thiếu nữ Hà thành xưa.

Bị "lãng quên" ngay trên chính đất tổ nghề

Vì muốn biết ngày nay có nhiều người còn biết đến vải lĩnh hay không, chúng tôi đã thử thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với những người xung quanh, trong đó có cả thanh niên, trung niên và bô lão. 58/60 người được hỏi không biết lĩnh là thứ vải gì, còn lại 2 cụ bà thuộc hàng "danh gia vọng tộc" ngót nghét lục tuần thì cho biết đã từng mặc loại vải này nhưng lâu rồi nên cũng không rõ giờ có còn sản xuất nữa không.

Để tìm được vào nhà ông Thiêm trong một ngày hè oi ả, chúng tôi đã phải phi xe vào giữa làng, tìm một bóng mát nơi có các cụ già đang ngồi nhấp trà, hàn huyên trò chuyện. May mắn, kết quả lần này đã không khiến chúng tôi… đứng tim.

Bà Lý Thị Quý (85 tuổi) - một trong những cao niên từng làm nghề dệt lĩnh trong làng cho biết: "Nghề dệt lĩnh truyền thống từ lâu đã bị ngưng trệ ở mảnh đất này và giờ đây hầu như không còn nhưng tiếng tăm về lĩnh Bưởi một thời vang bóng vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người già trong làng như chúng tôi. Con cháu những người thợ dệt năm xưa nay đã làm nhiều nghề khác nhau và không còn ai theo nghề dệt lĩnh của cha ông nữa nên nhiều người không biết đến loại vải này".

Theo các bô lão, từ khi Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt, nghề dệt ở vùng Bưởi đã dệt được các gấm, vóc như lĩnh, lụa hoa, đáp ứng nhu cầu may mặc của vua, quan mà không cần mua thêm gấm vóc của nhà Tống ở phương Bắc. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất năm 1919, Pháp mở lại nhà đấu sảo Hà Nội, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ đã tạo điều kiện cho nghề dệt phát triển. Hà Nội bắt đầu "mọc" lên những cửa hàng buôn tơ lụa lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Họ buôn tơ tằm ở các tỉnh và tơ Tứ Xuyên của Trung Quốc để bán cho các nhà làm nghề dệt. Sau đó, họ mua lĩnh Bưởi rồi đem thuê nhuộm màu ở Sài Gòn để bán và giàu có rất nhanh.

Nhưng từ giữa thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập của các loại vải nhập ngoại và biến động do chiến tranh, nạn đói khiến người làng nghề phải ly tán nên nghề dệt lĩnh, lụa đã mai một dần. Sau giải phóng thủ đô năm 1954, người làng nghề dệt lĩnh Bưởi xưa chỉ còn dệt vải thường và tham gia các hợp tác xã chuyên dệt khăn mặt gia công xuất khẩu vì thị trường buôn bán gấm, vóc sầm uất xưa kia đã không còn. Sau này, các hợp tác xã này cũng lần lượt giải thể.

"Dệt lĩnh một phiên nuôi cả nhà một tháng"

"Bao nhiêu công khó tơ nên lĩnh/Mẹ đứng làm hồ, bố dệt khung". Nghệ nhân Phùng Văn Thiêm kể rằng: "Ngày xưa, lĩnh Bưởi rất hiếm và đắt. Dệt lĩnh một phiên nuôi cả nhà một tháng. Mà thường mỗi tháng, người thợ dệt dệt được 6 phiên. Mỗi phiên kéo dài trong 4-5 ngày". Riêng ông Thiêm là người có tay nghề khéo léo bậc nhất trong làng nên ví thử người ta dệt 10m vải lĩnh hết 7kg sợi thì ông chỉ "ngốn" có 5kg. Chính vì thế, người mua lúc nào cũng "đặt sẵn gạch" chờ mua được hàng của nhà ông, mà nếu không nhanh chân có khi còn phải… tay trắng ra về.

Ông Phùng Văn Thiêm tuy không còn sức khỏe để làm nghề nhưng vẫn khá minh mẫn và đặc biệt là rất tự hào khi nói về lĩnh Bưởi. Bà Lý Thị Quý - một trong ít người cao tuổi từng làm nghề còn sống.

Ngày ấy, các lán chờ bằng rơm và nứa được dựng san sát từ đầu làng đến đình làng. Dân buôn phải đến từ sớm, thuê trước chỗ để ngồi chờ dân làng dệt xong đem lĩnh ra bán. Chỉ cần 1 phiên chợ bán vải, những người như ông Thiêm đã có thể kiếm được 400 đồng, dư tiền tiêu xài cho cả đại gia đình trong cả tháng, thậm chí còn có thể mua thêm cả đất đai (ngày ấy 15 đồng mua được 10kg gạo, 200 đồng mua được 1 miếng đất để ở).

Vì thế, vào thời hoàng kim của lĩnh Bưởi, mảnh đất này cũng được biết đến như một vùng đất ăn chơi có tiếng. Người làng nghề cứ vừa dệt vừa chơi, vừa nghỉ để tiêu tiền, tiêu hết tiền lại dệt, lại chơi, lại nghỉ để tiêu tiền…

Chỉ còn 1 truyền nhân duy nhất…

Ông Thiêm cho biết, nghề dệt lĩnh không phải cứ cha truyền là con nối được. 4 - 5 người học, may ra mới có một người khéo léo nối được nghề. Muốn dệt một tấm lĩnh cũng lại phải cần 4 - 5 người phục vụ. "Nhạc trưởng" và thợ phụ phải phối hợp ăn ý mới có thể ra được tấm lĩnh đúng chất, có độ bắt sáng kỳ diệu. Kỹ thuật dệt lĩnh cầu kỳ. Tơ để dệt lĩnh phải là loại tơ tốt nhất, phân ra làm 4 loại: sợi to, sợi vừa, sợi nhỏ và sợi xấu. Sau khi phân loại, tơ được đem đi hồ để sợi tơ không bị bông trước khi đem đi dệt.

Một góc cửa hàng kinh doanh lĩnh Lụa Hà của chị Hoàng ở Thụy Khuê.

Nếu dệt lụa chỉ cần 2 chuyên đòn, thì dệt lĩnh trơn phải có 5 chuyên đòn. Dệt lĩnh hoa chanh khó gấp nhiều lần dệt lĩnh hoa. Dệt lĩnh hoa đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ. Ở mỗi khung dệt lĩnh hoa phải mắc thêm go hoa và thêm một thợ cài hoa. Chỉ tính riêng số sợi dọc trong một tấm lĩnh, người thợ cũng phải đếm đủ 5.400 sợi tơ vừa và sợi tơ to, rồi mắc lên khung không thiếu một sợi, không rối, không đứt... Lĩnh mộc vùng Bưởi thường được mang vào Huế hoặc Sài Gòn để nhuộm màu tía, gọi là lĩnh tía.

Cho đến giờ, có lẽ hiếm có nghề truyền thống nào lại trải qua nhiều thăng trầm như nghề dệt lĩnh. Chứng kiến cảnh nghề dệt lĩnh thất truyền sau chiến tranh, ông Thiêm đã nhiều đêm thức trắng, "vắt óc", trăn trở suy nghĩ để Việt Nam không bị mất đi một nét tinh hoa đặc sắc dân tộc mang tên lĩnh Bưởi nhưng ông gần như đã phải… "bó gối thu mình". Đúng lúc đó thì bỗng có một người con gái là Vũ Thị Minh Hoàng từ nơi khác tìm đến gõ cửa xin làm học trò của ông, để tìm hiểu phương thức dệt lĩnh.

Hành trình mày mò phục dựng đúng tấm lĩnh Bưởi xưa của chị Hoàng và người thợ dệt của mình không hề đơn giản, với nhiều năm qua lại nhà ông Thiêm và hàng chục lần thất bại. Phải đến năm 2004, lĩnh Bưởi mới thực sự được phục dựng đúng chất. Tuy nhiên, người học trò duy nhất còn lại của nghề dệt lĩnh Bưởi lại không phải là con cháu của làng nghề, không phục dựng lĩnh Bưởi ở làng nghề mà chỉ mở một cửa hàng kinh doanh của mình ở phố Thụy Khuê với số lượng kinh doanh ngày càng lác đác mỗi ngày vì giá thành đắt đỏ.

Thế nghĩa là, sau gần 10 năm lĩnh Bưởi được hồi sinh, thứ vải quý tộc này vẫn bị thất truyền trên chính đất tổ nghề của nó. Và chẳng biết rằng, nói gở, rồi đây khi nghệ nhân còn sống cuối cùng của làng nghề dệt lĩnh Bưởi không còn nữa, người học trò duy nhất còn lại cũng không thể trụ lại với nghề thì phải chăng, lĩnh Bưởi sẽ chỉ còn là hai tiếng lạ lẫm trong… từ điển(!?).

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: "Trong kế hoạch từ nay  đến năm 2020, nhà nước sẽ đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng để phục hồi 21 làng nghề truyền thống. Trong đó có nghề dệt lĩnh Bưởi. Đây là một trong những nghề truyền thống đứng trước nguy cơ cao bị thất truyền và khó phục hồi. Bởi lĩnh Bưởi là loại sản phẩm đặc biệt, khả năng thích nghi với cơ chế thị trường kém bởi chi phí sản xuất và giá thành lớn. Hơn nữa, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, đây cũng là tình trạng, số phận chung của nhiều làng nghề hiện nay và vì thế, việc khôi phục và phát triển sẽ cần một cơ chế và tiến trình dài hạn. Suy cho cùng, vấn đề làng nghề hôm nay cũng chính là vấn đề văn hóa mà chúng ta phải đối mặt. Những người làng nghề giờ đây không sống được với nghề. Họ phải bươn chải bằng nhiều cách khác nhau trong cuộc sống và họ làm kinh tế với bất kỳ giá nào, không còn quan tâm đến truyền thống hay văn hóa nữa".

Nga Thị
.
.
.