Sự thật về cây cầu bị "ma ám"

Thứ Sáu, 03/05/2013, 08:59

Theo như quả quyết của cụ bà Linh hàng nước, đã ngót nghét 10 năm "thâm niên" có lẻ ngay chân cầu Đa Cô thì cánh tài xế đường dài mỗi khi xuất bến, hoặc sắp vào bến xe trung tâm Đà Nẵng là y như rằng phải dừng xe đỗ lại trên cầu, nhang khói thành khẩn trước am Cô. Cũng không ít câu chuyện lạ thường xung quanh cây cầu bị "ma ám" được người dân sống 2 bên cầu thêu dệt, mang làm quà buôn chuyện cho khách thập phương dừng chân ghé lại.

Và suốt một thời gian dài, để đảm bảo ANTT và ATGT tại địa bàn giáp ranh, lực lượng Công an 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh đã phải vất vả, quyết liệt ngăn chặn tình trạng mê tín, tụ tập cúng bái, tự ý lập am miếu thờ bừa bãi của người dân ngay trên cầu. Một đồn mười, mười đồn trăm… Riêng mấy công nhân trẻ ngụ ở lán thi công bờ kè kênh Đa Cô mấy hôm rày cứ nhấp nhổm rỉ tai nhau câu chuyện "gặp cô"…

Những câu chuyện dị kỳ ở cầu Đa Cô

Câu chuyện kỳ dị về cầu Đa Cô mà cánh sinh viên của trường Đại học Sư phạm nằm cách cầu Đa Cô chưa đầy một cây số trên đường Tôn Đức Thắng thường hay nhắc đến nhiều nhất là chuyện về một cô sinh viên khoa Văn, nổi tiếng xinh đẹp người Hòa Vang đang theo học năm thứ 3 của trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Nẵng (nay là trường ĐH Sư phạm - ĐN) đã gieo mình tự vẫn xuống dòng nước đen ngòm phía dưới cầu Đa Cô vào một buổi chiều chạng vạng cuối tháng 3 âm lịch, cách đây  chừng 6-7 năm. Trước lúc quyên sinh, cô sinh viên này cũng không quên để lại một bức thư đầy oán trách cho người tình, và thề nguyền khi cô chết sẽ trở thành oan hồn về báo oán…

Chuyện tìm kiếm, vớt được xác cô sinh viên dưới lòng kênh Đa Cô cũng có nhiều tình tiết ly kỳ, thêu dệt. Nào là do cô sinh viên đó oan hồn còn uất ức nên quyết không ra khỏi lòng kênh mà hóa quỷ. Hay chuyện cánh thợ lặn chuyên nghiệp bấy giờ cũng phải mất đến hơn 2 ngày 2 đêm lặn ngụp lần mò, dùng lưới cào rà sát đáy kênh mới đưa được xác cô lên bờ…

Bấy giờ, cái chết của cô sinh viên và một vài vụ thiếu nữ cũng đã tìm đến cầu Đa Cô để gieo mình quyên sinh vì tình trước đó đã khiến cho cầu Đa Cô "mang tiếng" là cây cầu ma, là cái dớp, điềm gở cho những cô gái chưa chồng, đang yêu mỗi khi phải ngang qua cây cầu này…

Thậm chí rất nhiều người dân mê tín còn truyền nhau câu chuyện ma mị rằng cô sinh viên kể trên rất hay hiện về dưới muôn hình vạn trạng. Cô còn bắt mọi người phải "tử tế" với ma quỷ, nëếu không hàng năm đến kỳ giỗ của cô, cô sẽ về mà kéo xuống dòng Đa Cô thêm một trinh nữ hoặc gây họa cho người dân qua lại trên cầu. Chính vì thế mà những am miếu thờ hai bên cầu lúc nào cũng nghi ngút khói hương…

Mỗi khi chạy ngang qua cầu Đa Cô, những tài xế đường dài vẫn dừng lại hương khói, xin tài lộc tại miếu Cô Ba.

Từ khi dự án xây dựng tuyến kênh hở kênh Đa Cô (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nối với tuyến kênh ở phường Hòa Minh chảy ra sông Phú Lộc được khởi công vào tháng 3 năm 2011 đến nay, cũng có không ít câu chuyện kỳ lạ ở công trường đang thi công công trình bờ kè Đa Cô được cánh công nhân Đội 1 của đơn vị đồn đoán và thuật lại.

Tích cầu Đa Cô và câu chuyện về thiếu nữ bị sát hại trên cầu

Chiều 8/4 vừa qua, chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Nghĩa (84 tuổi), cụ Nghĩa hiện là trưởng ban Hội đồng gia tộc của làng Hòa Mỹ, và cũng là người sống lâu đời, am tường nhất về cây cầu Đa Cô. Khi nghe tôi đem những câu chuyện lượm lặt, hoang đường và ma mị về cây câu "ma ám" ra hỏi, cụ Nghĩa cứ lắc đầu. Cụ Nghĩa cho biết, cầu Đa Cô có tích từ rất lâu.

Ngay từ thời Minh Mạng thứ 5 (năm 1825), làng Hòa Mỹ thời đó nổi tiếng là thịnh vượng, giàu có. Dân tứ xứ, thập phương muốn đến giao thương, buôn bán trong khu chợ của làng Hòa Mỹ phải đi qua một cây cầu sắt bắc ngang con kênh lớn, hai bên bờ kênh cây cối còn rất hoang sơ và rậm rạp (ngày nay được gọi là kênh Đa Cô cắt ngang qua 2 phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam thuộc quận Liên Chiểu). Trong đám thương lái thập phương tìm đến làng Hòa Mỹ để buôn bán có một người thường được gọi là cô Ba.

Tương truyền cô Ba quê ở Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam làm nghề bán lụa tơ tằm. Ở chợ Hòa Mỹ, cô Ba nức tiếng là một thương lái rất giỏi giang, vừa rất đẹp người, sắc sảo, khéo ăn khéo nói lại chưa chồng. Tuy vậy, cái tài, cái sắc của cô Ba lại vận vào cô một cái tai rất lớn. Cũng do cô giàu, lại có nhan sắc nên từ dạo cô Ba xuất hiện bán lụa ở chợ Hòa Mỹ, dường như cánh lái buôn và cả trai làng Hòa Mỹ chộn rộn hẳn lên.

Thời đó, cũng không ít gã lục lâm thảo khấu dòm ngó, muốn cưỡng đoạt cô Ba về làm vợ… Và rồi vận số của cô Ba cũng chỉ ngắn ngủi và bất trắc sau một buổi chợ chiều, dân làng Hòa Mỹ phát hiện xác của cô, trên người không còn lấy một cắc bạc nào đang vật vờ dưới con kênh đen ngòm của cây cầu sắt mà hằng ngày cô vẫn qua lại.

Thương cho phận nữ tài bạc mệnh, dân làng Hòa Mỹ đã đem xác cô chôn ngay chân cầu sắt, đồng thời lập cho cô một cái am nhỏ để người qua, kẻ lại động lòng nhang khói. Nghe đâu, dân trong làng Hòa Mỹ còn đồn đại vì cô Ba là gái chưa chồng, lại chết oan nên từ dạo người dân lập am cho cô đến nay, thì cây cầu sắt này cũng trở nên linh thiêng đến lạ.

Thậm chí, cánh thương lái, kẻ đi chợ mỗi khi qua cây cầu này không ai bảo ai đều dừng lại thắp hương, khấn vái cô Ba phù hộ mà mua may bán đắt. Lâu dần thành quen, từ đồn đại về cái miếu cô Ba hiển linh, rồi từ đâu cái tên cầu Cô Ba được dân quanh vùng và cả khách thập phương mặc định cho cây cầu sắt ở làng Hòa Mỹ…

Cụ Nguyễn Nghĩa đang kể về tích Cô Ba cho PV tại cầu Đa Cô.

Trước năm 1975 và nhiều năm về sau, không hiểu vì duyên cớ gì, hay có một sự trùng hợp lạ thường mà hầu hết là những cô gái trẻ mỗi khi có chuyện tình duyên trắc trở lại tìm đến cầu Cô Ba để giải tỏa sự tình. Chính vì vậy, cây cầu được đổi tên thành cầu Đa Cô (tức là nhiều cô gái cùng tự tử chết trên một cây cầu).

Một số cô gái sống sót, khi được hỏi kể lại rằng, ngay chính bản thân các cô cũng chỉ nghe đồn chuyện ai đó mỗi khi gặp trắc trở trong tình cảm lại muốn tìm đến cầu Đa Cô. Cũng có thể vì họ bị ám ảnh rất nhiều khi nghe chuyện về những oan hồn trinh nữ chết vì tình trên cây cầu, nên muốn đến cầu để giải thoát những đau khổ về tình yêu (!?)…

Sự thật về cây cầu ma ám       

Xung quanh cây cầu Đa Cô còn rất nhiều câu chuyện thêu dệt mang màu sắc kỳ bí. Nhiều năm nay, tuy chưa xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc nào, nhưng cầu Đa Cô cũng là một trong những điểm đen về TNGT.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Công Hà, Phó trưởng Công an phường Hòa Minh cho biết, nhiều năm nay do mê tín và đồn thổi nên người dân địa phương và những tài xế lái xe đường dài qua lại trên đoạn QL1A đều tự ý dừng đỗ xe dọc cầu Đa Cô để cúng bái, thắp hương gây ách tắc giao thông.

Thậm chí, một số đối tượng hoạt động mê tín dị đoan, buôn bán hàng xén dọc đường còn tự ý lập am miếu trái phép, dựng chuyện đồn thổi, để trục lợi từ sự cả tin của khách qua đường và các lái xe đường dài.

Nhằm đảm bảo ANTT, ATGT và đẩy đuổi tệ nạn mê tín dị đoan quanh khu vực cầu Đa Cô, lực lượng Công an 2 phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam đã phối hợp thường xuyên tuần tra, vận động người dân tự giác gỡ bỏ và thu gom những am miếu thờ dựng trái phép để tiêu hủy.

Cụ Nguyễn Nghĩa, trưởng ban Hội đồng gia tộc làng Hòa Mỹ cũng cho biết: Câu chuyện oan hồn trên cầu Đa Cô chỉ là chuyện đồn thổi, truyền miệng.  Hội đồng gia tộc của làng Hòa Mỹ cũng thường xuyên cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động con cháu, người dân không nên mê tín, đơm đặt, không lập miếu thờ và đốt hương quá nhiều ở khu vực cầu Đa Cô để giảm thiểu tai nạn và dư luận xấu đối với xã hội.

Cụ Nguyễn Nghĩa còn cho biết thêm, từ khi thành phố có chủ trương xây dựng dự án khu dân cư mở rộng và xây bờ kè dọc kênh Đa Cô thì một số mồ mả vô chủ và kể cả mả Cô Ba chôn ngay gần chân cầu Đa Cô cũng đã được di dời.

Đồng thời Ban quản lý công trình bờ kè kênh Đa Cô cũng đã tiến hành tháo dỡ những am miếu thờ, và san lấp mặt bằng tạo cảnh quang mới thoáng, rộng cho môi trường quanh cầu Đa Cô. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng mê tín, một số người dân và lái xe vẫn lui tới, cúng bái và xây một am miếu mới ngay trên nền miếu Cô Ba cũ.

Có thể thấy rằng, người dân vẫn nhang khói để nhớ về tích xưa không phải là một việc làm xấu. Tuy nhiên, để lợi dụng thêu dệt những câu chuyện hoang đường, kỳ bí xung quanh cây cầu Đa Cô là việc làm đáng lên án và chính quyền địa phương cần cương quyết nhanh chóng dẹp bỏ…

Cầu Đa Cô có chiều rộng 9m, dài 33m, nằm trên QL 1A là điểm tiếp nối giữa 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Những năm gần đây, sau khi được tu sửa, cầu Đa Cô hiện có cung đường rất rộng, đẹp, thoáng đạt và tiện lợi để tham gia giao thông. Nhưng cây cầu lại thường xuyên có người nhảy cầu tự tử và là điểm đen tai nạn giao thông.

Hoài Thu
.
.
.