Sự thật về thiết bị siêu tiết kiệm điện bán tràn lan trên mạng

Chủ Nhật, 23/06/2019, 18:59
Cứ đến mùa nắng nóng kéo dài, tiết kiệm điện lại trở thành chủ đề rất nhiều người quan tâm. Nắm được nhu cầu của người dân trên thị trường, gần đây xuất hiện rất nhiều thiết bị tiết kiệm điện được giới thiệu để câu khách. Đặc biệt các sản phẩm này được quảng cáo có thể “siêu giảm” tới 50% lượng điện tiêu thụ.


Quá nhiều chủng loại và quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện

Chẳng khó khăn gì để sở hữu một thiết bị tiết kiệm điện, người mua chỉ cần vào bất kỳ một trang web nào rao bán thiết bị tiết kiệm như khuyenmai…com, sanphamch…info. Sau đó, người mua để lại thông tin như số điện thoại, tên tuổi và địa chỉ, vài phút sau sẽ có nhân viên bán hàng liên lạc lại.

Để mua thử một sản phẩm, chúng tôi có để số điện thoại trên một trang web, khoảng 10 phút sau thì nhận được một cuộc điện từ một số máy bàn có đầu số Hà Nội xác nhận đã đặt mua hàng. Nhân viên này cho hay, thiết bị này có giá khoảng 300.000 đồng và sẽ được giao hàng trong 3 ngày. Hình thức thanh toán tuỳ theo lựa chọn của khách, có thể nhận hàng trả tiền hoặc chuyển khoản trước khi nhận hàng.

Một sản phẩm tiết kiệm điện được rao bán rất nhiều trên mạng Internet.

Tiếp tục tìm một trang mạng xã hội rao báo thiết bị tiết kiệm điện, chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để mở đại lý bán và gặp giao dịch trực tiếp tại công ty. Nhân viên bán hàng cho hay, báo số lượng sẽ giao hàng trực tiếp chứ không gặp tại công ty.

“Giá chuẩn bên em bán là 690.000 đồng, nếu mua số lượng lớn sẽ giảm giá còn 400.000 đồng cho một thiết bị. Đây là sản phẩm được công ty phân phối độc quyền, chứ không có đại lý bán lẻ trên thị trường” – nhân viên cho hay.

Theo quan sát của phóng viên, các trang web, mạng xã hội đăng tải những lời quảng cáo, hình ảnh hết sức hấp dẫn. Không những vậy họ còn làm cả những clip để chứng minh thiết bị đó tiết kiệm điện là có thật.

Thậm chí nhiều người bán còn “vẽ” hẳn ra một viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thiết bị điện…họ cho rằng, sản phẩm tiết kiệm điện này là thành quả của rất nhiều các kỹ sư, và mất rất nhiều thời gian. Chính vì những lời quảng cáo “có cánh” mà các trang bán sản phẩm này thu hút được rất nhiều lượt “like”, theo dõi và rất nhiều comment đặt hàng.

Tuy nhiên trên trang mạng xã hội có tên “Tiết kiệm điện gia đình”, có không ít những comment của khách hàng phản hồi về tác dụng của sản phẩm này (tất nhiên là những bình luận mới, chủ trang chưa kịp xoá).

Một tài khoản có tên Văn Thắng có phản hồi: “Sản phẩm được đóng gói trong một hộp giấy kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng in toàn bằng tiếng Anh nhưng không hề có mã vạch, nguồn gốc xuất xứ hay địa chỉ công ty phân phối. Chúng tôi mua về thấy không có tác dụng, không đảm bảo như quảng cáo cũng chỉ biết im lặng vì không biết đổi trả ở đâu”.

Một sản phẩm khác khi chúng tôi mua với giá 300.000 đồng thì được kèm theo một tờ giấy hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cho thấy hiệu quả của sản phẩm có thể giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ đến 28.000W. Sản phẩm này có kèm theo một giấy bảo hành 6 tháng tại Công ty đầu tư công nghệ ĐS.

Trên hai giấy giới thiệu nguyên lý hoạt động của cả hai sản phẩm đều vẽ một đồ thị thể hiện nguyên lý hoạt động giống hệt nhau, như được in ra từ một nguồn và không thể hiện rõ bất kỳ một đại lượng nào.

Anh Xuân Tiến đã làm clip bóc mẽ sản phẩm lừa dối khách hàng, sau đó đăng lên Youtube để cảnh báo người tiêu dùng.

Các thiết bị này đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có một hoặc hai đèn báo. Ngoài vỏ hộp chỉ ghi đơn giản: "Electric saving box", "Hộp tiết kiệm điện thông minh"... Người bán cho biết chỉ cần cắm vào nguồn điện trong nhà là đã có thể sử dụng. Bên cạnh hạn chế năng lượng tiêu hao, chúng còn được "tung hô" là có thể kéo dài tuổi thọ, làm giảm bức xạ điện từ có hại thoát ra từ dây cáp và thiết bị điện.

Khách hàng bị lừa

Cũng chỉ vì muốn tiết kiệm điện cho gia đình, lại tin theo lời quảng cáo “có cánh” trên mạng mà nhiều người đã bỏ tiền mua 1 thiết bị điện không có tác dụng như mong muốn.

Anh Minh Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã tin lời quảng cáo trên mạng đã mua 1 thiết bị tiết kiệm điện với giá 400.000 đồng. Họ nói là có thể tiết kiệm tới 40% tiền điện, dù hơi nghi ngờ nhưng vẫn mua về thử. Cũng chỉ hy vọng tiết kiệm được phần nào tiền điện cho gia đình thôi”.

Khi mua thiết bị đặc biệt này, anh Long cắm thử vào ổ điện để kiểm tra công dụng của chúng. Sau 1 giờ thử với các thiết bị thì anh nhận thấy đồng hồ công tơ điện nhà mình vẫn quay đủ số vòng như mọi khi. Lúc đó anh mới nghi ngờ và tháo tung thiết bị này xem bên trong có những gì.

Thiết bị được quảng cáo “tiết kiệm điện” giá rẻ chỉ là một bảng mạch đơn giản. Khi cắm điện, đèn báo sáng lên. Khi mang đi hỏi nhân viên kỹ thuật điện quản lý khu vực nhà mình, anh Long được nhân viên này cho biết, các mạch điện này chỉ có tác dụng thắp sáng đèn LED bên trong.

Có nhiều người bức xúc vì bị lừa đảo, mua thiết bị tiết kiệm điện không đúng như quảng cáo đã làm cả clip vạch mặt sản phẩm, sau đó tung lên Youtube để cảnh báo. Nhưng trường hợp của anh Trần Xuân Tiến (huyện Ea Sup - Đắk Lắk) mới đây đã đăng tải clip khá dài để bóc mẽ thiết bị tiết kiệm điện dởm.

Tên sản phẩm mà anh Tiến mua là “Power Electric saving box”, được mua với giá 300 nghìn đồng. Anh Tiến chia sẻ: “Thực ra tôi biết thừa đó là thiết bị vớ vẩn, không hề có tác dụng tiết kiệm điện như quảng cáo. Tôi đã mua thiết bị này về để nhằm mục đích làm thí nghiệm, bóc mẽ để mọi người được biết. Tôi đã làm clip sau đó đăng lên Youtube và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hy vọng qua clip của tôi nhiều người sẽ không bị lừa đảo, mất tiền oan”.

Bên trong của hộp tiết kiệm điện chỉ là 1 bảng mạch đơn giản và 2 chiếc đèn LED.

Theo anh Lê Văn Thắng, người đã từng buôn bán sản phẩm tiết kiệm điện (Lục Ngạn, Bắc Giang) thì mặt hàng này chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc, không được kiểm tra về chất lượng và nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. “Tôi nói thật là mua cái này ở trên Lạng Sơn rất nhiều…

Tôi cũng không biết nó có tác dụng gì nữa, thấy họ bảo bán được thì bán thôi. Thực tế mặt hàng này trước tôi cũng từng buôn, giá gốc chỉ khoảng vài chục nghìn thôi, về bán 300- 500 nghìn đồng. Sau này thấy bán được, rất nhiều người đã nhập về sau đó làm một fanpage, thậm chí thiết kế cả 1 trang web để bán. Những ngày đầu, mặt hàng này bán rất chạy, có ngày tôi bán được cả trăm cái… Rồi sau khoảng 5 tháng nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách, trang bán hàng cũng dần thưa khách nên tôi đã chán và chuyển sang mua bán, kinh doanh mặt hàng khác” – Anh Thắng chia sẻ.

Anh Trần Bình, một nhân viên làm trong một công ty chuyên xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho hay: “Chúng tôi không lạ gì mặt hàng này, chúng được sản xuất nhiều tại Trung Quốc, Đài Loan. Ở bên đó, giá của một sản phẩm dao động từ 9 -11 tệ (tương đương 1,31 đến 1,59 USD). Như vậy về đến Việt Nam, nếu đánh thuế cũng lên tới khoảng 50.000 – 60.000 đồng/sản phẩm. Chưa biết có tiết kiệm được điện hay không nhưng với giá bán từ ba trăm nghìn đồng cho tới 4 triệu đồng/sản phẩm, người tiêu dùng đang bị móc túi rất nhiều”.

Giải thích về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Quang, chuyên gia Điện tử cho rằng, không thể có một thiết bị tiết kiệm điện được 40 -50% điện năng. Dựa trên định luật bảo toàn năng lượng, về cơ bản máy móc sẽ tiêu thụ một lượng điện năng nhất định khi hoạt động và điện năng đầu vào thế nào sẽ quyết định hiệu suất đầu ra như thế. Nói dễ hiểu, một cỗ máy không thể hạn chế về năng lượng đầu vào mà vẫn đảm bảo hiệu suất đầu ra.

Chẳng hạn, bạn không thể dùng một chiếc bếp điện công suất 1.000W, sau đó can thiệp bằng cách cắm thiết bị tiết kiệm điện để nó chạy 500 - 700W nhưng vẫn cho hiệu quả như 1.000W được. Điều này hết sức vô lý. “Các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ hoạt động dựa trên nguyên lý bù lại công suất phản kháng, khử nhiễu, từ đó giúp giảm năng lượng tiêu hao vô ích mà thiết bị tiêu thụ điện phát ra.

Tuy nhiên, từ đó giúp giảm năng lượng hiệu quả nhất, chúng ta chỉ giúp giảm khoảng 1 -2% điện năng tiêu thụ, không thể lên đến 40 -50% như quảng cáo. Còn với những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED. Theo tôi, các sản phẩm đó không chỉ không tiết kiệm điện mà còn có nguy cơ độc hại do tiếp xúc với vỏ nhựa chất lượng kém, thậm chí còn cháy nổ”.

Gần đây các chuyên gia ngành điện liên tục đăng đàn khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào các sản phẩm tiết kiệm điện đến 40 – 50%. Cách tiết kiệm điện hiệu quả nhất chính là thói quen sử dụng, dùng các loại máy móc tiêu thụ điện năng hợp lý, tắt chúng nếu không cần thiết, chọn mua sản phẩm công nghệ tiết kiệm nặng lượng, dùng đèn LED thay cho đèn sợi đốt.

Phong Anh
.
.
.