Sư tử đá ngoại lai “xâm lăng” chốn linh thiêng

Thứ Sáu, 03/10/2014, 09:30
Những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, những giá trị lịch sử của các di tích trên khắp mọi miền đất nước đang đứng trước sự xâm lăng của những linh vật lạ - đó là sư tử đá ngoại lai. Trách nhiệm trước hết là của ngành văn hóa, của Ban quản lý các di tích. Và, của những người nhận thức chưa đúng, chưa sâu về văn hóa. Cung tiến không chỉ đơn thuần là vật chất mà trước hết cần phải là cái gốc của văn hóa.

Thích phô trương

Sau những ý kiến cho rằng những linh vật sư tử đá mang "cốt cách văn hóa ngoại lai" đặt tại các cổng đình chùa, công sở là không phù hợp với văn hóa Việt, ngày 8/8/2014 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã có công văn số 2662/BVHTTDL - MTNATL gửi các Ban, Bộ, Ngành, Sở VHTTDL các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Khoảng hơn 10 năm nay, những hiện vật, mẫu linh vật lạ du nhập ồ ạt vào các di tích lịch sử, công sở. Theo thống kê những linh vật lạ (sư tử đá) được đưa vào các đình chùa, miếu mạo chủ yếu là đồ cung tiến. Đã có thời gian việc cung tiến sư tử đá đã trở thành mốt của những "đại gia" lắm tiền nhiều của. Có thể những người cung tiến ấy chỉ xuất phát từ cái tâm, sự thành kính nhưng nó lại được coi là "lệch chuẩn văn hóa Việt".

Nguồn gốc của sư tử đá thực chất là từ những đơn đặt hàng của người ngoài với những cơ sở, làng nghề chế tác trong nước (Ninh Bình, Đà Nẵng). Khi hoàn thành, các lô hàng trong đó có sư tử đá được xuất đi. Lúc đó mẫu của những sản phẩm có sẵn, các cơ sở này lại tiếp tục sản xuất và bày bán ở trong nước. Với tâm lý "sính ngoại", ưa hình thức, thích phô trương các mẫu sư tử có nguồn gốc từ nước ngoài này được "rước" vào đình chùa.

Người dân làng nghề Ninh Vân cần gạt bỏ tư duy "ông đặt hàng gì tôi làm nấy" mới có thể bỏ được linh vật ngoại lai.

Sư tử đá ngoại lai có đặc điểm như đầu to, ngực nở, móng vuốt sắc, phô trương uy lực, sức mạnh. Còn sư tử đời Lý của Việt Nam lại mang yếu tố hoa mỹ, bờm ép sát cơ thể, đuôi mềm mại uyển chuyển…Những lich vật như sư tử, tì hiu, nghê, sấu đá… của ta chủ mang những nét hiền hòa, gần gũi và hết sức thân thiện với người xem.

Điều đặc biệt hơn nữa, những linh vật ngoại lai này thường được đặt ở những di tích lịch sử lớn chứ ít thấy tại những di tích làng xã, thôn xóm. Đơn giản vì những người "có tiền" muốn đặt đồ cung tiến của mình ở những nơi có tiếng là linh thiêng. Ví dụ như địa bàn Hà Nội, các cơ quan quản lý đã kiên quyết đưa cặp sư tử đá ra khỏi di tích chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng, hay Đền Đô (Bắc Ninh)…

Đình chùa, miếu mạo là nơi thờ cúng tôn nghiêm nhưng cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thế nhưng nơi mà tưởng chừng rất đỗi gần gũi ấy lại trở nên lạ lẫm với những linh vật lạ. Khủng khiếp hơn nữa dưới những linh vật lạ đều được gắn mác tên tuổi của những người cung tiến, rồi hương khói nghi ngút. Chắc hẳn chủ nhân của những linh vật đó phải tự hào lắm, sung sướng lắm. Thế chẳng phải văn hóa cung tiến đã làm xấu đi, mờ đi văn hóa của người Việt.

Tượng nghê đá thuần Việt thế kỷ 17.

Thực chất hiện tượng này không còn mới mẻ, thế nhưng bây giờ người ta mới nhận ra, mới cấm đoán. Căn nguyên cũng chỉ là sự thiếu hiểu biết về văn hóa của những người cung tiến và cả những người có trách nhiệm bảo vệ, trông coi di tích.

Rõ ràng những di tích mang tầm cỡ quốc gia, tuyệt đối không được thêm bớt bất cứ thứ gì. Vậy mà chỉ cần "thí chủ có tâm" là nhận, mở cửa đón sư tử đá ngoại lai vào. Từ trước tới giờ không chỉ tồn tại câu chuyện của "sư tử đá" mà còn rất nhiều những thứ khác như đá phong thủy, bát hương…

Sự thiếu hiểu biết văn hóa và sự "ẩu" trong ứng xử với di tích là bệnh lan tỏa khắp nơi, khắp mọi miền. Minh chứng rõ ràng nhất là ngôi chùa Trăm Gian có niên đại cả nghìn năm thì sau khi trùng tu nó chỉ còn có 1 năm tuổi. Rồi thành Luy Lâu cũng bị nhiều hộ dân san phẳng, họ làm nhà, cấy lúa, thậm chí có cả "sổ đỏ" ngay trong khu vực di tích.

Cần chung tay từ bỏ

Làng Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình vẫn được coi là cái nôi của những sản phẩm từ đá. Mặc dù đã có khuyến cáo từ Bộ VHTT &DL không sử dụng, sản xuất, cung tiến sản phẩm, linh vật ngoại lai nhưng có vẻ ở người dân ở đây chẳng mấy quan tâm. Hầu hết các cơ sở đều đặt cho mình những cặp sư tử đá dữ tợn nhằm quảng cáo.

Anh Nguyễn Đình Quang, một thợ chế tác đá chia sẻ: "Chúng tôi có biết gì về chuyện cấm đoán đâu. Vẫn có đơn đặt hàng chúng tôi vẫn làm bình thường. Mẫu sư tử đá được rất nhiều ưa chuộng, nhiều xưởng thì đó là sản phẩm chủ yếu".

Anh Phan Mạnh Bình, một trong những chủ xưởng lớn nhất tại Ninh Vân cho biết, cũng đã nghe về khuyến cáo này tuy nhiên cho đến hôm nay người đến đặt làm sư tử đá kiểu dáng nước ngoài vẫn không hề giảm. Đối tượng khách hàng khá đa dạng, người thì mua về đặt tại sân vườn gia đình, người thì đặt tại nhà thờ họ chủ yếu đặt cho hợp phong thủy. Các con nhang đệ tử cũng đến đặt khá nhiều với mục đích cung tiến.

"Tháng trước có một ông nói là giám đốc của một công ty bất động sản, ông ấy đặt 1 cặp sư tử đá khá lớn, giá lên tới 50 triệu. Ông ấy bảo con nhà ông ấy đang đội bát nhang tại một ngôi chùa có tiếng nên ông ấy muốn cung tiến vào chùa đôi sư tử. Trước là để lấy lộc, sau là để mọi người biết đến mình", anh Bình tâm sự.

Mẫu linh vật thuần Việt

Rõ ràng với phần đa những người làng nghề Ninh Vân cái họ quan tâm chính vẫn là sản phẩm bán ra được bao nhiêu? Chứ họ không quan tâm đến việc bán ở đâu? Sản phẩm đó dùng để làm gì? Với văn hóa truyền thống đúng sai thế nào. Tuy vậy khi những khuyến cáo của Bộ VHTT&DL có tác dụng chắc chắn thị trường sư tử đá ngoại lai tại làng nghề này bị ảnh hưởng, thu hẹp.

Có lẽ đây mới là điều mà người Ninh Vân quan tâm. Đã có rất nhiều lời khuyên rằng, người Ninh Vân nên chuyển từ việc sản xuất những linh vật ngoại lai sang những linh vật thuần Việt. Tuy nhiên những người ở đây lại cho rằng, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng.

Anh Long, một chủ xưởng chế tác đá tâm sự: "Làm kiểu mẫu gì chúng tôi cũng có thể làm được. Sản phẩm chúng tôi làm là do nhu cầu của thị trường, khách thích gì thì làm nấy. Chẳng lẽ người ta đến đặt hàng lại khuyên người ta không nên, phải làm kiểu này kiểu kia mới hợp văn hóa? Cái này phải do nhận thức của khách thôi".

Quả thực, nếu người mua nhận thức được giá trị của các mẫu sư tử đá thuần Việt thì chẳng còn gì để bàn. Lúc ấy chắc chắn những mẫu sư tử đá ngoại lai, dữ tợn kia sẽ tự đào thải. Tuy nhiên cũng phải nhắc đến vai trò của tác giả tạo ra nó, họ cũng cần chung tay từ bỏ những kiểu đơn đặt hàng "thích gì làm ý". Chính quyền địa phương, các nhà làm văn hóa cần định hướng cho các nghệ nhân, chủ sản xuất tạo ra những sản phẩm phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chia sẻ trong cuộc họp thông báo thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm 2014:

 Bộ không thể áp đặt việc chuyển những hiện vật này đi đâu đối với những người cung tiến hiện vật bởi đó là quyền cá nhân của họ. Tuy nhiên Bộ cũng khuyến cáo không chuyển các hiện vật lạ đó từ di tích này sang di tích khác và những nơi công cộng để tránh tình trạng linh vật ngoại lai "chạy lòng vòng" quanh các di tích. Bộ cũng sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng khác để di dời hiện vật lạ. Chúng tôi cũng đề nghị Cục di sản nghiên cứu kỹ các phương án giải quyết.

Đến tháng 12 Âm lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng loạt ra quân rà soát, kiên quyết di dời những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai này khỏi các di tích. Mục tiêu đặt ra là đến Tết Nguyên đán, các nơi thờ tự thể hiện đầy đủ giá trị của văn hoá thuần Việt.

PGS.TS Bùi Quang Thắng, Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật nước ngoài - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với báo chí:

Rất ủng hộ sự vào cuộc của Bộ VHTT&DL, đây là việc làm hoàn toàn đúng. Đáng ra cần phải quan tâm vấn đề này sớm hơn.

Sư tử, tỳ hưu mới xuất hiện gần đây do một số nhân vật cung tiến cho các di tích văn hóa, cũng do không am hiểu nên mới sử dụng linh vật ngoại lai. Nó dẫn đến việc không phù hợp với tín người của người Việt Nam.

Bên cạnh việc thông báo, quyết định loại bỏ thì Bộ VHTT&DL cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết thì người dân mới hiểu, muốn vậy Cục di sản phải có biểu trưng về di tích.

Căn nguyên của việc này có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kinh tế. Giả dụ, như đối với làng quê, nếu con cháu làm ăn phát đạt lên, họ có khả năng mua đồ để cung tiến, với suy nghĩ thiển cận, khi mua sắm nhiều đồ càng to, càng đẹp thì sẽ được phù hộ độ trì nhiều hơn. Hiện nay, hầu như là các nhà doanh nghiệp họ nhận thức đơn thuần chỉ cần hình thức chứ không hiểu ý nghĩa văn hóa của hiện vật. Họ cứ đưa vào để làm sao cho các con sư tử án ngữ không gian thể hiện sự oai vệ của doanh nghiệp, tạo sự chú ý, chứ không hiểu hết được ý nghĩa của linh vật.

Phong Anh
.
.
.