Sự ưu ái khó hiểu

Thứ Sáu, 15/05/2020, 16:04
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Theo đó, Bộ GTVT cho rằng trước khi có dịch, 45 dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Nguyên nhân, do các trạm BOT thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện, lưu lượng xe qua trạm ở một số tuyến thấp hơn dự báo. Đặc biệt chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để cố gắng trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Cạnh đó, các ngân hàng cũng có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT này...

Từ khi có dịch COVID-19, lưu lượng phương tiện giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT, cho thấy đến hết ngày 22/4, có 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo. Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án hỗ trợ các dự án BOT. Cụ thể:

Phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Tuy nhiên, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí kế hoạch vốn; Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng. "Trong đó hai phương án trên, Bộ GTVT ưu tiên phương án 1 vì không phải bố trí ngân sách nhà nước…", Bộ GTVT cho hay.

Cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch COVID-19.

Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT kiến nghị Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu dự kiến trong phương án tài chính của hợp đồng. Giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Về lâu dài, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ các tuyến đường tỉnh hiện hữu để tránh ảnh hưởng đến doanh thu các trạm thu phí.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, các doanh nghiệp và người dân đã lên tiếng phản đối bởi cho rằng đó là sự ưu ái đến kỳ quặc của cơ quan quản lý nhà nước với một nhóm doanh nghiệp. Cần phải nhắc lại rằng dịch COVID-19 khiến tất cả các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, vận tải chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp BOT giao thông. Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, phí cầu đường hiện chiếm 15% - 20% giá cước, trong khi đó sản lượng khai thác phương tiện chỉ đạt 30- 50% so với trước khi có dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp vận tải hiện nay hết sức khó khăn, nên nói như một chủ doanh nghiệp vận tải thì việc tăng phí theo lộ trình theo hợp đồng đã ký giữa Bộ GTVT và DN BOT đúng quy định, nhưng thời điểm tất cả DN đang thoi thóp do dịch bệnh, thì đề xuất tăng phí BOT rất phản cảm. "DN vận tải chỉ mong Bộ GTVT, các DN BOT chia sẻ thêm khó khăn, vì chúng tôi khôi phục lại được kinh doanh thì BOT mới có thu".

Lâu nay, chuyện thu phí BOT giao thông luôn là vấn đề gây bức xúc dư luận khi người dân cho rằng Bộ GTVT đã ưu ái cho các doanh nghiệp BOT trong việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Vì vậy, với đề xuất này, dư luận càng bức xúc bởi trong khi các doanh nghiệp khác đang phải chật vật vượt qua khó khăn thì Bộ GTVT lại tìm cách cứu doanh nghiệp BOT bằng cách đổ cái khó cho doanh nghiệp và người dân.

Thực tế, tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước, tác động liên đới đến toàn xã hội. Nghĩa là đến tận cùng thì người dân sẽ là người phải chi tiền. Trong khi Chính phủ đang phải hàng chục ngàn tỷ đồng hỗ trợ đời sống cho người dân có mức thu nhập thấp; hoãn, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch bệnh thì rõ ràng đề xuất tăng phí BOT vì dịch COVID-19 là không phù hợp, nếu không muốn nói là sự ưu ái đến kỳ quặc.

Tân Lương
.
.
.