Sữa non làm trắng da: Thần dược hay độc dược?

Thứ Tư, 20/08/2014, 08:00

Thời gian gần đây người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ đang truyền tay nhau sản phẩm sữa non tắm trắng, rẻ, hiệu quả lại an toàn cho da. Với những lời quảng cáo có cánh như: Sản phẩm nhập ngoại từ Pháp và Mỹ, sử dụng an toàn lại hiệu quả; hay chỉ với vài chục nghìn đồng bạn đã trở thành hot girl… Tuy vậy thực tế đã có rất nhiều người phải ngậm trái đắng sau khi sử dụng sản phẩm trôi nổi này.

Biến thành hotgirl chỉ trong một tuần dùng sữa non?

Với những lời quảng cáo hấp dẫn về loại sản phẩm sữa non trên các trang mạng, các diễn đàn thì quả thực khó có chị em nào cưỡng lại được. Nào là sản phẩm 100% ngoại nhập, có xuất xứ từ các nước Pháp, Đức, Thái Lan… Với thành phần tự nhiên, sữa non cô đặc giúp nuôi dưỡng da sâu vào từng tế bào. Có tác dụng kích trắng trong vòng một tuần. Sản phẩm an toàn, không gây kích ứng cho da nên có thể dùng cho da em bé hoặc ăn trực tiếp. Có lẽ chính những lời quảng cáo ấy đã khiến mặt hàng này trở nên sốt trong vài tháng trở lại đây.

Đã là phụ nữ, hầu hết ai cũng muốn mình được sở hữu một làn da trắng nõn, mịn màng như da em bé. Thế nên việc ra đời sản phẩm sữa non "biến da đen thành da trắng", biến người bình thường thành hotgirl chỉ trong vòng 7 ngày đã trở thành "cứu cánh" cho nhu cầu làm đẹp của nhiều chị em. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Diệp thì việc tắm trắng bằng sữa non sẽ khiến da bong tróc, lột tẩy. Bên cạnh đó, sữa non không có tác dụng chống nắng, chống lại các tia UVA-UVB, mà ngược lại, khi da bong tróc nhẹ sẽ khiến da bạn yếu đi.

Sản phẩm sau khi được đóng nhãn mác.

Vào vai là những người đi mua hàng về bán cho sinh viên, chúng tôi đã được một chủ cửa hàng tư vấn: "Nếu em bán cho sinh viên thì chỉ lấy hàng rẻ rẻ thôi nhưng nói thật là không đảm bảo chất lượng đâu, nếu bán em sẽ mất khách. Sinh viên bây giờ chúng nó tinh lắm, biết hết đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái đấy nên em phải cẩn thận. Hàng nhái thì chỉ 18-20 nghìn đồng một lọ thôi. Một dãy này là toàn hàng nhái, thực ra là hàng thối, hỏng. Trước chị gần như độc quyền vì chị bán mặt hàng này mấy năm rồi, nhiều spa đến lấy hàng của chị lắm. Nhưng chả hiểu sao mấy tháng gần đây tự nhiên rộ lên, nhiều cửa hàng mới mở nó phá giá của chị". Khi chúng tôi thắc mắc là không hiểu sữa non nhập ở đâu về mà nhiều thế thì chị này hồn nhiên trả lời: "Làm gì có sữa non nào, chúng nó tự pha chế đấy. Có đủ các loại mùi, mùi dâu, mùi sôcôla, mùi dưa gang… Em thích đặt mùi gì nó pha mùi đấy".

Người bán giới thiệu sản phẩm cho người mua.

Nếm trái đắng vì chất lượng không như quảng cáo

Theo khảo sát của chúng tôi thì rất nhiều phụ nữ sử dụng sản phẩm sữa non kích trắng chủ yếu tin theo những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng. Hơn nữa, những sản phẩm này lại có giá thành rất rẻ, vì vậy có nhiều chị em mang tâm lý "dùng thử". Tuy vậy chẳng ai đặt ra câu hỏi: Với giá chỉ vài chục nghìn/đồng sản phẩm như vậy liệu có đảm chất lượng hay không? Nguồn gốc xuất xứ như thế nào?

Sữa non kích trắng da thực sự "làm mưa làm gió" trên thị trường Việt Nam sau khi kem lột trắng da giá rẻ không rõ nguồn gốc bị lật tẩy. Các sản phẩm sữa non kích trắng da được quảng cáo chủ yếu là hàng xách tay từ Pháp, Đức, Thái Lan, thành phần 100% là sữa non cô đặc. Theo như lời quảng cáo thì sản phẩm sữa non này có tác dụng làm giảm melamin, đồng thời bổ sung vitamin, acid amin. Điều đặc biệt hơn, sản phẩm này còn đạt đến mức an toàn là có thể dùng cho em bé ăn hằng ngày.

Mặc dù đã khỏi sau khi đi điều trị tại Bệnh viện Da Liễu nhưng chị Cẩm Tú (Quang Trung, Hà Đông) vẫn chưa hết bức xúc vì dính phải một vố đau khi tin những lời quảng cáo đường mật trên Facebook. "Cách đây khoảng hơn 1 tháng tôi có mua 1 chai sữa non cô đặc trên Facebook về nhà dùng thử. Mới đầu nghe quảng cáo rất hoành tráng như: Sản phẩm nhập ngoại, đã được kiểm định chất lượng của Bộ Y tế. Rồi họ tung hàng loạt ảnh các cô gái xinh xắn lên. Thấy nó rẻ lại quảng cáo hay, tôi cũng tò mò. Không ngờ sau khoảng 4 lần bôi lên mặt thì da mặt tôi bắt đầu đỏ và sưng tấy. Khoảng 1 tuần sau thì lớp da ở ngoài cứ thế bong tróc ra. Hoảng quá, tôi phải đến bệnh viện điều trị. Đúng là lừa đảo trên tính mạng của người khác" - Chị Tú bức xúc.

Sản phẩm mới pha chế xong chưa được dán nhãn mác.

Các sản phẩm sữa non cô đặc này đều có hạn sử dụng rất ngắn, đặc biệt là thành phần và xuất xứ không rõ ràng. Thậm chí, những người bán sản phẩm đó cũng rất lơ mơ về hạn sử dụng cũng như xuất xứ. Người bán khi gặp khách chỉ một mực khẳng định đó đều là sản phẩm nhập khẩu và không bắt nắng, không bong tróc, giúp da mềm và mịn. Cũng chỉ vì nghe theo lời tiếp thị ngọt ngào mà chị Dương Thu Trà (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) đã mua sản phẩm và dùng thử. Chị Trà kể: "Tôi là dân công sở, đi làm thấy chị em rỉ tai nhau câu chuyện "hóa thành hotgirl" giá rẻ. Tò mò tôi cũng mua 1 lọ sữa non kích trắng da nhãn hiệu của Pháp về dùng. Tôi dùng được đúng 7 ngày thì da bắt đầu bị bong vảy, vô cùng ngứa ngáy".

Để tìm ra câu hỏi này, PV đã có 1 cuộc thâm nhập vào 2 cơ sở chuyên sản xuất loại "thần dược" đang hot trên thị trường này. Qua giới thiệu, chúng tôi đã đến được cơ sở sản xuất của anh T.V. nằm tại đường Võ An Ninh trong vai là người đi tìm mối hàng. Căn phòng khá nhỏ, ẩm mốc tối tăm được bày la liệt đủ loại chai lọ. Mùi ẩm mốc cùng với mùi hóa chất khiến cho người lạ phải tứa nước miếng. Không một chút nghi ngờ, chủ cơ sở này nói: "Giá mỗi hộp dao động từ 120 đến 125 nghìn đồng. Còn với những loại kém chất lượng hơn (hàng trộn) rẻ hơn thế rất nhiều, chỉ vài chục nghìn bao gồm cả chai đựng và nhãn mác. Nếu mua số lượng lớn sẽ còn giảm giá hơn".

Theo lời một chủ cửa hàng thì khách hàng muốn xuất xứ nước nào sẽ có nhãn mác phù hợp với nước đó.

Tỏ ra chưa ưng ý, chưa thỏa thuận được giá cả chúng tôi lại tìm đến một đại lý khác cùng con phố. Mặc dù cơ sở chỉ một vài người làm nhưng số lượng hàng ở đây khá lớn. Chưa kịp trình bày ý định thì chủ cơ sở đã đon đả: "Đây là nơi cung cấp chủ yếu cho các cơ sở mỹ phẩm trên cả nước. Anh chị cứ yên tâm mà lấy hàng". Chính chủ cở sở tên M.T này đã thừa nhận, tại đây toàn là những sản phẩm tự chế biến. Chính vì thế số lượng không hạn chế với người mua. Đặc biệt nữa nếu khách hàng cần nhãn mác của thương hiệu nào cũng được, cơ sở sẵn sàng in và dán luôn lên sản phẩm. Chủ cơ sở này thật thà: "Những loại sữa non quảng cáo trên thị trường là hàng nhập khẩu nhưng thực tế là hàng tự pha chế. Ở đây bọn em có 2 loại, 1 được đóng bằng chai nhỏ, 1 loại đóng thẳng vào các chai lớn. Có nhiều người mua về  buôn, họ mua chai lớn, sau đó về chế sang chai nhỏ. Họ tự in nhãn mác tùy vào nhu cầu của khách hàng”.

Qua hai cơ sở, chúng tôi nhận thấy thứ dịch màu trắng, đặc quánh này có mùi rất khó chịu. Loại "thần dược" này được đóng vào những chai thủy tinh, lavie khá sơ sài và gần như không được bảo quản đúng tiêu chuẩn của một sản phẩm mỹ phẩm.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết:

Người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường để tránh những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe. Tất cả những sản phẩm, thực phẩm ăn được và bổ dưỡng không phải cứ bôi lên da là ngấm qua da được, da có 1 hàng rào bảo vệ. Nếu muốn ngấm được qua da nó phải có 1 chất dẫn. Những sản phẩm để người ta dùng trên da ở các nước tiên tiến được người ta chiết xuất một số chất ở trong đó, giả sử như sữa non có chất gì tốt với da người ta sẽ chiết xuất ra. Những sản phẩm dùng để làm đẹp mà ko có nguồn gốc thì không nên dùng. Có thể họ quảng cáo có những hoạt chất của sữa dê nhưng thực ra lại là hóa chất gì đó không có nguồn gốc.

Phong Anh
.
.
.