Sức mạnh của yêu thương và đoàn kết

Chủ Nhật, 22/07/2018, 12:04
Tháng 7 vừa qua, có 2 sự kiện được cả thế giới ngóng trông và theo dõi, đó là những trận cầu của World Cup 2018 và cuộc giải cứu đội bóng nhí "Lợn Hoang" bị mắc kẹt trong hang động Tham Luang.


Hiện tại, mọi việc đã tốt đẹp, dư âm về chiến dịch giải cứu kỳ diệu vẫn còn đọng lại trong dư luận thế giới, xoay quanh nó người dân thế giới nhìn thấy nhiều sức mạnh và bài học ở sự việc này. Trên hết đó là sự chung tay, đoàn kết của toàn thế giới, là sự thương yêu, lòng dũng cảm, sự quên mình và công tác tổ chức ứng cứu tuyệt vời của người Thái.

Mạng sống là quý nhất

Ngày 9-7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã gặp các gia đình của các thành viên đội bóng nhí gần khu vực hang động và có một tuyên bố được cả thế giới loan truyền sau đó: “Dù chúng ta có phải chi bao nhiêu tiền, không ai phàn nàn về điều đó. Mạng sống là quan trọng nhất”.

Đáp lại “tuyên ngôn” của ông, lời kêu gọi giải cứu đội bóng được gửi đi khắp nơi và tiếng vọng tình người khẳng khái, quả cảm vọng về từ khắp nơi trên thế giới. Saman, một thợ lặn 38 tuổi, đã rời hải quân nhưng anh đã trở lại để giúp đỡ trong công cuộc giải cứu. Vào hồi 2 giờ ngày 6-7, đang trên đường trở lại trạm chỉ huy sau khi mang đồ tiếp tế cho đội bóng, Saman đã bất tỉnh và phải bỏ mình giữa dòng nước hiểm. Tiếng gọi lương tri đã thôi thúc anh tham gia giải cứu và sẵn sàng hiến dâng cả sinh mệnh mình như thế.

Hay như bác sĩ Harris đang công tác tại MedSTAR, một đơn vị cung cấp dịch vụ cấp cứu thuộc Chính phủ Australia. Ông cũng là một thợ lặn chuyên khám phá hang động với hơn 30 năm kinh nghiệm dày dặn. 

Khi được đề nghị tham gia vào cuộc giải cứu đầy nguy hiểm này, ông Harris đã không chần chừ mà ngay lập tức bỏ dở kỳ nghỉ của mình để bay sang tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hàng ngàn hàng vạn trái tim của mọi người trên thế giới vẫn đang dõi theo những nỗ lực giải cứu của ông và 90 thợ lặn Thái Lan và quốc tế nơi đây.

Mọi người dường như chỉ lo lắng cho sự an toàn của các em và chờ đợi từng cậu bé xuất hiện mà không quá bận tâm tới chi phí giải cứu. Bởi có lẽ họ đều hiểu rằng giá trị mạng sống không thể đo đếm bằng tiền. Chính sự trân quý mạng sống đã cho người ta thêm động lực, vượt qua mỗi gian lao và sự ích kỷ, vượt qua rào cản về ngôn ngữ, quốc gia, dân tộc hay tôn giáo, để cùng chung tay giải cứu đội “Lợn Hoang”.

Chính vì trân quý mạng sống hơn hết, nên các hộ dân xung quanh hang Tham Luang có hoa màu bị thiệt hại vì chiến dịch giải cứu đội Lợn Hoang khẳng khái không nhận đền bù thiệt hại của chính phủ. 

Từ đó có thể thấy rằng ở Thái Lan, từ thường dân cho tới các vị chức sắc đều vô cùng quý trọng mạng sống. Đây là kết quả của việc tin tưởng và thực hành theo các đức tin tôn giáo, mà đặc biệt là Phật giáo. Những tín ngưỡng chân chính đã tạo nên những người tốt và sẵn sàng xả thân vì người khác trong xã hội. Sức mạnh tinh thần vô hình đó đã gắn kết người dân Thái Lan và những nhà hảo tâm trên thế giới lại với nhau khiến tình người tỏa sáng nơi hang sâu.

Hành trình “vượt hang” kỳ diệu

Hành trình giải cứu 12 chú "lợn hoang" và một huấn luyện viên đã khiến nhiều người hiểu được rõ nhất sức mạnh của sự đoàn kết. Trong cuộc giải cứu này đã có 7 nước gồm: Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Lào cử các chuyên gia đầy kinh nghiệm tới trợ giúp Thái Lan, khiến số người tham gia chiến dịch giải cứu lên tới hơn 1.000 người. Nỗ lực này cho thấy thế giới vào một thời điểm nào đó hoàn toàn có thể hợp tác tích cực vì một mục tiêu chung.

Và hành trình giải cứu trong hang Tham Luang không có sự phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính, cũng không có sự nghi ngờ về chuyên môn của nhau. Dù vẫn còn rào cản ngôn ngữ, nhưng đội cứu hộ đã làm việc một cách đoàn kết và đầy tình người để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đưa các thiếu niên mắc kẹt trở về với bố mẹ. Báo chí và người dân Thái Lan cho rằng chiến dịch giải cứu sẽ không thành công nếu thiếu sự hợp tác từ các quốc gia khác nhau.

Chỉ huy chiến dịch giải cứu, Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn, cho biết chiến dịch giải cứu là bài học về sự yêu thương: “Tôi muốn nhìn thế giới yêu thương nhau. Tôi muốn thấy người dân Thái Lan yêu thương nhau như những gì chúng ta đã thấy trong chiến dịch giải cứu này”. 

Quả thật nếu không có sự đoàn kết yêu thương và sự hy sinh ngay từ đầu có lẽ các cầu thủ nhí của đội bóng “Lợn Hoang” đã không thể trụ lại được lâu đến như thế để chờ được ứng cứu.

Các em cùng với huấn luyện viên của mình bị mắc kẹt trong vòng 18 ngày và phải đối mặt với nhiều thách thức hiểm nguy. Đầu tiên, họ phải đối mặt với vấn đề sống còn đó là thức ăn và nước uống. 

Được biết, khi đi vào cả đội đã không mang theo bất cứ thứ gì vì họ không thể ngờ được rằng tất cả đều bị mắc kẹt. Nhưng nhờ sức mạnh của sự đoàn kết, yêu thương nhau cùng sự củng cố tinh thần, niềm tin cho các em từ bộ môn thiền của huấn luyện viên Ekapol nên tinh thần của toàn đội rất tốt.

Chính bộ môn thiền đã giúp những đứa trẻ hiểu rằng hạn chế đi lại, nói năng sẽ giúp các em tiết kiệm năng lượng. Và bằng sự bình tĩnh, từ hòa của mình, Ekapol đã giúp những đứa trẻ cảm nhận được điều quan trọng nhất: Chỉ có tin tưởng và nương tựa vào nhau, họ mới có thể cùng trở về để nhìn thấy ánh mặt trời.

Có lẽ nếu chỉ có sự đoàn kết yêu thương thôi thì vẫn chưa đủ, chưa thể làm nên một cuộc “vượt hang” kỳ diệu đến như thế. Cuộc “vượt hang” thành công của các em còn phải kể đến lòng dũng cảm, sự quên mình của các thợ lặn. 

Khó có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn của công việc giải cứu, khi các hoạt động phải tiến hành sâu dưới lòng đất, trong những ngách hang vô cùng hẹp đầy vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và nước đục đến mức gần như không nhìn thấy gì. Nhưng tất cả những khó khăn này đều không ngăn được quyết tâm của 18 thợ lặn đến từ nhiều quốc gia. 

Không cùng ngôn ngữ, trình độ chuyên môn cũng khác nhau, nhưng họ vẫn phối hợp với nhau nhịp nhàng. Sự đồng lòng ấy đã giúp họ làm nên những điều kỳ diệu. Thật không may đã có một thợ lặn hy sinh trong công cuộc giải cứu này.

Trong một bài viết trên CNN, Jay Parini, giảng viên Đại học Middlebury, Mỹ, cho rằng trong suốt 2 tuần tìm kiếm và cứu nạn ở hang Tham Luang, các thợ lặn không chỉ thể hiện sự can đảm tuyệt vời mà còn cả những kỹ năng đáng kinh ngạc.

Công tác tổ chức tuyệt vời

Công cuộc giải cứu các cầu thủ nhí thành công không chỉ cho thấy mọi người trên khắp thế giới đoàn kết, sẻ chia và yêu thương nhau vô cùng, mà nó còn chứng tỏ công tác tổ chức tuyệt vời của người Thái khiến nhiều quốc gia phải nể phục.

Những người đứng đầu đã dùng sự quyết đoán, tinh thần trách nhiệm của mình để dẫn dắt cả đoàn cứu hộ. Những danh hiệu như “thủ tướng” hay “tỉnh trưởng” lúc này mới thực sự phát huy ý nghĩa đích thực. Ở những vị trí ấy, họ giữ vững tinh thần cho mọi người, điều phối các lực lượng, đón nhận tất cả những thông tin, những phương án gợi ý. Để rồi đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, nhưng không kém phần cẩn trọng. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất “vì sự an toàn của những đứa trẻ”.

Khâu hậu cần như chuẩn bị xe cứu thương, máy bay trực thăng đến tận khu vực hẻo lánh ở hang Tham Luang cũng là điểm sáng trong hoạt động giải cứu. 

Công tác chăm sóc đội bóng sau khi được giải cứu được đánh giá là chuẩn bị tốt về cả cơ sở vật chất và tinh thần cho cả cầu thủ nhí và gia đình yên tâm. 

Ngoài ra, các nhà hoạch định chiến dịch giải cứu đã có công thiết lập hệ thống thông tin bên trong hang bằng việc đưa cáp quang và sóng radio vào hang để theo dõi mọi động tĩnh trong hang từ bên ngoài. 

Các nhà phân tích cho rằng, thậm chí hệ thống thông tin này có thể triển khai thêm tại nhiều hệ thống hang động và địa hình hiểm trở khác để có thể liên lạc với nạn nhân ngay khi họ vừa mất tích.

Jessica Tait, quân nhân người Mỹ tham gia lực lượng giải cứu, cho biết cô rất cảm kích về tình người trong chiến dịch giải cứu, không biết bằng cách nào, tinh thần ấy đã trở thành sợi dây gắn kết tất cả mọi người có mặt tại Tham Luang.

Xin được lấy lời của ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch đã phát biểu trong cuộc họp báo để thay cho lời kết: “Người hùng ở đây là tất cả mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ này thành công bởi chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh của tình yêu”.

Việt Hồng
.
.
.