Sức sống Trường Sa và hành trình nỗi nhớ

Thứ Ba, 09/08/2016, 15:34
Những người lính trẻ nước da rám nắng, những người dân đảo hiền lành chất phác hay các cháu nhỏ mặc bộ đồng phục viền cánh sóng... là hình ảnh thường thấy và gây ấn tượng với những đoàn công tác đến thăm quần đảo Trường Sa.

Nằm cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng tại nơi biển đảo xa xôi này, sự sống của những người con đất Việt vẫn sinh sôi nảy nở. Và ở đó, những nụ cười, những cử chỉ đón chào đoàn khách từ đất liền giống như đang đón người anh em vừa trở về nhà.

Một người lính đang làm nhiệm vụ hoa tiêu cho xuồng cập bến tại đảo Đá Tây A.
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa.

Thử hỏi ai có thể quên được hình ảnh những người lính đảo đứng tại cầu tàu ngóng chờ đoàn công tác. Rồi những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt trước khi tàu rời đảo đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của cả người ở lẫn người đi.

Như một điều hiển nhiên, mỗi chuyến đi đến với Trường Sa thường để lại biết bao nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ những cậu lính trẻ mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đen nhẻm khi đứng gác cột mốc chủ quyền.
Nụ cười của những người lính.
Xuồng CQ là một loại phương tiện chuyên dụng để di chuyển của Hải quân trên quần đảo Trường Sa.

Nhớ về những luống rau xanh, anh em vất vả vun trồng bằng lượng nước sinh hoạt ít ỏi. Nhớ về những tán bàng vuông rợp bóng che nắng che mưa. Nhớ về tà áo dài truyền thống trải bóng trên quảng trường đảo Trường Sa hay đơn giản chỉ là một hộp vỏ ốc cùng mảnh giấy trắng viết nắn nót hai chữ "tặng anh".

Những người lính đảo Sơn Ca nghiên cứu tài liệu trước ngày bầu cử Quốc hội khóa 14.
Buổi giao lưu văn nghệ giữa cán bộ chiến sĩ Tổng cục Chính trị CAND và lính đảo.

Từng nỗi nhớ, từng kỉ niệm đã tạo nên một hình ảnh Trường Sa đầy thân thương, một phần tất yếu không thể thiếu của đất nước.

Tăng gia sản xuất rau xanh, loại thực phẩm vô cùng thiết yếu trên quần đảo.
Những người vợ, người mẹ trên đảo Trường Sa với hình ảnh nón lá quen thuộc.

Có lẽ vì những điều giản dị đã nói trên, những người từng ra Trường Sa thường có một cảm giác chung sau khi kết thúc chuyến hành trình, đó là ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo. Nỗi nhớ cùng những kỉ niệm đó thật khó tả, giống như đi xa mà lại như về nhà.

Phút nghỉ ngơi của một người lính cùng các em nhỏ. 
Em bé mặc chiếc áo hải quân viền cánh sóng, đây là đồng phục đi học của các cháu nhỏ.

Rồi khi kể về chuyến hành trình đầy gian nan nhưng đầy cảm xúc ấy, họ sẽ cảm thấy tự hào vì đã một lần được đến với quần đảo Trường Sa, đến với một phần máu thịt của đất nước ở tận ngoài khơi xa.

Phong lê
.
.
.