Sưu tầm cổ vật- mất tiền mua “mật đắng”

Thứ Hai, 07/12/2020, 19:54
Sưu tầm cổ vật là cuộc chơi không đơn giản. Vì thế, khi bắt tay vào chơi đồ cổ, người chơi cần phải đề cao tiêu chí đầu tiên là tri thức. Tri thức là một quá trình thẩm thấu, thiếu tri thức mất tiền mua mật đắng vào mình là chuyện thường gặp.


Sưu tầm đồ cổ đó là thú chơi tao nhã, trên thế giới, thú chơi này có lịch sử từ hàng nghìn năm trước. Xưa việc chơi đồ cổ chỉ dành cho hàng ngũ quý tộc. Nay người chơi đồ cổ không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội nhưng họ phải giầu vì nhiều đồ cổ có giá trị cả triệu đô. Ở nước ta qua việc mua bán đồ cổ chủ yếu là lén lút, với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Tuy nhiên, đã có Luật công nhận nhưng vẫn chưa có thị trường chính thức, không có một khung giá nhất định, không có những cuộc đấu giá, không có người bảo lãnh, không có bên trung gian… đó là lý do làm cho thị trường này phức tạp.

Thanh kiếm hiện vật giả cổ.

Chuyện một chiếc trống đồng giả cổ

Hùng làm nghề buôn bất động sản và xây dựng nên thuộc loại giầu có tiếng ở thành phố Hòa Bình. Hùng có ham thích sưu tầm đổ cổ nhưng chỉ chuyên hai thứ là bình gốm và đồ đồng, thích một cách ma mị. Cứ nhìn, thích thì Hùng mua cho bằng được và mua lấy được để bày. Thích nhưng Hùng lại rất ít kiến thức về đồ cổ. Tôi là người có chuyên môn về cổ vật nên Hùng rất tin tôi. Một lần Hùng nhờ tôi tới xem hộ cho anh một chiếc Trống đồng của một người buôn đồ cổ lậu ở Hòa Bình.

Chúng tôi đến một ngôi nhà trong một ngõ nhỏ, ông chủ nhà cho xem một chiếc Trống đồng. Ở Hòa Bình rất nhiều loại trống này.

Franz Heger tên nhà khảo cổ học người Áo, chia Trống đồng ở nước ta và trên thế giới làm 4 loại chính theo kiểu dáng, hoa văn… để phân biệt gọi chung là  Heger từ I đến IV mỗi loại có kiểu dáng, niên đại khác nhau. Trống ông chủ nhà cho chúng tôi xem đó là trống Herger II, hay còn gọi theo kiểu Việt Nam là trống Mường (vì tìm thấy rất nhiều trong các vùng đất có người Mường sinh sống, người Kinh rất hiếm trống này). Trống có mặt rộng 66cm, cao cũng tầm đó, mặt trống chờm ra ngoài, khoảng 3 cm, mặt 4 khối tượng cóc quay ngược kim đồng hồ, mặt có 9 vòng hoa văn giữa là mặt trời 12 tia, nối giữa tang trống và thân có 2 đôi quai kép.

Qua phân tích hoa văn tôi cho rằng nếu đây không phải trống giả cổ thì trống  này có niên đại thế kỷ thế kỷ XIII, XIV. Chủ trống đòi bán giá 120 triệu đồng. Nhìn trống thấy độ ôxi hóa không đều, xanh lẫn vàng đất như bị chôn ở khu đất có sắt, nâng chiếc trống lên và phát hiện nó nhẹ và mỏng hơn trống bình thường, hoa văn thì còn rất sắc nét, trống còn lành nguyên chỉ có 1 vết xà beng đâm thủng một lỗ nhỏ ở thân trống, vị trí quan sát có vẻ như chủ nhân cố tình đâm. Tôi hỏi ông chủ, trống sao nhẹ vậy anh? Vì đào được ở bãi cát chắc nó bị cát ăn mòn. Tôi thầm thì với Hùng "thôi đừng mua, 90% là hàng đểu".

Về tôi phân tích cho Hùng, trống nhẹ, hoa văn không mòn, ô xít đồng loang lổ chứng tỏ không phải bị chôn ở cát như ông ta nói. Xét về niên đại chiếc Trống này có khoảng cách đây gần chục thế kỷ, thì không thể có chiếc nào hoa văn lại sắc nét được như vậy, vết đâm xà beng là cố tình để thể hiện hàng đào dưới đất, bị chôn ở cát mà lại thấy dấu vết đất như cố tình trát vào đó là những dấu hiệu của đồ không chuẩn nên không mua nữa. Tôi nói vậy Hùng cũng hơi chột dạ, nhưng cuối cùng nghe theo. Điều tôi nhận định đã được chứng minh sau trong một lần làm việc với phòng PA 25 Công an tỉnh. Tôi vô tình biết được thông tin về chiếc trống đó đã bị Phòng PA 25 công an tỉnh Hòa Bình thu giữ do đây là buôn bán trái phép và có dấu hiệu lừa đảo, nhờ một Tiến sỹ nghiên cứu về Trống đồng thẩm định thì kết quả giống tôi đã nói ở trên. Hùng nghe được hú hồn tý mất tiền oan nên mời tôi về nhà làm cỗ để cảm ơn.

Tiền thật, đồ giả

Hùng giầu lắm nhưng vẫn ở ngôi nhà 3 tầng cũ của ông bà để lại. Ngay sân nhà đã đặt 3 chiếc xanh đồng 4 quai trong là hoa súng có cả cá cảnh, xanh to, cổ chất như vậy giờ cũng rất hiếm ở Hòa Bình, đặt trên bệ được xây đắp cầu kỳ. Nhà Hùng nội thất thì toàn gỗ loại tốt, đắt tiền. Hùng bảo đang cho xây biệt thự ở khu đô thị mới 3 tháng nữa chắc xong ra đó ở cho kịp tết và có phòng để bày đồ cổ.

Phòng khách chật chội vì Hùng bày các loại thập cẩm bình gốm, xanh đồng, lư hương, đỉnh đồng, hạc đồng các loại. Sau tuần trà, Hùng dẫn tôi lên tầng 2 vào một phòng (gọi là kho thì đúng hơn) bày cơ man nào là đồ đồng và đồ gốm. Xem qua một lượt bằng mắt thường bộ sưu tập, tôi giật mình phát hiện rất nhiều đồ giả cổ Hùng mua phải. Chiếc bình đựng tiền cổ  là một ví dụ, bình bằng sành cao khoảng 40cm, đường kính 16cm, bị vỡ nửa non lộ rất nhiều tiền cổ bên trong nhưng được xếp một cách rất có trật tự, không tinh thì nghĩ đó là bình đựng tiền không may bị vỡ để lộ số tiền xu bên trong đã bị mọt mục, ô xi hóa dính kết với nhau, nhưng nếu nhìn kỹ thấy chúng có sự sắp xếp từ bên ngoài chứng tỏ tiền được gắn lại sau này, chứ không phải đồng bộ. Hay như chiếc ấm đồng bị ô xít xanh trắng toàn thân, rộng 26 cao 20cm, hoa văn trang trí thuộc tuýp Đông Sơn, 2 quai, nắp ấm, còn nguyên vẹn, rất tinh sảo. Hùng mua nó cũng gần 20 triệu của một người  bán đồ cổ lang thang. Ấm chuẩn thì niên đại trên dưới 2000 năm cách ngày nay. Xem xét kỹ quai, nắp ấm, một số chỗ trên thân có tiếng  kêu của vật liệu khác đồng, chất liệu Comporite trộn rỉ đồng.

Một số hiện vật giả cổ.

Hai chiếc Gương Hán và một chiếc Dao Đồng Hán có chuôi là một kỵ sỹ, Hùng mua về với giá trên dưới chục triệu nhưng tôi chứng minh cho Hùng biết nó là hàng rởm. Kể cả những đồ giá trị rất thấp như đôi Xanh đồng nhỏ lồng dính vào nhau trông rất cổ Hùng bảo chỉ mua vài trăm nghìn. Tôi thật sự ngạc nhiên vì giá trị thấp vậy người ta cũng gia công làm giả.

Cùng với  khoa học kỹ thuật hỗ trợ,  ngày nay việc phục chế hay chế tạo đồ giả cổ của nghệ nhân làng nghề làm đồng đạt đến trình độ cao cấp khó tưởng. Năm 2019, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phục chế lại chiếc Trống đồng Heger I, (chỉ còn lại cái mặt trống) các nghệ nhân làng nghề đúc đồng, phục chế đồng ở Đông Sơn - Thanh Hóa sau 1 tháng đã trả lại một chiếc Trống đồng nguyên lành, nhìn khó ai biết là trống phục chế. Những nghệ nhân này còn có phương pháp phục chế đồ cổ bằng Đồng, họ đã lấy đồng cổ bị rỉ nát cùng thời, cùng kiểu với hiện vật, sau đó nghiền, nấu, gắn kết, trám vá vết vỡ của hiện vật, khoa học dùng phương pháp lấy mẫu C14 còn không nhận ra. Theo rất nhiều chuyên gia đồ cổ nhận định rằng đồ đồng cổ trên thị trường hiện nay 40 - 50 phần trăm là đồ giả và đồ mông má lại.

Đồ gốm giả cổ lộ liễu nhất ở nhà Hùng là hai chiếc bình gốm hoa nâu mà anh mua với giá cũng khá cao với vài chục triệu đồng một bình. Bình gốm hoa nâu là hiện vật khá đặc trưng và có giá trị đời Trần (1225 - 1400) 2 chiếc bình của Hùng so sánh các điều kiện nhận biết như men, mầu hoa văn, xương gốm… đều rất vụng về.

Hiện nay, ở nước ta và Trung Quốc có rất nhiều xưởng phục chế đồ cổ, chế tạo đồ giả cổ theo đơn đặt hàng. Đặc biệt Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới sản xuất đồ giả cổ các loại từ đồ quý hiếm như đồ "nội phủ" trong các cung điện nhà vua, giả cả ấn tín, ngọc tỷ của vua quan Trung Quốc, đến những vật phong thủy giả cổ tinh xảo có giá trị thấp. Qua người buôn đồ cổ vặt, đi khắp các tỉnh thành, bày binh bố trận các kiểu để lừa đảo các đại gia tiền nhiều nhưng thiếu kiến thức như Hùng bạn tôi.

Trong hàng nghìn đồ cổ anh bạn tôi mua về chơi kia là một khối tài sản rất lớn, tôi áng chừng cũng cả chục tỷ đồng chứ không nhỏ. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng với trình độ về đồ cổ và cách xuống tiền mua như nhặt được đồ của anh bạn tôi thì chắc rằng đồ giả trong đó cùng chiếm kha khá. Cuộc chơi này không đơn giản nên khi bắt tay vào chơi đồ cổ, người chơi cần phải đề cao tiêu chí đầu tiên là tri thức. Mà tri thức là một quá trình thẩm thấu bằng cách nghiên cứu tài liệu, học hỏi thực tế, đi xem cổ vật thường xuyên để luyện mắt và sự nhạy bén.

Lê Quốc Khánh
.
.
.