Suy ngẫm mùa Trung thu

Thứ Hai, 28/09/2015, 10:37
Khi tháng 7 mưa ngâu, tháng của Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau còn chưa chót, những cơn mưa dường như rền rĩ, chưa muốn chia xa, thì tháng tám, tháng của mùa thu, tháng của những cơn gió heo may đã tới gần. Những con phố đã rực rỡ sắc màu của các loại bánh, của những cửa hiệu đèn lồng. Cùng với không khí ấy, lòng người cũng phơi phới, đong đầy cảm xúc mùa thu.
Các em học sinh khăn quàng đỏ tươi tưng bừng bước vào năm học mới, với không khí mới, hy vọng vào một năm học mới với kết quả tốt đẹp. Và đặc biệt, vào mùa thu, có một cái Tết dành cho các em: Tết Trung Thu. Tết Trung thu cũng có một vị trí đặc biệt trong lòng các em nhỏ, vì đây là cái tết dành riêng cho các em, tết của các em.

Tết gắn bó với sự tích chú Cuội - chị Hằng, gắn với ông Trăng sáng. Các em nhỏ, nhất là các em nhỏ miền quê, thời ngày xưa, khi còn chưa có ánh điện, thì ánh trăng là một quà tặng đặc biệt từ thiên nhiên. Những hôm gió thổi thì đèn dầu không sao soi sáng, chỉ có ánh trăng mới tỏ khắp mọi nơi. Có sống ở quê thời chưa có điện mới biết ánh trăng sáng quý giá thế nào. Những hôm có trăng, nếu là mùa hè, bao giờ cũng phải nằm ở sân thưởng thức, ngắm trăng cho đến khi mây bàng bạc, ánh trăng như xuống thấp dưới những dải mây mới chịu vào trong nhà đi ngủ.

Những đêm Trung thu lại càng thích thú hơn. Ngày rằm tháng tám, đúng là giữa tuần trăng, ngày trăng tròn nhất, không một gợn mây, mặt trăng tròn sáng hơn, trong hơn. Trăng sáng, nhà nhà, trẻ em rủ nhau đi chơi trăng, lấp ló trốn tìm vào những nơi kín nhất, bắt bạn đi tìm. Những tiếng trẻ gọi nhau rộn ràng cả thôn xóm. Mâm cỗ Trung thu ở quê bao giờ cũng có quả bưởi hái từ vườn nhà và mấy quả hồng. Rất đơn giản nhưng như thế đã là quá đủ cho ký ức tuổi thơ.

Có lẽ nhắc đến Trung Thu, những đứa trẻ ở quê chúng tôi thời ấy đều có chung một ký ức, mà chắc giờ nếu ngồi lại với nhau sẽ rất sôi nổi. Và trong câu chuyện ấy, chắc sẽ không thiếu sự phàn nàn về sự háo hức với Tết Trung thu ngày nay của những đứa trẻ con em mình, khi đã trở thành những ông bố, bà mẹ. Cũng không biết nguyên nhân tại sao, sự háo hức trước cái tết của trẻ em cứ dần ít đi cảm xúc. Bây giờ, trẻ em quá đủ đầy, cả vật chất lẫn tinh thần. Bánh Trung thu bán nhiều, bán sớm, hoa quả cũng tràn trề. Tổ chức nào, chính quyền nào ở đâu cũng tổ chức phá cỗ cho các em, từ trường học, tổ dân phố, cơ quan bố mẹ…

Múa lân trong ngày Tết Trung thu.

Đành rằng cuộc sống luôn có sự thay đổi, mỗi thời mỗi khác. Phải thừa nhận rằng ký ức đẹp đang dần mất đi, vì các em nhỏ ngày nay, đặc biệt trẻ em thành thị ít được gần gũi với thiên nhiên. Các bậc cha mẹ, dù có tiếc nuối, nhưng không thể mang quá khứ quay trở lại, mà chỉ còn một nỗi hoài niệm, ước mong con trẻ của mình cũng có được ký ức ấy, mặc dù không ai muốn quay trở lại cái thời thiếu thốn, khó khăn ấy nữa.

Nhưng ánh trăng thu thì vẫn luôn ám ảnh, vẫn luôn ẩn hiện trong ký ức mỗi người và chỉ cần một chút gợi nhớ là lập tức quay trở lại mỗi mùa Trung thu về, và ước mong được trao ánh trăng ấy cho ký ức con trẻ, để chúng luôn nhớ về một ánh trăng thu, về một Tết Trung thu đúng nghĩa của mình.

Những đồ chơi cao cấp, những chiếc bánh đắt tiền được sản xuất nhiều hơn, nhưng điều quan trọng hơn cả là tạo ra một sân chơi cho trẻ em. Vì đối với trẻ em, ngoài việc chăm chút cho các em đầy đủ về vật chất thì yếu tố tinh thần không thể bỏ qua. Trăng Trung thu vẫn sáng, vẫn còn nguyên cổ tích chú Cuội, chị Hằng,  trẻ em thì vẫn thế, vẫn vô cùng thích vui chơi, nhưng sao người ta vẫn cảm nhận rằng, dư vị Trung thu ngày một nhạt đi? Làm sao để Trung thu vẫn còn mãi hương vị đậm đà, ngọt ngào như chiếc bánh nướng, bánh dẻo, làm sao để tiếng cười trẻ em luôn trong vắt, các em được vui hết mình trong đêm Trung thu?

Ngô Chuyên
.
.
.