Sỹ "khùng": Người chơi đàn violon nơi quán ốc

Thứ Hai, 22/04/2013, 09:50

Mắt ông nhắm nghiền lại như thể đang trôi vào một mùa ký ức lưu trú nào đó. Đôi bàn tay lên xuống nhịp nhàng theo từng giai điệu. Thỉnh thoảng đang chơi ông lại bỏ dở cây đàn để hướng dẫn khách chỗ để xe vì đường đi lối lại hẹp quá. Lắm lúc khi đang "phê", khách lại kêu "bác ơi, cho cháu thêm hai bát ốc nhỏ, hai chục trứng"…

Giữa không gian chưa đầy 5m2 lộn xộn vỏ ốc, người vô kẻ ra, chất nghệ sĩ và chất đời nơi người đàn ông này vẫn hòa trộn một cách kỳ lạ.

Người ta gọi ông là Sỹ "khùng" bởi chẳng thấy ai như thế cả. Giữa thời buổi loài người bạc mặt chạy ăn từng bữa còn chưa đủ thì nói gì cả bán ốc cả chơi đàn vốn là hai thứ… chọi nhau chan chát. Nhởn nhơ quá. Phù phiếm quá. Ấy vậy mà, đời sống của ông vẫn cứ "xênh xang" cả túi tiền lẫn tâm hồn dù gia đình ông nào đâu có thuộc hàng nứt đố đổ vách.

Tất cả bắt nguồn từ câu chuyện của chiếc đàn violon cũ kĩ, cong veo gần 50 năm trời mà vẫn chưa hết ngân và một "giấc mơ Bắc Kỳ"…

Khám phá chiếc đàn cong veo của ông Sỹ "khùng"

Theo dòng hoài niệm, ông kể năm 17 tuổi ông đã được bố mẹ cho đi học nhạc ở thầy Điệp Vũ (phố Lê Văn Hưu); rồi sau đó cùng đội văn nghệ của thầy đi biểu diễn theo kiểu "mì ăn liền" khắp nơi. Hàng chục năm trời gắn bó với cây đàn violon, có những lúc một ngày ít nhất 6 tiếng đồng hồ kéo đàn, ông không nhớ nổi mình đã đứng sân khấu bao nhiêu lần, đặt chân qua bao nhiêu địa danh trên dải đất đất hình chữ S này.

Dù đó là thứ âm nhạc bình dân theo kiểu "mì ăn liền" như ông nói nhưng với người đàn ông này được mang tiếng đàn của mình đi khắp đất nước này đã là niềm hạnh phúc to lớn mà không phải ai cũng có được.

Sau đó, vì vài lí do riêng nên ông tạm xa sở thích của mình, cùng với vợ là bà Phạm Tú Oanh mở quán ốc tại vỉa hè Hà Nội vào năm 1998. Đó là những tháng ngày vật lộn mưu sinh, những lúc thèm quá, nhớ quá tiếng đàn ông cũng phải kìm lòng lại. Hơn nữa, "Ai lại cầm đàn ra chơi giữa vỉa hè".

Sau 10 năm dành dụm, ông bà cũng mở được một quán ốc nhỏ, chừng 5m2 tại một ngõ sâu nằm trong phố Trung Liệt. Khi lượng khách bắt đầu đông lên, cơm áo gạo tiền không còn là vấn đề đè nặng nữa, những lúc vắng khách, ông Sỹ "khùng" lại lôi cây đàn violon ra kéo.

Thỉnh thoảng ông cũng chơi ghita nhưng chỉ là sở đoản thôi. Thời gian đầu, khách lấy làm lạ nhưng ai đã quen thì vô cùng thích thú, có những người đến đây chỉ vì lâu lâu tự dưng lại nhớ tiếng đàn của ông. Và cũng chỉ ở đây, ngay tại không gian chật chội này thì tiếng nhạc vang lên mới đặc biệt, mới thỏa mãn được những tâm hồn lâu ngày cần được tắm mát.

Cả trò chuyện, ông cả lôi cây đàn violon cách đây gần nửa thế kỷ ra cho tôi xem. Do lâu ngày không dùng và chuyển đi chuyển lại nên cần đàn bị gãy, để một thời gian bị cong veo. Mãi sau khi chuyển về quán này, ông mới đem đi sửa và hiện nay về cơ bản là chơi được dù một dây đã bị đứt, âm thành vang lên không còn chuẩn xác nữa.

Nhưng người nghệ sỹ bình dân không vì thế mà bỏ tiếng nhạc, cũng như chim không vì rét mà bỏ rừng cây, người nông dân không vì mất mùa mà bỏ đồng ruộng. Bởi cùng với tháng năm, âm nhạc như một dòng máu chảy đồng hiện bên cạnh dòng máu sinh học. Hai dòng máu hòa trong nhau mang lại hơi thở, sự sống và cuộc đời; để rồi trong những ngày tối trời, những ngày lòng nhiều gió, ở một xó con con của Hà Nội, tiếng đàn violon của một ông già khùng vẫn da diết: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ". 

Ông Sỹ đang chơi ghita và hát bài "Nhớ mùa thu Hà Nội".

Và cuộc sống có thiếu thốn, vất vả một chút cũng không sao, miễn là lòng mình đủ đầy. Giấc mơ của đời người bình dị mà cũng sang trọng là vì thế. Nó không làm ta não nề, quay quắt trong vòng chảy khắc nghiệt của thời gian. Và ông Sỹ "khùng" qua cây đàn có chiếc cần cong veo, cũ kỹ ấy hằng ngày vẫn đang mơ một giấc mơ đẹp của mình - "giấc mơ Bắc Kỳ".  

Những bản tình ca bên đời thấp thoáng

Cái thú của những người đến đây là cứ hễ lúc nào rảnh chỉ cần mở lời muốn nghe tiếng đàn là ông chiều lòng khách ngay. Mà những bài tủ của ông toàn là nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng.

Ông nói: "Những thể loại âm nhạc này có một đời sống đặc biệt. Dù bây giờ, nhiều người đã quên và không xem trọng thì với những người như thế hệ chúng tớ, đó là tình yêu, là đất nước, là những điều quá đỗi thiêng liêng. Vài chục năm hay thậm chí khi đã nhắm mắt xuôi tay, chúng tớ vẫn thích những ca khúc như thế. Đó là điều mà thế hệ các cậu chẳng bao giờ hiểu được đâu". 

Rồi ông cầm đàn violon lên và kéo miệt mài những bản nhạc "xanh" ấy, từ "Nhạc rừng", "Con kênh xanh xanh", "Tình ca", "Đồng xanh", "Ngôi sao ban chiều"… cho tới những bản tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sỹ Đức Huy… Khi chơi, mắt ông nhắm nghiền lại như thể đang trôi vào một mùa kí ức lưu trú nào đó, đôi bàn tay lên xuống nhịp nhàng theo từng giai điệu.

Thỉnh thoảng đang chơi, ông lại bỏ dở cây đàn để hướng dẫn khách chỗ để xe vì đường đi lối lại hẹp quá. Lắm lúc khi đang "phê", khách lại kêu "Bác ơi, cho cháu thêm hai bát ốc nhỏ, hai chục trứng", "Ông ơi, con bỏ xe ở đâu đây ạ?". Nhưng người nghe không vì thế mà cảm thấy khó chịu, ngược lại còn thấy thú vị vì hiếm có người nào mà chất nghệ sĩ và chất đời hòa trộn một cách kì lạ như người đàn ông này.

Ông kể, "Có những lúc tớ phải đứng án ngữ ngay cửa quán, vừa chơi đàn, vừa "chỉ đạo" khách chỗ để xe, chân luôn đi giày thể thao để nhỡ có đứa nào "thập thò" ăn trộm xe của khách thì phi theo luôn. Ấy thế mà có lần tớ đuổi được một đứa và giải lên Công an phường đấy".

Đặc biệt hơn, không chỉ chơi nhạc, ông còn kể nghe những chuyện bên lề của từng ca khúc, điều mà những người trẻ như chúng tôi chưa bao giờ được biết trước đó.

Về "Tình ca" (Hoàng Việt), sau một thời gian Hoàng Việt tập kết ra Bắc thì nhận được bức thư của người vợ gửi từ miền Nam. Để đáp lại tình cảm tha thiết của vợ, nhạc sỹ muốn viết một bức thư gửi vào. Nhưng lúc đó, thư từ từ Bắc vào phải qua sự kiểm duyệt gắt gao của Luật 159, thành ra phải đi một đường vòng khá rắc rối từ miền Bắc qua Thái Lan, Lào rồi mới về miền Nam Việt Nam. Lúc đó, nhạc sĩ chợt nghĩ chi bằng mình sáng tác một ca khúc rồi gửi lên Đài Tiếng nói Việt Nam để vào thẳng trong đó.

Ca khúc "Tình ca" nổi tiếng ra đời trong hoàn cảnh như thế. Và sau khi viết xong, Hoàng Việt có hát cho nhạc sỹ Huy Thục nghe. Huy Thục thấy hay quá, muốn đáp lại tấm lòng của Hoàng Việt bèn viết độc tấu đàn bầu không lời "Vì miền Nam". Đây cũng là một trong những bản độc tấu mà ông Sỹ "khùng" rất tâm đắc và từng biểu diễn không biết bao nhiêu lần.

Lại có những bài như "Việt Nam quê hương tôi" (Lưu Cầu), ông còn chỉ ra sự khác nhau giữa hai đoạn, đoạn đầu Việt Nam thanh bình, yên ả như thế nào, đoạn sau đau thương, khói lửa như thế nào. Qua biến tấu của từng nốt nhạc, sự đổi thay của đất nước gắn với một thời kỳ bom đạn hiện về hết sức rõ ràng.  

Chị Ngô Phương Lan (Thái Thịnh, Đống Đa), một khách quen của quán cho biết: "Mình biết quán này từ mấy năm trước, hồi còn yêu nhau, chồng mình dẫn đi. Đến đây vô tình nghe bác chủ chơi nhạc, mình mê quá, đâm ra cứ suốt ngày đến đây ăn ốc. Gọi là ăn ốc chứ thực ra đến vì thèm nghe tiếng đàn của bác. Bây giờ bận bịu hơn nhưng những lúc rảnh mình vẫn chở mẹ chồng qua đây ăn. Mẹ mình thích lắm".

Và cũng chẳng biết từ bao giờ, khách đến đây ngày càng đông. Người ta đến vì ốc ngon. Vì tấm chân tình dành cho cuộc đời của người chủ quán. Vì một ngày bỗng dưng thấy lòng mình khô cằn quá. Đến vì nhớ người đàn ông này như nhớ một mảnh chứng tích còn sót lại của một thời kì đã qua. Và còn bởi đến để nghe chính lòng mình lắng chậm lại bởi ngoài kia đời trôi vội vã quá.

Có lẽ vì thế mà ông được nhận rất nhiều sự chia sẻ cũng như sự yêu mến của khách hàng mọi thế hệ. Theo tay ông chỉ, tôi nhìn lên chiếc ghita treo gần cửa. Ông bảo: "Chiếc ghita này của bọn nhạc viện Hà Nội đến đây ăn ốc rồi tặng tớ đấy. Cả "Lời dạy của đức Khổng Tử", "Mười điều làm giàu" dán ở kia nữa cũng đều là khách tặng. Có người vì biết tớ quên không nhớ hết nổi khuông nhạc, đã in hẳn một tập dày sưu tầm từ Internet đưa cho tớ".

Riêng tôi, trước khi về đã được ông cầm chiếc ghita kia và hát nghe "Nhớ mùa thu Hà Nội" - một nhạc phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bất chợt tôi cũng thấy nhớ mùa thu Hà Nội, một Hà Nội ngày xưa có "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu"… dẫu bây giờ mùa hạ vừa chớm và ngoài trời, những cơn mưa phùn đã bắt đầu lất phất…

Đậu Dung
.
.
.