TP Hồ Chí Minh vẫn canh cánh nỗi lo mưa là ngập

Thứ Sáu, 29/05/2020, 11:27
Nam Bộ đã vào mùa mưa, người dân TP Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với tình trạng đường phố bỗng chốc thành sông sau một trận mưa lớn hay cả kết hợp với thời điểm triều cường. Sau nạn kẹt xe, ngập lụt luôn là bài toán quá nan giải, dù nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp và đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án chống ngập nhưng vẫn chưa thể giải quyết tình trạng ngập úng…


Cứ mưa là phố hoá thành sông

Cơn mưa kéo dài gần 1 giờ chiều ngày 20-5-2020, nhiều địa điểm ở TP Hồ Chí Minh đã bị ngập cục bộ khiến người dân vất vả di chuyển, vốn dĩ lập đi lập lại nhiều năm nay. Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), chỉ khoảng 300m đoạn trước tòa nhà The Manor - một trong những vị trí trũng thấp nhất ở tuyến đường này- nhiều đoạn bị ngập khá sâu; mức nước dâng cao chừng 20cm - 30cm khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, không ít phương tiện bị chết máy, hỏng xe ngay giữa đường.

Tại đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), đoạn giao với đường Nguyễn Xí nước ngập cũng kéo dài hơn 200m, hay một đoạn đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) nước ngập như sông đã gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình giao thông và việc buôn bán của người dân.

Hình ảnh quen thuộc ở “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sau cơn mưa lớn chiều 20-5.

Đặc biệt, tại hẻm 41, phường Thảo Điền (quận 2) - khu vực được mệnh danh “khu nhà giàu” cũng ngập mênh mông sau cơn mưa. Trước đó, đợt triều cường giữa tháng 5 đạt đỉnh (ngày 8-5-2020) khi nước từ sông Sài Gòn bắt đầu dâng lên khiến đường ở khu Thảo Điền ngập kéo dài, nhiều phương tiện chết máy khi đi qua khúc ngập cuối giờ chiều.Bị ảnh hưởng nặng nhất là một đoạn dài trên đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) bị ngập sâu khoảng 0,3 - 0,4m. Nước lên cao, đường ngập kéo dài khiến xe cộ và người đi bộ di chuyển khó khăn…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc “khu nhà giàu” Thảo Điền thường xuyên trở thành điểm ngập sâu nhất thành phố là do đất nền lún và giải pháp chống ngập chưa hiệu quả. Hiện giải pháp chống ngập đối với khu vực này mà thành phố đang sử dụng là dùng trạm bơm 1.000m3. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh đã trang bị thêm hai máy bơm 250m3.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, để giải quyết tình trạng ngập nước ở phường Thảo Điền, hiện có ba dự án liên quan đang triển khai. Do đây là khu vực thấp, nằm bên sông Sài Gòn nên bên ngoài sẽ thực hiện xây đê bao ngăn triều, còn bên trong sẽ cải tạo hệ thống cống thoát nước. Dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn hoàn thành sẽ ngăn được triều cường từ sông xâm nhập.

Đặc biệt, tuyến cống xây mới trên đường Nguyễn Văn Hưởng sẽ kết nối vào các tuyến cống thoát nước thuộc dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giai đoạn hai. Nước sẽ thoát ra các tuyến rạch hiện hữu, sau đó chảy ra sông Sài Gòn. Dự án xây lắp cống thoát nước và nâng cấp trục đường Nguyễn Văn Hưởng cũng do Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến hết năm 2020.

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra dự án 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, một số điểm ngập khác ở khu vực quận Thủ Đức như phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Trường Thọ đã được giải quyết ngập do tiến hành xây dựng cống ngăn triều Gò Dưa. Vì vậy, nhiều năm nay khu vực này chỉ còn ngập do mưa và không còn xuất hiện cảnh ngập do triều cường.

Riêng “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố đã thuê máy bơm “khủng” là biện pháp trước mắt để xóa ngập cho tuyến đường này trong quá trình chờ dự án nâng cấp, mở rộng. Tháng 10-2019, dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường này mới chính thức được khởi công. Đây là công trình được người dân thành phố kỳ vọng sẽ xóa vĩnh viễn tình trạng ngập khi mưa. Nhưng nếu được triển khai theo đúng tiến độ thì cũng phải hết năm 2020 mới có thể hoàn thành.

Sẽ còn ngập nếu các dự án không đồng bộ

Các giải pháp chống ngập do triều cường, ngoài dự ánquy mô gần 10.000 tỷ đồng (nhiều người hay gọi tắt là dự án 10.000 tỷ đồng), hiện còncó 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước và 2 dự án ở bờ tả sông Sài Gòn cũng đang triển khai.

Mới đây nhất, ngày 23-5-2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã có chuyến thực địa một số hạng mục thuộc dự án 10.000 tỷ đồng.

Một số hình ảnh thuộc dự án chống ngập do triều 10.000 tỷ đồng.

Hiện nay, việc nghẽn vốn đã được giải quyết, vấn đề lớn nhất mà dự án này còn vướng là mặt bằng tại một số quận huyện chưa được địa phương bàn giao cho chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư dự án cho biết khối lượng toàn dự án hiện đã đạt 78%. Tại các cống ngăn triều, thiết bị thi công dưới mặt nước đã ngoi lên mặt đất nên việc thi công sẽ dễ dàng và đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay thiết bị xi lanh nhập từ Đức đã về Việt Nam, riêng phần máy bơm sẽ về trong khoảng 4-6 tuần tới để tiến hành lắp ráp. Tuy vậy, hiện dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, cống ngăn triều Tân Thuận, phía quận 4 còn vướng một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) còn 18 hộchưa bàn giao mặt bằng ở xã Phú Xuân.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, dự án này là công trình được sự quan tâm rất lớn của người dân thành phố. Do đó,yêu cầu, các quận huyện nơi dự án đi qua chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng cần khẩn trương việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng theo hướng ưu tiên vận động, thuyết phục rồi mới tiến hành cưỡng chế.

Đối với một công trình xây dựng không phép xây dựng ảnh hưởng đến việc thi công của chủ đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản xử lý trên tinh thần kiên quyết, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5-6. Nếu cần thiết, UBND thành phố sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tuy nhiên, qua buổi làm việc này cũng như đã phát biểu những lần trước đó, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốcTrung Nam Group, chủ đầu tư dự án cho rằng, dự án chống ngập có chức năng chính là ngăn triều, hỗ trợ bơm nước từ kênh rạch tiêu thoát ra sông Sài Gòn; giữ nước môi trường và ngăn chặn xâm nhập mặn. Nếu hệ thống thoát nước thành phố không tắc nghẽn và chảy ra kênh rạch thì dự án sẽ chống ngập hiệu quả khi mưa xuống.

“Người dân không nên hiểu nhầm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành là thành phố sẽ hết ngập. Dự án đang làm có nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Trường hợp hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì hệ thống cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả”, ông Nguyễn Tâm Tiến lý giải.

Như vậy có thể thấy, muốn cho công trình 10.000 tỷ đồng này có hiệu quả thì cần có sự đồng bộ với các dự án khác. PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng báo chí truyền thông không nên tạo cho người dân sự quá kỳ vọng hay ảo tưởng về hiệu quả của dự án mà cần phải nói rõ những ưu, nhược điểm của dự án để họ hiểu được thực tế. Nhất là dự án này chỉ có thể giải quyết tình trạng ngập do triều, ở những khu vực mà dự án này đi qua, còn tình trạng ngập trong đô thị còn hay không thì phải phụ thuộc vào sự đồng bộ của hệ thống thoát nước từ bên trong, đưa nước ra kênh rạch để bơm ra sông lớn…

Chưa kể dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2018, nhưng sau đó lùi đến tháng 6-2019, rồi đến cuối năm 2019. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư xin lùi thời gian hoàn thành vào tháng 6, tiếp đó ấn định thời gian đến tháng 10-2020…

Có thể nói, với tình hình thời tiết mùa mưa và các đợt triều cường cao, với bức tranh chống ngập hiện nay của TP Hồ Chí Minh, nhiều khả năng người dân lại tiếp tục chịu cảnh “phố bỗng thành sông”, nếu các giải pháp vẫn chưa được kết hợp đồng bộ.

Phú Lữ
.
.
.