An ninh bệnh viện lo không của riêng ai

Thứ Hai, 06/11/2017, 10:21
Mất an toàn trong môi trường làm việc tại các cơ sở y tế là nỗi ám ảnh chung của nhiều y bác sĩ đang hoạt động trong ngành Y. Việc bác sĩ, nhân viên y tế bị đánh đập, bạo hành bởi người nhà bệnh nhân trong lúc đang thực hành khám chữa bệnh dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng khiến cho xã hội lo lắng. Vậy phải làm gì trước thực trạng này?


Nguyên nhân và thực trạng

Hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ bạo hành nhân viên y tế mang tính chất nghiêm trọng. Mới đây nhất, chỉ trong vòng 3 ngày, từ 20 đến 23-10, đã xảy ra 2 vụ bác sĩ bị đánh gây hậu quả nghiêm trọng, một vụ ở Quảng Bình và một vụ ở Hà Tĩnh. Bác sĩ Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Long (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị đối tượng Hoàng Xuân Hải - người nhà bệnh nhân chém nhiều nhát vào người dẫn đến chấn thương ở hai tay, tổn hại 17% sức khỏe. Bác sĩ Trần Thanh Sơn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới Quảng Bình) cũng bị nhóm người hành hung do có hành vi can ngăn họ xông vào tấn công bệnh nhân tại bệnh viện do mâu thuẫn trước đó. Bác sĩ Sơn bị rách giác mạc ở mắt.

Nghi can Lê Minh Hải đánh bác sĩ bị thương bị Công an Thành phố Đồng Hới bắt tạm giam.

Một số vụ khác trước đó có thể kể thêm, như hồi tháng 4 vừa rồi, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất bị bố bệnh nhi ném cốc thủy tinh vào đầu gây chấn thương. Đến tháng 7, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Việt Yên (Bắc Giang) bị người nhà bệnh nhân ném đồng hồ đo huyết áp vào đầu phải khâu 5 mũi. Đến tháng 9, một bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115 (Nghệ An) bị đánh vào mặt trong lúc đang tham gia cấp cứu bệnh nhân. 

Nguyên nhân của những vụ việc như vậy phần lớn được cho là người nhà bệnh nhân sốt ruột, bức xúc với bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, mấu chốt thực sự của vấn đề nằm ở đâu thì chưa có một công trình nghiên cứu nào chỉ ra rõ rệt.

Tại một cuộc tọa đàm cách đây không lâu về chủ đề “Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của nhân viên y tế”, một số chuyên gia phân tích về nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành nhân viên y tế. Đầu tiên là do người nhà bệnh nhân, họ mệt mỏi vì chăm sóc người bị bệnh, tâm lý đến bệnh viên là muốn luôn được chăm sóc điều trị trước và nhanh, nhưng khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế còn kém. 

Một nguyên nhân nữa là nhân lực trong y tế còn yếu. Mỗi bác sĩ, nhân viên y tế tại phần lớn các cơ sở y tế hiện nay đang chịu nhiều áp lực. Họ phải khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân mỗi ngày mà không được nghỉ ngơi. Vì bệnh nhân quá đông nên họ chỉ tập trung vào chuyên môn, không dành thời gian cho việc tư vấn, chia sẻ, động viên người bệnh dẫn đến tâm lý bức xúc cho người nhà bệnh nhân. 

Một lý do khác nữa có thể kể ra là thủ tục khám chữa bệnh hiện nay dù cải cách vẫn còn rườm rà khiến người bệnh phải chờ đợi kéo dài gây mệt mỏi.

Vì sao bạo hành nhân viên y tế có dấu hiệu gia tăng

Trước hết phải thống nhất, việc bạo hành nhân viên y tế bao gồm các hành vi từ chửi mắng, sỉ nhục đến đe dọa bạo lực, đánh đập... Những hành vi trên có được đề cập đến trong “Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Quy định của Luật này ghi rõ: “Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ”. Tuy nhiên, quy định này không tỏ ra hữu hiệu trong việc ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế. 

Trong phần lớn các vụ việc được đề cập trên báo chí thì người nhà bệnh nhân vẫn đổ lỗi cho nhân viên y tế có cử chỉ, thái độ gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân. 

Phần lớn các vụ việc được cho qua, hay tự dàn xếp giữa bác sĩ với gia đình bệnh nhân, thậm chí nhiều vụ việc còn không bị phạt hành chính, vì lý do đưa ra là bác sĩ ứng xử gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trường hợp bị truy tố còn ít, hãn hữu, chỉ khi gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho bác sĩ và nhân viên y tế. 

Trong một số trường hợp được đưa ra xét xử, mức án phạt mà pháp luật giành cho những kẻ bạo hành chưa đủ sức răn đe. Bản thân lãnh đạo các cơ quan bệnh viện chưa có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn bạo hành từ việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ, tập huấn các kỹ năng nhận biết hành vi bạo lực có thể xảy ra đối với nhân viên y tế, để họ có thể tránh được các nguy cơ nguy hiểm cho bản thân. 

Còn một điều nữa đang nhập nhằng hiện nay, đó là việc quy định đối với bác sĩ. Như thế nào là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong việc khám chữa bệnh, như thế nào là vi phạm pháp luật trong quá trình khám chữa bệnh. Từng có những án phạt dành cho bác sĩ với kết luận “vi phạm quy tắc nghề nghiệp” rất chung chung. 

Các chuyên gia phân tích rằng, “vi phạm quy tắc nghề nghiệp” là rất khó hiểu. Cần phải tách bạch, những hành vi của bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc nghề nghiệp thì không phải chịu truy tố trách nhiệm hình sự, còn nếu vi phạm các điều được nêu trong Luật khám chữa bệnh thì mới bị truy tố hình sự. 

Chính điều nhập nhằng này đã gây ra tâm lý bức xúc cho đội ngũ y bác sĩ, và làm tăng sự hiểu nhầm trong người dân, dẫn đến tình trạng bạo hành y bác sĩ có xu hướng ngày càng tăng. 

Một điều nữa là truyền thông và mạng xã hội hiện nay thường thổi phồng các câu chuyện xảy ra, trong đó tâm lý người dân thường đổ cho bác sĩ tắc trách, lên án bác sĩ vô trách nhiệm dù cho chưa biết sự thật đúng sai thế nào. Thái độ này vô tình dung túng cho những hành vi bạo lực trái pháp luật ở một số người là người nhà nạn nhân.

Đâu là giải pháp?

Tại Mỹ, tất cả các hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt. Nếu là hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm ở mức độ 3, có thể bị ngồi tù từ 3 đến 5 năm, phạt tiền đến 15.000USD. Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mức độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền 10.000USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ tới 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD. 

Ở Canada, một số bệnh viện đã tích cực đầu tư hệ thống bảo vệ nhân viên y tế gồm phòng cách ly, hệ thống cửa bảo vệ tự động, chuông báo động. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên bảo vệ trong bệnh viện cũng được đầu tư chuyên nghiệp nhất có thể.

Ở Việt Nam ta, các chế tài xử phạt hành vi bạo hành nhân viên y tế còn chưa đủ mạnh. Ngay trong từng cơ sở y tế, Ban giám đốc còn chưa quyết liệt hành động nhằm ngăn chặn tình trạng này bằng các giải pháp thực sự cụ thể. 

Ý kiến của nhiều chuyên gia y tế đồng ý rằng, phải cải thiện đồng bộ môi trường làm việc cho y bác sĩ để họ được đảm bảo an toàn hơn bằng cách xây dựng các phòng cách ly đảm bảo không bạo lực cho bác sĩ trong suốt quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt là phòng cấp cứu. 

Trong các trường hợp xử lý cấp cứu do tai nạn, do đánh nhau hoặc bệnh nhân nặng, nhất thiết chỉ có nhân viên y tế xử lý người bệnh, tránh sự hiện diện, can thiệp của người thân. Chỉ đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định thân nhân mới được vào thăm và chăm sóc.

Về khía cạnh luật pháp, đã đến lúc phải cụ thể hóa trong luật từng hành vi bạo hành nhân viên y tế. Theo đó, cần quy định rõ loại hình bạo hành nào là hành vi vi phạm hành chính, loại nào là hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý với mỗi mức độ vi phạm. Ngoài ra, cần phải tăng cường đào tạo thực tế hoặc xử lý tình huống để giúp các nhân viên y tế có thể nhận biết, phòng và tránh khi có dấu hiệu của bạo hành sắp xảy ra với mình.

Cho dù hệ thống y tế của ta còn có nhiều vấn đề bất cập, đâu đó vẫn còn có những bác sĩ cư xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thiếu chuẩn mực, nhưng dù thế nào đi nữa chúng ta vẫn kiên quyết loại trừ hành vi tấn công nhân viên y tế. Không thể để bạo lực xảy ra tại bệnh viện - môi trường chăm sóc sức khỏe và cứu người.

Hạnh Vân
.
.
.