TT Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Tai biến sản khoa không thể phòng chống

Thứ Năm, 31/05/2012, 16:29

Mỗi ngày trên thế giới có 1.000 phụ nữ chết trong khi sinh con. Mỗi năm, thế giới có hơn 10 triệu phụ nữ bị tai biến khi sinh nở. 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong một năm. Đó là những con số giật mình về tỷ lệ tai biến và tử vong liên quan đến sinh sản mới nhất. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, đó vẫn là vấn đề làm đau đầu Tổ chức Y tế thế giới.

Liên tiếp những vụ sản phụ bị tai biến nặng và dẫn đến tử vong nhanh không kịp trở tay tại một số bệnh viện phụ sản trong nước thời gian gần đây nhất đã tạo nên một luồng dư luận vô cùng hoang mang và sợ hãi trong dân chúng, đặc biệt là đối với các sản phụ đang chuẩn bị sinh con và sắp làm mẹ.

Những vụ tai biến sản khoa dẫn đến những cái chết thương tâm của mẹ và con mới đây nhất phải kể đến là vụ chị Hương, 23 tuổi, ở Quảng Ngãi. Đêm 18/4, chị được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng vỡ ối, có dấu hiệu chuyển da,å khi đó thai mới được 37 tuần. Đến trưa 19/4, chị có biểu hiện khó thở, được chuyển vào phòng mổ đẻ. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì chị tử vong, bé trai chào đời đang trong tình trạng nguy kịch.

Cùng ngày, sản phụ Hạnh, 31 tuổi, ở Hưng Yên tử vong sau khi sinh bé trai nặng 4kg tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, và bé cũng qua đời ngay sau đó.

Còn tại Bắc Ninh là trường hợp sản phụ Loan, 34 tuổi. Khoảng 8h sáng 20/4, chị được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc khi có biểu hiện sắp sinh. Đến 0h30 sáng 21/4, chị có hiện tượng tím tái hết người, sùi bọt mép và được chuyển đi cấp cứu. Tuy nhiên sau khoảng hơn 30 phút sau thì cả hai mẹ con chị Loan đều tử vong.

Trong cả 3 trường hợp trên, gia đình các sản phụ đều đề nghị bác sĩ mổ đẻ vì thấy sức khỏe người nhà yếu. Tuy nhiên, cả 3 đều bị từ chối với lý do "thai phụ khỏe, đẻ lúc nào cũng được", "có thể đẻ thường".

Các vụ tai biến gây tử vong ở sản phụ đã gây hoang mang bức xúc trong dư luận. Người nhà của họ đã có những hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí đánh người, hủy hoại tài sản nhà nước nghiêm trọng buộc lực lượng Công an phải vào cuộc để khởi tố vụ án. Nguyên nhân khiến dư luận và người nhà các sản phụ bị tai biến tử vong có những hành động hồ đồ là do nỗi đau xót quá lớn khi đột ngột mất người thân.

Họ đã đổ lỗi cho các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới không đủ trình độ chuyên môn, làm việc thiếu trách nhiệm, gây ra những cái chết đau lòng đáng lẽ có thể tránh được. Thực tế, trình độ bác sĩ ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn luôn là mối lo ngại của người dân. Nhưng cũng có một thực tế khác, đó là tình trạng tai biến trong quá trình sinh sản khó mà tiên lượng trước, thậm chí nhiều khi xảy ra như "sét đánh". Thực tế có phải là do bệnh viện tuyến địa phương trình độ y bác sỹ còn non kém? Hay do sự tắc trách, vô trách nhiệm của kíp trực sản khoa ở bệnh viện? Hay ngành Y tế phải xem lại trình độ tay nghề cũng như y đức trong đào tạo bác sỹ để tránh xảy ra những tổn thất đáng tiếc?

Để rộng đường dư luận, đồng thời có cái nhìn khách quan, cận cảnh hơn dưới góc độ khoa học y tế, phóng viên của Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương về vấn đề này.

Khó mà tiên liệu được

- Thưa ông, gần đây có rất nhiều sản phụ chết trên bàn đẻ gây bức xúc và hoang mang trong dư luận. Nhiều người cho rằng, lỗi từ phía bác sĩ, ông có thể lý giải vấn đề này và cho biết cụ thể hơn về khái niệm tai biến sản khoa.

- Vấn đề tai biến sản khoa là vấn đề muôn thuở và bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến. Lịch sử y khoa thế giới chưa bao giờ loại bỏ được những tai biến sản khoa. Có 5 loại tai biến sản khoa đặc thù nhất, và cũng nguy hiểm nhất có thể gây tử vong cho cả mẹ và con: tai biến băng huyết, tai biến viêm phúc mạc sản khoa, tai biến vỡ tử cung và tai biến uốn ván rốn. Gần đây, còn có tai biến phá thai không an toàn.

Có một số tai biến có thể phòng, tránh được như tai biến uốn ván rốn, phải mất một thời gian rất dài tiêm phòng cho người mẹ, thì mới hạn chế được. Còn các tai biến khác, thì bằng mọi cách giảm xuống thôi chứ không tránh được như sản giật, băng huyết… Còn những biến cố trong sản khoa như tắc mạch ối chẳng hạn thì không ai có thể dự đoán, tiên lượng trước được. Những trường hợp đó là những cái chết như sét đánh, bác sỹ cấp cứu không kịp.

- Với trách nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế và một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa, ông có sự kiểm tra, đánh giá về những vụ việc xảy ra để tìm ra những giải pháp cụ thể?

- Đối với lĩnh vực y tế, các cơ sở bênh viện đều phải báo cáo với Sở Y tế, Bộ Y tế về những trường hợp tai biến để tìm hiểu nguyên nhân, để kiểm điểm rút kinh nghiệm và phòng những tai biến về sau.

- Qua những vụ tai biến sản khoa dẫn đến chết người ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hóc Môn, cho thấy tình trạng này thường chỉ xảy ra ở những bệnh viện địa phương. Liệu có vấn đề trình độ chuyên môn của bác sĩ kém, hay thái độ thiếu trách nhiệm, thờ ơ trước sinh mạng con người, hay cần phải xem lại hệ thống đào tạo y, bác sỹ ở các Trường đại học y khoa?

- Thực ra những tai biến đó là trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Nói không xảy ra ở bệnh viện lớn là không đúng. Ở bệnh viện Phụ sản, hay Từ Dũ vẫn có những trường hợp đó và đã xảy ra thường là không thể cấp cứu kịp. Tuy nhiên, ở bệnh viện địa phương, người dân bức xúc hơn, họ cho rằng nếu lên tuyến trên đã không xảy ra những cái chết đau đớn như vậy. Nhưng thực tế, những trường hợp đó cứu được là rất hiếm.

Bà mẹ cần khám thai và khám sức khỏe định kỳ. Ảnh minh họa.

Phải nói rằng công tác chăm sóc bà mẹ trẻ em của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều. Hiện nay, tỷ lệ tử vong của các sản phụ được các tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là đã có cải thiện đáng kể. Ở những bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm ít nhất có 20 ngàn sản phụ đẻ, tỷ lệ, có khoảng 10 sản phụ bị tai biến không cứu được, còn những trường hợp cứu được mẹ, hoặc con thì cao hơn. Trên thế giới, người ta cũng đang nỗ lực khắc phục điều này. Thế giới đã có những con số tổng kết giật mình, mỗi ngày trôi qua có 1.000 sản phụ chết vì sinh nở. Mỗi năm có đến 10 triệu sản phụ liên quan đến tai biến.

Không thể phòng chống

- Vậy những tai biến trong sản khoa liệu có thể phòng chống được không thưa ông?

 - Những tai biến trong sản khoa không thể phòng chống được. Nhất là khi người dân Việt Nam có một tâm lý rất sai lầm rằng, mổ thai là phương pháp an toàn nhất. Quan điểm đó dẫn đến tỷ lệ mổ quá cao. Nhưng chính mổ thai ẩn họa nhiều tai biến nhất như có thể bị nhiễm khuẩn, băng huyết. Hàng năm, thế giới có khoảng 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong vì đẻ non, nhiễm trùng, suy hô hấp. Phần lớn tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.

- Vậy những biện pháp để hạn chế tai biến sản khoa là gì thưa ông, để giúp người dân có thể nâng cao ý thức của mình về những nguy cơ tiềm ẩn và hạn chế bớt những rủi ro.

- Cả thế giới đang tìm những giải pháp để hạn chế tình trạng sản phụ khoa bị tử vong. Vấn đề uốn ván của trẻ sơ sinh đã được giải quyết từ nhiều năm nay bằng phương pháp tiêm phòng. Tai biến nặng nề nhất liên quan đến tử vong nhiều nhất là băng huyết, kể cả Tổ chức Y tế thế giới cùng khuyến cáo là nên xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ, tức giai đoạn xổ nhau và Việt Nam cũng đã hạn chế được. Còn đề phòng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cũng đã điều trị trong quá trình khám thai, nên tỷ lệ người mẹ nhiễm trùng, trẻ sơ sinh nhiễm trùng cũng giảm. Những trường hợp như tiền sản giật, sản giật, đều có những giải pháp điều trị tích cực.

Tỷ lệ tử vong liên quan đến nạo phá thai của Việt Nam cũng thấp. Ở châu Phi, tỷ lệ này rất cao. Khoảng 100 người nạo thai, chết 8-9 người.

Còn những trường hợp tai biến trong khi sinh thực sự là đau xót. Đối với bác sĩ, luôn luôn phải đề phòng các tai biến len lỏi, rình rập trong các bệnh nhân. Từ phía người dân cũng cần có sự thông cảm, sẻ chia, khách quan hơn.

Ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, có nhiều bác sĩ đã từ bỏ công việc của mình do không chịu được áp lực. Nhưng ngược lại, với lương tâm người thầy thuốc, một trường hợp tử vong so với một đất nước, có thể không quá nặng nề, nhưng so với gia đình, một dòng họ là một mất mát rất lớn. Các bác sĩ cần hiểu điều đó để có một thái độ làm việc cẩn thận, để không phải ân hận vì mình đã làm bằng mọi cách mà không cứu chữa được. Ngay cả tôi, dù làm rất lâu năm, có chuyên môn sâu trong vấn đề này, tôi cũng không bao giờ chủ quan được, thậm chí phải có thái độ chia sẻ với các gia đình.

Những người chuyên môn kém, thiếu lương tâm thì không nên làm ngành Y.

Nhau thai không phải là phương thuốc thần thánh

- Có những tin đồn rằng ở Viện Phụ sản Trung ương có một đường dây cung cấp nhau thai đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Thực hư thế nào thưa ông. Nhau thai có tác dụng đối với sức khỏe con người như thế nào.

- Những nhau thai khi đẻ xong cũng phải xử lý như rác thải y tế độc hại. Tôi cũng không quan tâm lắm đến vấn đề này. Những người sử dụng nhau thai làm thuốc, thức ăn, về mặt khoa học thuần túy tôi không phản đối. Thời kỳ bao cấp, đói ăn, nhiều người còn dùng nhau thai xào lên ăn, giống như thịt bò. Ngày xưa, thiếu thuốc bổ, mỗi người được chục ống philatop là hoan hỷ lắm, sung sướng lắm. Thực tế philatop là gì, nó là thứ thuốc bổ chiết xuất từ nhau thai.

Một thời, trẻ con Việt Nam ai chẳng dùng philatop như một thứ thuốc bổ hiệu nghiệm. Ngoài ra, thậm chí nhiều người còn dùng nhau thai tiệt trùng ngâm rượu, mật ong thành thức uống bổ dưỡng tốt. Nhau thai chế biến, được tiệt trùng thì cũng vô hại thôi. Kể cả những nhau thai nhiễm vi khuẩn nhưng qua xử lý cũng đã được tiệt trùng. Tóm lại về mặt khoa học y tế thì tôi không có gì phản đối việc sử dụng nhau thai. Về phạm trù đạo đức, thì các tôn giáo khác nhau, sẽ có những quan điểm khác nhau. Nhưng tôi khuyên mọi người, đừng lạm dụng nó, những sản phẩm từ nhau thai không phải là phương thuốc thần thánh, có thể chữa được bách bệnh.

-  Vậy thuốc chế biến từ thịt người thì sao thưa ông, liệu y học có ủng hộ những phương thuốc đó?

-  Tôi nghĩ, có thể nó được chế biến từ những bào thai rất nhỏ. Dưới góc độ khoa học người ta đã có những nghiên cứu khẳng định rằng bổ nhất là protit cùng loài như cá thì tốt nhất là ăn cá, thịt tốt nhất ăn thịt, tôm tốt nhất ăn tôm.v.v.v... Nhưng  theo quan điểm của cá nhân tôi là không nên làm như thế, bởi nó sẽ đụng chạm tới vấn đề đạo lý, lương tâm mình sẽ áy náy, và về mặt tâm linh cũng không ổn. Dù có thể từ góc độ khoa học thì không sao.

Nhóm PV
.
.
.