Tà Thiết một thời hoa và lửa

Thứ Tư, 14/08/2013, 14:57

Tà Thiết là tên phum sóc của người dân tộc Khmer, cũng là tên chiến khu cuối cùng ở miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (8/2/1973). Đã được xếp hạng di tích quốc gia nằm tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cách biên giới Campuchia 5km. Nơi đây vừa là tổng hành dinh của Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền, vừa là nơi của Ban liên hiệp Quân sự 4 bên hội họp sau Hiệp định Paris năm 1973. Trải qua 40 năm, đời sống bà con Khmer Tà Thiết thay da đổi thịt và chiến khu xưa trở thành địa chỉ đỏ ở vùng biên giới xa xôi.

Đêm không ngủ

Đi xe máy hơn nửa ngày đường, chúng tôi đến sóc Tà Thiết vào lúc 4 giờ chiều nên hỏi nhà trưởng thôn tìm nơi nghỉ lại, và cũng thật may mắn nhà ông có vườn điều khép tán nên xin mắc võng ngủ qua đêm. Cả sáu tiếng đồng hồ chạy xe, vừa đói lại vừa mệt, tôi và Lâm Nghi (người bạn Khmer dẫn đường) nằm nhoài trên chiếc võng dù ngắm nhìn buổi chiều biên giới. Hoàng hôn ở khu dân cư biên thùy thật đẹp. Trên con đường nhựa phẳng lỳ, những đàn trâu, đàn bò no cỏ ngật ngưỡng đi về, tiếng cười nói, tiếng xe máy và tiếng loa chiều vọng lại từ xa tạo thành một bức tranh quê êm ả, yên bình. Qua rồi một thời gian khổ của một tộc người sống du canh du cư kiếm ăn từng bữa. Cuộc sống của những hộ dân Khmer bảo vệ  Quân Ủy và Bộ Tư lệnh miền gian khổ ngày nào trong kháng chiến ở biên cương đến nay đã từng ngày thay đổi.

Hơn 9 giờ đêm. Chúng tôi và hai vợ chồng ông Lâm Vi trưởng ấp mắc võng trước sân nhà râm ran kể chuyện một thời khôn khó. Ông ấp trưởng 45 tuổi, người dân tộc Khmer sinh ra và lớn lên tại đây cho biết Tà Thiết là tên của một ông già làng, ngày xưa gọi là sóc nằm sâu trong rừng cách đây 2km. Năm 2002, Quân khu 7 mở đường để khôi phục lại di tích nên dời hết 62 hộ đến đây thành lập ấp mới theo tiêu chí nông thôn điện, đường, trường, trạm. Vào năm ấy mỗi hộ được Nhà nước tặng cho 1 ngôi nhà tình nghĩa (trị giá mỗi căn 18 triệu) và 3 mẫu rẫy để trồng tỉa kiếm ăn từ mảnh đất của mình. Ngày đầu tiên nhận được căn hộ, bà con nằm trong nhà xây mắt lao láo nhìn lên tường gạch thơm mùi sơn mới cứ ngỡ trong mơ. Già làng Lâm Um, Lâm Vé đêm đêm thường dặn dò con cháu “Lúc chiến tranh mình giúp cách mạng, bây giờ được Nhà nước trả ơn. Làm người phải biết ơn nghĩa để sống không được như con heo con gấu trong rừng...”.

Đến khi hết chuyện, ông trưởng ấp rụt rè nhờ tôi một việc: Năm 1972 cả nhà của ông bị trúng 1 quả bom chết hết. Riêng mẹ còn sống trong lúc mang thai ông, vì vậy bây giờ không còn họ hàng. Ông có người bác ruột tên là Lâm Sơn, hiện nay đã chết nếu sống khoảng 70 tuổi, có vợ người Khor tên là Kaloi, nghe nói ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lâm Vi muốn đi tìm nhưng không biết đường nhờ tôi giúp đỡ, hoặc đăng tin tìm người thân trên báo, may ra anh em con chú bác còn có cơ hội gặp nhau. Có lẽ mủi lòng về sự cô đơn và mất mát của đời người, Lâm Vi thút thít khóc. Chị Thúy vợ anh, cúi gầm xuống trong khắc khoải như muốn chia sẻ nỗi đau của chồng mình. Nhìn người đàn ông trên 40 tuổi sụt sùi, tôi phải quay mặt đi và hứa với ông khi nào có dịp về Bảo Lộc tôi sẽ liên hệ với Công an hoặc các già làng để nhờ tìm giúp. Tại Tà Thiết cũng như các vùng ven biên giới bây giờ, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng đâu đó vẫn chưa tìm được người thân. Đối với người Việt, ai không có bà con là một sự thiệt thòi lớn, vì chỉ có người cùng huyết thống mới có thể trút được nỗi lòng, giúp nhau trong khốn khó, còn với người ngoài dù nói cười vui vẻ, tay bắt mặt mừng nhưng gần như chỉ là đối tác. Quê hương và dòng tộc chính là hình ảnh thực, tình yêu đất nước bao giờ cũng được bắt đầu từ dòng họ trong nhà.

Gia đình Lâm Vi và nhà tình nghĩa.

Cả đêm tôi cứ trằn trọc, trở mình sột soạt trong chiếc võng dù. Hình ảnh những giọt nước mắt trăn trở của vợ chồng ông Ấp trưởng Lâm Vi cứ xoáy vào tâm thức, và cũng rút ra được một điều là trong cõi người ta dù giàu sang hoặc đầy quyền lực nhưng không có anh em, bạn bè đến lúc về chiều mới nhận ra sự cô đơn ghẻ lạnh. Vì cuộc đời này không phải có tiền hoặc có quyền là có tất cả.

Thủ đô gió ngàn một thời hoa và lửa

Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm cận đại, quân đội ta đã lập nhiều căn cứ Cách mạng, nhưng tại Tà Thiết là cứ điểm cuối cùng ở chiến trường B2. Ngày 7/4/1972 Lộc Ninh được giải phóng, đến ngày 8 tháng 2 năm 1973, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền từ sóc Con Trăng, Tây Ninh dời về khu này nhằm rút ngắn cự ly lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến. Căn cứ Tà Thiết ở rừng Lộc Ninh, một thời được mệnh danh là Thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời rộng đến 1.200ha. Hiện nay, chiến khu này đã được xếp hạng di tích quốc gia và khánh thành vào ngày 20/4/1995 gồm: Nhà trưng bày, nhà làm việc của Chính ủy Phạm Hùng, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tướng Lê Đức Anh và Nữ Tướng Nguyễn Thị Định.

Điều đáng ngạc nhiên là khu trung tâm chỉ huy ở sát nách sân bay Lộc Ninh của chế độ cũ nhưng vẫn đảm bảo bí mật đến ngày thống nhất đất nước. Các ngôi nhà trên được làm theo kiểu bán âm với giao thông hào kiên cố, riêng nhà Tướng Trà ở chung với 10 hộ dân của sóc Tà Thiết được thiết kế như cư dân bản địa. Chúng tôi vào nhà tưởng niệm của các vị lãnh đạo để thắp hương, vào hội trường của Bộ Tư lệnh ngồi họp... Điều đặc biệt các mái nhà ở đây đều lợp bằng lá Trung Quân, một loại lá có hình thù như lá mít, nhưng không bị mục khi ướt, không bị cong khi khô và để có một ngôi nhà phải cần tới hàng vạn chiếc. Theo các phi công thời chiến cho biết nhà lợp bằng loại lá đặc chủng này là cách ngụy trang tốt nhất, vì từ trên máy bay nhìn xuống không khác gì một đám lá rụng.

Hội trường Bộ chỉ huy miền.

Chúng tôi đến thăm nơi làm việc của Tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh miền. Cả 4 anh em, người ở miền xuôi cũng như người Khmer biên giới chẳng ai bảo ai đều đốt nhang ngã mũ cúi đầu trước vị nữ tướng. Trong khói hương nghi ngút lặng lẻ tỏa lên, tôi nhìn thấy hình ảnh Cô Ba (tên thân mật của Tướng Định), với đôi mắt  hiền từ và gương mặt phúc hậu, cả một cuộc đời cầm súng. Thời con gái, sau khi chít vành tang trắng vĩnh biệt người chồng, người đồng chí của mình, gửi lại con thơ vào bưng biền kháng chiến. Khi nước nhà thống nhất được Đảng và chính phủ giao nhiều chức vụ quan trọng, đến lúc về hưu vẫn giữ tấm lòng nhân ái, rộng lượng, chan hòa với mọi người. Sau ngày Cô Ba mất, nhân dân Bến Tre đúc tượng, lập đền thờ và ở tận đất kinh kỳ Thăng Long, bà con Hà Tây đã rước bát hương của Cô về thờ tại đền Hai Bà Trưng như là sự kế thừa tổ tiên ta đánh giặc của các nữ tướng Việt Nam.

Nhóm chúng tôi lặng lẽ men theo con đường bê tông nhỏ len lỏi trong rừng, nghe những người đã đến đây kể rằng rừng Tà Thiết dường như có điều gì bí ẩn. Vào đầu thập niên 60 đoàn quân khai thác gỗ của bà Trần Lệ Xuân khi đến khu rừng này nhiều xe bị chết máy, người bị ớn lạnh nên quá sợ hãi buộc phải quay về.

Năm 1979 quân Khmer Đỏ vượt qua biên giới đến đây cũng phải rút lui. Có người còn thêu dệt rằng rừng ở đây dường như có bàn tay vô hình chụp xuống đầu làm cho bộ nhớ của mình hỗn loạn. Thực tình, chúng tôi không biết thực hư thế nào nhưng cảm thấy ấm lòng vì hồn thiêng sông núi cũng có thể thay thế súng đạn trong việc gìn giữ tấc đất của cha ông và cũng không cảm thấy “ấm đầu” bởi bên cạnh mình còn có vong hồn các anh hùng liệt sĩ năm xưa bảo vệ. Đứng từ các bụi tre rừng chiều, nhìn xuyên qua kẻ lá mơ hồ thấy những hình ảnh các chú các anh quân giải phóng đầu đội mũ tai bèo, vai mang tiểu liên AK 47, choàng trên lưng tấm vải dù đang nhìn chúng tôi vui vẻ vẫy tay chào. Văng vẳng đâu đây tiếng chim tu hú vọng về như người xưa đang réo gọi hay  nhắc nhở bạn bè anh em về thăm đồng đội ngày nào.

Rời khu di tích trong tiếng ve mùa hè rỉ rả trên cây bằng lăng khô mất ngọn, đứng chổng lên trời như chiếc cột san hô khổng lồ dưới lòng biển cả. Xe chúng tôi đã chạy về xuôi, nhưng trong tâm thức vẫn ngậm ngùi khi tưởng tượng những di ảnh của các vị tướng một thời oanh liệt đang ở lại giữa rừng, nhất là đêm về hay những lúc mưa dầm rả rích ở vùng biên giới. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là khu tưởng niệm để thế hệ sau biết về một địa chỉ đỏ, thấy được chứng tích của tiền nhân, để cùng nhau giữ nước, giữ nhà và ghi nhớ công lao những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc

Trần Đại - Tất Trung
.
.
.