Tái lập lực lượng SBC là cần thiết?

Thứ Hai, 30/05/2016, 15:13
Trước đề xuất của các cán bộ lão thành và trên hết là theo nguyện vọng của đông đảo người dân, Công an TP Hồ Chí Minh đang xin ý kiến Bộ Công an về việc tái lập lực lượng Săn bắt cướp (SBC).


Đây là lực lượng tinh nhuệ, vang bóng một thời, từng là nỗi khiếp sợ của bọn tội phạm. Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, xung quanh việc tái lập lực lượng này, Công an TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và đề ra nhiều biện pháp để hoạt động tốt hơn trong tình hình hiện nay.

"Đại bàng trên đường phố" 

Bao nhiêu năm qua, dù lực lượng SBC đã hoàn thành nhiệm vụ và trở thành dĩ vãng một thời, nhưng mỗi khi nhắc tới SBC, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn mãi ghi nhớ về những chiến sĩ SBC thoắt ẩn thoắt hiện luôn kịp thời xuất hiện những nơi có bọn cướp, về những chiến công đã trở thành huyền thoại của lực lượng này.

Theo đó, Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng, tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa bị triệt hết, vẫn còn những băng trộm cướp hung hãn, nhóm xã hội đen có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay…

Lực lượng SBC chụp ảnh với đồng chí Mai Chí Thọ, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm mới thành lập.

Trước tình hình ấy, tháng 3-1978, 6 Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 1, quận 5 chính thức được thành lập. Đây là nơi tập hợp những trinh sát trẻ, tuổi đời không quá 30, gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe.

Người đứng ra tổ chức, tuyển chọn những trinh sát vào các Đội SBC này là Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Cảnh sát). Sau các phần thi như võ thuật, bắn súng, chạy xe..., Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đã tuyển được 58 người xuất sắc, trong đó có những tên tuổi về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố như đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Trần Văn Năm (Năm Lửa), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn...

Sự xuất hiện đúng lúc của những chiến sĩ SBC rạp mình trên những chiếc xe Honda 67 rượt đuổi tốc độ cao, võ thuật cao cường, bắn súng điêu luyện; bám trụ đường phố để luôn có mặt truy đuổi tội phạm... đã giúp cho an ninh trật tự của thành phố nhanh chóng được lập lại.

Lực lượng SBC đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, bắt giữ hàng trăm tên cướp đặc biệt nguy hiểm, phá thành công nhiều vụ án phức tạp từng gây hoang mang dư luận như vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga ngay trước cửa nhà… Những chiến công của lực lượng SBC đã khiến cho người dân tin yêu gọi họ với biệt danh "Đại bàng trên đường phố".

Theo Đại tá Phạm Văn Thịnh (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an TP. Hồ Chí Minh), lúc ấy là Đội phó Đội Trọng án - SBC, trước khi thành lập Đội SBC thì đã có Đội Trọng án.

Sau khi Đội SBC hoạt động một thời gian, để có thêm chiều sâu nghiệp vụ, đánh án có ban có nhóm nhằm "đào tận gốc trốc tận rễ" các băng nhóm tội phạm nên Đội Trọng án được ghép với Đội SBC thành Đội Trọng án - SBC…

Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được lập lại, nên năm 1989, các Đội SBC đã giải thể để thành lập các đội nghiệp vụ phòng chống tội phạm như hiện nay.

Phải có kế hoạch cụ thể

Tuy nhiên, vào các năm 2006, 2007, tình hình tội phạm cướp giật trên đường phố có dấu hiệu hoạt động phức tạp trở lại. Do đó, Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN, ra đời vào ngày 2-4-2008) với thành phần nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng chống cướp giật với mục đích đẩy lùi tội phạm trong tình hình mới.

Thực ra tên gọi CSHSĐN cũng chính là lực lượng SBC, tuy nhiên vào thời điểm đó do có nhiều ý kiến cho rằng nếu dùng tên cũ là "Săn bắt cướp" thì nghe có vẻ không được nhân văn lắm. Vì cướp dẫu sao cũng là con người mà dùng từ "săn" thì hơi nặng nề nên cuối cùng Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đặt tên mới là CSHSĐN.

Nhiều tên cướp, băng nhóm đã bị lực lượng Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm, Công an TP Hồ Chí Minh truy bắt thành công..

Hơn 8 năm qua, những chiến sĩ CSHSĐN được đào tạo nghiệp vụ khá bài bản, được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và một số đặc quyền khác để thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ đã lập được không ít chiến công nổi bật.

Như bắt giữ hàng trăm tên cướp giật, trộm cắp; khám phá nhiều chuyên án lớn như triệt phá băng nhóm tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cướp, cưỡng đoạt tài sản người nước ngoài do tên Nguyễn Thành Đô cầm đầu; băng cướp tiệm vàng Anh Sang; băng nhóm người Indonesia trộm tài sản bằng thủ đoạn đâm thủng lốp xe ôtô gây ra 6 vụ trộm với tổng số tiền thiệt hại gần 10 tỷ đồng; băng cướp trẻ với hơn 40 đối tượng liên quan do Đoàn Lê Hậu cầm đầu gây ra hàng chục vụ cướp giật; nhiều băng nhóm dàn cảnh đụng xe để trộm tài sản…

Có thể thấy, các trinh sát CSHSĐN vẫn ngày đêm "ăn cùng án, ngủ cùng án", tuần tra 24/24h trên mọi tuyến đường, phối hợp cùng Công an các quận, huyện, âm thầm kịp thời phá án, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho người dân. Và trên hết các trinh sát CSHSĐN hiện nay vẫn luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, khi mà tội phạm cướp giật vẫn hoành hành trên từng tuyến đường ở thành phố…

Tuy nhiên phải thừa nhận thực tế là hiện nay tội phạm cướp giật vẫn hoành hành trên đường phố, gây bất ổn an ninh trật tự, gây hoang mang lo sợ cho người dân. Nhưng nếu vì thế mà so sánh hiệu quả của hai lực lượng SBC và CSHSĐN hoạt động ở hai thời kỳ khác nhau là khá khập khiễng bởi nhiều lý do.

Trong đó có thể kể nếu như trước đây, SBC chủ yếu là bắt quả tang cướp giật trên đường thì CSHSĐN bây giờ có nhiệm vụ rộng hơn là đấu tranh phòng chống tội phạm cướp tài sản nói chung; Đấu tranh chống các loại tội phạm trên tuyến đường giao thông (trộm, cướp, bảo kê…) và điều tra truy xét các vụ án lớn gây bức xúc dư luận do cấp trên giao.

Cùng với nhiệm vụ này thì quyền hạn của đội cũng được nâng lên là có thể trực tiếp phối hợp điều tra, truy bắt với các đơn vị khác. Công việc thì nhiều nhưng nhân sự lại ít nên không thể bao quát hết địa bàn rộng lớn.

Mặt khác, những năm sau ngày giải phóng, đường phố TP Hồ Chí Minh thưa thớt người qua lại nên những cuộc rượt đuổi, những trận đấu súng nảy lửa trên đường phố ít gây nguy hiểm cho người đi đường.

Còn bây giờ đường xá chật cứng người, xe cộ lưu thông nườm nượp nên để an toàn cho người dân, các trinh sát chọn phương án đón lõng, "bắt nguội" là chính. Mà đã "nguội" thì không thể bằng "bắt nóng", không tạo được hình ảnh ấn tượng trong con mắt của người dân.

Và còn không ít lý do khác khiến cho hai lực lượng SBC và CSHSĐN không thể giống nhau về mặt hoạt động hay hiệu quả. Dù vậy, với "thương hiệu" SBC cùng nhiều tên tuổi đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố, việc tái lập lực lượng SBC có thể nói là cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân hiện nay.

Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh là để lực lượng này hoạt động thật sự hiệu quả thì cần phải tăng quân số, phương tiện; trang bị bộ đàm, vũ khí quân dụng, áo chống đạn… và phải có cơ chế đặc biệt đối với lực lượng này. Khi chiến sĩ SBC đã phủ kín địa bàn và kết hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác như CSGT, CSCĐ, 113… thì tội phạm trên đường phố chắc chắn sẽ phải khiếp sợ lực lượng Công an như SBC thời trước.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Mai Văn Tấn, nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần thiết phải tái lập lại lực lượng SBC. Theo Đại tá Tấn thì thực chất SBC so với lực lượng CSHSĐN bây giờ cũng giống nhau, chỉ khác nhau tên gọi.

Nhưng về mặt nào đó quyền hạn của lực lượng CSHSĐN bây giờ bị hạn chế hơn SBC trước đây. Do đó, cần có cơ chế cụ thể, đặc biệt với lực lượng SBC khi được tái lập, như vậy mới có hiệu quả như mong muốn.

Trong khi đó, theo Trung tướng Lê Đông Phong, việc tái lập lực lượng SBC để trấn áp mạnh tội phạm, Công an TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và đề ra nhiều biện pháp. Trong đó, sẽ tăng gấp đôi quân số cho lực lượng CSHSĐN; tăng cường phương tiện, trang bị như xe, bộ đàm, súng, áo giáp chống đạn... Đồng thời, phối hợp CSHSĐN với CSCĐ, CS113, CSGT... tuần tra liên tục khép kín địa bàn.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại rằng việc trao quá nhiều quyền hạn cũng như ưu tiên cho lực lượng này rất dễ xảy ra những lạm dụng; hoặc việc lập lại hình ảnh các cán bộ chiến sĩ SBC như lúc trước cần phải có kế hoạch cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đổi lại tên gọi.

Và cũng không thể suy nghĩ một cách đơn giản là khi thành lập lại lực lượng có tên gọi SBC thì tình hình an ninh trật tự của thành phố sẽ chuyển biến tốt ngay được bởi không thể chỉ một lực lượng mà có thể bao quát hết được và tình hình tội phạm cướp giật bắt nguồn từ nhiều đối tượng có "gốc xuất xứ" khác nhau như nghiện ma túy, xã hội đen, bảo kê, nghèo túng… nên không thể chỉ "cắt ngọn" - bắt được tội phạm là sẽ hết cướp bóc trong khi "cái gốc" gây ra thì lại chưa bị triệt phá…

Từ đó có thể thấy việc ngăn ngừa, trấn áp tội phạm cướp giật không chỉ là trách nhiệm của ngành Công an mà phải của toàn xã hội cùng phối hợp, đấu tranh để trấn áp tội phạm, hạn chế những mặt trái, tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.

Có thể nói, việc thành lập lại lực lượng SBC là mong muốn cấp thiết của đông đảo người dân. Bởi dù gì đi nữa, được sinh sống và thụ hưởng trong không gian, môi trường thành phố bình yên là mong mỏi chính đáng của mọi người dân.

Phú Lữ - Mã Hải
.
.
.