Buốt lòng nhìn những "thiên thần" bị bỏng do tắc trách của người lớn

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:47
Bị băng kín tay chân, tiếng khóc cứ thế xuất hiện khi cơn đau tái phát…, nhìn hình ảnh đông các em nhỏ đang phải nằm điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vì tai nạn bỏng, chúng tôi thấy nghẹn lòng. Những tai nạn ấy, nỗi đau ấy sẽ được ngăn chặn nếu như người lớn - các bậc phụ huynh, người thân lưu tâm hơn tới nhất cử, nhất động của trẻ…


Nổ bóng bay - tai nạn không chừa một ai

Đến giờ, khi nhắc tới vụ nổ bóng bay có bơm khí Hidro xảy ra vào tối 15/9 trên đường 36m ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước hậu quả của vụ nổ gây ra.

Khoảng 21h cùng ngày, tại đoạn đường trên, khi hàng trăm người đang đưa con em đi vui Tết Trung thu bỗng một chùm bóng bay bất ngờ phát nổ. Vụ nổ khiến 9 người bị thương nặng, trong đó có 3 trẻ em. Với độ bỏng lên đến II-III, do đó, việc điều trị cho các nạn nhân phải mất nhiều thời gian.

Vụ tai nạn bỏng trên thêm một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ tai nạn bỏng đi kèm với bóng bay - một trong những đồ chơi mà nhiều trẻ ưa thích.

Đề cập đến vấn đề này, là người có thâm niên trong lĩnh vực điều trị bỏng, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng khi bóng bay đã và đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhập viện trong thời gian qua.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống thăm khám trẻ bị tai nạn bỏng đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, những quả bóng bay tưởng chừng như vô hại này lại rất dễ gây hậu quả lớn. Bởi, chúng đều sử dụng khí hidro - là chất khí dễ cháy, chỉ cần gặp một tia lửa, nguồn điện đi qua sẽ rất dễ gây cháy, nổ, nhất là khi nó kết hợp với khí oxy gây cháy, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo.

Thế nên, trong trường hợp trẻ chơi bóng bay mà gặp sự cố về cháy, nổ bóng bay, hậu quả xảy ra là rất khôn lường. "Việc điều trị cho các trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng do cháy, nổ bóng bay gây ra mất nhiều thời gian. Nguy hại hơn, những vết bỏng do cháy, nổ bóng bay thường rơi vào vùng thẩm mỹ như: Vùng đầu, mặt, cổ… Do vậy, trẻ bị tai nạn bỏng do bóng bay gây ra thường bị ảnh hưởng tâm lý sau này", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống cho biết thêm.

Vào các ngày cuối tuần, nhất là các dịp lễ, Tết, chỉ cần rảo bước qua một số các điểm vui chơi, có đông trẻ lui tới ở thành phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh tấp nập người mua, người bán bóng bay. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như nhiều bậc phụ huynh không lơi là, không để trẻ tự ý chơi đùa với bóng bay. Bởi, đối với nhiều trẻ nhỏ, các em chưa nhận thức được hết hậu quả do thú chơi bóng bay này gây ra.

Mỗi ngày có 5-7 trẻ nhập viện vì bỏng

Nghe lời chia sẻ về số ca trẻ nhập viện vì tai nạn bỏng trong thời gian qua của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, chúng tôi thấy giật mình bởi mỗi ngày, chỉ tính riêng cơ sở y tế này thôi cũng đã có gần chục trẻ nhập viện vì tai nạn bỏng.

Tai nạn bỏng không chừa một ai, không chừa một không gian địa lý nào. Có mặt tại buồng cấp cứu của khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vào sáng một ngày cuối tuần, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, thế nhưng khi nhìn cảnh nhiều gia đình đang sầu não khi có con, em mình đang phải nằm điều trị tích cực ở đây do tai nạn bỏng gây ra, bất giác chúng tôi đều lặng người đi.

Có gia đình, cả bố lẫn mẹ phải xin nghỉ làm để túc trực, chăm con cả tháng nay. Rồi có gia đình do bố mẹ không nghỉ làm được phải nhờ sự "trợ giúp" của ông, bà dưới quê v.v.. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh.

Đến thời điểm hiện tại đã hơn 3 tuần trôi qua, chị Đ.T.Y, 44 tuổi nhà ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vẫn chưa tin tai nạn bỏng xảy đến với cậu con trai mới 14 tháng tuổi của mình là sự thật.

Vừa cưng nựng cháu N.L.G không khóc nữa, chị Y vừa sụt sùi kể lại câu chuyện đau lòng mà gia đình chị gặp phải. Trước đó, trong lúc vào bếp lấy đồ ăn, vợ chồng chị do không để ý, nên cháu N.L.G đã với phích nước nóng đang đặt trên kệ bàn. Chiếc phích ập xuống, cháu N.L.G khóc thét lên. Lúc này, vợ chồng anh chị phát hiện ra thì đã quá muộn. Vụ việc khiến cháu N.L.G nhập viện trong tình trạng bỏng 2 chân, 2 tay với diện tích 25% cơ thể, độ II-III. 

"Đến nay, với sự giúp đỡ, chữa trị tận tình của các y, bác sĩ Khoa Bỏng, bệnh tình cháu đã thuyên giảm. Mỗi lần nhìn vết bỏng của cháu, tôi lại thấy trách mình quá. Chỉ vì một chút lơi là, không để ý, nên cháu nó mới ra nông nỗi này đây! Từ giờ, vợ chồng tôi sẽ không để xảy ra sơ xuất như thế nữa", chị Đ.T.Y nghẹn ngào.

Qua trò chuyện với chị Đ.T.Y, chúng tôi được biết, cháu N.L.G là cậu con trai út trong gia đình của chị. Do đang đến tuổi đi, tuổi nói… nên cháu thích khám phá mọi thứ. Bởi thế cho nên, chỉ một chút lơi là, không quan sát cử chỉ của cháu, tai nạn bỏng đã xảy ra.

Ở Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, các ca trẻ nhập viện do tai nạn bỏng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ sự chủ quan, không lưu tâm của các bậc phụ huynh. Và rồi khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Trẻ bị bỏng do nổ bóng bay ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) (Ảnh: Sông Lam).

Bên giường bệnh người cháu nội L.Đ.P, 11 tuổi của mình, bà H, ở quận Tây Hồ (Hà Nội) không giấu được nỗi lo lắng khi cháu P đang phải nằm điều trị tích cực với vết bỏng 2 chân độ II-III, diện tích 20% cơ thể. Nguyên nhân khiến cháu P phải nhập viện điều trị bỏng tưởng chừng như có thể chủ động phòng ngừa được nếu cha mẹ của cháu P trang bị cho cháu thêm kiến thức phòng ngừa tai nạn bỏng do cồn gây ra.

Khoảng 15h, ngày 12/9, trong lúc nướng khoai bằng cồn, do ngọn lửa phát ra từ cồn có màu xanh trong nên cháu P lầm tưởng đã hết lửa và đổ thêm cồn vào. Không may ngọn lửa đang cháy âm ỉ gặp cồn đã bùng lên, bén vào hai chân cháu P gây bỏng. Do bị bỏng, phải nhập viện điều trị nên cháu P đã xin nghỉ học.

Chủ động phòng ngừa

Theo đánh giá của Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng 2 tháng trở lại đây, đã có hơn 200 trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng đến thăm khám và cứu chữa. Số trẻ bị tai nạn bỏng chủ yếu có độ tuổi từ 1-3 tuổi - lứa tuổi trẻ thích khám phá những vật dụng xung quanh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, nguyên nhân khiến số ca trẻ nhập viện do bỏng gây ra có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua đều bắt nguồn từ sự hiếu động, tò mò, thích khám phá các vật dụng xung quanh như (phích nước nóng, bàn là, nồi cơm điện, ổ điện v.v...) của trẻ. Khi đã cầm, sờ các vật dụng này rồi, các bé thường nghịch, đẩy… trong khi đó, mọi di biến của trẻ lại nằm ngoài sự lưu ý của người lớn.

Thế nên, khi các vật dụng đựng nước nóng, canh nóng trào ra, gây bỏng cơ thể trẻ thì đã quá muộn. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng, thời gian nấu ăn, các bậc phụ huynh chuẩn bị đi làm… là quãng thời gian mà người lớn thường bất cẩn, không chú ý đến trẻ hơn cả.

Thể chất, tâm sinh lý chưa phát triển, hoàn thiện, nên khi gặp tai nạn bỏng, trẻ rất dễ gặp nhiều biến chứng, ảnh hưởng, sang chấn tâm lý, nhất là khi các vết bỏng để lại sẹo ở các vùng thẩm mỹ như: Mặt, cổ, đầu v.v...

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, tai nạn bỏng ở trẻ có thể phòng và tránh được nếu mỗi giai đình, các bậc phụ huynh lưu tâm, chú ý hơn trong việc sắp xếp, bài trí các vật dụng trong gia đình có nguy cơ trở thành tác nhân khiến trẻ bị bỏng. Đồng thời, không để trẻ nô đùa, lui tới khu vực gia đình đun nấu, có "nguồn" gây bỏng như: Lửa, điện…

Một số khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa bỏng

1. Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi "nguồn" gây bỏng.

2. Dùng nước lạnh để rửa vết thương bỏng ở trẻ. Nếu vết bỏng ở tay, chân thì ngâm tay, chân vào nước lạnh nhằm giảm sự đau đớn, chống phù nề.

3. Tránh để quần áo dính vào vết bỏng. Dùng băng gạc mỏng băng hờ bên ngoài vết bỏng. Không được tự ý bôi thuốc điều trị vết bỏng khi không có chỉ định của bác sĩ.

4. Tuyệt đối không dùng nước mắm hay kem đánh răng bôi vào chỗ bị bỏng.

5. Đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa bỏng nơi gần nhất để cấp cứu, chẩn trị kịp thời.

Nhóm PV
.
.
.