Tai nạn giao thông: Bao giờ thôi nhức nhối

Thứ Ba, 29/11/2016, 10:31
Cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông là hành động nghĩa cử để tưởng nhớ và tỏ lòng thương cảm với các gia đình có người thân không may qua đời liên quan đến tai nạn xe cộ. Ðây cũng là dịp để mỗi công dân tự nhắc nhở mình hãy nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính mình và cho mọi người.


Cho dù Chính phủ đã làm rất nhiều việc để hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian qua, nhưng những con số vẫn biểu hiện một nỗi đau âm ỉ nhức nhối trong nhiều gia đình và toàn xã hội.

Con số và đằng sau con số

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 10.524 vụ tai nạn giao thông, khiến 4.320 người chết và 9.116 người bị thương, trong đó có 31 vụ đặc biệt nghiêm trọng. 

So với cùng kỳ năm ngoái, tuy giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng số vụ tai nạn có tính chất nghiêm trọng lại tăng lên. Tai nạn xảy ra không chỉ đường bộ, đường sắt, mà đáng chú ý là cả tai nạn giao thông đường thủy cũng diễn  biến phức tạp. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG cho biết, mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 24 người và khoảng 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Con số đó không đơn thuần chỉ là con số lạnh lùng, mà nó biểu hiện trong đó bao nhiêu là nỗi đau, bao nhiêu là nỗi ám ảnh và những ký ức tột cùng kinh hoàng mà mỗi người thân, bạn bè người bị nạn phải trải qua. 

WHO cảnh báo con số, mỗi năm ở Việt Nam trung bình có khoảng 11.500 người chết vì tai nạn giao thông. Con số này tuy ở mức trung bình so với một số nước đang phát triển khác trên thế giới, nhưng là rất nghiêm trọng và rất đáng báo động. Và nó có nguy cơ bùng phát vì số lượng phương tiện tham gia giao thông mỗi năm không ngừng tăng lên.

Con số từ Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, Việt Nam chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan về số người thiệt mạng do tai nạn giao thông. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính, thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông đường bộ hàng năm ở nước ta khảng 880 triệu USD, chiếm 2,45% GDP.

Trong lễ cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông, mỗi người đến đó đều mang theo một nỗi đau không gì bù đắp. Họ mang hoa, nến, gương mặt vẫn còn ám ảnh vì sự mất mát. Họ là những người mẹ mất con, những người chồng mất vợ, những người vợ mất chồng, những người ông bà mất cháu và là những đứa trẻ mất cha hoặc mẹ, hoặc mất cả cha mẹ vì tai nạn xe cộ. Nước mắt của họ âm thầm rơi, cầu mong sao cho người thân đã khuất của mình được yên nghỉ bằng an, được siêu thoát.

Cô Tính, đến từ Quảng Ninh, không ngừng rơi lệ khi nhắc về đứa con của mình. Một buổi sáng của năm 2014, con trai cô còn chào mẹ để đến trường trung học, nó đang chuẩn bị ôn thi vào đại học. Nhưng rồi tai nạn giao thông đã cướp đứa con 17 tuổi của cô trên đường đến trường. 

Hai năm đã trôi qua, không đêm nào cô Tính ngủ ngon. Hình ảnh đứa con trai nằm bất động dưới gầm chiếc xe tải hàng đêm cứ cứa vào trái tim cô nhức buốt. Cô ước gì thời gian được quay trở lại, và người tài xế lái xe tải hôm đó không uống rượu buổi sáng, và làm chủ được chiếc xe, không cướp đi đứa con của cô. Nhưng tất cả sự thật chỉ còn lại nỗi đau này. 

Cô Tính nghẹn ngào, mong sao không còn gia đình nào chịu đựng nỗi đau mất  người thân như gia đình cô. Mong sao mỗi người trước khi ra đường hiểu rằng, cẩn trọng là giữ gìn tính mạng của mình và giữ gìn tính mạng của người khác.

Giảm thiểu tai nạn giao thông phải bắt đầu từ con người

Đổ lỗi cho phương tiện, đường sá, máy móc chỉ là một phần của vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông. Chúng ta thừa nhận cơ sở hạ tầng, đường xá của chúng ta chưa tốt. Nhiều nơi, nhiều địa phương còn gặp khó khăn về đường sá. Các phương tiện thì nhiều, hổ lốn, đường lại nhiều khúc cua, nhiều điểm giao cắt làm khó người tham gia giao thông. 

Kết quả phân tích ở hơn 112. 500 trường hợp qua nhiều năm của Ủy ban ATGTQG cho thấy, số vụ tai nạn giao thông do xe mô tô, xe máy gây ra chiếm 75% tổng số vụ tai nạn giao thông trong khi đó do ô tô chỉ chiếm khoảng 17% và xe đạp là  4%. Người ta đã phân tích được, lỗi do phương tiện chỉ chiếm rất nhỏ, từ 0,39% tổng số các vụ tai nạn giao thông. Còn lại chủ yếu là do lỗi chủ quan của con người.

Vậy, câu chuyện ở đây cần nhìn nhận, là chúng ta phải bắt đầu từ con người, trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông hàng năm. Phải nhấn mạnh nhiều hơn về ý thức chấp hành Luật Giao thông của mọi công dân. Còn nhớ, trong một cuộc hội thảo về giải pháp cho tai nạn giao thông ở Việt Nam, một vị đại diện Tổ chức Jica của Nhật đã nêu một ví dụ sinh động từ đất nước của họ. 

Những năm 1960 của thế kỷ 20, nước Nhật cũng gặp vấn nạn về tai nạn giao thông.  Số người chết vì tai nạn hàng năm tăng rất cao. Chính phủ Nhật cảm thấy cấp thiết phải vào cuộc. Họ đề ra một chiến dịch toàn diện trong 5 năm với mục tiêu là giảm một nửa số vụ tai nạn giao thông so với thời điểm bắt đầu chiến dịch đó. 

Chiến dịch truyền thông của họ sâu rộng đến nỗi, tất cả các gia đình, trường học đều được tuyên truyền, giáo dục, phát tờ rơi cặn kẽ về ý thức giao thông. Luật Giao thông được phổ cập cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Chỉ sau 5 năm, số vụ tai nạn giao thông ở Nhật đã giảm còn một nửa.

Ở nước ta, câu chuyện ý thức chấp hành Luật giao thông còn nhiều vấn đề bất cập. Lấy ví dụ, năm 2002, số vụ tai nạn giao thông ở nước ta là 12.000 vụ. Đến 2010, con số vụ tai nạn đó vẫn không hề giảm. 

Điều này cho thấy, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông của ta còn yếu, kém. Bất cứ khi nào ra đường, chúng ta có thể bắt gặp cảnh người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, hay sử dụng rượu bia khi lái xe... 

Người ta nói, đường ở Việt Nam là đường của kẻ mạnh quả không sai. Ra đường cứ mạnh ai nấy đi, không tuân thủ quy định của pháp luật. Giao thông ở Việt Nam đã trở thành một câu chuyện hài hước để kể cho các du khách. Người ta đùa nhau, nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy đến tham gia giao thông ở Việt Nam.

Chính phủ đã có nhiều chương trình để giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhiều tổ chức cá nhân cũng đã vào cuộc. Nhưng thiết nghĩ các chương trình hành động cần phải mạnh mẽ hơn nữa. 

Các chiến dịch truyền thông phải rầm rộ hơn, sâu rộng hơn, thiết thực hiệu quả hơn nữa, để từng người dân được trang bị những kiến thức toàn diện để khi ra đường biết ứng xử một cách văn minh ngoài đường. Họ tham gia giao thông có ý thức, để giữ gìn mạng sống chính mình và mạng sống của người khác. 

Thử nghĩ mà xem, trên dải đất hình chữ S bé nhỏ của chúng ta, mỗi một ngày ttrung bình có 30 ra khỏi nhà và vĩnh viễn không về lại với người thân. Đấy là sự đau xót quá lớn. Mà muốn thay đổi thì chỉ có thể bắt đầu từ mỗi người.

Mới đây, cư dân mạng đã xôn xao về một bài văn của một em học sinh ở Hải Dương, đề cập đến vấn đề tai nạn giao thông, trong đó có đoạn em viết: 

“Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cơ hồ cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có vi phạm! Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, sử dụng điện thoại khi đi xe; chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi thì có va chạm nhẹ là đủ các kiểu nào ăn vạ cố tình, rồi hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật... 

Rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông đã xuống cấp tồi tệ, để cảnh vi phạm không phải là ngoại lệ nữa, mà thành môi trường buộc chúng ta phải thích nghi. Tất thảy bắt nguồn từ thói ích kủ hẹp hòi, vô trách nhiệm với bản thân và người khác, không chịu mở mắt nhận ra sự việc sẽ tồi tệ thế nào khi chính ý thức ấy sẽ mang tới những đau đớn mà thân thể máu thịt không thể chịu đựng”. 

Những câu văn của một em học sinh đủ để khiến cho người lớn và tòan xã hội phải giật mình. Đã đến lúc phải hành đông mạnh mẽ quyết liệt hơn, đừng thờ ơ với những con số. Vì đằng sau những con số là nỗi đau, dai dẳng âm ỉ trong rất nhiều gia đình có người thân qua đời hay tàn phế, chịu đựng thương tích vì tai nạn giao thông.

Minh Vân
.
.
.