19 y, bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV từ ca mổ đặc biệt:

Tai nạn nghề nghiệp và tinh thần quả cảm

Thứ Ba, 14/07/2015, 10:21
Đang trên đường trở về quê Quảng Ninh, bệnh nhân N.T.H bị băng huyết và phải quay trở lại cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong tình trạng vô cùng nguy kịch, chảy máu nhiều, chỉ chậm vài giây có thể ảnh hưởng đến tính mạng, như một bản năng của người thầy thuốc, các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quên mình cứu chữa bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu mà không kịp trang bị cho mình thiết bị phòng hộ. Sau ca cấp cứu đặc biệt ấy, 19 y bác sĩ đã có nguy cơ bị phơi nhiễm virus HIV.
Ca cấp cứu đặc biệt

Chúng tôi gặp bệnh nhân H. tại buồng bệnh, người phụ nữ ấy còn rất yếu ớt, da xanh xao nhưng vẻ mặt ngời lên sự sung sướng và hạnh phúc. Chẳng giấu giếm gì chúng tôi, chị H. chia sẻ: "Tôi bị nhiễm HIV sau khi lấy chồng. Chồng tôi mất cách đây 11 năm cũng vì căn bệnh này. Cuộc sống khá khó khăn và vất vả. Được các y bác sĩ hết lòng cứu chữa tôi thấy rất xúc động. Mình như được sinh ra thêm một lần nữa". 

Ngày 4/7 vừa qua đang trên đường từ Hà Nội trở về quê chị H. thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo. Mất nhiều máu chị ngất lịm ngay trên đường. Nhanh trí, con trai chị và em chồng gọi taxi đưa ngay trở lại Hà Nội và cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Người nhà chị H. kể lại: "Lúc đưa chị ấy vào bệnh viện người chị ấy mềm như sợi bún, da trắng bệch, máu ra rất nhiều, ướt sũng cả quần áo. Đến phòng cấp cứu tôi thấy các bác sĩ lập tứ lao tới. Chỉ trong vòng 1 phút đã có khoảng 20 y bác sĩ tới đầy đủ tại phòng cấp cứu. Có lẽ tất cả các bác sĩ trực hôm đó đều được huy động đến để cứu chị H.".

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện phụ sản (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật cho chị H. nhớ lại: "Tình trạng bệnh nhân N.T.H. đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch. Bệnh nhân da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không thể đo được, tim rời rạc gần như đã ngừng đập. Quả thực nếu chậm 1 đến 2 phút bệnh nhân sẽ tử vong".

Trước tình trạng nguy kịch như vậy, các bác sĩ tại đây quyết định thực hiện ca mổ ngay tại phòng cấp cứu. Nếu đưa bệnh nhân đến phòng mổ chắc chắn sẽ tử vong. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đã đập trở lại thì máu từ âm đạo tiếp tục phun thành dòng. Tình hình quá nguy cấp, các bác sĩ phải quyết định cắt toàn bộ tử cung để cầm máu cho chị H. Theo các bác sĩ thì tử cung của chị H. đã bị hoại tử và không thể bình phục được. Nếu không được cắt bỏ rất có thể bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và có nguy cơ tử vong rất cao.

Theo quan sát của phóng viên tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được trang bị khá đầy đủ các thiết bị bảo hộ. Vì thế rất nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao các y bác sĩ không sử dụng khi chỉ mất có vài phút? Trước câu hỏi này bác sĩ Khải nói: "Quả thực lúc đó chúng tôi không có nhiều thời gian nữa. Nó như thể bản năng của người bác sĩ vậy. Trước mặt chúng tôi là một bệnh nhân vô cùng yếu, vô cùng nguy kịch, chúng tôi không thể mặc quần áo bảo hộ, đeo kính, đeo găng hay đưa lên phòng mổ được nữa. Chỉ chậm một tích tắc có thể bệnh nhân sẽ mất mạng. Đó là thời khắc sinh tử mà".

Bác sĩ Lương Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thăm bệnh nhân N.T.H.

Đủ thiết bị bảo vệ nhưng thiếu thời gian để cứu bệnh nhân

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có cả một khoa, gọi là khoa sản nhiễm trùng. Ở đó tiếp nhận tất cả các bệnh nhân nhiễm trùng qua đường tình dục, trong đó có cả bệnh nhân nhiễm HIV. Do vậy họ vẫn thường xuyên thực hiện những ca mổ và điều trị những bệnh nhân như thế mà không hề có phân biệt đối xử. Việc phòng tránh lây nhiễm từ bệnh nhân sang thầy thuốc, ngược lại từ thấy thuốc sang bệnh nhân luôn được các y bác sĩ chủ động phòng tránh.

Thực tế, tham gia ca mổ đặc biệt ngày hôm đó có 18 nhân viên của bệnh viện và một người là học viên. Như vậy con số chính xác là 19 người chứ không phải 18 người như thông tin ban đầu.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Bệnh nhân này là bệnh nhân đang mắc bệnh thật sự và nồng độ virut trong người tương đối cao, bởi vì anh chồng của chị ấy cũng bị mất về bệnh này. Bệnh nhân lại trong thể trạng sức khỏe rất yếu nên virut càng nhiều và đến bệnh viện trong tình trạng máu, dịch phun ra rất nhiều nên khả năng bắn và nhiễm vào người thầy thuốc càng nhiều hơn.

Sau sự nỗ lực của tập thể y, bác sĩ trong ca trực đó thì bệnh nhân đã được cứu sống. Điều hạnh phúc ấy sẽ thuộc về gia đình nhưng chúng tôi cũng không thể nói là không hạnh phúc vì đã cứu sống được người bệnh. Về phần mình, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để những người thầy thuốc trong ca trực ấy chỉ bị phơi nhiễm thôi chứ không ai bị nhiễm".

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Ánh cũng cho biết thêm: "Tất cả những người tham gia trong ca mổ ấy đều đã được xét nghiệm và rất may mắn tất cả anh em đều khỏe mạnh không có bệnh tật gì nên sự đề kháng rất tốt. Hơn nữa chúng tôi đã cho anh em uống thuốc ARV là loại thuốc kháng virut để dự phòng ngay. Giả sử nếu có nhiễm một con virut vãng lai thì mình đã có thuốc kháng nó ngay rồi.

Tiếp theo chúng tôi sẽ theo dõi các trường hợp y, bác sĩ trong ca trực ấy trong vòng một tháng. Sau đó 3 tháng lại kiểm tra lại đúng quy trình Bộ Y tế yêu cầu để chắc chắn rằng sức khỏe của anh em không vấn đề gì thì lúc đó chúng tôi mới thực sự yên tâm. Còn tất cả anh em vẫn trở về với những công việc bình thường.

Tuy nhiên, trong công việc bình thường đó phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc để tránh tình trạng lây chéo từ thầy thuốc sang người bệnh và ngược lại. Trên thực tế, trang thiết bị để bảo vệ các y, bác sĩ của bệnh viện rất đầy đủ. Tuy nhiên đây là mổ trong phòng cấp cứu chứ không phải mổ tại phòng mổ. Trước một người bệnh đang ngáp cá, chỉ ngáp thêm một, hai cái nữa là chết hẳn thì không thể đợi để đi găng, đi ủng được.

Nếu thầy thuốc còn nghĩ đến những điều đó và làm đủ thủ tục thì quay lại bệnh nhân đã chết rồi. Cũng giống như một người đang cheo leo trên vực, mình nhìn thấy mà lại đi tìm dây bảo hộ, đeo xong rồi mới cứu thì người ta đã rơi xuống vực rồi. Đây là bản năng nghề nghiệp và tinh thần quả cảm của thầy thuốc thôi chứ không còn cách nào lý giải được.

Song Anh
.
.
.