Tại sao Biển Đông làm căng thẳng quan hệ Mỹ -Trung?

Thứ Tư, 10/06/2020, 10:20
Hôm 1-6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Kelly Craft đã viết thư lên Tổng Thư ký LHQ phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng nhiều quan chức khác của Mỹ cũng có phản ứng tương tự và gọi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là nguy hiểm, trái pháp luật. 

Đáp lại, Bắc Kinh càng thực hiện những động thái đơn phương, coi thường luật pháp quốc tế và tự do hàng hải… Biển Đông đang thực sự trở thành một điểm nóng tiềm năng cho việc gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung Quốc.

Vì sao là Biển Đông?

Vậy tại sao Trung Quốc lại bằng mọi giá phải thực thi bằng được những yêu sách vô lý bị cả cộng đồng quốc tế bác bỏ đến vậy. Theo nhà báo Philip Heijmans, trải dài từ Trung Quốc ở phía Bắc tới Indonesia ở phía Nam, đường thủy bao gồm 3,6 triệu km² làm cho Biển Đông lớn hơn vùng biển Địa Trung Hải. 

"Ở phía Tây, nó chạm Việt Nam, Malaysia và Singapore, và tới Philippines, Brunei ở phía Đông. Biển Đông có một khu vực đánh bắt thịnh vượng, mang lại khoảng 10% sản lượng đánh bắt cá trên toàn cầu và đặc biệt có trữ lượng dầu, khí tự nhiên đầy tiềm năng. 

Một lượng lớn giao dịch thương mại đi qua Biển Đông. Năm 2016, con số này là khoảng 3.000 tỷ USD, bao gồm hơn 30% giao dịch dầu thô hàng hải toàn cầu. 

Một điểm đáng chú ý nữa là có những tuyên bố mâu thuẫn về các đảo đá ngầm ở Biển Đông. Nhà báo Philip Heijmans viết: "Trung Quốc luôn luôn dùng mọi cách để tuyên bố chủ quyền tới 80% trên Biển Đông dựa vào một bản đồ năm 1947 không rõ ràng với dấu gạch ngang (cái gọi là đường lưỡi bò). 

Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan đều phản bác tuyên bố này của Trung Quốc. Các quốc gia liên quan cũng đã và đang nghiên cứu một Bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết các cuộc đối đầu ở Biển Đông".

Máy bay quân sự của Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: AP

Những động thái gây lo lắng từ Trung Quốc

Nhưng nhà báo này cũng chỉ rõ, một mặt đàm phán với các nước trong khu vực, mặt khác Trung Quốc vẫn đơn phương khai hoang khoảng 1.290 ha trên 7 rạn đá hoặc đảo đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Trên đó, Trung Quốc đã xây dựng các cảng, ngọn hải đăng và đường băng; lắp đặt hệ thống bệ phóng tên lửa và các thiết bị quân sự khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015 rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông và rằng những việc làm nói trên đều là mục đích phòng thủ… 

Nhưng tất cả những cái đó đều chỉ là che đậy tham vọng độc chiếm Biển Đông. Còn Mỹ, tuy không có đường biển trong khu vực Biển Đông nhưng luôn ưu tiên an toàn, an ninh và tự do hàng hải nên vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (hay còn gọi là FONOP) ở đây, rồi gửi tàu chiến và máy bay tới để chứng minh quyền đi qua vùng biển và không phận quốc tế. 

Dẫn chứng việc Mỹ đã thực hiện tám lượt tuần tra công khai vào năm 2019 và bốn lượt trong 4 tháng đầu năm 2020, nhà báo Philip Heijmans  cho biết, theo nhận định của Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông.

Song cũng phải nói thêm rằng, FONOP trên thực tế lại được đánh giá là "không gây nhiều tác động" đến Trung Quốc cũng như không ngăn được việc Bắc Kinh phong toả và chiếm đóng phi pháp các bãi cạn thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam trên Biển Đông. 

Greg Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) trong một cuộc hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông hồi giữa tháng 5 cũng chỉ ra một vấn đề là dù Mỹ có tăng cường tuần tra trên Biển Đông thì thực sự đến nay, Mỹ cũng chưa đề ra một chiến lược cụ thể nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Do đó, mọi hành động của quốc gia này trên Biển Đông mới dừng lại ở mức mang biểu tượng nhằm thể hiện cam kết với các đồng minh then chốt trong khu vực. Mà đã là biểu tượng thì Trung Quốc không bao giờ ngại và thậm chí còn tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương, ép các quốc gia láng giềng khác trong khu vực để hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình.

Trung Quốc đã đơn phương quân sự hoá đảo đá Subi và định thiết lập ADIZ mới ở đây. Ảnh: AP.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Vì vậy, học giả Ian Storey đưa ra lời khuyên rằng, các quốc gia trong khu vực cần phải tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Năm 2016, một hội đồng trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, nói rõ rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lợi lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn. 

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện này của Philippines và nói rằng hội đồng xét xử không có thẩm quyền. "Nhưng phải coi đây là một bước và là cách để các quốc gia khác có thể học tập nhằm đối phó với các chiêu trò của Trung Quốc trên Biển Đông", nhà báo Philip Heijmans viết.

Còn cựu Đô đốc Mỹ James Stavridis, người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì cho rằng, chìa khóa để Mỹ có thể xử lý tình huống này là dần dần uốn cách hành xử của Trung Quốc mà không phá vỡ mối quan hệ quốc tế theo cách dẫn đến Chiến tranh Lạnh hay xung đột vũ trang. 

Cách tốt nhất là kêu gọi thêm nhiều đồng minh hơn vào các hoạt động tự do hàng hải (bao gồm cả các đối tác trong NATO, cùng với Australia và Nhật Bản), xây dựng các quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác ven Biển Đông, gây sức ép để có một cuộc điều tra quốc tế toàn diện về sự bùng phát của đại dịch COVID-19…

Ảnh chụp từ vệ tinh về các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Twitter.

Và cảnh báo mới về ADIZ

Thực tế, trong thời gian gần đây, nhất là khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội các quốc gia lo đối phó với dịch bệnh để tiến hành các hành động phi pháp trên Biển Đông. 

Mỹ khá tỉnh táo khi đưa ra các cáo buộc Trung Quốc quấy rối tàu khu trục U.S.S. Mustin khi tàu tuần tra Biển Đông, và trích dẫn ít nhất 9 trường hợp máy bay chiến đấu Trung Quốc làm điều tương tự với máy bay trinh sát của Mỹ. 

Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 5 đã cáo buộc Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động quân sự khiêu khích và cưỡng chế ở các khu vực bao gồm Biển Đông và eo biển Đài Loan. 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết hải quân nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép vì nhu cầu lợi ích quốc gia. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trước khi từ chức hồi tháng 12 năm ngoái cũng cảnh báo, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những hậu quả lớn hơn, về lâu dài vì đã quân sự hóa các vùng biển…

Tuy nhiên, nhà báo Philip Heijman cũng cho rằng, Mỹ cần phải "cứng rắn" hơn nữa trong vấn đề Biển Đông nhất là khi Bắc Kinh có kế hoạch thành lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông giống như những gì mà nước này đã làm vào năm 2010. 

"Thông báo về ADIZ thứ hai của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á", Lu Li-Shih, cựu giảng viên của Học viện Hải quân Đài Loan tại Cao Hùng, phân tích và cho biết hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo và điều khiển sớm trên không KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 tại Fiery Cross Reef. 

Những bức ảnh này được  chụp bởi vệ tinh của Israel và được tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cung cấp. 

Đồng quan điểm này, Drew Thompson, một nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Trung Quốc đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á trong những năm gần đây, nhưng nước này sẽ vẫn đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ nếu công bố ADIZ trên Biển Đông. 

"Tuyên bố như vậy sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á và các nước này cũng sẽ buộc phải lựa chọn, không phải giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là giữa mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc và chủ quyền của chính họ", Drew Thompson khẳng định.

Huyền Chi
.
.
.