Tài xế tàu hỏa - nghề ngồi "ghế nóng"

Chủ Nhật, 28/05/2017, 20:29
Nghề lái ôtô, lái tàu hỏa luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong đó lái tàu là nghề đặc thù, với không ít tài xế trong hành trình phải chứng kiến những tai nạn thương tâm. Trong đó không ít vụ, dù biết trước cách đó cả trăm mét đường, nhưng không phanh kịp để cứu vãn tình thế. Nhiều vụ tai nạn diễn ra chỉ vì người điều khiển phương tiện đường bộ cố tình vượt đường tàu khi đã có còi báo hiệu, hoặc những vụ cố tình tự tử.


Tai nạn khó tránh

Theo chân “kiện tướng lái tàu”, ông Nguyễn Cảnh Dương (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thấy tài xế lái tàu là công việc nhọc nhằn, nhiều thử thách.

Ông Dương cho biết, do khẩu độ đường ray của tàu hỏa nước ta hẹp, hiệu suất an toàn không cao, nhất là do đường ngang qua đường sắt được mở tự phát quá nhiều, thiếu người gác nên thường diễn ra tai nạn thương tâm, tạo nên nỗi ám ảnh cho người lái tàu, người dân.

Ông Dương tâm sự: “Do ý thức của người dân ta chưa cao. Có còi hiệu rồi, thậm chí người trực gác chắn đã kéo cần chắn, hay cần tự động đã hạ xuống, vậy mà nhiều người điều khiển phương tiện vẫn cố tình lách qua. Thậm chí là ôtô, xe kéo chở hàng cồng kềnh, đi đến đó thì chết máy. Rồi có đoạn người dân trồng cây, cây lớn trùm lá vào hành lang bảo vệ đường sắt, làm ảnh hưởng đến tầm quan sát của người lái tàu. Tất cả tạo cho chúng tôi áp lực lớn, lúc nào cũng phải căng mắt quan sát”.

Tài xế Nguyễn Cảnh Dương.

Theo tìm hiểu, mỗi ca lái tàu có hai người, một chính một phụ, có thể hỗ trợ nhau xử lý những tình huống bất ngờ hay các sự cố. Ấy thế nhưng, nhiều đoạn có đường ngang tự phát nhiều như khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội), địa phận tỉnh Hà Nam, Nghệ An… là những nơi người lái tàu rất… ngại!

Ông Dương cho biết, bản thân ông ở nhà nhìn thấy cảnh đánh nhau chảy máu đã sợ, khi làm nghề lái gặp tai nạn còn thấy đáng sợ hơn.

“Để xử lý tốt thì tài xế phải tỉnh táo, quan sát tinh. Mức độ an toàn là phanh khi cách vật cản khoảng 500-600m. Nhưng thường chỉ quan sát tốt ở khoảng cách 200 đến 300m. Khi phanh, do động năng của tàu hỏa lớn, phanh cũng không cứu vãn được tình thế”, ông Dương giãi bày.

Đồng nghiệp với ông Dương, ông Đoàn Đình Sinh nhớ rất rõ một vụ tai nạn giao thông (TNGT) khá xót xa, khi ông lái tàu từ Hà Nội vào Đà Nẵng đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016.

Cặp vợ chồng nọ thả cho con chơi trên đường, còn hai vợ chồng xuống ruộng gặt lúa. Đứa con nhỏ chừng bốn tuổi lẫm chẫm chạy vào đường sắt. Vì em bé còn quá nhỏ, khi ông Sinh quan sát xác định được thì không kịp nữa. “Em bé đã chết, làm tôi rất ám ảnh”, ông Sinh quệt nước mắt.

Hay cách đây không lâu, lái tàu đi qua thị trấn Tía (Hà Nội), tàu vừa qua khỏi khúc cua thì ông Sinh nhìn thấy chiếc ôtô tải mắc ở đường sắt. Ông Sinh chỉ kịp hô “cúi xuống”, tức thì ông cùng lái phụ làm các thao tác để phanh tàu, lòng rất bàng hoàng. Rồi tìm hiểu ra, ông được biết đó là ôtô chở gạch, đi đến đó thì chết máy. Biết tàu sắp đến, tài xế đã bỏ ôtô chạy lấy người.

Một nỗi ám ảnh khác của các tài xế tàu hỏa chính là gặp phải cảnh tự tử. Nhiều người đứng bên lề thấy tàu cách mình từ vài chục đến 100m thì nhảy vào ngồi giữa đường ray. Lúc đó tài xế dù cố gắng thế nào thì cũng không thể cứu vãn được tình thế.

Ông Đoàn Đình Sinh kể: “Có lần tôi nhìn thấy một phụ nữ kéo con ngồi vào giữa đường ray, lúc đó chỉ cách tàu 80m. Đó là cảnh tự tử vô cùng thương tâm!”.

Cũng chung tâm sự ấy, ông Lê Hữu Phú, Đội phó lái tàu Ga Sài Gòn cho hay: Cuộc sống mỗi người đều có áp lực. Không ít trường hợp tự tử bằng cách chặn tàu hoặc nằm, ngồi giữa đường ray chờ tàu. Nhiều vụ người tự tử do mâu thuẫn với vợ hoặc chồng, có vụ do thua cá độ mà người ta tự sát.

“Vừa lái tàu vừa quan sát, chứng kiến cảnh người muốn tự tử cố tình ngồi ở đường ray, chúng tôi bấm còi, ra hiệu, la hét… thế nhưng đều vô vọng. Phải đến khi tàu dừng hẳn, quay lại quan sát hiện trường thì thấy cảnh người bị nghiến nát, chúng tôi đau đớn vô cùng”, ông Phú nhấn mạnh.

Ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng ban ATGT (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), cho biết, mỗi vụ TNGT đường sắt đều gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Không chỉ người và của mà còn hư hỏng công trình của ngành, làm chậm tàu, chậm giờ. Riêng năm 2016 đã xảy ra 381 vụ, làm 166 người chết, 275 người bị thương, tắc chính tuyến 656 giờ, chậm tàu 1.240 giờ…

Nghề lái tàu cần bản lĩnh và sự nhanh nhạy.

Phía sau tay lái

Công tác trong nghề lái tàu đã 33 năm, ông Dương cho rằng, anh em trong nghề phải yêu công việc lắm mới có thể trụ được với nghề. Thứ nhất là áp lực lớn nhưng đồng lương lại thấp.

Thấp đến nỗi vợ ông là bà Phạm Thị Kim Thanh thắc mắc sao chồng mình lương thấp đến vậy, đến bậc 3/3 còn chưa được 10 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng bà vẫn ủng hộ, động viên chồng hoàn thành tốt công việc đơn vị giao. Phần bà cáng đáng, làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống và chăm sóc con cái cho chồng an tâm công tác.

Tìm hiểu sâu, để trở thành người lái tàu chính cũng đâu đơn giản. Ngoài việc có sức khỏe thì phải kiên trì, không mắc bệnh tim mạch. Đồng thời, từ lái phụ lên lái chính, trong hành trình phải bảo đảm hàng chục vạn km đường an toàn, không xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra, trước lúc lên đầu máy, tài xế phải đến cơ quan, nghỉ ngơi hoàn toàn 4 tiếng; trước giờ tàu chạy 2 tiếng có mặt tại đầu máy để kiểm tra các thông số kỹ thuật, không được uống rượu bia trước khi lên tàu.

Hơn nữa, người tài xế cũng phải chịu áp lực về thời gian. Nếu là tài xế ôtô thì mệt là có thể dừng xe nghỉ, còn lái tàu hỏa thì phải chạy đúng giờ, đúng tuyến.

Để bảo đảm giờ giấc thì phải chạy đúng tốc độ đã quy định. Thí dụ trong nội thành thì chạy 60km/h, ngoại thành 70km/h. Với tốc độ như vậy mà đi qua nhiều đường ngang thì cũng rất nguy hiểm.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Quy tắc đối với người điều khiển tàu qua đường ngang: Khi sắp đến đường ngang, người điều khiển tàu phải kéo còi, chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.

Kiểm tra kỹ thuật đầu máy.

Mong người dân ý thức hơn

Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện cả nước có hơn 5.700 đường ngang, nhưng nghịch lý là chỉ có 1.514 đường ngang hợp pháp, và cũng chỉ có 641 đường ngang có người gác.

Nhiều đường ngang hẹp, thiếu tầm quan sát, không có gờ giảm tốc. Tại nhiều vị trí lối đi dân sinh do người dân tự mở, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự ý tháo dỡ và đi lại bình thường. Hệ quả là, gần như ngày nào TNGT đường sắt cũng diễn ra.

Tài xế Đào Nguyên Ngọc (Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) chia sẻ rằng muốn hiểu nghề thì phải ngồi vào buồng lái mới thấu hiểu. Từ ga Hàng Cỏ đến ga Phủ Lý là cung đường khủng khiếp mà nhiều người lái tàu e ngại, do đường ngang quá nhiều. Đặc biệt đa số cung đường sắt chạy song song và nằm sát với quốc lộ. Vào buổi tối, tài xế tàu hỏa rất khó quan sát khi ôtô đi ngược chiều ở quốc lộ rọi đèn pha.

Ngoài ra, dù được sửa chữa, cải tiến nhưng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo đảm an toàn đường sắt còn hạn chế, như tàu phải chạy qua nhiều cầu cống, trong đó không phải cầu nào cũng an toàn, gây áp lực cho lái tàu.

Để tìm hiểu thêm thông tin, ngoài đi tàu, gặp tài xế, lãnh đạo ngành đường sắt, tôi cũng gặp không ít nhân viên gác chắn để thấy rằng, để kéo giảm TNGT thì trước hết người tham gia giao thông phải cảnh giác, ý thức chấp hành nghiêm kỷ cương giao thông.

Anh Nguyễn Hữu Dư, thuộc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 1 Hà Nội, làm nhiệm vụ tại gác chắn đường ngang Chùa Đậu - Mễ Sở (Thường Tín - Hà Nội), cho biết: “Anh cứ đứng ở đây thì thấy, ý thức người dân ta còn kém. Nhiều người tối đi qua uống rượu say, theo tín hiệu tôi kéo rào chắn, tức thì người ta bắt tôi nhấc ra cho họ đi. Không làm theo là họ chửi, đánh. Mà nhấc rào chắn cho họ đi thì nguy hiểm. Một người đi được thì người khác cũng sẽ cố tình chen qua!”.

Người ta vẫn nói: “Sinh nghề tử nghiệp”. Ngay cả với những người lái tàu, dù luôn thận trọng, cảnh giác nhưng hiểm nguy vẫn cứ rình rập. Đa số các tài xế chỉ mong có sức khỏe, tinh nhạy để lái tàu an toàn và người tham gia giao thông cần nêu cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Diên Khánh
.
.
.