Sợ công ty phạt tài xế xe ôm công nghệ bịt biển số xe

Chủ Nhật, 13/10/2019, 13:34
Thời gian gần đây, khi tham gia giao thông, không khó bắt gặp một chiếc xe máy được che biển số lưu thông trên đường. Biển số xe được “ngụy trang” bởi một số vật dụng khác nhau, từ khẩu trang đến các tấm đề can, băng dính, thậm chí sử dụng cả… tiền.


Điều đặc biệt những chiếc xe được che chắn biển số này chủ yếu của các xe ôm công nghệ. Theo chia sẻ của một số tài xế này thì lý do khiến họ làm việc đó là để đối phó với công ty. Bởi nếu để công ty phát hiện sai phạm như không mặc đồng phục, vượt đèn đỏ, đi sai làn thì sẽ bị phạt nặng, thậm chí là đuổi việc nên họ buộc phải che biển số.

Che biển số để đối phó với công ty

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao các tài xế công nghệ lại “ngụy trang” biển số như vậy, phóng viên đã tiếp cận với một số tài xế chạy xe cho hãng Grab. Khi được hỏi lý do vì sao thì bác tài Nguyễn Trung Đạo, quê ở ngoại thành Hà Nội giải thích: “Khi muốn tham gia hệ thống của các hãng xe ôm công nghệ, chúng tôi phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về phương tiện, giấy tờ…

Với các tài xế “công nghệ”, việc bị Cảnh sát giao thông xử phạt không sợ bằng việc công ty xử phạt.

Vì vậy trên công ty có đầy đủ thông tin của các tài xế, khi làm việc mà chúng tôi bị phát hiện thiếu đồng phục, vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn… thì sẽ bị cắt hợp đồng, mất việc. Nên chúng tôi che biển số vào để công ty không thể tra ra thông tin”.

Còn anh Lê Trọng Văn – một tài xế Grab hoạt động chủ yếu tại khu vực bến xe Giáp Bát chia sẻ: “Hiện nay lượng tài xế tham gia Grab rất đông, lượng công việc bị san sẻ, mức độ cạnh tranh cao nên nhiều tài xế thường xuyên chụp ảnh các vi phạm của tài xế khác báo về công ty. Từ các hình ảnh biển số xe này, công ty tra ra thông tin chiếc xe, hợp đồng và tài xế vi phạm sẽ bị xử lý. Mà nhiều lúc làm nghề thì khách hàng là thượng đế, họ vội nên muốn mình vượt đèn đỏ, lấn làn mình cũng phải làm theo.

Trong những lúc như thế mà chẳng may bị tài xế khác chụp được ảnh thì coi như tháng đó nhẹ cũng bị phạt, nặng thì bị đuổi việc. Để an toàn thì anh em tài xế truyền tai nhau phương pháp này, công ty không thể tra ra, như một cách để đối phó lại công ty quản lý của mình”.

Để tìm hiểu nhiều hơn các lý do, phóng viên tiếp tục tiếp cận với một tài xế của hãng xe công nghệ Be. Mặc dù mới vào nghề được vài tháng nhưng cũng đã nắm khá rõ “chiêu trò” này và tỏ ra rất đồng tình với cách đối phó đó.

Người này nói: “Hiện nay, hãng Be vẫn đang áp dụng các chương trình thưởng, hỗ trợ khi tài xế đạt được các định mức về số cuốc hoặc chất lượng. Nhưng để đạt được số tiền này, tài xế phải không vi phạm các quy định mà công ty đặt ra.

Để phát hiện các vi phạm khi tài xế lưu thông trên đường, công ty thành lập cả một đội thanh tra thường xuyên di chuyển tại các cung đường có mật độ tài xế hoạt động cao để ghi nhận lại vi phạm. Tài xế khi lưu thông thì đồng phục như nhau, có mỗi biển số để tra ra nên những người chạy xe che lại cho chắc chắn, tránh bị phạt và đảm bảo điều kiện để được nhận thưởng của công ty”.

Bị CSGT phạt còn hơn bị công ty đuổi việc

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy phải đeo biển số đúng quy định được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tại Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng đối với ôtô (bao gồm cả rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo theo), và 80.000 đến 100.000 đồng với xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu có hành vi "điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng”.

Rõ ràng những tài xế công nghệ là những người hiểu biết, họ biết đến các quy định của pháp luật nhưng đang cố tình xem nhẹ hành vi vi phạm của mình. Một phần có thể cũng do mức chế tài từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng chưa đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm này?

Chia sẻ về hậu quả tiềm ẩn sau những tấm biển số xe được ngụy trang, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: “Những trường hợp xe môtô tham gia giao thông không gắn BKS hoặc BKS bị che lấp, che mờ sẽ gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi truy tìm, điều tra, giải quyết các vụ TNGT, khó khăn nữa là các camera sẽ không zoom và không quan sát được BKS để tiến hành xử phạt nguội.

Tới đây, chúng tôi có thể sẽ tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng CSGT có các buổi làm việc, trao đổi với các công ty như Grab để phía công ty có biện pháp phối hợp với lực lượng chức năng, đảm bảo trật tự ATGT trên thành phố”.

Có thể thấy, dù lý lẽ cho việc “ngụy trang” biển số của các tài xế công nghệ là gì thì điều này cũng không thể chấp nhận. Vì vậy, có lẽ mỗi lái xe công nghệ nên có trách nhiệm hơn đối với chính bản thân và hành khách của mình. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát, quản lý các lái xe, không để tình trạng “đeo khẩu trang” cho biển số xe tiếp tục diễn ra.

Phong Anh
.
.
.