Tâm sự của người già sống lâu năm nhất trong trại dưỡng lão

Thứ Bảy, 27/09/2014, 16:00

Những năm gần đây, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, số lượng người già cơ nhỡ không nơi nương tựa tăng lên rất nhiều. Mỗi người họ, đều có những hoàn cảnh rất thương tâm. Trong đó cụ Cao Thị Nghé, người sống lâu năm nhất của trung tâm có những chia sẻ về cuộc đời người phụ nữ, cách đi qua nỗi cơ cực và cảm xúc khi ở nơi đây – ngôi nhà cuối của cuộc đời này.

Đã từng hạnh phúc khi có một người chồng tốt nhưng bất hạnh không con

Cụ Nghé là người sống lâu năm nhất ở đây. Tính đến nay là cụ ở đây đã được 13 năm trời. Đối với người già nó như một chuỗi dài lê thê. 14 năm trời là ngần ấy cái Tết cụ đón với những người dưng. Có những người vào rồi được con cháu đón ra, còn cụ không con nên có những nỗi tủi, những nỗi niềm riêng. Nhìn đôi mắt ráo rẻ phơi sương đã nhèm của cụ quá khứ như tràn về.

Cụ Nghé chia sẻ về cuộc đời mình trong niềm hồ hởi xen lẫn chút buồn. Cụ từng là Cao Thị Nghé – cái tên quen thuộc làm công nhân Cục Đường sắt Việt Nam, người con gái mạnh mẽ (quê ở Khu 1, Sở Thượng, Yên Sở, Hoàng Mai). Năm 23 tuổi lấy chồng, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Ở với nhau được 30 năm nhưng họ không có khả năng sinh con.

Thương vợ, chồng cụ lúc ấy cũng là công nhân đường sắt, vẫn chung thủy hết 30 năm cuộc đời với người vợ của mình, không một chút thay lòng đổi dạ. Tuy không có con nhưng trong 30 năm sống với ông là thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời bà. Nhưng cuộc đời trớ trêu, ông ra đi sớm, bỏ lại người đàn bà bước sang tuổi xế chiều.

Cụ Nghé móm mém chia sẻ, từ khi ông bỏ đi “về trời”, cuộc đời của cụ bước sang một trang khác. Từ một người phụ nữ sống có chỗ dựa, 2 vợ chồng nương tựa, đùm bọc, trái nắng trở trời có nhau nhưng đến khi chồng mất, khó khăn của cụ là vô vàn trong đó là sự cô độc và cuộc sống mưu sinh là bài toán khó hơn rất nhiều, sự thiếu thốn về cả tinh thần lẫn vật chất.

Tuổi già sức yếu, hằng ngày cụ ra sông hớt cá, bắt cua ốc rồi mang bán qua ngày. Không con, về già không cháu, cụ một mình lủi thủi suốt. Kể về ngôi nhà cụ Nghé tự dựng ven sông, sống tạm bợ bên cái lều ọp ẹp, nước mắt tràn trên đôi mắt già nua, cụ Nghé kể: “Hôm ấy, người ta đến dọn lều của tôi, thấy bảo để xây khách sạn”. Thấy cụ không con, không cháu, không nhà ở, họ quyết định đưa cụ vào trại – Trung tâm Bảo trợ xã hội 4. Sơn Tây, Hà Nội. “Lúc đó tôi không hề muốn đi, vì ở đây tôi còn hương khói cho bàn thờ tổ tiên và ông”. Rồi cụ nói: “Giá mà tôi có đứa con trai thì giờ lại không ngồi ở đây mà đang chơi với cháu”, cụ cười, hàm răng móm mém. Đây có lẽ là mơ ước lớn luôn thường trực trong suy nghĩ cả cuộc đời của cụ.

Ở cái tuổi 67, khi những người già khác được sống trong hoàn cảnh đầy đủ sung túc thì cụ lại phải gồng gánh chịu những bất hạnh không người thân ruột thit.

Khó khăn những ngày đầu được đưa vào trại

Những ngày đầu được đưa vào trại, đó là những ngày tháng khó khăn cụ không thể quên. “Họ dắt tôi, cho lên xe ôtô rồi đưa lên đây. Tôi cũng có chút sợ sệt”.  Được đưa đến một vùng đất mới, một ngôi nhà mới, phong cảnh mới. Sống chung với những người bạn già khác, mỗi người mỗi hoàn cảnh, về già nên cũng trái tính trái nết, họ cũng ngại chia sẻ với cụ, ban đầu cụ Nghé chưa thích nghi được với môi trường sống ấy. Và đó cũng là điều dễ hiểu khi cụ đã mất một khoảng thời gian dài sống cô lập 14 năm thân già côi cút một mình (từ năm 53- 67 tuổi) tại túp lều ven sông, bất ngờ có một sự thay đổi nhanh gấp trong 1 ngày, không kịp cho những chuẩn bị tinh thần để thích ứng với môi trường sống mới.

Vào đây mọi giờ giấc, sinh hoạt của cụ Nghé cũng bị thay đổi. Trung tâm có giờ quy định, ăn cơm sáng, trưa, tối, không được làm gì nên cũng buồn bực chân tay. Nhất là với những người hay làm như cụ thì có những vướng bận.

Cụ Nghé chia sẻ những ngày tháng ban đầu ở đây là những ngày tháng khó khăn của cụ khi mà có những đêm cụ thức trắng vì nhớ ông, nhớ về quá khứ xa xôi, đôi khi nhớ nhà nữa. Có những hôm cảm xúc day dứt vì không hương khói cho tổ tiên ông bà và chồng mình được, cụ cười: “Nhớ nhà, nhưng thực ra nhà thì cũng chỉ là nhà thôi, chứ cũng có gì đâu, có ai đâu, chỉ là tôi đã sống quen ở đấy”. Mỗi khi trái nắng trở trời thì cụ lại thấy đau nhức thân thể, chân tay. Tuy nhiên, bước vào đây, cụ Nghé cũng gặp được những may mắn nhất định, những người già sống cùng nhau luôn giúp đỡ cụ.

Phải mất 3 tháng trời cụ Nghé mới không thấy buồn nữa. Cụ quen dần với nếp sống tại trung tâm. Chia sẻ về những người bạn cùng phòng, cùng trại, cụ nói: “Họ cũng khốn khổ như tôi, thậm chí có người khổ hơn tôi nhiều, tôi còn minh mẫn, còn sức khỏe, thế nên chúng tôi thương nhau mà sống”.

Có những người ở đó với cụ gần 10 năm, cũng có người đến một hai năm rồi lại được gia đình đón về. Cụ ở đây lâu nhất, cụ tâm sự: “Những chuyện của trước đây tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua. Tôi cũng đã từng rất mong một ngày nào có người đến đón tôi về, nhưng ở mãi rồi quen, ước muốn ấy cũng không còn nữa”

An phận với “Ngôi nhà cuối cùng của cuộc đời”

Hằng ngày, cụ dậy sớm tập thể dục cùng mọi người vì thế sức khỏe cụ dẻo dai. Dù đã hơn 80 nhưng cụ vẫn nhanh nhẹn và tươi vui lắm. Vẫn những công việc quen thuộc cụ ăn cơm sáng, khi còn khỏe cụ cũng cầm chổi quét dọn nhà cửa, vườn tược trước dãy nhà A1 của trung tâm cho khuây khỏa. Chứ giờ tuổi đã cao rồi cụ chỉ ngồi đợi cơm 3 bữa, nói chuyện với người già khác, đi xem phim, nghe đài thôi. Chỉ có điều không gian của cụ chỉ là những người già neo đơn như cụ. Họ cũng chẳng có chuyện gì ngoài chuyện quá khứ mang ra kể đi kể lại với nhau.

“Tôi có 7 đứa cháu con nhà dì, nhưng hoàn cảnh chúng nó khó khăn nên không nuôi được tôi”, cụ nói với giọng thông cảm. “Năm nào chúng nó cũng đại diện thăm tôi một hai lần - cụ kể trong niềm vui, hạnh phúc. Mỗi lần lên chúng nó góp lại cho tôi một hai triệu, tôi nhờ trung tâm giữ, tôi cần mua gì thì các chị ấy lại mua cho”.

Khi chúng tôi hỏi về điều kiện sống nơi đây cụ có thấy thoải mái không? Cụ chia sẻ:  “ Với tôi, mọi thứ như vậy là tốt lắm rồi. Tuy đôi lúc có thèm cái này, cái kia, nhưng thôi tuổi già khó tính, khó chiều. Cơm ăn đầy đủ là tốt lắm rồi. Nếu giờ để tôi tự lao động mà sống kiếm miếng ăn không thôi cũng khó. Không ở đây thì tôi biết ở đâu, Đây chắc là căn nhà cuối cùng của tôi rồi. Ngoài căn nhà này, tôi còn định đi đâu được nữa”.

“Tôi vẫn mong ngóng từng ngày mấy đứa cháu lên thăm, nhưng chúng bận làm ăn quá, chắc cũng đến tuổi nên ngại đi đứng, chẳng biết chúng có quên tôi không. Dù chỉ là cháu thôi nhưng vẫn là máu mủ, vẫn là người thân”, cụ nói. Mỗi năm cháu cụ chỉ lên có 1 đến 2 lần nhưng khi họ về thì chuỗi ngày còn lại là những ngày cụ tiếp tục chờ đợi cho đến năm sau.

Chúng tôi hỏi ngoài mong muốn được gặp các cháu, cụ còn mong muốn gì nữa không. Nghĩ trong giây lát, cụ nói ra: “Tôi cũng đã đến tuổi gần đất, xa trời, không biết là hôm nay hay ngày mai còn sống được nữa. Cũng chẳng biết mong đợi gì nữa. Sống được ngày nào hay ngày đấy. Ở đây cho đến lúc chết thì trung tâm cũng lo ma chay cho”.

Cụ Nghé xác định đây là điểm dừng chân cuối của cuộc đời mình. Thời gian còn lại của cuộc đời mình sẽ gắn bó nốt ở trung tâm tình thương này. Đó là lựa chọn duy nhất mà cụ có thể làm.

Mặc dù trong cuộc trò chuyện, trước mặt, cụ vẫn tỏ ra minh mẫn, đôi khi lạc quan, pha hài hước. Nhưng chính sự lạc quan trong con người già nua móm mém không nơi nương tựa ấy hiện lên một nỗi buồn thương ám ảnh những người đến thăm trung tâm. Đó không chỉ là ánh mắt của cụ mà còn là ánh mắt của hơn 300 người già neo đơn sống tại đây. Có những người còn ý thức được như cụ và có cả những người nằm liệt bất động không ý thức được những gì đang diễn ra trước mặt mình.

Và dù cuộc sống ở trung tâm có đáp ứng được điều kiện sống vật chất đầy đủ cho các cụ đến đâu thì về mặt đời sống tâm hồn, tinh thần, các trung tâm cũng khó có thể bù đắp cho các cụ già neo đơn ở đây. Vì thế khi những người trẻ đến thăm và nói chuyện, trong ánh mắt của các cụ lại rạng ngời một niềm vui, dù trong đó vẫn còn nhiều nỗi buồn vương vấn

Hà Vũ
.
.
.