Tản mạn quanh chuyện Lý Xương Căn

Thứ Hai, 03/10/2016, 14:48
Lý Xương Căn có gương mặt hiền, trầm tĩnh, đường nét của người đàn ông tuổi Mậu Tuất này cũng đã Hàn hóa. Dù mới chỉ học một số câu tiếng Việt còn lơ lớ, chủ yếu phải qua phiên dịch, vẫn thấy trong ông niềm phấn khích khi nhắc về cố hương.

Tôi gặp Lý Xương Căn năm 2000 ở Hà Nội. Ông về thăm cố quốc lần đầu vào tháng 5/1993 qua tìm hiểu và giúp đỡ của Đại sứ Nguyễn Phú Bình ở Hàn Quốc. 

Trong một lần đi Hàn Quốc, biết ông là chi trưởng của dòng họ Lý ở Seul, tôi nhờ một người quen ở Đại Sứ quán ta dẫn đi tìm ông và những đồng bào di cư từ tiền sử 800 năm trước, với hy vọng viết được một cái gì đó về dòng tộc Lý ở Seul. Rất tiếc, đi loanh quanh suốt ngày chủ nhật mà không gặp được ông. Có thể dịp đó ông đi làm ăn xa hoặc thay đổi địa chỉ mà mình không biết? 

Thời gian ở Seul của tôi chỉ vỏn vẹn một tuần. Nản quá, tôi và người quen bèn rủ nhau đi chợ. Chợ là không gian văn hóa đặc thù của cộng đồng và lãnh thổ. Sau một ngày mệt mỏi, chỉ cần nhìn những bình rượu nhân sâm, củ to bằng bắp chuối, rễ dài cả mét và những rổ thịt chó luộc ngất ngư trong các cửa hiệu, sạp hàng tại cổng chợ Namdaemun là có thể “hồi” sức. Thế mới ấn tượng!

Ở Seul có hai chợ nổi tiếng mà người Việt nào qua cũng phải biết. Chợ Dondaemun là lò áo da, đồ da. Chợ Namdaemun là lò nhân sâm và thịt chó. Đoàn công tác của tôi lúc đó có bà cán bộ cỡ vụ, ở Bộ Y tế ních đầy váy, áo da vào cái va li Tàu nhái thương hiệu Ý đến nỗi nó oạc cả khóa ra, trông như đào lộn hột. Bà này bèn “ăn vạ” công ty dịch vụ vận chuyển nọ một cái va li khác, kèm 100 đô la bồi thường. Lại có ông vừa mặc, vừa vắt vai vài cái áo da vì sợ va li quá cân. 10 đô la một cân quá trọng lượng thì còn lời lãi gì? 

Ở cửa hiệu nhân sâm, mấy cô nàng mũm mĩm đứng quầy nói cười ỏn ẻn bằng tiếng Việt hẳn hoi, làm tôi rất ngạc nhiên, dù họ nói không sõi, không rành. Các cô bảo học tiếng Việt ở các lớp cấp tốc, thậm chí có cô du học ngoại ngữ một năm ở tận Vũng Tàu và Sài Gòn. 

Thế mới biết người Hàn nhạy lắm. Họ quyết không bỏ lỡ nguồn “bạn hàng” từ hàng ngàn cô dâu Việt, hàng ngàn người lao động Việt xuất khẩu, cũng cỡ ngàn người Việt nữa đi công tác và du lịch mỗi năm. Nhân sâm không chừng được “bơm” thuốc tăng trưởng, trông nó cứ lừng lững thế?

Người ta vẫn nói vui, sức mạnh dân tộc Hàn là nhân sâm cộng thịt chó!? Mà thịt chó, tôi ngờ rằng chính là món ẩm thực cổ truyền Việt do các cụ nhà Lý xuất cảng sang Cao Ly và truyền lại cho dân bản xứ cũng nên? Tuỳ bạn đọc tìm hiểu lý giải. 

Nhưng có một điều chắc chắn, vào khoảng hơn hai chục năm trước, khi ngoại giao Hàn - Việt cởi mở, phát triển thuận lợi, nhiều người họ Lý biết thông tin về tộc hệ và cố hương mình, rất muốn được về Việt Nam thăm viếng, tìm cơ hội làm ăn. Một trong những người nhiệt thành, có tấm lòng với cố quốc và đi tiên phong ấy chính là Lý Xương Căn.

Ông Lý Xương Căn nhận quyết định công nhận là người Vi ệt Nam, Ảnh: Bich-Diep

Sau chuyến đi Hàn Quốc, qua Ban liên lạc dòng họ Lý, tôi gặp Lý Xương Căn trong lần ông về Bắc Ninh bái tổ, góp tôn tạo tổ đường và dẫn theo một nhóm các chuyên gia, doanh nghiệp chào hàng, tìm hiểu đầu tư. 

Lý Xương Căn có gương mặt hiền, trầm tĩnh, đường nét của người đàn ông tuổi Mậu Tuất này cũng đã Hàn hóa. Dù mới chỉ học một số câu tiếng Việt còn lơ lớ, chủ yếu phải qua phiên dịch, vẫn thấy trong ông niềm phấn khích khi nhắc về cố hương. 

Ông bảo, nhiều bà con họ Lý muốn về thăm quê lắm, nhưng không phải ai cũng có điều kiện. Ông hào hứng rằng, trong một thời gian ngắn ông đã đưa khá nhiều bà con từ Hàn Quốc về thăm Bắc Ninh rồi. Cố quốc nghèo, nhưng vẫn còn đó những tình cảm nồng hậu và ý nghĩa thiêng liêng nguồn cội, ông cười hiền, bảo thế.

Tôi hỏi ông, nếu cần chia sẻ về làm ăn, làm thay đổi diện mạo cho cố hương, ông có ý tưởng gì? Lý Xương Căn lại tủm tỉm. Ông không trả lời câu hỏi của tôi mà kể một câu chuyện thế hệ ông chứng thực. 

Đó là thập kỷ 60, ngay sau cuộc nội chiến Nam - Bắc Triều không lâu, Hàn Quốc đã phải thắt lưng buộc bụng cho cuộc huy động tổng lực về xây dựng giao thông. Có thể nói lúc đó người Hàn Quốc “nhịn đói” để làm đường, làm cao tốc. Chính giao thông, tất nhiên không chỉ giao thông, là cầu nối quan trọng bậc nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. 

Từ những sân bay, bến cảng, con đường mà đầu tư nước ngoài, những khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị, hệ thống tài chính ngân hàng, khách du lịch… được thu hút, ra đời và lớn mạnh. Chỉ riêng sông Hàn đoạn qua Seul đã có hàng chục cây cầu. Hệ thống đường hầm qua núi, hệ thống giao thông ngầm dường như có một đời sống khác với dòng người tuôn chảy dưới lòng Seul sầm uất và tốc độ hiện đại nhanh.

Có thể vì hệ thống giao thông cố quốc lúc đó còn manh mún, xập xệ, lộn xộn đến kinh khiếp mà Lý Xương Căn kể câu chuyện kia chăng? Nhưng không thể giấu được sự ách tắc, lụt lội như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm gần đây. Nó không chỉ gây tổn hại về kinh tế, còn gây ức chế, tổn hại về tinh thần. Sự ô nhiễm môi trường, khí thải đô thị cũng vào loại nhất thế giới. 

Trong bối cảnh như vậy thì bài học Hàn Quốc gần gũi, thuyết phục hơn bao giờ hết. Mở cửa và hội nhập, chính sách vĩ mô thông thoáng và đúng hướng, hệ thống giáo dục tiên tiến, ưu tiên giao thông… là những điều kiện tiên quyết, là nhịp điệu để Hàn Quốc có những bước nhảy vọt. Thu nhập bình quân nhanh chóng lên con số những chục ngàn đô la mỗi người dân một năm. Những tập đoàn: Samsung, Hyundae, LG, Keangnam… trở thành những thế lực cạnh tranh quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá.

Vậy mà, tôi biết những thập niên 60, 70, Seul còn phải gọi Sài Gòn là “Anh Hai”, là “Viên ngọc Viễn Đông” - một doanh nhân trong nhóm của Lý Xương Căn hào hứng góp chuyện. Thế có nghĩa ông tự nhận Hàn Quốc chỉ là “Anh Ba” thôi. Ông chính là một cựu binh thời Pắc Chung Hy đánh thuê Nam Việt Nam. Tôi từng gặp khá nhiều cựu binh như ông, họ nói về Việt Nam thường bằng giọng hối lỗi, bằng thiện cảm muốn làm được việc gì đó giúp Việt Nam, ngõ hầu xoa dịu những ký ức chiến tranh buồn trong ẩn ức dai dẳng của mình.

Tại buổi gặp ấy, nhóm doanh nhân của Lý Xương Căn cũng mang chào hàng một sản phẩm có thể làm đông cứng đất nhanh, kiểu như bê tông “mì ăn liền”, có thể dùng vào việc làm kênh, mương thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, tôi không rõ công nghệ “mỳ ăn liền” sau đó có chào được địa phương nào “ăn hàng” hay không?

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Lý Xương Căn năm 1998 (ảnh Tư liệu).

Không biết, có phải tại các cụ tiền bối nhà Lý để lộ bí quyết món thịt chó cao đạm cho xứ Hàn hay không? Chúng tôi cùng tếu táo cười xoà. Nhưng là ở một không gian khác, tại phòng khách ngôi biệt thự nhỏ mà Lý Xương Căn đã đưa cả vợ, ba đứa con về Việt Nam, sinh sống những ngày đầu, ở Tứ Liên, Tây Hồ. Ông đang hiện thực hoá ước mơ lần ngược con đường tổ tiên đã ra đi, về lại Thăng Long thành, nơi cụ tổ Lý Công Uẩn đã định đô, dựng nên nghiệp lớn nghìn năm Thăng Long. 

Gia đình ông đã được Chủ tịch nước ra quyết định nhập quốc tịch Việt ngày 16 tháng 10 năm 2009 (Quyết định 1532/QĐ - CTN). Lý Xương Căn và vợ là Kim Dung Tử (sinh năm 1961) có ba con, một gái hai trai, kháu khỉnh, bụ bẫm. Cô chị Lý Huệ Trân sinh năm 1989, Lý Hách San sinh năm 1991, Lý Việt Quốc sinh năm 1998. 

Các con ông đã học tiếng Việt, đi học phổ thông ở Hà Nội. Còn ông, ông đã cùng một vài người “bà con” ở Đình Bảng lập một công ty, cỡ vừa vừa, bắt đầu mở mang kinh doanh. Vợ ông, một gương mặt thật hiền, thuần Hàn, bảo học tiếng Việt khó quá, nhưng làm dâu nhà Lý, chiều chồng, thực hiện ý nguyện của chồng, sang đây định cư lâu dài thì phải gắng học thôi. Bọn trẻ cũng hào hứng với tiếng Việt lắm. Chúng dần quen các món ăn của người Hà Nội.

Có tin được không, những cháu con nước Việt, sau đến khoảng 800 năm biến cố, lưu lạc và định cư xứ người, có thể gác lại đời sống phồn thịnh của Seul để về đây nhận lại cố hương, và cố làm một việc gì đó có ý nghĩa, như Lý tâm sự? Ấy là con đường nhân nghĩa, nó lớn hơn nhiều con đường vật chất cụ thể. 

Cũng xin nói thêm, có thể, về tiềm lực kinh doanh, Lý Xương Căn không nổi danh bằng Lý Tường Tuấn, một doanh nhân Hàn gốc Lý khác, về nước khai trương văn phòng Công ty Golden Bridge những năm trước đây (Ông Tuấn cũng đã về thăm quê tổ Bắc Ninh khi nghe mẹ kể về cội nguồn), nhưng câu chuyện về Lý Xương Căn, ước vọng giản dị của ông như một minh chứng về một cội nguồn văn hoá, một huyết hệ, một sâu thẳm quê hương, dù trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, dù xa cách về không gian, thời gian đến nhiều thế kỷ, vẫn còn đó sợi dây tình cảm linh thiêng của mạch nguồn non nước Việt.

Bây giờ, ngoài các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, thương mại… mà Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam ở thời điểm này, thì giao thông cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc đang “hiện thực hóa” giấc mơ về giao thông của Lý Xương Căn ở Việt Nam, kể cả thương mại vận tải và xây dựng cầu đường.

Bây giờ, gia đình Lý Xương Căn sống ở một căn hộ xinh xinh ở Trung Hòa - Nhân Chính. Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Lý Miền Trung, có trụ sở ở Đà Nẵng. 

Không biết ông chuyển hướng làm ăn vào Đà Nẵng có phải vì thành phố này hấp dẫn và thông thoáng? Có phải vì thành phố này cũng có một con sông tên Hàn như ở Seul; có hệ thống giao thông, bãi biển hiện đại, sạch đẹp; có những cây cầu đẹp qua sông Hàn, trong đó cầu Rồng được giải thưởng Kim Cương về kiến trúc của Hiệp hội Cầu thế giới năm 2014? Nhưng với việc tích cực vận động người Việt, dù ở chân trời góc bể nào, cũng hướng về nguồn cội, góp phần xây dựng quê hương nước Việt thì chắc chắn rồi!

Ghi chép của Trần Quang Quý
.
.
.