Tân tổng giám đốc Unesco tái đắc cử chức vụ đầy trọng trách

Thứ Năm, 05/12/2013, 14:00

Ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào đầu tháng 10/2013 vừa rồi, đương kim Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) Irina Bokova 61 tuổi người Bulgaria đã tái đắc cử, khẳng định uy tín vượt trội trước các đối thủ kỳ cựu khác của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Chào đời ngày 12/7/1952 tại Thủ đô Sofia của Cộng hòa Bulgaria, I. Bokova là con gái đầu của ông Georgi Bokov (1920-1989), chính trị gia lão luyện từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Bulgaria (BKP) kiêm Tổng Biên tập Nhật báo Rabotnichesko Delo (Sự nghiệp công nhân), cơ quan ngôn luận của BKP. Năm 19 tuổi sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Anh ngữ ở Sofia, I. Bokova sang Liên Xô du học tại ngôi trường nổi tiếng là Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), "cái nôi" đào tạo các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Liên bang Xô Viết và khối Đông Âu, rồi tốt nghiệp trong năm 1976 với tấm bằng đỏ ưu tú.

Sau khi trở về nước tân cử nhân I. Bokova nhận công tác ở Bộ Ngoại giao Bulgaria. Từ năm 1977-1982 nhà nữ ngoại giao trẻ tuổi là Tùy viên tập sự kiêm Bí thư thứ ba vụ Liên Hợp Quốc (LHQ) và giải trừ quân bị trực thuộc Bộ Ngoại giao Bulgaria. Trong giai đoạn từ năm 1982-1984, nữ tùy viên I. Bokova đảm nhiệm chức vụ Bí thư thứ ba tại Phái đoàn thường trực của Bulgaria tại LHQ ở New York (Mỹ). Kế tiếp từ năm 1984-1990 bà là Bí thư thứ hai, rồi Bí thư thứ nhất vụ LHQ và giải trừ quân bị tại Bộ Ngoại giao Bulgaria.

Đến giữa năm 1995, nhà ngoại giao kỳ cựu I. Bokova được cử giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề liên quan tới LHQ, tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU) và liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn từ tháng 11-1996 đến tháng 2-1997, nữ Thứ trưởng I. Bokova trở thành Ngoại trưởng Bulgaria trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Zhan Videnov.

Tới đầu năm 2005, bà I. Bokova được Tổng thống Georgi Parvanov bổ nhiệm giữ chức đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Bulgaria ở Pháp và Công quốc Monaco, kiêm đại diện thường trực của Bulgaria tại UNESCO; đồng thời được bầu vào Ban chấp hành UNESCO là cơ quan điều hành mọi hoạt động của tổ chức. Sau hơn 4 năm là thành viên Ban chấp hành UNESCO, nhà ngoại giao chuyên nghiệp I. Bokova đã trúng cử chức danh Tổng Giám đốc UNESCO, trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ đầy trọng trách này.

Tổ chức UNESCO được thành lập vào ngày 16/11/1945 là một trong những cơ quan chuyên nghành hàng đầu của LHQ. Công ước thành lập UNESCO nêu rõ tôn chỉ hoạt động nhằm thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa; cũng như đảm bảo sự tôn trọng luật pháp và quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo.

Tổ chức UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên, với trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp) gồm 1.200 nhân viên, cùng khoảng 900 nhân viên khác làm việc tại 50 văn phòng đại diện ở cả 5 châu lục trên thế giới. Những dự án nổi bật trong ngân sách thường niên của UNESCO là bình chọn để công nhận các di sản văn hóa, khu dự trữ sinh quyển, di sản tư liệu và công viên địa chất trên thế giới, cũng như di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vào thời điểm Tổng Giám đốc I. Bokova nhận nhiệm sở cũng là giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chính thức khởi sự từ hơn một năm trước. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, người đứng đầu UNESCO còn phải đối mặt với một khó khăn gay gắt khác do phía Mỹ khước từ đóng góp vào ngân sách thường niên của tổ chức, như là một biện pháp ủng hộ đồng minh Israel, "trả đũa" lại việc Ban chấp hành UNESCO kết nạp Nhà nước Palestine làm thành viên thứ 195 dạo cuối tháng 10/2011.

Động thái của Hoa Kỳ là nước tự nguyện góp tới 22% mọi chi phí của UNESCO, đã khiến ngân sách thường niên của tổ chức này giảm từ 653 triệu USD xuống còn có 507 triệu USD nên "việc chi tiêu rất chật vật, không thể hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra", như nguyên văn lời bộc bạch của Tổng Giám đốc I. Bokova. Vẫn theo lời người đứng đầu cơ quan UNESCO, thì trong năm nay có khoảng 300 nhân viên trong biên chế thường trực sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm do thiếu kinh phí chi trả lương.

Với tỉ lệ quá bán theo quy định là 39/58 số phiếu từ các thành viên thuộc Ban chấp hành UNESCO, bà I. Bokova đã vượt qua hai đối thủ đầy tiềm năng khác là ông Rachad Ahmed Saleh Farah, đương kim đại sứ Cộng hòa Djibouti ở Liên bang Nga kiêm đại diện thường trực của Djibouti tại UNESCO (13/58 phiếu) và giáo sư Joseph Maila, cựu Giám đốc trung tâm phân tích và dự báo của Bộ Ngoại giao Pháp (6/58 phiếu). Trong phiên họp toàn thể diễn ra sau đó, đại hội đồng UNESCO quy tụ các đại diện của 195 quốc gia thành viên đã chấp thuận kết quả bầu tân Tổng Giám đốc. Để so sánh, ở lần trúng cử dạo bốn năm trước ứng viên I. Bokova phải "chật vật" qua ba vòng bỏ phiếu mới giành được chiến thắng cuối cùng. Được biết, bà I. Bokova trở thành Tổng Giám đốc cơ quan UNESCO trong nhiệm kỳ thứ nhất vào giữa tháng 10/2009, cũng là vị chính khách Đông Âu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong toàn bộ lịch sử hơn sáu thập niên tồn tại tổ chức trọng yếu này.

Ngoài tiếng Bulgaria mẹ đẻ ra, Tổng Giám đốc I. Bokova còn sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ phổ biến tại LHQ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Còn người anh ruột của bà I. Bokova là ông Philip Bokov 65 tuổi, từng đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng nội các của cựu Thủ tướng Bulgaria Sergei Stanishev và cựu đại sứ Bulgaria tại Cộng hòa Slovenia

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.
.