Tăng cường chống buôn lậu ở biên giới An Giang

Thứ Hai, 25/06/2018, 09:00
Địa hình đường biên chủ yếu là đồng bằng, một số đoạn có kênh rạch chằng chịt và đặc biệt là con sông Mê Kông chia đôi chiến tuyến nên cũng giống như một số tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, từ nhiều năm nay, An Giang luôn là điểm “nóng” về buôn lậu.


Với chiều dài biên giới lên đến gần 100km chạy dọc theo các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc, tiếp giáp với hai tỉnh Tà Keo và Kandal, Vương quốc Campuchia; địa hình đường biên chủ yếu là đồng bằng, một số đoạn có kênh rạch chằng chịt và đặc biệt là con sông Mê Kông chia đôi chiến tuyến nên cũng giống như một số tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, từ nhiều năm nay, An Giang luôn là điểm “nóng” về buôn lậu.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, trong những năm qua, ngoài việc triển khai kế hoạch phối hợp với các đơn vị Hải quan, Quản lý thị trường và các Ban, ngành chức năng, Công an tỉnh An Giang còn bố trí các tổ công tác thường trực cắm chốt ngay tại biên giới để chủ động phòng ngừa, đấu tranh khám phá nhiều đường dây buôn lậu góp phần giữ vững sự bình ổn thị trường hàng hóa tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Trung tá Nguyễn Đăng Khoa - Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46), phụ trách công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ Công an tỉnh An Giang chia sẻ: Ngoài những mặt hàng chủ yếu như thuốc lá điếu, đường cát Thái Lan, quần áo cũ, hàng tiêu dùng thì giới buôn lậu còn vận chuyển trái phép qua đường biên giới tỉnh An Giang cả vàng thỏi, đá quí và đặc biệt là tiền giả.

Thuốc lá điếu được dân buôn lậu vận chuyển bằng ghe.

Để công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả, trước tiên phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến từng cán bộ chiến sỹ (CBCS) để họ vững vàng trên trận tuyến chống buôn lậu, không bị đồng tiền cám dỗ, mua chuộc. CBCS nếu làm tốt thì kịp thời động viên, khen thưởng, còn cố ý tiếp tay cho buôn lậu sẽ bị xử lý nghiêm.

Hàng năm, CBCS Phòng PC46 Công an tỉnh An Giang phải đưa ra dự báo về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để từ đó lên kế hoạch cho cán bộ trinh sát thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, chủ động phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị liên quan để nắm tình hình trên toàn tuyến biên giới.

Ngoài ra đơn vị còn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân về trách nhiệm của công dân trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu để họ hiểu và không bao che, tiếp tay cho buôn lậu, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác triệt xóa những tụ điểm tập kết hàng lậu.

Song song với các việc làm trên, đơn vị đã bố trí các tổ trinh sát chốt ở tất cả các điểm “nóng” ngay tại các cửa khẩu. Các tổ này phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng địa phương, đặc biệt là các đơn vị Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường tiến hành tuần tra 24/24h dọc theo đường biên để kịp thời xử lý các đối tượng buôn lậu, ngoài ra còn tổ chức các chuyên đề bí mật theo dõi đón lõng bắt các chuyến hàng lậu đưa qua biên giới.

Tuy nhiên các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu cũng rất ranh ma. Để đối phó với cơ quan Công an và các đơn vị chức năng địa phương, họ đã thuê những thanh niên người địa phương thông thuộc địa hình địa vật, mà trong giới buôn lậu gọi là “chim lợn” thay phiên nhau canh me 24/24h xung quanh khu vực các tổ trinh sát đóng quân, sẵn sàng thông báo mọi hoạt động của các tổ trinh sát cho giới chủ.

Nài chở thuốc lá lậu thâm nhập nội địa.  

Cứ một giờ trôi qua, chúng “điểm danh” từng cán bộ trinh sát nếu thấy thiếu vắng bất cứ người nào thì lập tức thông báo để giới chủ dừng hoạt động. Trong những đợt cao điểm, chúng còn đưa “chim lợn” xuống tận TP. Long Xuyên (cách biên giới trên 80km) giả làm những người chạy xe ôm, bán hàng rong đứng rải rác ngoài đường phía trước trụ sở Phòng PC46 để canh chừng.

Nếu thấy cán bộ chỉ huy đi xe ra khỏi đơn vị về hướng biên giới, “chim lợn” sẽ gọi điện thông báo cho các đầu nậu là đánh điểm bí mật, còn đi xe ô-tô với nhiều cán bộ trinh sát và Cảnh sát Cơ động thì đó là chiến dịch lớn.

Để vượt qua được tai mắt của đàn “chim lợn” này, từ điểm đóng quân đến biên giới chỉ cách chưa đầy một cây số, nhưng nhiều khi CBCS trong các tổ trinh sát phải đánh lạc hướng bằng cách trầm mình xuống các dòng kênh, con rạch lội hàng chục cây số mới đến được điểm phục kích.

Còn trong các đợt cao điểm thì không thể xuất quân tại trụ sở ở TP. Long Xuyên mà CBCS được yêu cầu sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển đến địa điểm tập kết bí mật trước khi tiến hành chiến dịch.

Đối với mặt hàng đường cát Thái Lan và một số loại hàng tiêu dùng khác, các đầu nậu thường đặt mua bao bì cho in nhái nhãn mác của các nhà máy sản xuất trong nước rồi đưa qua biên giới đóng gói tuồn vào trong nước.

Trong trường hợp các cơ quan chức năng kiểm soát ngặt nghèo, cánh đầu nậu sẽ đối phó bằng cách mua đường của một đơn vị sản xuất trong nước rồi sử dụng hóa đơn quay vòng cho nhiều chuyến hàng lậu và cũng chỉ vận chuyển từ 30-50 bao mỗi chuyến để lỡ cơ quan chức năng chứng minh được đó là đường Thái Lan nhập lậu thì cũng không thể xử lý hình sự được.     

Với mặt hàng thuốc lá, trước đây, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng xe ô-tô tải để vận chuyển với số lượng lớn. Những năm gần đây khi luật quy định nếu vận chuyển từ 49 cây (490 bao) thuốc lá ngoại nhập lậu trở xuống thì chỉ bị tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính, còn từ 50 cây trở lên, ngoài việc tịch thu tang vật, phương tiện vận chuyển thì còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự tùy theo số lượng hàng lậu mang theo nên các đầu nậu đã chẻ nhỏ hàng hóa (dưới 50 cây cho một gói hàng) rồi thuê người dân địa phương sử dụng xe gắn máy vận chuyển men theo bờ ruộng dọc tuyến biên giới tuồn vào nội địa.

Dân trong nghề gọi những người vận chuyển này là “Nài” và trong lúc vận chuyển hàng, nếu bị phát hiện, kiểm tra, “Nài” thường phóng xe với tốc độ cao đâm thẳng vào tổ công tác không ít lần gây chấn thương nặng cho những người thi hành công vụ.

Ở tuyến biên giới thuộc địa phận thị xã Tân Châu, do mốc ranh giới phân định nằm giữa con sông Mê Kông nên các đối tượng buôn lậu thường chất thuốc lá lên các loại xuồng, ghe máy tốc độ cao tập kết sẵn ở phía bên kia chờ khi lực lượng chức năng đi qua thì tuồn vào nội địa.

Nếu phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra, họ lập tức quay đầu xuồng, ghe chạy vài chục mét qua bên kia sông là thoát. Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong những năm qua, các trinh sát Phòng PC46 Công an tỉnh An giang đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu các loại.

Chỉ tính riêng trong những ngày cuối tháng 12-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đã có hàng chục vụ buôn lậu thuốc lá với quy mô lớn bị triệt phá. Cụ thể vào khoảng 18h00 ngày 20-12-2017, một tổ công tác bất ngờ kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 67C-023.63 đang lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 951 thuộc địa phận ấp Hòa Hưng 2, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân.

Phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế đã vội vàng cho dừng xe rồi chạy trốn khỏi hiện trường để lại trên xe 35.000 bao thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero và Scott được giấu trong 70 thùng carton.

Tiếp tục công tác phòng chống buôn thuốc lá lậu, vào lúc 3h30 ngày 13-2-2018, các trinh sát Phòng PC46 phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động (PK20) bắt quả tang 01 ghe không số chở 30.000 bao thuốc lá lậu các loại trên kênh Vĩnh Tế thuộc tổ 5, xã An Nông, huyện Tịnh Biên.

Do chủ hàng và chủ ghe bỏ trốn nên Ban chỉ huy Phòng đã yêu cầu cán bộ chống buôn lậu lập biên bản vi phạm hành chính (vắng chủ), tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện chờ xác minh làm rõ.

Ngoài những vụ bắt thuốc lá lậu vô chủ, các trinh sát Phòng PC46 Công an tỉnh An Giang còn sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, chủ động triệt phá nhiều vụ buôn lậu thuốc lá và tiến hành xử lý hình sự đối với một số chủ đường dây buôn lậu và đối tượng vận chuyển, tạo sức răn đe đối với các đối tượng khác.

Qua công tác trinh sát nắm tình hình, vào lúc 21h40 ngày 17-1-2018, các trinh sát của đơn vị phối hợp với Phòng PK20 tiến hành kiểm tra xe tải mang biển số 68C-069.42 đang lưu thông trên đường đoạn  ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên do tài xế Huỳnh Hữu Dũng, 47 tuổi tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang điều khiển.

Bắt giữ lô đường nhập lậu trên tuyến biên giới TP. Châu Đốc.

Qua kiểm tra thực tế, lực lượng phối hợp phát hiện trên xe có cất giấu 4.470 bao thuốc lá ngoại các loại nhưng tài xế không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Trước bằng chứng không thể chối cãi, tài xế Dũng cùng phụ xế là Võ Quốc Nguyên đã khai nhận hành vi buôn lậu của mình.

Với số lượng hàng hóa nằm trong khung xử lý hình sự nên Phòng PC46 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra xử lý.

Tiếp tục công tác phối hợp, vào lúc 21h00 ngày 22-4-2018 các trinh sát chống buôn lậu Phòng PC46 kết hợp với trạm Cảnh sát giao thông Châu Phú tiến hành kiểm tra xe ô-tô mang BKS: 94A-027.56 do tài xế Lý Bích Mai, sinh năm 1982, ngụ phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu điều khiển.

Qua kiểm tra phát hiện trong cốp sau có chứa 8.000 gói thuốc lá ngoại không rõ nguồn gốc. Đến ngày 7-5-2018 tiếp tục phát hiện xe ô-tô tải BKS: 67C-070.87 do tài xế Nguyễn Hoàng Tâm, 28 tuổi tại xã Vĩnh Trạch Trung, huyện Châu Phú và phụ xế Nguyễn Văn Tâm, 30 tuổi, ngụ phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang điều khiển đang trong quá trình vận chuyển 32.000 bao thuốc lá hiệu Hero, Jet, Neslon, Scott rời khỏi TP. Châu Đốc đi tiêu thụ.

Trong cả hai vụ trên, các tài xế đều nhận đó là thuốc lá do mình tự mua bán, vận chuyển, nhưng đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nên Phòng PC46 Công an tỉnh An Giang đã lập biên bản tạm giữ hàng hóa, phương tiện và bắt người phạm tội quả tang và sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.

Theo Trung tá Nguyễn Đăng Khoa, dự kiến mùa lũ năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, sẽ là cơ hội cho cánh buôn lậu hoạt động nên ngay từ bây giờ, Phòng PC46 Công an tỉnh An Giang đã tập trung lên phương án đến từng chi tiết nhỏ nhất để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ cho nền sản xuất trong nước và đặc biệt là ngăn chặn kịp thời những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc sử dụng hóa chất độc hại gây tổn hại sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đức Cương
.
.
.