Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện

Chủ Nhật, 09/07/2017, 16:17
Trộm cắp, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, đâm chém bảo vệ…đó là thực trạng đáng báo động tại một số bệnh viện những năm gần đây. Việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện cũng một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế tại các bệnh viện hiện nay.


Nỗi lo không của riêng ai

Chỉ cần gõ cụm từ hành hung bác sĩ trên Google sẽ cho ra hơn 2 triệu kết quả với những vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế nổi cộm. Điều này cho thấy hiện nay, tình trạng mất an ninh, an toàn diễn ra ở nhiều cơ sở y tế và đang ngày càng trở nên báo động.

Bên cạnh nạn trộm cắp, móc túi, "cò mồi", bảo kê tranh giành trước cổng các bệnh viện gây mất an ninh, trật tự đã trở thành nỗi lo thường trực thì gần đây xảy ra tình trạng một số người bệnh hoặc người nhà người bệnh sử dụng ma túy, rượu, bia, không làm chủ bản thân, có các hành vi gây nguy hiểm cho y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng như những người bệnh, người nhà người bệnh khác.

Bạo hành y tế ngày càng gia tăng, đòi hỏi có những biện pháp quyết liệt.

Ngoài ra, có tình trạng người nhà tụ tập, phản đối khi người bệnh tử vong tại bệnh viện hay các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại bệnh viện… Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là tình trạng quá tải của các bệnh viện.

Vì quá tải, đông đúc, chật chội nên tạo điều kiện cho xã hội đen, lưu manh trà trộn, móc túi. Vì quá tải, đông đúc nên bác sĩ, nhân viên y tế không thể chăm sóc bệnh nhân chu đáo, kịp thời dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, gây bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Mặt khác, người bệnh và người nhà nhiều khi không hiểu được tính chất bệnh của mình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự quá tải của bệnh viện, muốn được ưu tiên khám trước hoặc thấy y, bác sĩ chậm giải thích… là manh động, gây sự, có hành vi uy hiếp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2017 có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự.

Vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), bệnh viện tuyến Trung ương (20%). 70% người bị hành hung là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.

Mới đây nhất là vụ việc bác sĩ V., Bệnh viện Thể thao Việt Nam khi đến bệnh viện làm việc thì bị hai người đàn ông lao vào hành hung tại khu vực cổng. Những người đàn ông này đã dùng tay, chân đấm, đá liên tục vào vùng mặt, đầu và người bác sĩ V.

Sự việc diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau khi hành hung, hai người đàn ông kéo bác sĩ vào phòng khám tiếp tục hành hung và bắt bác sĩ phải quỳ xuống đất xin lỗi. Trong quá trình hành hung, một đối tượng đã lấy điện thoại quay lại hình ảnh đánh và hình ảnh bác sĩ quỳ xin lỗi.

Hai đối tượng đã bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận việc hành hung bác sĩ V. bắt nguồn từ việc trước đó đối tượng T.A đưa con vào bệnh viện khám do bị ngã và bác sĩ chẩn đoán chỉ bị thương phần mềm.

Tuy nhiên sau đó, gia đình T.A đưa con đi bệnh viện khác khám lại thì xác định cháu bị rạn xương, phải bó bột ngay. Đối tượng cho rằng, việc chẩn đoán của bác sĩ V. sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu sau này. Làm việc với cơ quan Công an, bác sĩ V. cho biết, trước khi xảy ra việc hành hung, đối tượng có gọi điện yêu cầu gặp nhưng do bác sĩ đang đi tập huấn nên chưa kịp gặp để giải thích.

2 đối tượng Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Bình trộm cắp tài sản ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, có thể kể một số vụ khiến dư luận bức xúc, như vào tháng 4, một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất bị bố một bệnh nhi đánh đến bất tỉnh.

Thậm chí, trước đó từng xảy ra vụ việc nghiêm trọng khi người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình; người nhà người bệnh đuổi đánh bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một nhân viên điều dưỡng đang mang thai tháng thứ bảy; côn đồ vào đánh trọng thương một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh…

Cần những biện pháp triển khai cụ thể

Nói đi cũng phải nói lại, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hành hung, gây rối mất trật tự an ninh tại các cơ sở y tế trước hết là do pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc, dù bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao.

Bên cạnh đó là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Qua các vụ đã xử lý cho thấy, hầu hết các đối tượng có hành vi gây mất an ninh, trật tự thường ít hiểu biết pháp luật; các bệnh viện xảy ra nhiều vụ hành hung thường khó khăn về cơ sở hạ tầng, quá tải người bệnh, thiếu các trang, thiết bị an ninh, nhân viên bảo vệ ít và thiếu chuyên nghiệp…

Xác định mấu chốt quan trọng đó, thực hiện công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Bộ Công an về vấn đề tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế, trong một thời gian ngắn, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Thanh hóa đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, bệnh viện thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ an ninh toàn bệnh viện và thí điểm mô hình Trường - Phường - Viện ở phường Đông Vệ gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Với một tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa thì mô hình Trường - Phường - Viện đang trở thành điểm sáng trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế. Theo đó, Phòng PA83 phối hợp với bệnh viện lập Tổ công tác, thường xuyên tuần tra, canh gác ngay tại bệnh viện, chủ động phát hiện và đấu tranh, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.

Khi có tình huống bất ngờ xảy ra tại bệnh viện, nhà trường… Tổ công tác kịp thời thông báo cho Công an phường, 113 và Phòng PA83 cùng phối hợp truy bắt. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội.

Trung tá Phạm Thái Hùng, Phó trưởng phòng PA83, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, các cán bộ Phòng PA83 thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kĩ năng, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ bệnh viện, kịp thời phát hiện, bắt quả tang các đối tượng nghi vấn, giả danh trà trộn vào bệnh viện để trộm cắp.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư phối hợp lực lượng Công an cung cấp hình ảnh các đối tượng trộm cắp để người nhà bệnh nhân đề phòng.

Khi xảy ra tình huống nguy hiểm như người nhà, bệnh nhân manh động hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ đủ nghiệp vụ, kĩ năng để xử lý nhanh chóng trước khi có sự can thiệp của lực lượng Công an.

Ngoài ra, Phòng PA83 còn tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện và chính quyền địa phương hỗ trợ phương tiện, công cụ làm việc cho lực lượng bảo vệ, an ninh bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận biết, cảnh giác cao độ với các đối tượng giả danh trà trộn vào bệnh viện, kịp thời báo tin cho Tổ công tác cùng phối hợp truy bắt. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ đó mà trong thời gian ngắn, tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Công an phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa phát hiện bắt giữ, xử lý 10 vụ, 10 đối tượng giả danh người nhà bệnh nhân "trà trộn" vào các phòng bệnh viện, sau đó lợi dụng sự sơ hở của bệnh nhân để hoạt động trộm cắp tài sản.

Gần đây nhất, ngày 15-5, lực lượng bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1979, ở xã Trường Trung, huyện Nông Cống, giả danh người nhà bệnh nhân trà trộn vào Khoa Cấp cứu trộm cắp 1 ví tiền, trong đó có 3,5 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân của anh Nguyễn Văn Tiến ở huyện Hoằng Hóa.

Nói phải đi đôi với hành động. Việc đảm bảo trật tự an toàn tại các bệnh viện, cơ sở y tế… không chỉ riêng của một lực lượng chức năng nào, mà phải có sự chung tay của toàn xã hội khi tình trạng hành hung bác sĩ, nhân viên y tế… đang ngày càng gia tăng.

Ngọc Mai
.
.
.