CSTC-Tăng cường ngừa tội phạm trong tháng củ mật

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:00
Từ xa xưa, các cụ ta đã gọi tháng Chạp hằng năm là tháng củ mật, mang ý nghĩa dặn dò mọi người phải đề cao cảnh giác, kiểm soát cẩn mật, bởi đây là thời điểm phường trộm cướp gia tăng “làm ăn” kiếm cái Tết.

Mặc dù Công an các địa phương đã quyết liệt triển khai các phương án bảo vệ Tết, nhưng tội phạm vẫn rình rập. Vì vậy, sự tham gia của người dân vào việc phòng ngừa tội phạm, từ việc đề cao cảnh giác đến thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo của ngành chức năng, là điều hết sức cần thiết. Từng người, từng gia đình tự ý thức phòng ngừa, sẽ ngăn chặn tội phạm từ trứng nước. Điều này không chỉ giúp “giảm tải” công việc cho lực lượng Công an, mà niềm vui đón xuân mới của mỗi nhà cũng được trọn vẹn.

Nguy cơ trong tháng củ mật

Từ nhiều năm nay, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội luôn xác định phương châm: “Bỏ 1 đồng vào công tác phòng ngừa tội phạm, sẽ tiết kiệm được 99 đồng phải chi cho hoạt động điều tra khám phá tội phạm”. Hằng năm vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các đội chuyên đề của đơn vị này đã ban hành nhiều thông báo phòng ngừa tội phạm, phân tích thủ đoạn phạm tội phổ biến của tội phạm trong dịp Tết và khuyến nghị người dân những cách thức phòng ngừa.

Đại úy Lê Minh Hải, Đội phó Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS Hà Nội.

Đại úy Lê Minh Hải (Đội phó Đội Điều tra trọng án) cho biết: “Đã thành quy luật, hằng năm vào thời điểm trước, trong Tết, tình hình ANTT lại có những diễn biến phức tạp. Vì tội phạm cũng cần “ăn tết” như chúng ta, nhưng chúng chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu ấy bằng cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong số tội phạm đe dọa cuộc sống người dân vào dịp này, nổi lên hành vi “Trộm cắp tài sản”. 

Thời điểm cận Tết, các ổ nhóm đạo chích luôn gia tăng hoạt động. Chúng thường nhằm tới những mục tiêu là nhà riêng, công sở có sơ hở trong công tác bảo vệ để đột nhập vào trong “khua khoắng” tài sản. Việc “nhảy xe” - (trộm cắp xe máy-PV) tại nơi công cộng và đồ đạc trong các cửa hàng, siêu thị cũng sẽ tăng mạnh. Đáng lo ngại là những vụ án cướp tài sản bằng vũ khí nóng có thể xảy ra tại nhà riêng, nhất là tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa có giá trị lớn (như tiệm vàng bạc, đá quý), hoặc các nơi chứa tiền (như chi nhánh ngân hàng, kho bạc, quỹ tiết kiệm…). 

Khi đã xảy ra tội phạm tại những nơi này, thì hậu quả để lại thường rất lớn, chưa kể tới khả năng có thương vong về người, nếu nạn nhân không có kỹ năng xử lý tình huống khi đối diện với cướp. Trên các tuyến giao thông, hoạt động của bọn tội phạm cướp giật, cưỡng đoạt là những nguy cơ tiềm tàng đe dọa cuộc sống của người dân tại thời điểm này. Chúng tôi đặc biệt lưu ý người dân về nguy cơ xảy ra các vụ án giết - cướp tài sản của lái xe ôm, xe taxi. Tội phạm có “ngàn lẻ một” lý do để dẫn đến quyết định gây án, nhưng chung quy lại vẫn là để thỏa mãn cơn khát tiền bạc, trong thời điểm cần phải chi tiêu, mua sắm nhiều”.

Một vụ cướp giật tài sản bị trinh sát hình sự bắt giữ trên phố.

Theo một thông báo phòng ngừa mới đây, trong nhóm tội phạm có tính chất chiếm đoạt rộ lên vào dịp Tết, cần đặc biệt lưu ý tội trộm cắp và cướp giật. Trên thực tế, kết quả điều tra khám phá những vụ án này thường không cao, do những khó khăn như hành vi phạm tội hoặc lén lút, hoặc diễn ra rất nhanh chóng, ít để lại dấu vết, khó xác định đặc điểm nhân dạng đối tượng cùng phương tiện, công cụ gây án. Mặc khác, sự sơ hở, mất cảnh giác và thiếu ý thức tự bảo vệ, giữ gìn của chủ tài sản và những người xung quanh, là tác nhân dẫn đến sự gia tăng của loại tội phạm này.

Đối với tội trộm thì “mặt hàng” được chúng “ưa chuộng” nhất phải kể đến là những chiếc xe máy. Vẫn với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của chủ xe, chúng tiếp cận chiếc xe và chỉ trong nháy mắt, những “bàn tay vàng” có thể “thổi tung” bất kỳ loại khóa bảo vệ nào. Những tên chuyên “nhảy xe” thường hoạt động theo nhóm có từ 2 tên trở lên, một tên dùng chìa khóa vạn năng (đoản sắt hình chữ T hoặc L) bẻ khóa của những xe có chung khóa điện và khóa cổ, tên còn lại cảnh giới kiêm chặn đường, cản địa cho đồng bọn trốn chạy nếu bị phát hiện, truy đuổi. 

Với bọn “đạo chích” chuyên “ăn hàng” tại các công sở, nhà dân, chúng thường cất công khảo sát, thăm dò để xác định “con mồi”. Mục tiêu hướng đến là những ngôi nhà có sơ hở trong công tác bảo vệ, hay hệ thống cửa không chắc chắn, không đóng cửa sổ, cửa tầng tum…. Ngoài trộm đêm (từ 23h đến 5h sáng), có nhóm còn gây án trong giờ hành chính tại các khu dân cư, vì chủ nhà thường đi làm vắng. Vào dịp Tết, nhiều gia đình đi chúc Tết, đi du lịch vắng nhà thời gian dài, đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng gây án. Việc chủ nhà đưa thông tin về các chuyến đi xa của gia đình trong kỳ nghỉ, hay trưng đồ đạc mới sắm trên Facebook, Zalo… cũng là cách nhanh nhất để “rước họa vào thân”. 

Khi đã xác định được mục tiêu, với xà beng, kìm cộng lực, đèn khò… thì việc vô hiệu hóa các loại cửa là điều không mấy khó khăn với chúng. Sau khi đột nhập vào nhà, chúng sẽ cạy phá tủ, két sắt để lấy trộm tiền, vàng, điện thoại, máy tính xách tay, xe máy và các loại tài sản có giá trị khác. Vụ thảm án xảy ra vừa qua tại thôn 4, xã Canh Nậu, Thạch Thất (Hà Nội), là một bài học xương máu về tội phạm đột nhập. Chính những sơ hở của gia đình nạn nhân, đã mời gọi và tạo điều kiện cho tên trộm đột nhập vào nhà và rồi tính chất vụ án chuyển hóa từ trộm sang cướp tài sản- giết người. 

Trong các cửa hàng, siêu thị, cần cảnh giác với những kịch bản do nhóm tội phạm dàn dựng, để thu hút sự chú ý của nhân viên cửa hàng, tạo điều kiện cho đồng bọn “xoáy” đồ rồi tẩu thoát. Ở nơi công cộng như chợ búa, trung tâm thương mại, nhà ga, bến tàu xe hay đền chùa… là những nơi “đắc địa” cho kẻ gian trà trộn vào dòng người đang chen chúc để móc túi, rạch túi xách, móc điện thoại. 

Trên đường phố, bọn cướp giật vẫn với thủ đoạn sử dụng xe máy công suất lớn, bám theo những “con mồi” để túi xách, dây chuyền vàng, điện thoại di động… hớ hênh. Đến đoạn đường thích hợp, chúng sẽ áp sát giật đồ rồi nhanh chóng tẩu thoát. Đã có nhiều vụ nạn nhân bị giật ngã xe gây thương tích.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Tăng cường cảnh giác đề phòng tội phạm là điều mà người dân cũng đã ý thức được sau hàng loạt vụ thảm án thời gian qua. Nhưng cụ thể là cần phải làm gì thì vẫn có không ít người băn khoăn.

Nguyễn Văn Kỳ - tên trộm đột nhập, giết chủ nhà tại thôn 4, xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phòng chống đột nhập, bảo vệ tài sản trong gia đình, ông Hà Đình Thủ (Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ an ninh Yên Việt) tư vấn: “Trước hết, mọi người cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình. Các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, khóa trong để chống cắt phá khóa. Các gia đình có điều kiện nên lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, đèn chuông báo động chống trộm tại những khu vực tội phạm thường đột nhập gây án, như cửa ra vào nhà, cửa sổ, cửa tum và tủ, két sắt đựng tài sản có giá trị. Với các gia đình sống trong biệt thự nên thuê bảo vệ, lắp hệ thống chống trộm bằng tia hồng ngoại. 

Người dân cũng có thể lắp đèn cảm ứng quanh nhà, khi ngủ bật lên, nếu có người lạ xâm nhập, đèn sẽ bật sáng, trộm do vậy có thể sợ bỏ đi. Trước khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà. Không nên để nhiều tiền mặt, tài sản quý ở trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi. Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất. Két sắt nên để trong đó một ít tiền. Không nên khoe thu nhập cao với mọi người, bởi sự giàu có rất dễ cám dỗ những kẻ xấu. Hạn chế việc chia sẻ trên Facebook và các mạng xã hội những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình.

Đối với các cơ quan, công sở phải gia cố cổng, cửa và lắp đặt các thiết bị cảnh giới, báo động để kịp thời phát hiện đối tượng gây án. Lực lượng bảo vệ cần tăng cường tuần tra vào ban đêm, chú ý những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Phòng thủ quỹ, kế toán không nên để số lượng tiền lớn trong két qua đêm. Tại các tiệm vàng, ngoài việc gia cố hệ thống cửa, bố trí bảo vệ đêm, lắp đặt camera tích hợp với chuông báo động, kết nối đường dây nóng với Công an cơ sở… chủ tiệm nên hạn chế kinh doanh vào buổi trưa và sau 18h; đồng thời dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý thích hợp. Cần đề cao cảnh giác với những biểu hiện không bình thường, như xuất hiện đối tượng khả nghi đang tăm tia, khảo sát địa hình và hoạt động của cửa hàng”.

Làm gì khi đối mặt?

Chẳng may đối mặt với những tên trộm, cướp đã vào trong nhà và yêu sách đưa tài sản thì cần phải xử trí thế nào, là điều mọi người đều quan tâm. HLV Đinh Công Lịch (môn phái Nhất Nam) tư vấn: “Cần xác định mạng sống chỉ có một lần, còn tiền mất có thể làm lại được. Vì thế, tôi cho rằng nếu chỉ có một mình thì tuyệt đối không nên lao vào ôm vật hay đánh lại tội phạm, vì chúng luôn có hung khí nguy hiểm mang theo. Cách tốt nhất là trốn vào phòng nào đó có cửa an toàn, chốt lại rồi gọi điện báo Công an. Nếu đã bị chúng khống chế rồi bắt chỉ chỗ để tài sản, cần ngoan ngoãn làm theo. Trong lúc đó cố gắng bình tĩnh lại và khéo léo quan sát và ghi nhớ đặc điểm đầu tóc, mặt mũi, chiều cao, độ tuổi, quần áo, giày dép của đối tượng, để sau đó báo Công an”.

Đào Trung Hiếu
.
.
.