Tăng cường xử lý hành vi trốn thuế kinh doanh qua mạng

Thứ Năm, 16/08/2018, 11:23
Sau khi một số trường hợp cá nhân kinh doanh qua mạng bị cơ quan Thuế truy thu số tiền nhiều tỷ đồng cho thấy thực trạng trốn thuế trong lĩnh vực này tại Việt Nam đang diễn ra một cách… âm thầm.


Điều này được chứng minh khi mới đây Cục Thuế TP Hồ Chí Minh rà soát tại 4 ngân hàng đã phát hiện hơn 500 tỷ đồng được các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… chuyển cho hàng ngàn cá nhân tại Việt Nam. 

Theo cơ quan Thuế, cá nhân đã được gửi thông báo nhưng cố tình không kê khai và nộp thuế được xác định là hành vi trốn thuế và có thể bị khởi tố.

Truy thu thuế nhiều tỷ đồng từ các trang mạng xã hội

Mới đây Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phải lên kế hoạch truy thu thuế với hàng loạt cá nhân có nguồn thu nhập từ các trang mạng xã hội. Ngày 6-8, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xác nhận có một cá nhân bán hàng mỹ phẩm qua trang mạng Facebook nhưng có doanh thu lên tới gần 450 tỷ đồng và ngành thuế đã truy thu cá nhân này hơn 9 tỷ đồng. 

Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, ngành thuế đã tiến hành xác minh tài khoản ngân hàng của bà C.T.T.D (ngụ quận Phú Nhuận), doanh thu bán hàng qua mạng từ năm 2013 - 2016 chưa kê khai nộp thuế đã phát hiện số thu gần 450 tỷ đồng, nhưng chưa kê khai thuế. Khi mời đến làm việc, bà D. chỉ thừa nhận một phần là doanh thu bán hàng, phần còn lại là tiền cá nhân, nhưng không đưa ra được bằng chứng.

Khi hồ sơ vụ việc được cơ quan Thuế chuyển qua Công an để điều tra, thì bà D. mới thừa nhận toàn bộ số tiền này là nhờ bán hàng qua Facebook (Facebook của bà D. có trên 50.000 lượt theo dõi, chuyên bán các sản phẩm chăm sóc da, giảm cân, giảm sẹo… có giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/sản phẩm. 

Đáng nói là không những bán trực tiếp, bà D. còn bỏ mối cho hàng trăm đại lý khác trong và ngoài nước kinh doanh) và đồng ý kê khai thuế. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy thu cá nhân này gần 9,2 tỷ đồng - gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân và tiền phạt nộp chậm.

Trước đó cũng tại TP Hồ Chí Minh, một người viết chương trình trò chơi được tải về nhiều trên YouTube, Google, Facebook và chạy quảng cáo trên các chương trình này được nhà mạng trả số tiền hơn 41 tỷ đồng trong 2 năm 2016-2017, nhưng không kê khai và nộp thuế. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phát hiện và truy thu 4,1 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ đồng là truy thu thuế và 1,1 tỷ đồng là tiền phạt nộp chậm.

Nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm vẫn không đóng đồng thuế nào (ảnh minh họa).

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Tuy nhiên, sau đó cơ quan Thuế đã phát hiện thêm một số trường hợp nhận tiền khủng từ Google, Facebook... nhưng không khai thuế.

Cụ thể như gần đây nhất, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phải gửi văn bản đến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam nhờ xác minh và truy thu thuế của một cá nhân tên L.T.V có hộ khẩu đăng ký tại địa phương (tạm trú tại TP Hồ Chí Minh). Người này được xác định có thu nhập từ Google lên tới hơn 700.000 USD (tương đương 16 tỷ đồng) trong khoảng thời gian 2014-2017, nhưng không kê khai nộp thuế theo quy định.

Cũng theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra rà soát, không chỉ có một vài trường hợp cá nhân nhận vài chục tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube... như kể trên, mà con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn nhiều. 

Bởi chỉ qua rà soát tại bốn ngân hàng, cơ quan Thuế đã phát hiện có tới hơn 500 tỷ đồng được các tổ chức trên chuyển trả cho hàng ngàn cá nhân tại Việt Nam và đều chưa được kê khai thuế. Có thể nếu tính luôn số tiền rà soát tại các ngân hàng khác thì dự tính số tiền truy thu thuế lên đến cả trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, không chỉ cá nhân, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh còn xác định được doanh thu quảng cáo phát sinh của hai đơn vị Google và Facebook tại Việt Nam. 

Theo đó, vào năm 2016, chỉ tính riêng tại một ngân hàng đã có hơn 15.000 người mua dịch vụ của Google với gần 250.000 giao dịch tổng số tiền thanh toán hơn 222 tỷ đồng; Facebook cũng có số người mua dịch vụ tương đương, với hơn 175.000 giao dịch tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng. 

Các cá nhân, tổ chức trong nước thanh toán cho hai đơn vị này thông qua thẻ tín dụng quốc tế và không thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu theo quy định…

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay khi internet, điện thoại thông minh… có tốc độ phát triển rất nhanh, các hình thức kinh doanh qua các trang mạng xã hội cũng sẽ ngày càng gia tăng và phát triển đa dạng, phức tạp. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuế, nhiều cá nhân mở trang cá nhân trên mạng Facebook hay tạo các website kinh doanh và cho đó là làm thêm nên không đăng ký, kê khai thuế. 

Một số người lại cho rằng cơ quan Thuế sẽ khó có thể nắm được doanh thu khi họ dùng hình thức nhận tiền mặt, hoặc lập tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Không ít người, hộ kinh doanh có đăng ký thuế, nhưng lại cố ý kê khai doanh thu thấp dưới 100 triệu đồng/năm để không phải đóng thuế…

Theo quy định tại thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15-6-2015 của Bộ Tài chính, cá nhân có thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào thu nhập từ kinh doanh và với doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế là 7%/thu nhập (gồm 5% thuế giá trị giá tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). 

Nhưng nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm vẫn không đóng đồng thuế nào. Và từ những điều trên, việc xác định doanh số và nguồn thu nhập này đang rất khó khăn khi thiếu đi các quy định và công cụ kiểm soát.

Ngân hàng có vai trò quan trọng trong khấu trừ tiền thuế

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn vào giữa tháng 5-2017, Cục Thuế thành phố đã triển khai hoạt động chống thất thu thuế theo 6 bước: 

Bước 1 - tuyên truyền phổ biến chính sách thuế, nghĩa vụ kê khai nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; bước 2 - thu thập dữ liệu; bước 3 - xử lý dữ liệu; bước 4 - thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; bước 5 - công bố hành vi trốn thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng; bước 6 - ngăn chặn các trang web không kê khai thuế, trốn thuế, không thực hiện các quyết định xử lý của cơ quan Thuế.

Hiện cơ quan Thuế đã hoàn tất bước 1, bước 2, đang thực hiện bước 3 và triển khai bước 4. Kết quả, đã phát hiện hơn 575 tỷ đồng chưa kê khai thuế, xử lý phạt và truy thu thuế với tổng số tiền được hơn 19 tỷ đồng.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã mời lên làm việc hơn 14.000 chủ tài khoản. Với những trường hợp mà Cục Thuế đã nắm được thông tin, sẽ được chuyển về cho các Chi cục Thuế quận huyện TP Hồ Chí Minh hoặc các Cục Thuế khác trên cả nước tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, việc mời số lượng quá đông người đến xử lý như vậy cũng có lo ngại là sẽ khó khăn và hiệu quả không cao.

Theo bà Lê Thu Hương, để chống thất thu hiệu quả, cơ quan Thuế rất cần sự hợp tác của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Trước mắt, ngành Thuế cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quy định tất cả các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua ngân hàng).

Đối với các dịch vụ thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (dịch vụ đặt phòng trực tuyến, dịch vụ cung cấp trên Google và Facebook...), kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại khi thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài cho các tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước.

Để chống thất thu hiệu quả, cơ quan Thuế rất cần sự hợp tác của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

Trong thời gian tới, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiến hành rà soát với các ngân hàng, tăng cường cơ chế phối hợp nhiều hơn để kiểm soát nguồn tiền từ “gốc”, đảm bảo yếu tố công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Về vấn đề này, tại hội thảo lấy ý kiến cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức ngày 7-8 vừa qua, lãnh đạo Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết Dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online...

Đáng lưu ý là Dự thảo Luật sửa đổi này cũng đưa ra quy định kiểm soát hoạt động thanh toán. Theo đó, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phát sinh đối với giao dịch thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho ngân hàng thương mại và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện.

Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, về phía những doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải kê khai nộp thuế cần minh bạch hơn.

Đặc biệt, cơ quan Thuế cũng có thể sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị khởi tố những cá nhân mà cơ quan Thuế đã gửi thông báo, nhưng cố tình không kê khai và nộp thuế, bởi đây chính là hành vi trốn thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ các trang mạng này phải kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp.

Nếu cá nhân kinh doanh phải nộp thuế, mà không kê khai và nộp thuế, cơ quan Thuế có thẩm quyền sẽ xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đặc biệt, nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra và đủ cơ sở xác định tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.
Phú Lữ
.
.
.