Tăng phí, chất lượng có tốt hơn?

Chủ Nhật, 06/08/2017, 07:50
Khi thấy cơ thể có điều gì đó bất ổn, giải pháp tốt nhất là bạn phải vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Việc đơn giản thôi, nhưng sẽ lấy của bạn ít nhất nửa ngày. Qua xét nghiệm tổng quát, nếu phát hiện ra bạn đang ủ một bệnh nào đó thì việc khám, điều trị sẽ còn diễn ra trong nhiều ngày, với một loạt chi phí đáng kể.


Bước chân vào bệnh viện, bạn mong muốn điều gì? Chắc chắn ai cũng muốn bệnh viện không quá tải đến mức ngột ngạt; thời gian chờ đợi không quá lâu; thái độ y, bác sĩ chu đáo, thân thiện; máy móc, phương tiện khám bệnh hiện đại và cuối cùng là sẽ không phải mất một khoản tiền quá lớn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Vẫn biết y học của nhiều nước tiên tiến trên thế giới phát triển khá cao, có thể chữa trị được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đó là chưa nói đến thái độ phục vụ, coi bệnh nhân như thượng đế, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh.

Song, chi phí cho một lần khám, chữa bệnh là rất lớn mà không phải ai cũng có tiền đáp ứng. Thế nên mới có chuyện một số Việt kiều hồi hương, trước là thăm gia đình họ hàng, sau là khám và chữa một số bệnh bởi họ biết, chi phí cho một lần chữa bệnh ở trong nước rõ ràng rẻ hơn nhiều so với nước họ định cư.

Minh họa của Lê Tâm.

Khi Nhà nước cho phép các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động, rõ ràng là những cơ sở này đã chia sẻ một phần trách nhiệm trong việc khám, chữa bệnh và tạo được uy tín với người bệnh. Một số cơ sở quy tụ được một đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo...

Tuy nhiên, chi phí cho một lần vào đây khám, điều trị không hề rẻ, có thể cao gấp vài lần nếu khám, điều trị trong bệnh viện công lập. Nhưng nó cũng nói một thực tế hiện nay, đó là một số người có thu nhập cao luôn muốn được sử dụng những dịch vụ tốt nhất.

Nói vòng vo một chút để thấy rằng, chi phí cho việc khám, chữa bệnh luôn là nỗi lo thường trực với người bệnh. Chính vì thế, bắt đầu từ tháng 8 này, nhiều bệnh viện sẽ áp dụng quy định mới là tăng viện phí đã khiến nhiều người rất quan tâm.

Theo Bộ Y tế, viện phí tăng chỉ áp dụng cho những người không tham gia BHYT. Con số này ước tính khoảng 24 triệu người và họ sẽ là những người bị ảnh hưởng nhất vì phải gánh chịu thêm chi phí khám bệnh, chữa bệnh và thuốc men tăng cao.

Vậy tăng viện phí thì chất lượng khám, chữa bệnh có tốt hơn không?

Lý giải về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Khi kinh phí cải thiện, các bệnh viện buộc phải đầu tư kỹ hơn về con người và trang thiết bị. Người có thẻ BHYT sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Mặt khác, khi giá dịch vụ y tế như nhau, bệnh viện công sẽ buộc phải thay đổi chất lượng phục vụ để cạnh tranh với bệnh viện tư. Như vậy, người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi đi khám, chữa bệnh.

Mặt khác, không chỉ người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi mà các bệnh viện cũng sẽ được lợi dù áp lực nhiều hơn. Như vậy, quan điểm của ngành Y tế về việc tăng viện phí chính là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tốt hơn và bảo đảm hoạt động ổn định của bệnh viện.

Nói thì dễ, nhưng làm chắc chắn sẽ vô cùng khó. Cái khó hơn cả chính là thay đổi những thói quen của con người. Thay đổi về chất lượng với đội ngũ những người thầy thuốc không chỉ là nâng cao trình độ chuyên môn, biết sử dụng các máy móc hiện đại mà còn phải thay đổi nhận thức rằng, nếu bệnh nhân không đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện mình nghĩa là nơi đó chưa đủ uy tín, chưa đủ niềm tin và đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ.

Như vậy, bệnh viện cũng phải xây dựng một thương hiệu cho mình không chỉ bằng những thành tựu chuyên môn mà cả thái độ, tinh thần trách nhiệm với người bệnh. Đó cũng là những yếu tố cơ bản để chúng ta xây dựng một xã hội hiện đại và văn minh.

Tuấn Nguyễn
.
.
.