Tập Cận Bình - những điều chưa biết

Thứ Tư, 20/05/2015, 09:00
Sau hai năm lên nắm quyền điều hành quốc gia đông dân nhất thế giới, Con người Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn được xem là một dấu hỏi lớn đối với giới nghiên cứu chính trị, ngoại giao và các cơ quan tình báo các nước trên thế giới.

Kỳ I: Sinh ra là hoàng tử bỗng nhiên trở thành phần tử phản cách mạng

Theo các tài liệu chính thức của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình là con trai của một trong các nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Trọng Huân. Họ của ông, trong tiếng Trung Quốc hiện đại, viết theo thể tượng hình giống như một cánh chim, và có ý nghĩa là học tập, nhắc lại, luyện tập; còn nếu viết theo dạng chữ cổ (như Chủ tịch Tập vẫn sử dụng để ký) thì lại khác, nó không phải là một mà là hai chiếc cánh giống nhau đứng trên chữ nhật (mặt trời). Trong cuốn từ điển cổ, chữ Tập còn được giải thích là bay nhiều lần, nhắc lại, học tập. Vì vậy chữ Tập còn có thể được hiểu là “những chiếc cánh để bay tới mặt trời”, hoặc là “Đại bàng học bay”.

“Cận Bình”, chữ đệm và tên, do bố mẹ đặt. “Cận” có nghĩa là gần và Bình có nghĩa là đều, bình thản, bình yên, bình đẳng. Cận Bình có thể được hiểu là bình yên đang đến gần, bình đẳng đang đến gần.

Hoàng tử đôi khi cũng phải khóc

Từ bao thế hệ, vận mệnh của con cái những tầng lớp lãnh đạo cao nhất của đất nước không giống nhau, có kẻ được nâng lên trời cao và cũng có kẻ bị dìm xuống bùn đen. Tập Cận Bình cũng không phải là ngoại lệ. Từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bố của ông đã bắt đầu bị thất sủng. Năm 1962, ông Tập Trọng Huân bị bắt, giam lỏng trong suốt 16 năm. Khi đó, cậu bé Tập Cận Bình mới được 9 tuổi (ông sinh ngày 15/6/1953).

Lúc mới sinh, cậu bé Tập Cận Bình được sống trong điều kiện nhung lụa như mọi con cái các lãnh tụ Trung Quốc. Ông được gửi vào nhà trẻ nội trú sang trọng dành cho con cái các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Đến năm 8 tuổi, ông được đưa vào học tại một trường danh giá, nhưng sau khi bố ông bị bắt, nhà cửa bị lục soát, tài sản gia đình bị tịch thu, ông phải chuyển tới ở một khu chung cư của Đảng CS trung Quốc.

Vào tháng 12/1966, giai đoạn cao trào của cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”, chàng thiếu niên Tập Cận Bình bị cuốn hút bởi nhiệt huyết tuổi trẻ, đã quyết định gia nhập lực lượng Hồng Vệ Binh của trường. Nhưng chẳng bao lâu, cậu bị cho là không trung thực vì thuộc thành phần “băng nhóm phản động”, một cách gọi để chỉ những thành viên của các gia đình “kẻ thù của Mao Chủ tịch” cần phải thanh trừng.

Tuy không bị xử bắn, nhưng cậu thiếu niên 13 tuổi đã bị thẩm vấn nhiều lần, bị nhốt vào nhà giam, bị đưa đi “trại giáo dưỡng” dành cho những trẻ em vị thành niên. Cậu thường bị bỏ đói, đi lang thang ngoài phố như kẻ ăn mày. Cuối cùng cậu bé gầy gò đã bỏ trốn thành công về nhà bà nội tại làng Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Hàng ngày cậu được bà cho uống sữa dê và nhờ đó mà cậu được cứu sống.

Vào tháng 12/1968, theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, các thanh niên trí thức cần phải về nông thôn để giúp đỡ những người nông dân nghèo khó. Chỉ ít tháng sau, chàng thanh niên Tập Cận Bình cùng hàng nghìn thanh niên trí thức Bắc Kinh được cử tới những làng xóm hẻo lánh của một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, Thiểm Tây.

Người dân địa phương tỏ ra không có thiện cảm với những trí thức thành thị, dù rằng họ cũng phải làm việc cật lực trên cánh đồng. Trong một cơn thất vọng, Tập Cận Bình đã bỏ trốn về Bắc Kinh với mẹ. Nhưng một lần nữa cậu lại bị bắt vào trại giáo dưỡng. Sau nửa năm, cậu được tha bổng và đưa trở lại Thiểm Tây.

Làng Lương Gia Hạ, một ngôi làng ở miền núi, nhiều năm đã trở thành ngôi nhà của Tập Cận Bình. Tại đây, cậu được học cách cày ruộng, mang vác rơm rạ, than củi, đắp đê. Cậu được rèn luyện, trở thành một người đàn ông thực thụ, cao lớn và khỏe mạnh, có thể mang vác cả một tải thóc nặng 50-100kg đi trên đường núi gập ghềnh. Một chàng trai chịu khó, chăm chỉ và có văn hóa đã dần dần chiếm được tình cảm của người dân địa phương. Chính cuộc sống nghèo khó ở nông thôn đã rèn luyện chàng thanh niên trở thành một con người có đầy đủ những phẩm chất mạnh mẽ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Bình nguyên trung tâm cùng với thung lũng Quan Trung ở Thiểm Tây và những vùng đất lân cận thuộc tỉnh Hà Nam không chỉ là quê cha đất tổ của dòng họ Tập. Đây còn là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, nơi đóng đô của các triều đại cổ xưa như Hạ (XXI-XVI TCN), Thương (XVI-XI TCN) và tỏa sáng (từ XI TCN) dưới triều nhà Chu; sau khi nhà Chu bị sụp đổ, Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế Trung Quốc đầu tiên thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN.

Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, chàng thanh niên Tập Cận Bình lại chúi đầu vào những cuốn sách mà cậu tìm được trong một chiếc hòm gỗ cũ kỹ nằm ở góc nhà. Cậu khao khát muốn làm được một việc gì đó cho dân làng quê hương của cậu.

Sáng kiến đầu tiên của Tập là thành lập một lò rèn giúp cho người nông dân có thêm các nông cụ sản xuất, sau đó là xây dựng các hầm biogaz. Những kiến thức về hầm biogaz được Tập Cận Bình tìm hiểu qua sách. Nhờ áp dụng biogaz, làng Lương Gia Hạ trở thành ngôi làng đầu tiên của tỉnh tự túc được điện và sưởi ấm. Với sáng kiến trên, Tập nhận được giải thưởng là một chiếc xe máy; anh mang chiếc xe máy đổi lấy một chiếc máy kéo nhỏ và một chiếc máy bơm nước tặng lại cho dân làng.

Chàng thanh niên nghị lực luôn khát khao được học tiếp. Năm 1973, người ta bắt đầu xét duyệt cho những thanh niên Bắc Kinh bị đưa đi lao động ở nông thôn được học tại chức tại ĐH Thanh Hoa, một trong những trường ĐH danh tiếng nhất Trung Quốc. Địa phương nơi Tập Cận Bình lao động được phân bổ hai chỉ tiêu và Tập Cận Bình giành được một suất. Rất may, cũng trong năm này, bản án “phản cách mạng” của bố ông, Tập Trọng Huân, đã được xét lại và hủy bỏ. Tập Cận Bình như trút bỏ được một gánh nặng, được kết nạp đảng năm 1974 và được bầu làm Bí thư chi bộ. Tập Cận Bình đã được cử tuyển vào đại học danh tiếng Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Những năm tháng trong trường đại học

Năm 1975, sau 7 năm lao động “khổ sai” tại nông thôn, Tập Cận Bình được vào học tại khoa Hóa-Công nghệ ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh trên cơ sở chỉ tiêu dành cho “đại diện của tầng lớp công nhân, nông dân và quân đội”. Tuy nhiên việc học tập của Tập chưa thể bắt đầu ngay vì trong những ngày này trong cả nước và tại ĐH Thanh Hoa đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp và chiến dịch “phê phán Đặng Tiểu Bình, chống xu hướng Tả khuynh tìm cách xét lại các bản án cũ”. Tất nhiên trong bối cảnh đó, việc học tập phải hoãn lại.

Cuối cùng thì năm học cũng bắt đầu. Vào tháng 1/1976, Thủ tướng Chu Ân Lai mất sau nhiều tháng bị bệnh nặng. Tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc khá phức tạp. Trước ngày Tết Thanh minh (4/4) người dân Bắc Kinh nhất là thanh niên, sinh viên đã xuống đường kéo về quảng trường Thiên An Môn. Lúc đầu mọi người tuần hành trong hòa bình, rồi xuất hiện biểu ngữ chỉ trích Mao Chủ tịch.

Đặng Tiểu Bình bị đình chỉ mọi chức vụ, quản chế tại nhà và chờ phán xét nghiêm khắc của Mao Trạch Đông. Đặng Tiểu Bình bị kết tội “phần tử phản cách mạng”. Nhưng bản án chưa kịp thực hiện thì ngày 9/9/1976 Mao Trạch Đông mất. Trong vòng vài ngày các nguyên lão của đảng Cộng sản Trung Quốc như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Hoa Quốc Phong… đã tiến hành bắt giữ “bè lũ bốn tên” và ngăn chặn tái diễn một “cuộc cách mạng văn hóa” mới, một thảm họa chính trị và kinh tế.

Năm 1977, tại Đại Hội XI đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả những quyết định và bản án thời kỳ cách mạng văn hóa đều bị xóa bỏ. Chủ tịch Mao được đánh giá “công 7 tội 3”. Nhiều cán bộ lão thành của đảng Cộng sản Trung Quốc được phóng thích từ các nhà tù và trại cải tạo, trong đó có Tập Trọng Huân, bố của Tập Cận Bình.

Tháng 11/1978, tại Hội nghị Trung ương, Đặng Tiểu Bình nêu lên chiến lược “cải cách và mở cửa”. Cuộc sống của người dân đã tốt hơn. Mọi người bắt đầu có niềm tin vào tương lai. Tháng 4/1979, Tập Cận Bình kết thúc khóa học tại ĐH Thanh Hoa.

Cho tới thời điểm đó, chàng thanh niên 26 tuổi Tập Cận Bình đã phải trải qua không ít thăng trầm, “lúc lên voi lúc xuống chó”. Sinh ra là “hoàng tử”, bỗng nhiên bị xem là phần tử phản cách mạng, bị ném ra ngoài đường phố. Chàng thanh niên này có thể đã bị chết đói vì kiệt sức tại vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng nghị lực đã giúp anh vượt lên tất cả.

Tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa, chàng kỹ sư trẻ được bố trí vào làm việc tại một trong những cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc, Văn phòng Quân ủy Trung ương. Đặng Tiểu Bình là Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1980 đến năm 1989, kể cả khi không ông ta còn giữ chức vụ nào trong chính quyền và Đảng. Ông Tập Trọng Huân không nằm trong nhóm “8 nguyên lão” thân tín và đầy quyền lực của Đặng Tiểu Bình.

Nhưng năm 1978, sau khi đã được phục hồi hoàn toàn danh dự, ông trở thành người lãnh đạo Đảng, chính quyền và quân sự của Quảng Đông, một tỉnh duyên hải quan trọng. Tại đây ông đã cho thử nghiệm thành công mô hình các khu kinh tế tự do. Tập Cận Bình từng tham gia chuyến đi thực tế đầu tiên tại các khu kinh tế tự do ở đây.

Sau ba năm làm việc tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình đã khẳng định được phẩm chất cán bộ. Tương lai đã rộng mở đối với anh ta. Nhưng một sự kiện đã xảy ra. Thời kỳ này, Tập Cận Bình kết hôn với Ke Linlin, con gái của Đại sứ Trung Quốc tại Anh. Ông bố vợ muốn dành cho chàng rể một vị trí tốt tại Sứ quán để vợ chồng Tập Cận Bình có cơ hội cùng đi Anh. Nhưng Tập Cận Bình kiên quyết từ chối. Xung đột gia đình cuối cùng được giải quyết bằng quyết định ly hôn.

Thực ra, Tập Cận Bình trước đó đã được Bắc Kinh lựa chọn để đưa tới làm việc tại một khu vực phức tạp nhất của Quảng Đông. Nghe nói chỉ sau một ngày ly hôn, Tập Cận Bình đã xách vali rời khỏi Bắc Kinh.

Tháng 3/1982, Tập Cận Bình trở thành phó Bí thư Huyện ủy Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc. Một lần nữa Tập Cận Bình lại “gặp may”; đây là một trong số những huyện nghèo nhất TQ. Trong một tài liệu viết về tiểu sử Tập Cận Bình có đoạn:

“Ban đầu, ít ai trong huyện tin vào năng lực của anh Phó Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi này; nhưng Tập Cận Bình đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà con nhờ tài năng và sự khiêm nhường. Giản dị và chân thực, ông sống trong một căn hộ tập thể, cũng đứng xếp hàng lấy thức ăn tại nhà bếp như mọi người, rồi ngồi xuống ghế, lấy đũa, vừa ăn vừa nói chuyện với những người xung quanh. Ông thích đi lại trong huyện bằng xe đạp và trò chuyện với nhân dân địa phương. Chẳng bao lâu người dân địa phương đã coi ông như người nhà”.

Trong thời gian 6 năm làm việc tại Hà Bắc, tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi. Chiến lược “đổi mới và mở cửa” đã tạo điều kiện cho lãnh đạo địa phương phát huy năng lực. Những nhân tố tích cực được khuyến khích và ca ngợi. Sau một năm làm việc, Tập Cận Bình đã được đề bạt Bí thư và bắt đầu một số thử nghiệm với việc giảm thuế nông nghiệp cho người dân. Sau đó, ông cho áp dụng hệ thống kích thích kinh tế do ông nghĩ ra và những phương pháp quản lý tiên tiến của các địa phương mà ông đã học được qua các chuyến công tác thực tế.

Đây là một trong số những sáng kiến của Tập Cận Bình; đoàn làm phim truyền hình nhiều tập “Hồng lâu mộng”, bộ phim rất được công chúng Trung Quốc yêu thích, đi tìm địa điểm quay những cảnh ngoài trời. Tập Cận Bình đã giúp đỡ đạo diễn chọn địa điểm ưng ý; ông đạo diễn hứa sẽ thanh toán cho địa phương những chi phí để dựng những cảnh hiện trường cần thiết. Kết thúc công việc, Tập Cận Bình đề nghị giữ nguyên những công trình được xây dựng phục vụ cho các cảnh quay đồng thời cho xây mới một số hạ tầng cơ sở du lịch nhằm thu hút khách tới tham quan.

Trong nhiều năm, tại phim trường “Hollywood Hà Bắc” đã có tới 170 bộ phim được quay và thu hút nửa triệu khách du lịch hàng năm. Thành tích của Tập Cận Bình được báo chí địa phương ca ngợi, thậm chí một nhà văn còn lấy anh làm một trong số các nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết. Nhưng điều quan trọng là Tập Cận Bình đã được Ban tổ chức Trung ương Đảng chọn làm cán bộ lãnh đạo nguồn cấp trung ương. Ngày 15/6/1985, chàng thanh niên 32 tuổi được bầu làm Bí thư Thành ủy Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.

Từ “những đặc khu Đảng” tới “những đặc khu kinh tế”

Để có thể hiểu rõ về những cơ hội và nguy cơ của việc bổ nhiệm mới công tác, chúng ta hãy trở về thực tế bối cảnh chính trị, kinh tế của Trung Quốc giữa những năm 1980. Gắn liền với tên tuổi của Đặng Tiểu Bình, chính sách “đổi mới và mở cửa” thực tế do thế hệ lãnh đạo cũ của Đảng, những người từng tham gia Vạn lý trường chinh, xây dựng những “đặc khu” và “căn cứ cách mạng” trong lòng quân chiếm đóng Nhật và Quốc Dân đảng chủ trương thực hiện.

Trong số này có Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, trong những năm chống Nhật và nội chiến, từng lãnh đạo Đặc khu Thiểm Tây-Giang Tô-Ninh Hạ. Đặc khu đã giúp Đảng kiểm soát một trong những khu vực nguy hiểm nhất và cũng quan trọng nhất, nơi đặt đại bản doanh của Chủ tịch Mao, thành phố Diên An.

Sau 16 năm bị thất sủng, năm 1978 Tập Trọng Huân được giao trọng trách lãnh đạo Quảng Đông, một tỉnh nằm ở phía Nam, giáp Hong Kong và Macau. Sau một thời gian tìm hiểu, ông Tập Trọng Huân phát hiện ra rằng thu nhập bình quân đầu người của Quảng Châu, một trong những thành phố công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, chỉ bằng 1/10 của người dân Hong Kong láng giềng. Công dân Trung Quốc nhất là thanh niên bất chấp hiểm nguy, tìm cách trốn sang Hong Kong và không ít người đã bị chết đuối khi vượt sông hoặc gục ngã trước các làn đạn của lính biên phòng Trung Quốc.

Tập Trọng Huân đã lên gặp Đặng Tiểu Bình đề xuất không nên tạo thành một “bức tường Hong Kong”, mà ngược lại cần làm cho mức sống của hai vùng lãnh thổ xích lại gần nhau hơn. Hàng loạt các biện pháp về tự do hóa nền kinh tế Quảng Đông, trong đó có việc đơn giản hóa các thủ tục ngoại thương và thu hút đầu tư đã được đệ trình. Bắt đầu có những phản ứng từ Bắc Kinh, nhưng cuối cùng Đặng Tiểu Bình đã đồng ý để “người bạn già” trước mắt làm thử nghiệm tại một số khu vực giáp Hong Kong và Macau.

Đặng Tiểu Bình đã nói với Tập Trọng Huân :"Nào, chúng ta hãy gọi đó là “những đặc khu”, giống như tên của khu vực mà anh đã lãnh đạo thời kháng chiến”. Đặng nói thêm: “Tiền cho dự án táo bạo của Anh, tôi không thể cấp. Tôi chỉ có thể cho Anh những ý kiến chỉ đạo. Vì vậy giống như thời chiến tranh hãy “dùng máu để mở đường tiến lên”. Tháng 7/1979, Trung ương và Chính phủ Trung Quốc thông qua quyết định thành lập các đặc khu kinh tế đầu tiên: Thẩm Quyến và Chu Hải (gần biên giới với Hong Kong và Macau), Sán Đầu (phía Đông tỉnh Quảng Đông), ít lâu sau là Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.

Khi Tập Cận Bình được điều tới Phúc Kiến công tác (tháng 6/1985), đặc khu kinh tế Hạ Môn đã hoàn thành được nhiều công việc. Nhưng vị lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết và ý tưởng táo bạo muốn làm nhiều hơn nữa. Với tầm nhìn xa, Tập Cận Bình đã chỉ đạo xây dựng “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Hạ Môn giai đoạn 1985-2000”. Ông đã thành công trong việc đưa Hạ Môn trở thành đô thị tầm cỡ trung ương. Hạ Môn lọt vào tốp 15 thành phố có qui chế đặc biệt trực thuộc Chính phủ.

Theo thống kê, có tới 8 triệu người Phúc Kiến trong tổng số 30 triệu người Hoa hiện đang sinh sống tại các quốc gia Đông Nam Á. Những người lãnh đạo tỉnh và đặc khu kinh tế đặt hy vọng vào lòng yêu nước, tiền vốn và kinh nghiệm của số Hoa kiều Phúc Kiến. Có rất nhiều người đã trở về quê hương làm việc. Ban đầu họ hành động trên cơ sở lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu quê hương. Họ xây dựng trường học, nhà thờ, bệnh viện và đường sá. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra khả năng kiếm tiền nên đã mạnh dạn đầu tư xây nhà máy, xí nghiệp và trung tâm thương mại. Tiếp sau các công ty nhỏ và vừa đến các tập đoàn, các nhà băng lớn đổ về Phúc Kiến. Nhiều người trong tỉnh đã trở nên giàu có nhưng vẫn còn không ít người nghèo.

Năm 1988, Tập Cận Bình được điều tới công tác tại Ninh Đức, một vùng núi tương đối nghèo phía Bắc Phúc Kiến. Cũng có ý kiến cho rằng việc điều động này, từ ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thành phố Hạ Môn xuống làm Bí thư Thị ủy Ninh Đức, giống như một hình thức giáng cấp. Có thể là Bắc Kinh muốn kiểm tra một lần nữa lập trường chính trị của người cán bộ lãnh đạo trẻ này.

(Theo tạp chí Zavtra 5/2/2015)

(Kỳ II: Chức vụ mới, thử thách mới)

Nguyễn Đình
.
.
.