Tạt vào văn chương chơi một cuộc!

Thứ Hai, 01/07/2013, 15:27

Đỗ Phấn bước thẳng từ chuyện màu sắc sang chuyện câu chữ, nhẹ như người ta bước qua một bụi cỏ xanh. Và chọn lấy một đề tài anh "mả" nhất, đó là đề tài thị dân. Những vui buồn thị dân, những câu chuyện thị dân, những thân phận thị dân được Đỗ Phấn bày lên gần chục cuốn sách, từ tản văn đến truyện ngắn, tiểu thuyết, xem chừng vẫn chưa đến hồi kết thúc…

Trong một đời sống ồn ào khốc liệt, cùng với quá trình đô thị hóa hàng ngày hàng giờ đang diễn ra, có bao nhiêu hay dở, tốt xấu, khóc cười làm nên sự đa thanh của một đô thị. Nếu ai đó nói rằng chúng ta đang giàu có hơn, đủ đầy hơn về vật chất, thì Đỗ Phấn lại bảo, mặc dù vậy, rất nhiều người trong chúng ta vẫn chỉ "Gần như là sống" thôi…

Sống hay "gần như là sống"?

Tôi thích những tên sách của Đỗ Phấn: "Chuyện vãn trước gương", "Vắng mặt", "Rừng người", "Chảy qua bóng tối" và mới nhất là "Gần như là sống". Những tên sách, nó mang một thông điệp trực diện, một tâm thế sống của tác giả. Xuyên suốt những tác phẩm của Đỗ Phấn là cảm hứng về sự "vắng mặt" của con người, trong chính đời sống mà họ đang hiện diện. Một sự trầm cảm mang tính thời đại, một căn bệnh khó chữa mà rất nhiều người sống ở đô thị đang mắc phải…

Mặc dù tự xem mình là kẻ tay ngang, tạt vào văn chương để "chơi một cuộc", không vướng bận chuyện được mất, hay dở, nhưng Đỗ Phấn có lẽ là một trong số rất ít người cầm bút hôm nay băn khoăn nhiều về đô thị mình đang sống. Nhân vật của anh phần lớn là công chức, không hẳn giàu nhưng cũng không nghèo. Một kiểu nhân vật đủ đầy tương đối.

Họ sống, làm việc, ăn, ngủ, yêu đương trong một đô thị phát triển. Họ có thể là thị dân lâu đời hoặc thị dân ngụ cư. Họ có lúc điên lên để kiếm tiền, sục sôi tranh giành quyền lợi, định mức chỉ số hạnh phúc cho đời mình bằng những giá trị vật chất mà mình kiếm được. Nhưng rồi có lúc chính họ lại chợt nhận ra mình đang đánh mất, hay đang bỏ sót một điều gì quan trọng, quý giá trong cuộc đời.

Đôi khi họ ngồi đó mà như đã tan biến, như đã đi khỏi đời sống mà họ đang tham gia. Sự "mất tích" ấy diễn ra, khi tâm hồn đã trở nên hoang mạc, khi những vẻ đẹp phía bên trong của đời sống đã vội vã biến mất, sự thực dụng, lòng tham lên ngôi…

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Đỗ Phấn đi cùng với những biến chuyển của đô thị qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Tự nhận mình là "một tay chơi bời Hà Nội" hội đủ ba yếu tố: biết trò để chơi, có tiền để chơi, có bạn để chơi, nên anh có thể gọi tên từng ngóc ngách nhỏ nhất trong đô thị mình sống. "Tôi cất mình trong nhàu nhĩ phố phường", để hiểu phố phường, hiểu đến đầu đến đũa đời sống của nhiều thứ bậc người trong thị dân.

Bên cạnh người trí thức như một trục chính của đô thị, một loại "nhiệt kế" đo sự tiến bộ văn minh, và cả sự suy đồi của đô thị, Đỗ Phấn còn viết về những góc tối tăm đô thị, những kẻ bần cùng tứ chiếng, những xì ke ma túy, những gái làm tiền, những mạt hạng trôi dạt từ khắp nơi đổ về, làm nên một lớp "cặn bã" đô thị...Anh không ngại giao du với nhiều hạng người, cố gắng nhặt chút gì lấp lánh nhất ngay cả từ một cuộc gặp gỡ nhạt nhẽo, vô bổ, để viết. Câu hỏi người ta cần phải sống thực sự như thế nào, hay phần lớn mới "gần như là sống" cứ ám ảnh Đỗ Phấn.

Đời sống bày đặt ra ngày càng nhiều thứ mà con người phải gồng mình chạy đua. Mê lú trong tiền bạc, danh lợi, vật chất, thèm khát phủ đầy ngập đời sống của mình bằng "các món đồ", con người đang đi xa khỏi bản ngã thật của mình. Bao nhiêu cái đẹp, cái lẽ phải như đang tuột khỏi tay và ở đâu đó, sự mất mát phía trong tâm hồn đã hủy hoại năng lượng, cảm hứng sống của mỗi người.

Phản ứng trốn chạy của nhân vật trong tác phẩm của Đỗ Phấn, chính là cách để con người nỗ lực tìm lại những gì đã mất, hy vọng bảo toàn những những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cho giống nòi, con cháu mai sau...

Bỏ quên những giá trị tinh thần tâm hồn con người sẽ biến thành hoang mạc.

Rời bỏ đời sống công chức để làm một người sáng tạo tự do. Đỗ Phấn cũng là một công dân đô thị lựa chọn một phản ứng của riêng mình trong một đời sống mà theo anh "nhiều bát nháo, nhiều cái dở, ít cái hay". Trong lúc con người đang tự "chuốc họa vào thân" bởi lòng tham, bởi cần quá nhiều thứ để khẳng định giá trị, thì Đỗ Phấn lại phân vân, rằng Sống thực sự liệu có cần quá nhiều thứ như vậy chăng?

Chừng nào chúng ta gỡ bỏ được những ràng buộc vật chất, thì sự hoan hỉ trong tâm hồn mới có thể cất cánh. Mỗi người ít nhất phải hiểu rằng rất nhiều khi mình đang "gần như là sống" thì mới có cơ may thoát khỏi nó, mới thực sự là sống Thật, theo cách mà mình muốn....

"Đa mang cuộc tình tay ba"

-"Gần như là sống", là một mệnh đề anh đặt ra cho chính anh, cho nhân vật của anh, hay là cho bạn đọc vậy?

+Ở cuốn tiểu thuyết mới này, tôi nhắc về một thế hệ trong một đô thị của chúng đang không hẳn là sống. Mặc dù họ có tất cả. Họ rất đầy đủ. Nhưng họ  không phải là đang sống. Mà chỉ "gần như là sống thôi"…

-Vậy Sống thực sự, theo cách của anh, phải là như thế nào?

+Tôi nghĩ tôi đưa ra một câu hỏi và bạn đọc sẽ tự tìm câu trả lời qua việc đọc sách của tôi. Nhưng điều cốt lõi tôi muốn chia sẻ, là rất nhiều người trong chúng ta đang sống theo cách mà người khác muốn, chứ không sống theo cách mà mình muốn sống.

Bìa tiểu thuyết "Gần như là sống" của Đỗ Phấn.

Chúng ta bị lệ thuộc vào cuộc sống xung quanh quá nhiều. Chúng ta tưởng là chúng ta khôn ngoan hơn, nhưng thực sự là chúng ta đang tự làm khô cằn đời sống của mình đi…Tôi muốn mỗi chúng ta hãy nhìn lại "tư thế sống" của chính mình…

-Không thể phủ nhận là chúng ta đang bị cuốn đi trong một tốc độ chóng mặt. Ngày hôm nay, cái gì cũng nhanh, từ ăn đến ngủ, đến làm việc. Anh có trôi đi với tốc độ ấy không hay là anh chống lại nó bằng cách đi chậm lại?

+Tôi đang chống lại tốc độ. Tôi nghĩ mỗi chúng ta làm nên cuộc đời mình không phải bằng chuyện nhanh hay chậm. Bởi vì bên ngoài vẻ sôi sục tranh giành của một đời sống đua chen tốc độ kia vẫn còn một đời sống khác. Một đời sống thuộc về tâm hồn của chúng ta. Và tôi nghĩ đời sống đó mới là chính.

Thật nực cười khi tất cả chúng ta ai cũng muốn giữ một tốc độ lớn để về nhất, cùng lắm là về nhì. Không có sự nhất nhì nào diễn ra cả, nếu tâm hồn chúng ta đủ độ rộng rãi để chứa đựng những xúc cảm cuộc đời, ngay cả trong một việc đôi khi tưởng như rất nhỏ, là ngắm một bông hoa…

Chỉ được sống một lần trong nhân gian, nên nếu có thể mỗi chúng ta hãy cố gắng đừng sống sơ sài quá. Đời người đâu phải chỉ cần mỗi thức ăn là đủ...

-Tiểu thuyết và truyện ngắn của anh thường viết về đời sống thị dân. Họ thường bị bế tắc, loanh quanh trong sự ngột ngạt của đời sống. Họ có tâm thế chối bỏ, trốn chạy. Và họ thường trốn chạy vào những chuyện dục tính. Họ hy vọng dục tính là cứu cánh. Nhưng khi lâm vào cảnh đó rồi thì họ trở nên tuyệt vọng hơn nữa. Vì sao vậy?

+Cái này thì tôi có ý đồ của tôi hẳn hoi. Đôi khi bạn đọc hỏi tôi, là vì sao anh viết nhiều những chuyện liên quan đến dục tính như vậy. Thì tôi trả lời ngay, rằng thái độ của tôi trong văn chương, không xem dục tính là thứ gì quá quan trọng trong cuộc đời.

Chúng ta không cần đề cao, nhưng cũng đừng quá khinh bỉ chuyện tính dục. Tôi muốn bình thường hóa những chuyện liên quan đến tính dục. Con người trong thế kỷ 21 mà vẫn còn loay hoay những câu hỏi về tính dục là không cần thiết. Chúng ta còn rất nhiều việc khác để phải trả lời…

-Vậy anh trả lời giúp tôi, anh viết văn là để làm gì, khi mà nghề vẽ của anh có thể kiếm ra nhiều tiền hơn?

+ Tôi trót đa mang tình đầu tay ba, văn chương và hội họa. Nhưng hội họa chọn tôi trước. Đã yên lòng với hội họa. Bây giờ đến lượt văn chương chọn hành tôi. Tình cũ không rủ cũng đi. Đó là thế giới trong tôi, tôi tìm lại.

Viết và vẽ là hai việc, nhưng thực chất tôi đang chỉ làm một việc thôi, là nói lên ý kiến của mình về đời sống. Khi tôi viết văn, rất nhiều ông bạn nhà văn của tôi bảo, nghề văn nó nghèo, lại gian lao, tôi chứng kiến cả rồi, sao còn "đâm đầu" vào. Tôi cũng không biết việc mình viết văn là để làm gì. Mỗi lúc không biết làm gì tôi luôn thấy việc mình có thể làm là viết. Và tôi viết, rất đơn giản vậy thôi.

Mỗi ngày viết mấy chục trang sách. In ra 14-15 cuốn sách, để làm cái quái gì. Tôi đã nhiều lần tự hỏi mình như vậy đấy. Có thể lúc này là trút bỏ, lúc kia là truy vấn, nhưng tôi thấy rằng, tôi là người thèm sống, khát sống, và tôi cần viết. Đôi khi viết cũng chính là cách để thoát ra khỏi tình trạng "gần như là sống" vậy…

- Cảm ơn họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn…

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.