'Tàu không số' huyền thoại hai lần thoát vòng vây địch qua lời kể của người lính già

Thứ Sáu, 04/09/2015, 16:40
Mặc dù chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, nhưng ký ức của ông Nguyễn Trường Sinh (SN 1947, ngụ xóm phố Mới, phường Cải Đan, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) về những ngày “ác liệt” vẫn còn đọng lại rõ nét. Thời đó, ông Sinh và đồng đội được giao nhiệm vụ hộ tống hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển. Chỉ cần một sơ suất nhỏ bị địch phát hiện mà không tự giải cứu được, “tàu không số” sẽ tự kích nổ.

Coi cái chết nhẹ như “lông hồng”

Chúng tôi tìm về xóm phố Mới để gặp người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Trường Sinh. Mới nhìn qua, dễ dàng cảm nhận được sự khắc khổ và cương nghị ở người lính già. Ông Sinh cho biết, mình sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên. Mặc dù nhà nghèo nhưng từ nhỏ cậu Sinh có tiếng là học giỏi. Đang học lớp 9, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cậu Sinh thôi học, xin bố mẹ được tòng quân.

Năm 19 tuổi, ông Sinh được tuyển chọn vào vô tuyến điện báo của Bộ Tư lệnh Thông tin. Làm việc ở đây được hai năm, ông Sinh lại được tuyển chọn vào Đoàn 126 của Hải quân. Trong thời gian đảm trách công việc mới, ông Sinh bắt đầu bước vào những ngày gian khổ trong tập luyện của lính đặc công nước. Những ngày này, ông Sinh đã được học hỏi nhiều kỹ năng mới khi tiếp xúc nước, cũng như học chịu đựng được sự khắc khổ, có thể thích ứng với nhiều điều kiện sống gian khổ khác nhau.

Sau những ngày rèn luyện tại Đoàn 126 của Hải quân, ông Sinh có thể bơi tay không đến vài kilomet mà không hề hấn gì. Cũng tại đây, người chiến sĩ đã học hỏi thành thục trong việc tấn công các mục tiêu cũng như được học các kỹ năng trong chiến đấu. Có lẽ vì vậy, nên khuôn mặt người lính già còn toát lên sức chịu đựng ghê gớm. Cuối năm 1969, tại cảng K20 (Hải Phòng), ông Sinh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào bến Gành Hào (Cà Mau) để chi viện cho quân ta.

Ông Sinh kể chuyện khi đang trên “tàu không số”.

Trước khi bước lên “tàu không số”, cũng như nhiều chiến sĩ khác, ông Sinh được mang một địa chỉ mới là số nhà 40, phố Cầu Đất, Hải Phòng. Đồng thời, giấy khai sinh lúc này của người chiến sĩ được khai với năm sinh 1950. Đi kèm với những thay đổi đó, người chiến sĩ còn được khai mới đang là sinh viên năm hai với chuyên ngành Nghiên cứu cá biển. Ngoài ra, ông Sinh còn được thăng quân hàm từ binh nhất lên hạ sĩ, còn gia đình cũng được nhận sự đãi ngộ của Nhà nước.

Ông Sinh cho biết, những ngày lênh đênh trên biển là những ngày vô cùng gian khổ. Do xuất phát từ cuối năm, nên thời tiết đang trong trạng thái “rét cắt da cắt thịt”. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng ông và đồng đội đã một lòng hướng đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nên cái cực khổ này đối với ông và đồng đội không phải là một trở ngại lớn. 

Ông Sinh cho biết: “Lúc này, đất nước mới trải qua cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, nên đây đang là thời điểm địch tiến hành truy lùng bắt bớ quân dân ta. Địch không những kiểm soát gắt gao trên đất liền mà còn liên tục tiến hành truy quét trên biển. Nên với chúng tôi, cái chết lúc này “nhẹ tựa lông hồng”.

Ông Sinh còn cho biết, tất cả các chiến sĩ trên “tàu không số” trước khi khởi hành hầu như chưa ai rõ về nhau; thế nhưng khi đã lên tàu, tất cả đã hòa đồng rất nhanh, rồi giúp đỡ, tâm sự như anh em ruột thịt. Đây chính là một trong những động lực lớn giúp “tàu không số” đi đến nơi về đến chốn. Nói về con tàu, người lính già cho hay: “Tàu được gọi là “tàu không số”, nhưng thực ra con tàu vẫn được ngầm hiểu nội bộ là tàu 41, có chiều dài khoảng 35m. Ngoài 26 thủy thủ, con tàu còn mang trên mình hơn 100 tấn vũ khí. Hai bên mạn tàu được gài thuốc nổ. Nếu như chẳng may “tàu không số” bị địch phát hiện mà không thể tự giải thoát được, thì thuốc nổ gài hai bên mạn tàu sẽ được kích nổ. Đây là việc làm cuối cùng có ích cho đất nước mà chúng tôi làm được nếu như gặp chuyện chẳng lành”.

Bị địch bao vây nhưng vẫn thoát được

Sau khi đoàn thủy thủ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cũng như hàng trăm tấn vũ khí đã được bao bọc cẩn thận, con tàu 41 bắt đầu chuyến đi đầu tiên. Để đến được nơi đóng quân của ta, tàu 41 phải đi ngược lên phía Bắc đến Vịnh Hạ Long để sơn lại vỏ tàu sao cho giống thuyền ngư dân. Sau đó, con tàu bắt đầu cuộc hành trình đến eo biển Hải Nam (Trung Quốc), theo hải phận quốc tế vòng qua vùng biển Philippines, Indonesia, rồi ngược lên khu vực biển Cà Mau. Nhưng để đến được nơi cần đến không phải là chuyện dễ dàng. Chuyến đi đầu tiên của “tàu không số” đã gặp những trở ngại lớn.

Khoảng 11h trưa, khi tàu vào gần đến hải phận Việt Nam thì bị máy bay địch phát hiện rồi bắn pháo sáng và chụp ảnh liên tục. Sau màn “chào mừng” này thì xuất hiện ba con tàu có kích cỡ to hơn “tàu không số”. Một chiếc tàu đi xiên ngang trước mũi “tàu không số” như để chặn lại. Hai chiếc tàu còn lại thì đi áp sát vào hai sườn tàu mình. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, anh em thủy thủ đã họp và quyết định không tiến tới mà bẻ bánh lái quay lại. Thấy tàu mình quay đầu, ba tàu địch cũng làm theo.

Tàu không số. Ảnh tư liệu

Do dày dạn kinh nghiệm chiến trường nên trưởng tàu đã ra lệnh cho người lái tàu điều khiển “tàu không số” vào đến hải phận Trung Quốc, lúc này ba tàu địch mới thôi áp sát. Do đi theo kiểu “nghi binh”, tức là vừa đi vừa đánh lạc hướng đối phương cũng như tìm cơ hội để thoát thân nên “tàu không số” phải mất hơn 1 tháng mới quay lại được cảng K20 (Hải Phòng). Như vậy, chuyến đi đầu tiên của đoàn thủy thủ đã thất bại. Nhưng may thay, địch không phát hiện được. Nếu như để bị địch vây bắt, không còn cách nào khác, “tàu không số” sẽ được tự kích nổ.

Chuyến đi thứ 2 bắt đầu vào khoảng tháng 4-1970. Cũng như chuyến đi đầu tiên, cuộc hành trình lần hai này cũng gặp sự trắc trở hiểm nguy khôn lường. Trong suốt hành trình dài, rồi vào đến hải phận Việt Nam gần nơi đóng quân của ta ở căn cứ miền Nam, “tàu không số” không gặp một trở lực nào. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm thấm đến phút cuối, nhưng khi đến được bờ biển Cà Mau, cách một rừng đước khoảng 200m, “tàu không số” phát tín hiệu ánh sáng vào bờ, nhưng mãi mà không nhận được ánh sáng hồi âm của ta.

Do thời điểm này là lúc trời đã rạng sáng, trong khi đó tàu của ta lại đang cách hải phận quốc tế hơn 200 hải lý (gần 400km). Nên nếu quay đầu lại thì thật khó tránh được sự phát hiện của địch. Mà ở vùng biển Cà Mau thì lại càng “lỡ dở”. Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, các thủy thủy lại họp bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, nên để tàu lao thẳng vào bờ và sẽ tự hủy bằng thuốc nổ nếu như bị địch phát hiện. Đang trong lúc bế tắc, thì bất ngờ đoàn thủy thủ nhận được tín hiệu từ bờ ra. Sau đó một chiếc ghe nhỏ đã lách bụi rậm đi ra dẫn đường cho tàu vào.

“Tàu mình đang băng băng để vào bờ thì bất ngờ xuất hiện một chiếc tàu tuần tra của địch. Nhưng không hiểu sao, chiếc tàu này khi thấy “tàu không số” càng lộ rõ lại “tháo chạy” bỏ đi nơi khác. Sau đó, “tàu không số” được điều khiển vào rừng đước để ngụy trang bằng cách chặt đước, treo lên cờ và buộc khắp thân tàu để đảm bảo sự an toàn. Vừa ngụy trang xong thì xuất hiện hai máy bay tuần tra của địch trên đầu. Lúc này trời đã rạng sáng, nhưng không hiểu sao, hai chiếc máy bay này chỉ bay lướt qua rồi mất tích vào không trung. “Tàu không số” đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Sinh thở phào, kể lại.

Đầu năm 1971, “tàu không số” lại thực hiện cuộc hành trình thứ 3. Không giống như hai lần đi trước, lần này, “tàu không số” đã hoàn thành nhiệm vụ mà không gặp bất kỳ hiểm nguy nào. “Sau chuyến đi này, tôi ở lại đóng quân ở Cà Mau. Năm 1974, trong một trận chiến ác liệt tại huyện Long Mỹ (Cần Thơ), tôi bị một mảnh pháo găm vào phổi. Bao năm qua, mảnh pháo này đã làm sức khỏe tôi yếu đi nhiều. Mặc dù vậy, tôi còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, đó là được sống trong cảnh đất nước hòa bình. Nên trong những năm qua, tôi đã cố gắng sống để làm sao không phụ lòng những đồng đội đã ngã xuống, cũng như không hổ thẹn với mình, từng vào sinh ra tử để góp phần thống nhất đất nước”.

Gia Phú
.
.
.