Tây Ninh chuyển mình

Thứ Năm, 17/05/2018, 16:02
Từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi chỉ mất 2 giờ chạy xe để đến Tây Ninh nhờ đường sá giao thông thuận tiện. Mở ra trước mắt chúng tôi là một thành phố yên bình với nhiều con đường rộng lớn.


Những năm gần đây, thành phố trung tâm của tỉnh Tây Ninh đã phát triển rất nhanh, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của một đô thị vùng biên, với rất nhiều cây xanh cổ thụ và dòng người không có chút gì là bon chen vội vã.

Hướng đến thành phố thông minh

Nhịp sống ở Tây Ninh có lẽ vẫn còn chậm, nhưng chất lượng sống đang chuyển động rất nhanh. Thị xã Tây Ninh lên thành phố chưa lâu, nhưng được tỉnh chọn làm thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa toàn diện, với mục tiêu mong muốn xây dựng thành công chính quyền điện tử đến quản trị dịch vụ công thông minh để tiến đến tương lai xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành “Thành phố thông minh”.

Vào tháng 10 năm ngoái, UBND tỉnh Tây Ninh cùng với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xây dựng “Thành phố thông minh” giai đoạn 2017-2020. 

Cụ thể, Viettel đã ký kết với thành phố để thực hiện một số lĩnh vực như xây dựng cổng giao tiếp điện tử giữa hệ thống chính trị thành phố với công dân. 

Hệ thống cáp treo trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh.

Đặc biệt, cổng giao tiếp này không chỉ kết nối hệ thống máy tính qua mạng internet, mà còn kết nối qua hệ thống camera đặt khắp địa bàn để cư dân đô thị có thể giao tiếp video với hệ thống chính trị thành phố, phường, xã bằng điện thoại di động. 

Hệ thống camera giao tiếp này đã được khẩn trương lắp đặt tại các phường, xã để đưa vào hoạt động từ trước Tết Mậu Tuất 2018. Ngoài ra, nội dung khác của “Thành phố thông minh” theo ký kết hợp tác giữa Viettel và thành phố Tây Ninh là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sức khoẻ toàn dân.

Công an Tây Ninh hiện nay đã xây dựng và vận hành thành công cơ sở dữ liệu dân cư. Với cơ sở dữ liệu này, có thể lập ngay danh sách từng dân tộc, tôn giáo, theo từng độ tuổi, từng địa bàn, tùy theo sự lựa chọn và rất linh hoạt. 

Qua 2 lần bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào năm 2011 và 2016, dữ liệu dân cư đã cung cấp danh sách thường trú để từ đó UBND cấp xã tổ chức rà soát, lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri.

Với kết quả của việc tích hợp dữ liệu chuyên ngành đã tạo ra được một số kết quả bất ngờ nhờ khai thác được thông tin chính xác và nhanh chóng; cảnh sát tuần tra và cảnh sát điều tra có thể tra cứu thông tin tức khắc các đối tượng để ứng xử kịp thời; chuyển đổi dần tác phong làm việc thủ công của cán bộ chiến sĩ cấp xã sang công nghệ thông tin. 

Hiện tại phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dân cư do Công an tỉnh xây dựng đã sẵn sàng tích hợp dữ liệu hộ tịch, dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và khai tử.

Nông nghiệp công nghệ cao

Song song việc hướng đến “Thành phố thông minh”, UBND tỉnh Tây Ninh cũng xây dựng mô hình điểm, phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế, nhằm tìm ðầu ra ổn định và giúp các hộ nông dân nâng cao thu nhập trong giai đoạn năm 2017-2020.

Để hiện thực hóa chủ trương trên, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã và đang tập trung cơ cấu lại; trong đó đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại phù hợp với tiềm năng của tỉnh, tiến tới thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); đẩy mạnh thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Ngay từ đầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã có hơn 10 nhà đầu tư trong nước và ngoài nước (đến từ Đức, Mỹ, Nhật) ký cam kết và ghi nhớ đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, vào tháng 5-2017, tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần Lavifood đã khởi công Nhà máy Chế biến rau quả Tanifood có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng với dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, gồm: đông lạnh, sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa, nước trái cây cô đặc...

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân nhận định, nhà máy sản xuất chế biến là một khâu quan trọng trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản và tạo đầu ra ổn định cho nông dân nuôi - trồng. Do đó, tỉnh Tây Ninh đang tăng cường nhiều giải pháp khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư bài bản, quy mô lớn. 

Ma Thiên Lãnh là địa điểm yêu thích của khách du lịch khi đến với tỉnh Tây Ninh.

Bên cạnh đó, các khâu còn lại của chuỗi giá trị phát triển nông sản như: chợ đầu mối, viện giống, phân bón, trung tâm hỗ trợ nông dân, kho vận, hạ tầng... được các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện trên toàn chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Với việc áp dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ thu mua gần như toàn bộ sản phẩm được bà con nông dân trồng và thu hoạch. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị tại Tây Ninh, tạo điều kiện cho nông dân trở thành nhà cung ứng đầu vào nông sản cho các nhà máy sản xuất chế biến nông sản. Khi trở thành nhà cung ứng phát triển, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp; đồng thời được đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ưu tiên phát triển du lịch

Nói về Tây Ninh, người ta thường nhắc đến những địa danh như: Núi Bà Đen, Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Tòa thánh đạo Cao Đài; Thung lũng Ma Thiên Lãnh; những món ăn như: bánh tráng phơi sương, muối tôm…

Với những thế mạnh du lịch này, UBND Tây Ninh đang thực hiện nhiều chính sách để biến du lịch thành một ngành mũi nhọn của tỉnh. Năm 2013, Tây Ninh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể: phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như, sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch thương mại, công vụ; sản phẩm gắn liền với loại hình du lịch thăm thân, khám chữa bệnh; sản phẩm ẩm thực Tây Ninh.

Đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh đang cho thấy những động thái quyết tâm rất lớn để vực dậy ngành du lịch của tỉnh nhà. Hiện tỉnh cũng đã thành lập riêng một “tổ đặc nhiệm” để thực hiện tất cả công tác đánh giá, khảo sát, mời gọi doanh nghiệp đến Tây Ninh đầu tư vào lĩnh vực này”. 

Bằng nguồn vốn của tỉnh,Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và tư nhân, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình như: hệ thống cáp treo mới công nghệ châu Âu với công suất 2.400 người/giờ, chuẩn cải tạo nâng cấp hệ thống cáp treo cũ hệ thống máng trượt cũ bằng công nghệ mới; xây dựng khách sạn Sunrise... 

Một số tuyến đường huyết mạch phát triển du lịch như: Điện Biên Phủ, vành đai núi Bà Đen, Quốc lộ 22B (đường xuyên Á), đường 782-784... Trùng tu, sửa chữa một số công trình thiết chế văn hóa và một số khu du lịch như: Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát....

Với tầm nhìn xa trông rộng và tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh, tôi tin Tây Ninh sẽ nhanh chóng chuyển mình thành công thành một tỉnh vùng biên có đô thị thông minh, có nền nông nghiệp công nghệ cao và du lịch phát triển. Người Tây Ninh với bản tính đôn hậu, cần cù nhưng không kém phần máu lửa, chắc chắn sẽ xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Tư Long
.
.
.