Tranh chấp bản quyền tác phẩm:

'Tay không' làm sao đi kiện?

Thứ Sáu, 09/10/2015, 10:00
Những ngày vừa qua, thông tin nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai bị "tố" đạo thơ đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, cả người tố và người "bị tố" vẫn giữ nguyên thái độ của mình khi cho rằng người kia "đạo" của mình và ngược lại.

Lẽ ra, câu chuyện tranh chấp bản quyền bài thơ này không lùm xùm như thế nếu như ngay từ đầu, anh Ngô Xuân Phúc, người mà một số tờ báo cho rằng “tay không” mà đòi đi kiện bản quyền, trong khi không lưu giữ lại được bản thảo để chứng minh sáng tác của mình.

Một vụ tranh chấp đặc biệt

Trong thư ngỏ của mình, anh Ngô Xuân Phúc (35 tuổi, quê ở Nghệ An) khẳng định: "Tôi chính là tác giả của bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình". Ông Phúc cho rằng bài thơ được viết vào năm 2008 và được anh chia sẻ trên một số trang mạng xã hội. Hồi đó anh Phúc là một quân nhân, là giáo viên văn học trong Quân đội, đơn vị đóng ở Sơn Tây, Hà Tây, nay là Hà Nội. Sau này vì lí do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên anh Phúc mới xóa các blog, trang cá nhân.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và tập thơ có nhan đề “Tổ Quốc gọi tên mình”.

"Ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay. Năm 2009, tôi chuyển công tác về Nghệ An, sau đó xin phục viên và chuyển sang làm báo là chủ yếu. Tình cờ năm 2013 tôi có được xem chương trình ca nhạc có bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, nó gợi nhớ cho tôi và tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin. Đến năm 2014 thì tôi tiếp tục được nghe bài này trên truyền hình và sau đó là đọc được loạt bài báo giới thiệu tác giả thơ Nguyễn Phan Quế Mai và bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" cùng với những bài thơ thành công khác của chị.

Khi được hỏi, bài thơ công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông, có giống với những điều mà anh đã viết không, anh Phúc cho biết, theo trí nhớ, hầu như là giống y chang, có một chi tiết duy nhất là anh phân vân là chỗ "Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng "Việt Nam"/ Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng" thì lúc anh viết, dân số Việt Nam chưa đến 90 triệu người.

Hỏi thêm về những căn cứ để xác thực rằng anh Phúc chính là tác giả thì anh này cho hay: "Bằng chứng thì chịu. Vì lúc đó, do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên tôi mới xóa các blog, trang cá nhân. Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, Hà Nội hay Vinh, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết. Nhưng có một nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có vào đọc khen hay, và tôi có bảo bài này được phổ nhạc thì rất tuyệt".

Trước phát ngôn của anh Phúc, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai từ nước Bỉ cũng soạn thư ngỏ dài tới báo chí dài hơn 2.000 chữ. Mở đầu thư, nhà thơ cho biết: "Tôi rất bàng hoàng và bức xúc trước những lời buộc tội và vu khống vô căn cứ của anh Ngô Xuân Phúc". Trong thư, nhà thơ khẳng định, "anh Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam". Và nhà thơ sẽ làm tất cả những gì cần thiết, bao gồm việc sử dụng pháp luật, để bảo vệ danh dự và uy tín của tôi, đáp lại sự tin yêu của bạn đọc.

Nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ đang gây bão dư luận, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai kể lại: "Tháng 6/2011 nhà văn, nhà báo Hòa Bình, khi đó đang làm việc tại báo điện tử Vietnamnet, đã liên hệ phỏng vấn tôi với chủ đề "văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo". Bài phỏng vấn có câu hỏi "chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?". Từ Hà Nội, đem theo những câu hỏi ấy ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm". Bài thơ "Tổ quốc gọi tên" được viết ra trên chính chuyến bay đó”. 

Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, nữ nhà thơ yêu cầu anh Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi cho mình trước ngày 10-10-2015. Nếu không, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện anh Phúc về tội vu khống. Nhà thơ đang liên lạc với luật sư, và sẽ theo đuổi câu chuyện này đến cùng.

Có một chi tiết đáng lưu ý qua lời kể của anh Phúc là vào thời điểm năm 2008, có một nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào đọc bài thơ và khen hay thì anh Phúc không nhớ người đó là ai, chỉ biết chung chung là người Bắc Ninh hay Bắc Giang gì đó. Trong một diễn biến khác, nhà thơ Bàng Ái Thơ đã lên tiếng, cho rằng bà đã đọc bài thơ của một tác giả bà chưa từng gặp mặt, có nội dung na ná khoảng 70-80% bài thơ "Tổ quốc gọi tên" của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Ngoài ra theo anh Phúc, còn một số nhân chứng khác, có người đã mất, có người chưa thấy lên tiếng. Tuy nhiên, câu chuyện mới chỉ dựa vào lời kể, trí nhớ của các nhân vật. Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai vẫn có nhiều lý lẽ hơn để bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình.

Không lưu trữ bản thảo, làm sao bảo vệ quyền lợi của mình

Câu chuyện lùm xùm liên quan đến bản quyền một bài thơ nhắc nhở những người viết một bài học về việc làm thế nào để giữ gìn bản thảo của mình, để khi cần có thể chứng minh mình là tác giả hợp pháp của những gì mình đã sáng tạo ra. Một người, dù có là tác giả một bài thơ được "thuổng" thật đi nữa, việc đòi lại đứa con tinh thần đã bị đánh cắp của mình cũng sẽ khó như mò kim đáy bể, nếu anh ta không có gì làm bằng chứng, rằng đó chính là đứa con của mình sinh ra.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải) trong một buổi ra mắt tập thơ có bài thơ bị “tố” là “đạo thơ”.

Trong câu chuyện tranh chấp bản quyền bài thơ "Tổ quốc gọi tên", anh Phúc là một ví dụ điển hình. Tất cả những gì anh Phúc có, là trí nhớ về một bài thơ có nội dung tương tự như vậy, đã sáng tác từ lâu, đã đăng trên mạng xã hội blog và đã xóa, không có một dòng bản thảo nào để lưu giữ làm bằng. Về mặt pháp lý, nếu nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đưa câu chuyện ra tòa án, thì việc thua trắng tại tòa của anh Phúc là hoàn toàn có thể, vì những viện dẫn của anh đều không có tính thuyết phục.

"Văn chương tự cổ vô bằng cớ" là câu nói mà người xưa truyền lại. Việc người này đạo văn người kia, lấy trộm ý tứ, câu chữ, ý tưởng của nhau thực ra không hiếm trong xã hội. Và để phanh phui một câu chuyện, người ta phải có những văn bản để đối chiếu, so sánh. Những người viết văn làm thơ chuyên nghiệp thường có ý thức lưu trữ bản thảo của mình, đầu tiên là để phục vụ cho việc in ấn xuất bản của họ, sau nữa là để làm bằng chứng khi cần, nếu chẳng may mình sa vào một câu chuyện lùm xùm nào đó. Tuy nhiên với người viết nghiệp dư, những người vào một hôm đẹp trời nổi hứng muốn viết một bài thơ, thậm chí một truyện ngắn, thì chưa chắc họ đã có ý thức ấy.

Viết rồi đọc, rồi quên, rồi bỏ đâu đấy, ngay cả với nhà văn chuyên nghiệp, cũng là chuyện không hiếm. Có mấy người khi viết ra một cái gì đấy thì nghĩ ngay đến việc "canh me" đề phòng bị "thuổng". Và đó cũng là khởi nguồn cho nhiều nghi án đạo văn khới ra rồi rơi vào quên lãng, không có đúng sai vì thiếu bằng cớ. Có những câu chuyện thậm chí đã tồn tại hàng thế kỷ mà không giải quyết được.

Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, việc lưu trữ, giữ gìn bản thảo càng có nhiều cái khó hơn, nếu người viết không ý thức mạnh mẽ về câu chuyện bản quyền. Thời trước, các nhà sáng tác thường viết tay, trên giấy, và việc lưu bản thảo gần như là một tất yếu đối với họ. Nhưng nay, mọi người đều viết bằng  bàn phím, trên máy tính, nghĩa là nét bút mang đặc điểm cá nhân của họ không còn tồn tại nữa.

Xét về mặt con chữ, mọi bản thảo đều giống nhau. Vậy vấn đề lưu trữ bản thảo phải làm sao để chứng minh ai đó là tác giả thật của một trang viết nào đó. Sau câu chuyện tranh chấp bản quyền bài thơ "Tổ quốc gọi tên", hỏi chuyện một số nhà văn, họ có chút giật mình về chuyện này. Không phải ai cũng có ý thức làm thế nào để sao lưu ngày tháng chứng minh mình đã viết những trang này ngày đó tháng đó.

Theo ý kiến của một vài chuyên gia công nghệ thông tin, và cũng là kinh nghiệm cá nhân của một số người viết, khi nhà văn viết bản thảo trên máy tính, viết xong, hãy gửi chúng vào email để lưu trữ. Việc giữ bản thảo trên mạng cũng an toàn hơn giữ bản thảo trên ổ cứng máy tính. Và trên email bao giờ cũng lưu giữ ngày giờ gửi bản thảo, đấy là một cứ liệu cần thiết để đối chiếu nếu chẳng may có "sự cố" xảy ra, ví dụ một ngày sáng tạo của mình bị "đạo".

Người viết một tác phẩm (tạm gọi là như vậy), dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, trước hết phải yêu thương chăm bẵm đứa con của mình. Đó là một ý thức cần thiết của bất kỳ ai hiểu về luật pháp, hiểu về tính quan trọng của bản quyền. Người viết ở ta xưa nay thường chưa có ý thức về vấn đề này. Sáng tác vẫn được coi là công việc vui là chính, ngẫu hứng là chính. Và khi xảy ra những kiện tụng tranh chấp, tốn nhiều giấy mực của báo chí, thậm chí pháp luật vào cuộc, mà vẫn không thể ngã ngũ.

Trang Dung
.
.
.