Tết nhạt!

Thứ Năm, 04/02/2016, 11:48
Tết là một hiện tượng đời sống văn hóa của nhiều dân tộc, muốn hay không thì năm hết Tết vẫn đến. Những năm gần đây, văn minh công nghiệp xâm lấn văn minh nông nghiệp, phong tục, thói quen thay đổi rất nhiều, đến mức không nhận ra. Có một tâm trạng của con người thời hiện đại là... chán Tết, hoặc cảm thấy... Tết nhạt.


Có phải Tết càng ngày... càng chán càng nhạt?! Chán và nhạt do con tạo xoay vần, cái hồn Tết cũ mất rồi mà cái mới chưa đến, hoặc đến nhưng vênh váo, cập kênh, chưa phù hợp, chưa thỏa mãn người ăn Tết. Nhưng, Tết chán, Tết nhạt còn do cảm nhận, do con người làm cho nhạt Tết.

Thời kinh tế thị trường, các việc chuẩn bị công phu, tỉ mỉ cho Tết thì dường như bằng không, người ta chỉ cần tích cóp, chuẩn bị tiền, thêm vài tiếng đồng hồ ra chợ, đến siêu thị, thậm chí gọi thiện thoại là đồ ăn Tết rồng rắn đến ngập nhà. Sướng cái thân, nhưng vô tình chính con người tự đánh mất niềm vui sắm Tết mà không hề biết, lại còn kêu... Tết nhạt. Bởi phàm những việc lớn có sự chuẩn bị bao giờ cũng để lại trong lòng nỗi mong ngóng, chờ đợi, hy vọng thành công với các điều tốt lành và náo nức để được thụ hưởng kết quả lao động của mình.

Thời kinh tế thị trường, cái gì cũng tiện, việc chuẩn bị cho Tết cũng bớt tỉ mỉ đi, hương vị của Tết vì thế cũng nhạt hơn.

Ngày 23 tháng Chạp, ở quê ít thấy nhà tát ao hoặc đem lưới đánh cá, để rồi con thì đem chợ bán, con thì mổ thịt nấu nướng cúng ông Táo lên trời. Trẻ con người lớn không còn được hưởng cái không khí đông vui, rộn rã dậy tiếng nói cười một góc thôn, người đứng bọc vòng quanh trên bờ chỉ chỏ bảo người dưới ao mò chỗ này, úp chỗ kia; rồi thỉnh thoảng lại ré lên cười, dạt vào nhau vì một con cá trắm tươi rói vừa được quẳng từ dưới ao lên giãy đành đạch. Chợ huyện cũng không còn bán tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột", "Con lợn ăn dáy", "Thằng bé ôm con gà". Theo quy luật phát triển, Tết cũng thay đổi theo thời đại và mỗi thời có một câu chuyện Tết của thời đó. 

Tôi cũng không nghĩ chợ Tết bây giờ cứ phải như "Chợ Tết" nông nghiệp của Đoàn Văn Cừ với những hình ảnh: "Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khó gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm". Nhưng nấu nồi bánh chưng đêm cuối năm cúng giao thừa, ở làng quê nếu có điều kiện trồng cây đón Tết cũng nên làm. 

Còn gì hơn cái thú của người cha sai đứa con ra góc vườn hạ cây hóp đá đẹp nhất, tỉa sạch các nhánh cành, chỉ để ngọn phất phơ mấy cành lá nhỏ xanh non, đem vào sân buộc giỏ tre đựng trầu cau, với một dải vải đỏ và cái khánh bằng đất nung. Cha con kêu thêm vài người hàng xóm nữa í ới hò nhau dựng cây nêu ở ngay đầu cổng để... ngăn trừ ma quỷ đến nhà quẫy nhiễu khi vắng mặt ông Táo. 

Cái niềm vui ngắm nghía cây nêu sừng sững vươn lên trời đứng trong giá rét, và nghe tiếng khánh đất nung kêu cuông... cuông, rồi đưa mắt sang nhìn cây nêu nhà hàng xóm mà ngầm so sánh... cũng là cảm giác bâng khuâng lạ chỉ còn trong ký ức. Nghĩ mà thương những đứa trẻ ruộng đồng không còn biết chăn trâu đốt lửa nướng cà cuống (vì người ta cày bừa bằng máy, trâu bị giết thịt hết), không cả niềm vui dân gian rộn rã xóm mạc những ngày giáp Tết.

Ăn Tết thời nay, người ta thay niềm vui gói bánh chưng chiều hoặc đêm ba mươi bằng thú lướt Facebook, hay ngồi dán mắt vào màn hình xem hài Tết. Nhà nọ nhà kia mua bánh từ những lò nấu bánh chưng chuyên nghiệp ở ngoại ô sản xuất quanh năm, vô tình bỏ mất niềm vui vo gạo, đãi vỏ đậu xanh, tước lạt rang, vợ cắt lá dong xanh, chồng gói bánh và mấy đứa con lon ton nghịch lá trong tiếng quát yêu của người lớn. 

Tôi thèm cái không khí đêm giao thừa, sum vầy quanh nồi nấu bánh chưng sôi lục bục, nghe bà nội kể chuyện "Sự tích bánh chưng bánh dày" dõi theo nhân vật Lang Liêu chí hiếu, hoặc râm ran kể các câu chuyện người xa xứ lục tục về ăn Tết, rồi rộ lên những tiếng cười khúc khích cùng với tiếng nổ tí tách của củi nỏ và hơi lửa ấm nồng. Mặt nóng bừng, má thiếu nữ hây hây đỏ, mắt lấp lánh, hàm răng trắng như hạt ngô sữa. Bánh rền rồi mới dỡ ra cho ráo kịp cúng giao thừa, còn cái bánh sót bánh thêm lôi ra nếm, vừa thổi vừa ăn, xuýt xoa. 

Thay vì tự tạo cho mình sống chan hòa trong không gian Tết mặn mà, đầm ấm, gần gũi cộng đồng thì bây giờ người ta khép mình vào thế giới riêng. Quanh năm chịu làm "thân nô lệ" cho Internet nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ của đêm trừ tịch, giao thừa chầm chậm đến gần, người ta vẫn ngồi dán mắt vào iphone, ipad lướt Facebook, mở website hay đi "cày games"... mà vẫn còn kêu... Tết nhạt. 

Quanh năm vui vẻ, tíu tít tám chuyện với bạn bè, hết trà sữa, ô mai, đến kem ly, kem cốc... Tết về là dịp gặp gỡ, quây quần, nhưng có khi lại "bỏ rơi" bố mẹ, để đi thâu đêm giao thừa với bạn lượn đường, "bát phố", được niềm sung sướng của mình, nhưng gia đình còn gì vui? Đến lúc giao thừa, có ra ngoài cũng chỉ là xem pháo hoa, hoặc hái lộc xuân; rồi rất nên vội vã về nhà sum vầy. Bữa ăn giao thừa nhỏ nhẹ ấm cúng, chỉ cần thiếu một thành viên là suất mừng tuổi lấy hên sẽ thừa ra.

Những hình ảnh đẹp về tết cổ truyền dường như đang nhạt dần trong ký ức của người Việt.

Dân gian nói "đồng tiền có chân, đi gần đi xa", tiếng gọi của đồng tiền ghê gớm lắm. Nhà lớn nhà bé kinh doanh tíu tít bán hàng Tết đến 11h đêm giao thừa thì thời gian đâu mà sắm Tết, thì niềm vui bán chạy hàng át cả không khí Tết. Lẽ ra, thu dọn đồ từ ngày hôm trước, hay cùng lắm là chiều ba mươi đóng cửa để đêm giao thừa sống những thời khắc bình yên với người thân, thành kính với tổ tiên linh thiêng, thì của đáng tội... cũng tiếc. Vả lại, khách vẫn cần mua, chả lẽ đóng cửa? Vậy là cứ cắm cúi mải miết mệt nhoài kiếm đến đồng tiền cuối cùng trong năm. Niềm vui thụ hưởng qua nhanh, nên chán Tết cũng chẳng có gì lạ.

Thời kinh tế thị trường mới sinh ra thưởng Tết, thay vì hỏi sức khỏe, hỏi gói bao nhiêu cái bánh chưng, gói mấy cân giò, cúng giao thừa bằng gà hay thủ lợn, về quê trước Tết hay sau Tết, thì đi đâu người ta cũng hỏi thăm nhau Tết được thưởng bao nhiêu. Thưởng nhiều thì lòng rộn rã, hân hoan, không may làm ở doanh nghiệp thất bát thưởng ít thì... mất Tết. Niềm vui và mong mỏi được lĩnh tiền thưởng đến mức át cả chuyện sắm Tết. Quá nặng tiền bạc, vật chất, mà không biết "có nụ mừng nụ có hoa mừng hoa", tự tạo ra niềm vui tinh thần bình dị trong đạm bạc thì Tết nhạt có gì lạ!

Tết xưa là Tết văn minh nông nghiệp. Tết nay là Tết văn minh công nghiệp công nghệ. Tết của thời kĩ trị... nhạt, nên người ta chán Tết... chạy trốn Tết. Gác chuyện về quê ăn tết với bố mẹ, quê hương, hoặc ở lại thành phố thăm nom, chúc sức khỏe bạn bè, người thân, vui với không khí xuân sang ở chính cái nơi mình đang sống, người ta bay đi Paris, Roma, đến Mũi Hảo vọng, Monaco... hoặc tìm nơi nghỉ lý tưởng nào đó ở bên ngoài biên giới... dung thân. Có nghĩa là đến cái nơi hoàn toàn không có Tết, nằm ườn trên bãi cát phơi nắng biển, hoặc đi mua sắm ở chốn phồn hoa, hoặc xục chân vào miền tuyết lạnh ở một nơi nào đó trên trái đất này. Tết ở sau lưng. Tết ở lại quê hương... mà không mấy xúc cảm. Hết đợt nghỉ dưỡng, trở về thì hết Tết, nhịp sống thường ngày trở lại, lại quay cuồng tấp nập với chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Tết thoáng qua và chỉ mơ hồ trong khái niệm.

Tết nhạt vì không còn mong đợi Tết đến nữa. Ngày xưa mong, chờ Tết là được ăn no, ăn ngon... ăn cỗ. Nghèo quá mà, bốn mùa năm rau cháo thì Tết cũng có thịt treo trong nhà, cả năm không nhìn thấy cái bánh chưng thì Tết nghèo cũng vo gạo gói. Tâm trạng đón chờ được ăn ngon, được manh áo mới cũng làm cho không khí Tết mặn mà, náo nức. Hiện nay, đời sống vật chất không còn đói kém như xưa, nhiều nhà bữa ăn quanh năm như... cỗ Tết. Cái sự náo nức mong đợi ăn ngon không còn, nhưng người ta cũng chẳng nghĩ ra được bốn mùa vất vả thì Tết cần phải được nghỉ ngơi hưởng thụ, cần được thưởng thức ẩm thực, cần "bày vẽ" làm món ăn truyền thống độc đáo; nhìn mâm cỗ Tết chả khác ngày thường là mấy, thì lòng dạ nào hứng thú với xuân.

Tết đến, mong người đi xa về sum vầy, nhưng cái mong Tết xưa với Tết nay cũng khác lắm. Ngày xưa đi xa là đi biền biệt, sáu tháng, 1 năm hay vài ba năm mới nhìn thấy mặt nhau, chủ yếu liên lạc qua thư từ. Ngày nay, dù có ở bên kia bán cầu, mở Internet ra, nói chuyện qua Skyber, Viber, nghe được tiếng, nhìn rõ mặt. Vì thế, khi về ăn Tết, gặp nhau cũng bớt rưng rưng hơn so với cái sự xa ngái, biền biệt như ngày xưa. Đến chúc nhau, người ta cũng ỉ lại cho mấy phút nhí nhoái nhắn tin, gọi điện thoại; không gặp gỡ thì thiếu cái bắt tay ấm nóng, thiếu cái nhìn da diết, thiếu trực quan sinh động gắn bó... Tết nhạt từ lòng người nhạt đi.

 Tết đã thay đổi, nhưng lòng người với Tết còn đổi thay nhiều hơn!

Tùy bút của nguyễn yên mô
.
.
.