Tết ở trại giam Thủ Đức

Thứ Hai, 18/02/2013, 14:21
Đến đây vào những ngày giáp Tết, chúng tôi lại càng thêm thấu hiểu về sự khó khăn vất vả của những cán bộ chiến sĩ làm trong ngành Công an trại giam nói chung và tâm huyết đối với công việc, với phạm nhân của những cán bộ chiến sĩ đang công tác ở Trại giam Thủ Đức nói riêng.

Trong những chuyến công tác của mình, tôi có hơn một lần đến làm việc tại Trại giam Thủ Đức. Khi nhắc đến địa danh này, nhiều người sẽ lầm tưởng trại giam nằm trên địa bàn quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, tôi cũng bị sự chủ quan ấy đánh lừa. Chỉ cho đến khi mất trên dưới 4 giờ ngồi xe khách từ thủ phủ phương Nam, tôi mới đến được Trại giam Thủ Đức nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân –  Bình Thuận.  

Ấn tượng đầu tiên của tôi về trại giam lớn nhất nước này là phong cảnh ở đây thực sự rất ấn tượng. Về những người làm công tác quản lý giáo dục ở đây, tôi không đưa ra nhận xét chủ quan của mình mà mượn lời của những phạm nhân đang cải tạo ở đây, họ nói rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà Trại giam Thủ Đức hai lần được phong anh hùng”.

Đến đây vào những ngày giáp Tết, chúng tôi lại càng thêm thấu hiểu về sự khó khăn vất vả của những cán bộ chiến sĩ làm trong ngành Công an trại giam nói chung và tâm huyết đối với công việc, với phạm nhân của những cán bộ chiến sĩ đang công tác ở Trại giam Thủ Đức nói riêng.

Những người ăn Tết ở trại giam

Nếu không kể đến những phạm nhân thụ án lâu năm (con số này hiện nay không còn nhiều) thì Đại tá Trần Hữu Thông – Giám thị trại giam Thủ Đức là một trong những người có nhiều cái Tết trong trại nhất.

Đã gắn bó với nghề Công an trại giam 30 năm, trải qua lần lượt các vị trí từ quản giáo, phó giám thị cho đến giám thị như ngày hôm nay, Đại tá Trần Hữu Thông nói rằng cũng giống như bao người Việt Nam khác, đối với anh Tết cũng rất thiêng liêng. Thế nhưng từ nhiều năm nay, anh hầu như đón giao thừa ở cơ quan, lâu dần cũng thành thói quen và sự thiêng liêng lại mang một ý nghĩa khác.

Đại tá Trần Hữu Thông chỉ là một trong số hàng nghìn cán bộ ở Trại giam Thủ Đức phải ở lại đơn vị đón giao thừa cùng các phạm nhân. Theo con số thống kê, tại trại giam này có tới 90% cán bộ chiến sĩ là người miền Bắc thế nhưng mỗi năm chỉ có 10% được nghỉ phép vào dịp Tết, 90% còn lại phải ở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Thế nên chuyện không đón giao thừa ở nhà mà đón giao thừa ở trại giam đối với họ đã trở nên quá đỗi bình thường.

Đại tá Trần Hữu Thông nói rằng, các lãnh đạo ở trại giam tuy đã phân công nhau trực trong những ngày Tết nhưng bản thân anh nhiều khi không phải ngày trực của mình nhưng vẫn chạy qua cơ quan để động viên tinh thần anh em cán bộ chiến sĩ trực Tết. 

Theo Đại tá, Giám thị Trần Hữu Thông, thông lệ hàng năm của cán bộ chiến sĩ ở đây là sáng ngày mùng 1 đầu năm sẽ là lễ chào cờ và lễ dâng hương, báo cáo thành tích đã đạt được tại tượng đài Bác Hồ nằm trong khuôn viên của trung tâm trại giam. Sau đó đi các phân trại chúc Tết cán bộ quản giáo và phạm nhân.

Trong quan niệm của nhiều người, sáng ngày mùng 1 nên đi đến những nơi như chùa chiền để cầu phúc cho năm mới. Thế nhưng với những người làm công tác quản lý giáo dục ở các trại giam trong đó có Trại giam Thủ Đức, buổi sáng mùng 1 của họ thường là đến thăm các phạm nhân ở buồng giam. Nhiều người nói rằng, sáng ngày mùng 1 vào trại giam thì sẽ không may mắn.

Đại tá Trần Hữu Thông cười sảng khoái và nói: “Nếu nói không may mắn thì không lẽ anh em chúng tôi ở đây đều xui xẻo nguyên một năm hay sao. Hầu như năm nào sáng mùng 1 tôi cũng vào thăm phạm nhân trong các phòng giam nhưng tôi thấy công việc của tôi vẫn thuận lợi và suôn sẻ. Hơn nữa mình luôn nghĩ rằng mình làm việc thiện, động viên phạm nhân yên tâm cải tạo để sớm về với xã hội, nó sẽ mang lại điều phúc, điều may mắn chứ không thể nào xui xẻo được”.

Ngày Tết, theo quy định của nhà nước, các phạm nhân đang cải tạo trong trại giam được hưởng chế độ gấp 5 lần ngày bình thường. Trại giam Thủ Đức luôn cố gắng để cho phạm nhân được hưởng chế độ cao hơn thế để động viên và khích lệ tinh thần của họ. Năm nào cũng vậy, Trại giam Thủ Đức cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho phạm nhân. Đại tá Trần Hữu Thông cho biết, mọi công tác đã được chuẩn bị rất sớm để đảm bảo cho phạm nhân một cái Tết vui vẻ, lành mạnh, an toàn.

Đối với những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, phạm nhân không có người thăm gặp, những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt hoặc với những bệnh nhân đau ốm, cứ mỗi năm Tết đến, lãnh đạo Trại giam Thủ Đức lại tổ chức gặp mặt tặng quà để giúp họ vơi bớt những lo lắng và cô đơn trong những ngày đầu xuân năm mới, có thêm tinh thần để hoàn thành tốt việc cải tạo, sớm về hòa nhập với cộng đồng.

Với mỗi con người, ngày Tết vẫn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, vô cùng thiêng liêng. Với những phạm nhân mất tự do đang phải cải tạo trong trại giam, phải tạm xa gia đình để chuộc lại những lỗi lầm mà họ đã gây ra, những ngày ấy còn có ý nghĩa hơn nữa khi họ nhận được sự quan tâm, chia sẻ. Tuân thủ những quy định của pháp luật là nghĩa vụ mà các cán bộ làm trong ngành Công an thi hành án và quản lý trại giam phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Thế nhưng bên cạnh lý còn có tình và chính tình người sẽ giúp cho công việc quản lý giáo dục phạm nhân trở nên thuận lợi hơn. Ngay bản thân những người làm công tác quản lý giáo dục ở Trại giam Thủ Đức cũng ý thức rất rõ điều này bởi điều đó đã được chứng minh qua thực tế rất nhiều năm nay ở trại giam lớn nhất nước này.

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của phạm nhân, mỗi năm, trại giam Thủ Đức cũng tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân để phối kết hợp tốt hơn với gia đình và địa phương trong việc quản lý giáo dục họ trong trại và cả sau khi ra trại để hạn chế tối đa tỷ lệ tái phạm. Trong hội nghị đó, những trường hợp gia đình vi phạm nội quy, tiếp tay cho phạm nhân cũng được công khai để làm tấm gương cho các gia đình khác.

Trong những ngày Tết cũng là ngày không tổ chức cho thân nhân thăm gặp phạm nhân thế nhưng với những trường hợp đặc biệt như phạm nhân cải tạo tốt, phạm nhân có thành tích xuất sắc thì vẫn được linh hoạt cho gặp gia đình lên thăm như là một món quà cho họ trong dịp đầu năm mới.

Đại tá Trần Hữu Thông nhớ lại quãng thời gian hơn 30 năm trước khi ông mới chập chững bước vào nghề. Khi ấy điều kiện chung của cả xã hội đang rất khó khăn vất vả. Điều kiện của ngành Công an trại giam còn khó khăn và vất vả hơn nên ít người muốn theo nghề này.

Cho đến bây giờ, cơ sở vật chất đã tốt hơn, nhà nước cũng có chính sách đãi ngộ tốt hơn và cái nhìn của xã hội đối với những người quản giáo cũng đã chính xác hơn rất nhiều nên tinh thần của cán bộ chiến sĩ ở Trại giam Thủ Đức cũng đã hứng thú và say mê hơn với công việc của chính mình. Dù phải sống trong điều kiện xa gia đình, xa thành phố lớn nên việc học hành của con em họ khó khăn nhưng đa số cán bộ tại trại giam này đã yên tâm công tác.

Đại tá Trần Hữu Thông chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất là mỗi dịp Tết đến được đón những chuyến sẽ chở những người đã từng là phạm nhân cải tạo ở trại giam này lên đây thăm các cán bộ. Những chuyến xe như thế khiến cho chúng tôi cảm thấy nghề của mình có thêm nhiều ý nghĩa với cuộc đời”.

Tết trong buồng giam

Nhiều người chưa bao giờ được trực tiếp chứng kiến cuộc sống của phạm nhân trong các trại giam thường nghĩ rằng, trại giam là nơi rất lạnh lẽo, bởi họ mặc định trại giam với cụm từ “nhà đá”. Hoàn toàn ngược lại với sự mặc định sai lầm đó, Trại giam Thủ Đức trong những ngày Tết cũng trở nên náo nhiệt và nồng ấm hệt như một xã hội thu nhỏ. Các phạm nhân cũng tất bật bận rộn với việc trang trí phòng giam, mổ lợn, gói bánh chưng để chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất, chuẩn bị đón giao thừa.

Đương nhiên chẳng có ai là muốn đón Tết ở trong trại giam. Cũng chẳng có ai muốn mình có nhiều cái Tết phải xa gia đình, nhất lại là trong hoàn cảnh không mong muốn như thế. Thế nhưng phàm đã là con người thì không bao giờ nguôi hy vọng về những thứ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Với những người phạm nhân, Tết với nhiều người là sự sung sướng vỡ òa khi họ được giảm án về với gia đình, tết là dấu mốc đánh dấu quãng đường họ được về nhà đoàn viên ngắn hơn lại, Tết là dịp để người ta tạm quên đi những lỗi lầm của họ đã gây ra với xã hội, với những người thân yêu của mình, để mà hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đa số phạm nhân đều mong chờ Tết bởi trong dịp này họ không phải đi lao động như thường lệ, chế độ ăn uống cũng tươm tất hơn ngày thường rất nhiều lần.

Tết cũng là dịp các phạm nhân được thức khuya hơn, tới 12 giờ để đón thời khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khoảnh khắc mà con người ta quên hết đi những âu lo, nhọc nhằn, muộn phiền của năm cũ và gửi vào mùi nhang khói lời nguyện cầu những điều tốt lành cho năm mới.

Trong số những phạm nhân vô ưu vô lo và chờ đón Tết nhiều nhất có lẽ phải kể đến số phạm nhân vị thành niên đang cải tạo tại Trại giam Thủ Đức. Có một điều đáng buồn là rất nhiều em trong số đó có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn. Vì cha mẹ ly hôn nên các em sa đà vào những thú vui không kiểm soát. Khi hết tiền đi đi cướp, đi đưa ma túy hoặc chỉ đơn giản là do những phút giây nông nổi không kiểm soát được mình mà gây ra án mạng, tước đi mạng sống của những người khác.

Cái giá phải trả cho sự nông nổi ấy là quãng thời gian tuổi trẻ trôi qua trong trại giam. Ngay cả khi đã ở trong trại giam, khi được tôi hỏi về ngày Tết có em còn nói rằng “Tết trong trại giam vui hơn ngoài xã hội vì ở đây có nhiều bạn, hồi còn ở nhà em chưa bao giờ được ngủ đàng hoàng, được ăn đàng hoàng mà phải ăn bờ, ngủ bụi”.

Tôi luôn tin rằng những đứa trẻ như thế là những đứa trẻ bất hạnh. Chính sự bất hạnh ấy đã đẩy chúng đến con đường phạm tội, đôi khi là vô ý thức một cách ngô nghê. Nói thật lòng tôi rất sợ những ông bố bà mẹ đánh con tàn bạo hoặc nhiếc móc con mình một cách cay nghiệt. Điều đó làm tổn thương sâu sắc tâm hồn một đứa trẻ. Những vết hằn trong tâm hồn của thời thơ ấu như thế rất có thể sẽ bùng phát thành một hành vi tội ác hoặc ít nhất là một sự phản kháng tiêu cực với xã hội trong tương lai nếu như có điều kiện phát sinh.

Những đứa trẻ phạm tôi trong Trại giam Thủ Đức mà tôi từng gặp, có không ít có những ẩn ức như thế trong quá khứ. Đương nhiên với một hành vi chúng đã gây ra, chúng vừa giận nhưng cũng rất đáng thương. Hậu quả mà chúng phải gánh chịu chính là hình phạt mà pháp luật dành cho chúng. Thế nhưng một phần không nhỏ trách nhiệm là chính từ phía những người làm cha, làm mẹ. Những người đã tạo nên vết hằn ấy trong ký ức của những đứa trẻ.

Ngoại trừ những trường hợp mang gene tội phạm bẩm sinh giống như khoa học đã chứng minh thì đa số những đứa trẻ phạm tội là do lớn lên trong một môi trường không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách một cách bình thường. Trong số đó, một phần không nhỏ là thiếu sự quan tâm của những bậc làm cha làm mẹ.

Những phạm nhân cũng trông chờ Tết không kém đó là những người đến thời hạn được giảm án và chuẩn bị được về với gia đình. Cái Tết cuối cùng ở trong trại đối với họ bao giờ cũng nhiều cảm xúc hơn những cái tết mỏi mòn trước đó.

Phạm nhân Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: “Một năm thường có ba đợt để xét đặc xá hoặc giảm án là ngày 30/4, ngày 2/9 và ngày Tết. Người ta thường nói là vui như Tết nhưng đấy là với những người ngoài xã hội. Còn bọn em ở đây, những người đến 30/4 hay mùng 2/9 được giảm án thì ngày đấy là ngày còn vui hơn Tết. Như em thì Tết năm nay đúng là vui nhất vì đây là cái Tết cuối cùng của em trong trại giam, sau đó em sẽ được về với gia đình”.

Những phạm nhân không mong Tết

Ở Trại giam Thủ Đức, có không ít cặp vợ chồng phạm nhân cùng nhau cải tạo ở đây. Nhiều cặp vợ chồng trong số họ là phải chịu hình phạt tù do hành vi, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy. Nếu như trước đây họ gieo rắc cái chết trắng, đẩy không ít gia đình ngoài xã hội phải tan cửa nát nhà, cha mất con, vợ mất chồng do ma túy thì giờ họ phải trả giá cho những hành vi phạm tội của mình.

Vợ chồng Trần Thị Doãn và Nguyễn Văn Đô là một cặp phạm nhân như thế. Từng có công ăn việc làm ổn định tại Lai Châu nhưng chỉ vì lóa mắt được đồng tiền mà họ lao vào con đường làm ăn phi pháp. Ngoài những hình phạt mà hai vợ chồng họ phải gánh chịu, thì người lãnh hậu quả nhiều nhất lại là những đứa con của họ. Trong số đó có đứa con gái út của hai vợ chồng phải vào trại trẻ mồ côi sau khi cả cha và mẹ bị bắt.

Nguyễn Văn Đô ngậm ngùi nói: “Bây giờ tôi ân hận thì đã quá muộn màng. Con gái tôi còn đủ cả cha lẫn mẹ mà phải vào trại trẻ mồ côi. Không biết sau này tương lai của nó sẽ đi về đâu khi mà cả cha và mẹ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước trong trại giam. Mỗi dịp Tết đến, tôi đều cảm thấy rất buồn và nhớ con”.

Nếu như vợ chồng Nguyễn Văn Đô và Trần Thị Doãn dắt tay nhau vào trại giam, bỏ con lại bên ngoài thì Lê Thị Hoài Thanh quê ở Nghệ An lại đưa cả con vào trại. Cũng phải lãnh án cho tội danh buôn bán trái phép chất ma túy, Lê Thị Hoài Thanh vào cải tạo tại Trại giam Thủ Đức khi cậu con trai vẫn còn đỏ hỏn. Chỉ sau cái Tết này thôi, Thanh sẽ phải xa con bởi bé đã hết tuổi ở trong trại giam. Thanh sụt sùi nói: “Chắc con em sẽ phải vào trại trẻ mồ côi bởi gia đình không ai quan tâm hết. Em cũng không biết tương lai rồi sẽ ra sao nữa khi em còn lâu nữa mới hết án”.

Hai mẹ con Lê Thị Hoài Thanh trong Trại giam Thủ Đức.

Trong nhà trẻ của Trại giam Thủ Đức, những bà mẹ phạm nhân có lẽ là buồn nhiều nhất. Tết có người thân là những đứa con ở bên cạnh nhưng có lẽ chẳng ai cầm lòng được khi nhìn những đứa trẻ vô tội phải cùng mẹ ở trong trại giam. Dù ngày đầu năm, cán bộ vẫn ghé thăm và tặng quà cho các cháu thế nhưng “chính sự hồn nhiên ngây thơ của con giống như xát muối vào lòng người mẹ như em, em thấy mình không xứng đáng làm mẹ khi đẻ con ra mà để con phải chịu cảnh này” – Phạm nhân Lê Thị Hoài Thanh ngậm ngùi.

Những phạm nhân không mong Tết nhất có lẽ là những phạm nhân không có người thân thăm gặp. Ngày bình thường, nỗi cô đơn của họ dường như bị nhấn chìm trong không khí lao động cải tạo thì đến ngày Tết, khi những phạm nhân khác vui vẻ với những món quà của gia đình gửi lên thì nỗi cô đơn ấy nhân lên gấp bội.

Với những phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nỗi buồn và sự day dứt có thể không quá nặng nề. Nhưng với những phạm nhân bị gia đình hắt hủi như Trần Xuân Hoàng. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ với những vết hằn nhăn nhúm trên khuôn mặt đen đúa hẳn đã có rất nhiều đêm không ngủ được trước sự ám ảnh của lương tâm. Chỉ vì nát rượu, Trần Xuân Hoàng đã có hành vi đồi bại với chính con gái ruột của mình. Bản án nhận được từ tòa án có thể được xóa khi Hoàng hoàn thành cải tạo. Thế nhưng bản án lương tâm và sự khinh bỉ từ chính vợ và con có lẽ sẽ ám ảnh Hoàng cho đến hết cuộc đời.

Thêm một cái Tết để hy vọng

Đối với mỗi người Việt Nam, Tết cổ truyền vẫn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó là cái Tết đoàn viên sau một năm trời xa cách. Ở Trại giam Thủ Đức nói riêng và ở những trại giam nói chung, cái Tết ấy đặc biệt hơn khi những cán bộ chiến sĩ vì nhiệm vụ của mình mà phải tạm gác lại niềm vui đoàn tụ riêng tư để lo cho những phạm nhân đang cải tạo tại đây một cái Tết đầm ấm.

Những phạm nhân vì lầm đường lạc lối mà phải trả giá trước pháp luật bằng một bản án thích đáng, họ phải xa gia đình, xa những người thân trong những ngày Tết một cách không mong muốn thì cái Tết như một nút thắt giúp họ kéo ngày về lại gần hơn. Thêm một chút hy vọng về một tương lai tương sáng hơn sau những lầm lạc đã trải qua

Tiểu Phi (CSTC Xuân 2013)
.
.
.