Tết sớm sưởi ấm những mảnh đời lầm lỡ ở các trại giam dọc dải đất miền Trung

Thứ Năm, 30/01/2014, 08:22

Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị trại giam số 6 cho biết, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, ban đã họp bàn để đi đến thống nhất các hoạt động vui tết cũng như chế độ trong 3 ngày tết cho phạm nhân, không chỉ được nghỉ ngơi mà còn được vui chơi, tham gia các hoạt động bổ ích vui xuân đúng nghĩa trong khuôn khổ pháp luật cho phép và trong điều kiện trại giam có thể tổ chức được.

Năm nào cũng vậy, đã trở thành thông lệ, cứ đến dịp cuối năm là tôi lại cùng với con ngựa sắt chiến hữu, đến các trại giam dọc địa bàn miền Trung để ghi nhận không khí chuẩn bị cho phạm nhân đón tết sớm. Cũng bánh chưng xanh, cũng giao thừa, văn nghệ, cũng hái hoa dân chủ nhưng không năm nào giống năm nào, cách tổ chức sáng tạo cho phạm nhân đón tết theo từng mùa xuân ở mỗi trại giam có nét đặc trưng riêng, vừa tạo được không khí ấm cúng ngày sum họp, lại xua tan được sự cô đơn, trống trải trong tâm hồn mỗi phạm nhân khi những ngày này, không được đoàn tụ cùng gia đình để thắp lên bàn thờ tổ tiên nén tâm hương tống cựu nghênh tân.

1. Trại giam số 6 (Bộ Công an) nằm trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tính đến thời điểm này, trại có 4 phân trại và một trung tâm chỉ huy, với khoảng 3.200 phạm nhân cả nam lẫn nữ đang được giam giữ, cải tạo tại đây, với đủ các loại tội phạm, án từ 24 tháng đến chung thân. Để lo tết cho phạm nhân, từ nhiều năm nay Ban giám thị đã phân về cho các phân trại tự tổ chức riêng, diễn ra cùng thời điểm để anh chị em phạm nhân ai cũng có cơ hội để hòa mình vào các hoạt động vui chơi trong những ngày tết do trại tổ chức.

Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị trại giam số 6 cho biết, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, ban đã họp bàn để đi đến thống nhất các hoạt động vui tết cũng như chế độ trong 3 ngày tết cho phạm nhân, không chỉ được nghỉ ngơi mà còn được vui chơi, tham gia các hoạt động bổ ích vui xuân đúng nghĩa trong khuôn khổ pháp luật cho phép và trong điều kiện trại giam có thể tổ chức được.

Tại hội trường lớn của từng phân trại sẽ được bố trí cây đào lớn có kết nơ và bóng đèn trang trí. Trên mỗi cây đào sẽ gắn những câu hỏi thú vị phục vụ cho chương trình hái hoa dân chủ. Sau đó, là bữa cơm thân mật ngày tất niên. Mâm cỗ cho phạm nhân cũng có đầy đủ bánh chưng xanh, dưa hành, thịt lợn. Những sản phẩm này đều do chính trại tự làm ra, “cây nhà lá vườn” nên cuối năm, có bao nhiêu dùng thoải mái, đó cũng là điều khiến các phạm nhân thích thú nhất.

Không khí đón Tết ở các trại giam dọc dải đất miền Trung.

Tương tự như cách tổ chức cho phạm nhân đón tết tại trại giam số 6, tại trại tạm giam Công an Nghệ An, cứ theo thông lệ vào ngày 24 tháng Chạp là bắt đầu tổ chức cho anh chị em phạm nhân đón tết. Giám thị trại tạm giam sẽ nói lời chúc tết tới tất cả mọi người, sau đó cả phạm nhân lẫn cán bộ trong đơn vị, cùng ngồi lại ăn bữa cơm thân mật ngày cuối năm. “Đây là hoạt động thường niên của Ban giám thị trại vào dịp Tết. Tổ chức bữa cơm tất niên, đón chào năm mới là một cách động viên tinh thần các phạm nhân, để họ vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm cải tạo tốt hơn. Ngoài ra, vào đêm giao thừa và ngày đầu năm mới, các phạm nhân cũng sẽ được hưởng chế độ Tết theo quy định của Nhà nước, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng ba Tết, mỗi ngày phạm nhân được ăn gấp 5 lần so với tiêu chuẩn ngày thường. Trong đêm giao thừa, sau bữa cơm tất niên đầm ấm, ngày thường theo quy định thì 10 giờ phạm nhân phải đi ngủ, nhưng trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy, ai cũng gắng thức đợi ngày sang năm mới để tận hưởng khoảnh khắc giao thoa của năm mới và năm cũ”, Thượng tá Trần Thăng Long, giám thị trại tạm giam cho biết.

Ngoài các hoạt động trên đây, phạm nhân còn được tổ chức các lớp học văn hóa, tham gia giao lưu văn nghệ và hái hoa dân chủ trong thời khắc chào đón giao thừa. Tết nhất ở trại giam là thời điểm để anh chị em phạm nhân thỏa sức thể hiện tài lẻ của mình, khi được tham gia vào các hoạt động vui chơi như đá bóng, cầu lông, bóng bàn, đánh cờ tướng. Dù các hoạt động chỉ diễn ra trong vài ba ngày, nhưng thể hiện được sự ấm áp, vui tươi trong ngày đầu năm.

2. Trại giam Xuân Hà, đóng trên địa bàn xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hiện đang cải tạo cho gần 2.000 phạm nhân nam, đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tôi đến đây đúng vào dịp đơn vị vừa thực hiện công tác đánh giá kết quả hoạt động năm 2013 và bàn giải pháp, phương hướng cho năm tới.

Đại úy Trương Quang Lệ, cán bộ quản giáo phụ trách đội lao động sản xuất đã kể cho tôi nghe những câu chuyện cảm động ngày cuối năm. Anh cho hay, cách đây mấy hôm, khi anh đang cùng với anh em phạm nhân tất bật cho việc lao động ngày cuối năm thì có một người quen xách đôi gà đến đứng khép nép trước cổng trại muốn gặp. Khi được cho vào, anh Lệ nhận ra ngay đấy là “cựu tù” Đinh Tiến Dũng, quê huyện Đức Thọ, Dũng vào tù vì can tội trộm cắp tài sản. Thời gian thụ án, chính Đại úy Lệ đã trực tiếp giáo dục, cảm hóa Dũng hoàn lương. Lúc mới vào, Dũng tỏ ra bất cần, chống đối, song sự kiên trì, mềm mỏng của anh Lệ đã làm cho Dũng thức tỉnh. Tết này là tết đầu tiên sau rất nhiều năm đón tết trong trại giam, Dũng được tự do nên đã mang đôi gà quê đến chúc tết người cán bộ quản giáo cũ của mình khiến anh Lệ cảm động đến rơi nước mắt.

Một phạm nhân khác, tên Nguyễn Đình Lợi (SN 1964), quê ở TP Đà Nẵng, phạm tội buôn bán đồ cổ, đá quý. “Lúc vào tù tôi cảm thấy hoang mang, chán nản bởi người thân ngoảnh mặt, vợ con không thăm nuôi. Tết đầu tiên tôi ở trại giam, nhìn thấy bạn tù có người tiếp tế, thăm nuôi, tôi nằm ngoảnh mặt vào tường tủi phận khóc rưng rức. Lúc ấy, tôi thấy một bàn tay vỗ nhẹ vào vai, ngoảnh ra thì thấy cán bộ quản giáo Trần Minh Khuê đưa cho tôi chiếc khăn lau nước mắt. Đoạn, vị cán bộ này đã kéo tôi thoát khỏi nỗi buồn nhân thế ấy khi đưa tôi vào tham gia các hoạt động bóng đá, bóng chuyền cùng anh em phạm nhân. Từ cái tết năm ấy, tôi đã cảm nhận được tình người nơi đất trại”, phạm nhân Lợi chia sẻ.

Trong khi đó, đến Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình), những ngày cuối năm, được nghe chính các phạm nhân truyền tai nhau kể về câu chuyện giám thị trại này quên mình trong lũ dữ cứu sống phạm nhân, mà nghe ấm lòng về tấm lòng của một người cha, người thầy của những đứa con lầm lỗi. “Là một người đã phạm tội vài lần và cũng phải trải qua 3 đến 4 lần vào trại giam, mạng sống của tôi chỉ đánh đổi ngang một tờ giấy trắng. Cho đến giờ đây mới được chứng kiến một Giám thị đội mưa, lội nước giữa cơn bão dữ để cứu một phạm nhân. Chắc câu chuyện này nếu kể ra nhiều người sẽ không tin và không ai nghĩ một lãnh đạo lại dám xả thân để cứu một phạm nhân dưới đáy xã hội…”, đó là lời bộc bạch của phạm nhân Đặng Thế Tấn, phân trại K1 khi nói về hành động cứu mình của Đại tá Hoàng Quốc Trị, giám thị trại giam Đồng Sơn.

Những phạm nhân được đặc xá ngày Tết Nguyên đán.

Chuyện xảy ra vào dịp cơn bão số 10 ập vào Quảng Bình, khi phạm nhân Tấn đang chuẩn bị bữa cơm cho phạm nhân ở đội 11 phân trại K1 thì bất ngờ bão vào, cuốn phăng mái tôn làm cắt đứt mạch máu và gân ở chân của Đặng Thế Tấn gây mất máu cấp, hôn mê sâu. Lúc bấy giờ, trạm xá bệnh nhân cũng như khu điều dưỡng tại trung tâm đã bị bão quật đổ nát, buộc phải chuyển xuống Đồng Hới. Song tuyến đường độc đạo 5km từ trại giam ra đường Hồ Chí Minh đã bị chia cắt bởi cây cối và cột điện đổ, xe cộ không vào ra được. Không thể chậm trễ, Đại tá Trị cùng 4 anh em cán bộ khác, người dùng cáng khiêng phạm nhân, người dùng dao dọn đường trong mưa bão, đêm tối đưa phạm nhân đi cấp cứu. Ra đến đường mòn Hồ Chí Minh, vẫy một chiếc xe bán tải đang đưa người nhà đi tránh bão, xuống bệnh viện đa khoa Cu Ba - Đồng Hới kịp thời nên đã giữ được mạng sống. Hình ảnh người giám thị xắn quần dọn đường, cáng phạm nhân đi cấp cứu trong mưa bão đã trở thành hình ảnh đẹp, được anh em phạm nhân kể cho nhau với lòng tin yêu, ngưỡng mộ và khâm phục, qua đó không ai bảo ai, cùng nhau gắng sức cải tạo tốt để không phụ lòng tin yêu của những người gieo mầm thiện nơi đây.

3. Tết ở trại giam, ngoài việc được Ban giám thị tổ chức một cái Tết ấm áp, đầy ý nghĩa thì mỗi dịp xuân về, những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù lại đan xen cảm giác hồi hộp, chời đợi để được xem mình có trong danh sách giảm án, kịp về đón Tết với gia đình hay không. Dù số lượng không nhiều, nhưng chính sách nhân văn này cũng dấy lên trong lòng mỗi phạm nhân một niềm vui riêng, hồi hộp lạ kỳ. Và như một lẽ tất yếu thường tình, tất tả lo Tết truyền thống cho phạm nhân, nên chuyện cán bộ quản giáo, ban giám thị trại giam phải đón Tết muộn, đón Tết trong trại giam mà không được sum họp cùng với gia đình là chuyện đã trở nên rất đỗi bình thường. Song chỉ cần được nhìn thấy phạm nhân ăn ngon, nghe họ hát hay và nở nụ cười lạc quan trong thời khắc thiêng đón chào năm mới của cả dân tộc, là tựa hồ mùa xuân đã đến với mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát trại giam rồi

Thành Thảo
.
.
.