Tết về kiếm cành đào rừng

Thứ Tư, 03/02/2016, 12:53
Chơi đào rừng là thú của những người chịu chơi, lắm của. Họ quan niệm rằng, đào dưới xuôi đã trở nên "lỗi thời" và phải bỏ tiền mua bằng được cành đào rừng đắt đỏ thì đón Tết mới vui. Khác với đào dưới xuôi, đào rừng hoa kép không đỏ thẫm mà nhạt hồng, cánh không dày, thân mốc, khỏe, hoa rung nửa ngày cũng không rụng. Thế nhưng, trước thực trạng khai thác bừa bãi, những cánh rừng đào đang bị chảy máu và đứng trước nguy cơ biến mất.

Theo chân các nhà buôn lên các huyện vùng cao như Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải… (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai) vốn được xem là "rốn" đào rừng tôi mới thấy hết cảnh háo hức và tấp nập của dân săn đào mang về xuôi. Nhiều nhất là dọc hai bên quốc lộ từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, hàng nghìn cành, gốc đào được người dân chặt đốn bày bán. Chờ những chiếc xe tải lên thu mua mang về xuôi.

Từ những ngày 23 tháng Chạp, đào rừng đã nô nức xuống phố. Có nghĩa là những người buôn đào rừng phải đánh xe lên rừng trước đó rất nhiều ngày để săn. Còn những người dân vùng cao cung cấp đào cho những người buôn phải ngắm từ trước đó hằng tháng. Bởi nếu bán được vài cành đào, họ nhận về số tiền gần bằng vụ làm nương vất vả.

Anh Lê Quý Đạt, một tay buôn đào rừng nói: "Đào núi về Hà Nội chủ yếu là đào mèo, đào đá, đào Mông… Đào rừng thường có tuổi thọ hàng trăm năm, thế tự nhiên, nhiều nụ, hoa, quả, có cành la, cành bổng. Ngày càng nhiều người "khoái" chơi đào rừng, nhất là những gia đình có đồ cổ. Người chơi đào rừng không thích những dáng như đào thế, mà chọn những cành mang dáng dấp tự nhiên, thô mộc, còn tươi nguyên hơi thở của rừng núi".

Nô nức sắc đào rừng.

Có cầu thì có cung, nắm bắt được thị hiếu của người vùng xuôi, những người dân thiểu số, vào những tháng cuối năm cũng cố đi "ngắm nghía", nhận những cây đào để đến ngày sẽ chặt về bán. Khi những cây đào này không còn, họ cử người leo lên núi cao. Cũng từ đó, khiến cho đào rừng ngày càng khan hiếm. Anh Giàng A Của, một người dân chuyên lên núi bứng đào rừng mang xuống Sa Pa bán nói: "Kiếm được vài cành đào là đủ ăn Tết rồi, ở đây chúng tao không cần ăn nhiều lắm. Chỉ cần uống nhiều rượu thôi".

Anh Của cho biết thêm, trước Tết khoảng vài tháng là người dưới xuôi đã lên đây tìm đào, những cây đào rừng có tuổi thọ cao, thân mốc, rêu, dáng vươn tự nhiên và có nhiều loại cây tầm gửi như phong lan trên thân cây được dân buôn đào chuộng nhất. Họ sẵn sàng bỏ vài trăm nghìn ra mua và đem về dưới xuôi có giá vài triệu đồng. Như thế thì người dân vùng cao nào chả thích đi bứng đào.

Sáu, bảy năm trở lại đây, lượng đào rừng giảm nhiều. Những chủ buôn cho biết, khoảng 6 đến 10 năm về trước, lên núi kiếm đào dễ lắm, có khi xin người ta cho không. Nhưng đào rừng giờ ngày một khan hiếm, đào đẹp càng khó kiếm hơn. Chủ buôn thường phải đặt tiền trước, nhờ dân cung cấp nguồn rồi hẹn ngày lên chặt hoặc bứng cả gốc đem về xuôi.

Tâm nguyện của bất cứ nhà buôn nào cũng muốn mình làm ăn có lãi. Và không phải bao giờ đi buôn, họ cũng gặp may, ví như người đi câu thì có hôm câu được cá to, hôm bắt được cá nhỏ. Năm nay, vùng Sa Pa lạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến lượng đào rừng. Tuy nhiên, họ cũng vẫn có những nguồn hàng cung cấp cho người dân.

Dọc quốc lộ 6, thuộc tỉnh Sơn La suốt chiều dài khoảng 30 cây số tấp nập người mua bán đào từ giữa tháng Chạp. Hàng nghìn cành và cây đào to xù xì mốc thếch đến những cành đào nhỏ chi chít nụ trắng. Giữa chợ đào đó là những xe tải đang tất bật chuyển đào lên xe. Tại Hà Nội, đào rừng xuất hiện nhiều nhất ở đường hoa Âu Cơ, đây là chợ hoa lớn nhất Hà Nội vào mỗi dịp Tết. Từ khoảng 23 đến 27 tháng Chạp, đào rừng theo xe tải rập rình về phố, được các ông chủ bày bán dọc hai bên đường tấp nập người mua. Ông Nguyễn Tất Duyên, một người có nhiều năm chơi đào rừng, nói: "Dù dân buôn đã mang đào rừng về Hà Nội cả 10 năm nay, nhưng thực sự người Hà Nội bắt đầu thích cái vẻ đẹp phong trần, hoang dã của những cành đào rừng cũng chỉ được dăm ba năm lại đây. Tôi và các con tôi thích mê mẩn loại đào này, dù có đắt một tí cũng cố mua cho được. Muốn chơi thì cũng cứ cành có gốc to, xù xì, mốc rêu mà chọn. Muốn chọn được cành có hoa nở to có thể xem nhụy hoa, phải có màu tía, còn cánh hoa màu hồng. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, đào rừng còn có một đặc điểm là chơi được lâu".

Đào nào vào mùa xuân cũng đẹp, nhưng đào rừng đẹp khác đào vườn. Đào Sa Pa có đào mốc và đào phai. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ ít, mập, hoa hồng nhạt. Loại đào này mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có lớp rêu phủ, một cây đào mốc có thể lên tới gần 10 triệu đồng, thậm chí hơn. Về đào phai, thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng. So với đào Sa Pa, đào Mộc Châu có vẻ rẻ hơn, chỉ từ 300 nghìn đồng đến vài triệu đồng là có cành khá đẹp.

Cùng với những loài hoa khác, đào rừng đã góp phần làm cho mùa xuân thêm hương thêm sắc. Thú chơi đào rừng cũng là thú chơi tao nhã. Tuy nhiên, việc khai thác đào rừng một cách vô tội vạ ngày nay cũng khiến nguồn đào rừng ngày càng khan hiếm, đào rừng đang chảy máu và đứng trước nguy cơ tuyệt diệt do tác động quá mạnh của con người. Trước hiện tượng này, nhiều nhà văn hóa đã tỏ ra lo ngại và cảnh báo rằng nếu cứ chặt phá bừa bãi, các rừng đào ở Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... sẽ biến mất hàng loạt. Đây cũng là một cách tiếp tay cho nạn phá rừng và xâm hại tới nhiều giá trị văn hóa dân tộc, cần phải kịp thời ngăn chặn, hoặc khai thác một cách khoa học, nếu không sẽ quá muộn.

Đào rừng mang về xuôi.

Từ thực tế cho thấy, rất nhiều cánh rừng đào ở vùng Tây Bắc có tuổi hàng chục, thậm chí cả trăm năm có nguy cơ biến mất. Chơi xuân bằng đào rừng, đó là nhu cầu chính đáng và việc khai thác đào rừng để mưu sinh cũng không ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức. Nhưng mỗi người thử xem, chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới cái hiểm họa lâu dài ở mai sau.

Các nhà văn hóa có ý kiến rằng: Khai thác đào rừng bền vững chính là cách bảo tồn để Xuân nào, cả người miền xuôi và miền ngược cũng được chơi và thấy nét đẹp riêng của đào rừng. Còn đại diện Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) cho biết, lượng đào rừng ở Sa Pa còn khá nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sa Pa sẽ phải tính đến chuyện bảo vệ, trồng lại để phát triển nguồn đào, chứ nếu cứ khai thác thế này thì chẳng mấy chốc cả đào rừng lẫn đào nhà sẽ cạn kiệt.

Lo lắng của các nhà văn hóa là có cơ sở, và ý kiến nên trồng lại, bản tồn giống đào rừng ở những cánh rừng Tây Bắc là hoàn toàn hợp lý. Một khi chúng ta không thể cấm chơi đào rừng mỗi mùa xuân, thì việc đáp ứng bằng cách gìn giữ và phát triển, trồng đào rừng là việc làm góp phần làm đẹp thêm những mùa xuân. Để năm nào đào rừng cũng rộn ràng về xuôi, cùng khoe hương khoe sắc trong tiết xuân đất trời đẹp đẽ.

Diên Khánh
.
.
.