Trào lưu đầu tư vào bóng đá Anh của giới tỷ phú Thái Lan:

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Thứ Tư, 11/05/2016, 11:32
Nhà Srivaddhanaprabha hướng sự chú ý của thế giới về Thái Lan khi Leicester viết nên câu chuyện cổ tích ở giải Ngoại hạng. Nhưng không phải chờ tới khi "Bầy cáo" vô địch Premier League, người ta mới nhận ra vai trò của giới chủ Thái ở xứ sương mù.


Ở Anh lúc này, trong phạm vi các hạng đấu bóng đá chuyên nghiệp, có 5 tỷ phú Thái Lan đang rót vốn đầu tư vào các CLB. Cá biệt, miếng bánh ở Reading - đội đang chơi ở giải hạng nhất bị xâu xé bởi 3 nhà kinh doanh khác nhau. Khi tập đoàn bán lẻ miễn thuế King Power thâu tóm Leicester, The Fox đang lặn ngụp ở giải hạng bốn.

Sức hút của Premier League là rất lớn, nhưng vì sao, những tỷ phú người Thái - những người "giàu" so với mặt bằng xã hội nhưng là "nghèo" nếu đặt cạnh các ông trùm Bắc Mỹ và Đông Âu lại sẵn sàng đánh canh bạc tất tay vào thương mại bóng đá, loại hình đầu tư rủi ro cao nhất theo đánh giá của tạp chí Forbes.

Có thật sự mạo hiểm?

Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu kinh tế nhận định, thương mại bóng đá là loại hình đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư phải rót tiền mặt, nhưng lợi nhuận và doanh thu của CLB chủ yếu được quy thành cổ phiếu, loại hàng hóa bất ổn trên thương trường. Đồng thời, tất tần tật những gì còn lại chảy vào túi nhà đầu tư “có vẻ” là sức mạnh thương hiệu, một giá trị vô hình mà không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tối đa hóa sản lượng khai thác. Mùa trước, chỉ 5/14 CLB ở Premier League với chủ là người ngoại quốc báo cáo tài chính cuối mùa có lãi.

Ông chủ Vichai của Leicester.

Tuy nhiên, cần làm rõ một khái niệm. 100% nhà đầu tư nước ngoài đều là những tập đoàn đa quốc gia, tức đội bóng chỉ là một công ty trong thực thể phức hợp. Dưới góc độ tài chính, trách nhiệm của đơn vị đầu tư là duy trì công việc của công ty này, cụ thể ở đây là đội bóng chứ hoàn toàn không có chuyện, CLB là cán cân kinh tế chủ lực của cả công ty.

Vả lại ở Anh, nguy cơ phá sản cho một doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá là cực thấp. Bởi theo điều lệ của giải Ngoại hạng và luật công bằng tài chính FFP, nếu mức lỗ của CLB vượt định mức cho phép trong 5 mùa liên tiếp thì phía nhà đầu tư được phép thoái vốn và trả lại địa phương, nghĩa là CLB phá sản chứ bản thân doanh nghiệp chẳng hề hấn gì, có chăng là mất đi một dự án và vài chục triệu bảng, số tiền quá ít ỏi so với khối tài sản tối thiểu lên đến đơn vị tỷ bảng của nhà đầu tư.

Vì thế mà Thái Lan, quốc gia ở "vùng trũng" thế giới xuất hiện trào lưu đổ xô đi rót tiền vào bóng đá.

Vé xổ số độc đắc

Tất nhiên, đã kinh doanh là chấp nhận rủi ro. Nhưng quả thực, trong vô vàn hình thức đầu tư tài chính, rót tiền vào bóng đá Anh thực chất lại là bài toán kinh tế an toàn nhất.

Có một sự thật là những ông chủ Thái Lan chắc chắn không bao giờ... thua lỗ. Với gói bản quyền truyền hình tăng chóng mặt, đội bét bảng ở Premier League trong 6 mùa tới đây cũng bỏ túi ít nhất 60 triệu bảng. Mặt khác, chủ Thái xưa nay ngoại trừ nguyên thủ tướng Thaksin đều thu mua những đội trung bình với giá chuyển nhượng thấp. Đơn cử như Vichai, khi ông mua lại Leicester vào năm 2010, phí giao dịch chỉ loanh quanh 40 triệu bảng. Giả như Leicester xuống hạng, họ còn thừa hẳn 20 triệu bảng!

Hội cổ động viên Leicester ở Thái Lan.

Chưa hết, trong trường hợp Leicester liên tục xuống hạng, ví dụ như 3 năm rớt liền 3 hạng thì gia đình Vichai vẫn... sống khỏe. Lý do? Thật nực cười, do FA đưa ra quy định "bảo hộ nền bóng đá nước nhà" nên tất cả các đội xuống hạng sẽ nhận thêm 60 triệu bảng trong 4 mùa giải kế tiếp, gọi là tiền "đối phó với khó khăn tài chính".

Nói ngắn gọn, trong 10 năm điều hành một CLB bóng đá ở Anh, giới chủ Thái chỉ cần đội này giành quyền lên chơi ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cấp CLB duy nhất một lần là mặc nhiên thu về 120 triệu bảng.

Ở một diễn biến khác, với chi phí vận hành đội bóng thấp, khoảng 33,3 triệu bảng/mùa (bao gồm mọi loại phí, từ tiền lương cầu thủ, ban huấn luyện, nhân viên tới tu sửa sân bãi), vị chi Leicester tiêu tốn khoảng 330 triệu bảng cho 10 năm. Điều này có nghĩa, Vichai và tập đoàn bán lẻ của mình chỉ cần bù thêm 210 triệu bảng - số tiền vừa bằng với giá trị cổ phiếu của CLB. Đấy là chưa bàn tới Leicester hay một CLB nào khác đặt dưới quyền kiểm soát của chủ đầu tư Thái Lan ở lại Premier League nhiều hơn một mùa sẽ kéo theo tiền thưởng từ BTC giải tăng cao.

Mùa này, sau khi vô địch Premier League, Leicester tự kiếm về 90 triệu bảng từ hệ thống Merit Payment của BTC giải, cộng với 71,4 triệu bảng cho vị trí thứ 14 mùa trước, thêm ít nhất 60 triệu bảng ăn theo nhờ suất dự Champions League 2016/17 cùng giá trị truyền thông tăng 30%. Chỉ cần 2 năm Leicester chinh chiến ở giải Ngoại hạng và tạo ra phép màu, nhà Srivaddhanaprabha đã có thể thảnh thơi tiếp tục công việc quản lý Leicester trong 10, hay thậm chí là 20 năm tới, hoàn toàn nhờ tiền thưởng từ chính sân chơi bóng đá chuyên môn.

Công cụ sinh lời kiêm trả nợ

Trong lý thuyết kinh doanh, nếu như tập đoàn A mua lại công ty B, biến B thành một nhánh trong chuỗi cửa hàng và thương hiệu của mình thì A được phép chi trả khoản nợ bằng doanh thu của B. Đấy chính là tư duy bản lề đưa các nhà tài phiệt nước ngoài tìm đến sân cỏ Ngoại hạng.

Nhiều năm qua, Man Utd còng lưng gánh trên vai khoản nợ hơn 500 triệu bảng của nhà Glazer, hay câu chuyện Arsenal dù buôn may bán đắt trên TTCN song không thể tậu về quá nhiều ngôi sao lớn bởi ngoài khoản nợ 400 triệu bảng từ việc xây sân Emirates, “Pháo thủ” phải trích một phần lợi nhuận đáng kể hàng năm bù vào khoản thất thoát 120 triệu bảng của ông chủ Kroenke.

King Power sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất châu Á, chủ yếu phục vụ ở các quầy hàng miễn thuế tại sân bay. Họ không lỗ, nhưng bài học về năm 1997 luôn nhắc nhở Vichai và các cộng sự phải cảnh giác. Lúc đó, đồng bath trượt giá nghiêm trọng, khiến mỗi cổ phiếu của tập đoàn giảm gần 0,19 bảng, tương đương mức thất thu 3,9 triệu bảng.

Reading - CLB đang chơi ở giải hạng Nhất cũng thuộc quyền sở hữu của người Thái.

Hãy nhớ rằng ngày ấy, thu nhập bình quân của giới quần đùi áo số tại Anh mới dao động ở ngưỡng 20.000 bảng mỗi tháng, đủ để thấy giá trị to lớn của đồng tiền thuở hàn vi. “Thâu tóm Leicester là phương án Vichai lựa chọn trong kế hoạch quản lý rủi ro”, chuyên trang đầu tư Silicon ở Hoa Kỳ nhận định.

Có một chi tiết thú vị thế này về các nhà kinh doanh Thái Lan ở Anh: Mặt hàng họ buôn bán được quy đổi trực tiếp ra tiền mặt, có giá trị thực tiễn cao và phù hợp với thị hiếu dân chúng toàn cầu. Thế nên khi đầu tư vào bóng đá Anh, những ông chủ này không quan tâm tới sức mạnh hình ảnh của dự án mời vốn, ngược lại cực kỳ chú trọng vào vị trí địa lý.

Leicester là thành phố đa dạng văn hóa nhất Anh quốc. Ở đây có 252 cửa hàng mang các màu sắc văn hóa khác nhau, từ châu Phi tới châu Đại Dương. Đại đa số dân chúng Leicester thuộc diện thu nhập thấp, chưa tới 10.000 bảng/năm. Bởi vậy, mặt hàng King Power bày bán, chủ yếu là nhu yếu phẩm giá bình dân sẽ dễ dàng tìm thấy kênh phân phối, mở rộng đại lý tại Leicester.

Cùng lúc đó, Thai Union, nhà cung cấp sản phẩm thủy-hải sản lớn nhất Thái Lan chọn Sheffield Wednesday. Thành phố Sheffield không nằm sát bờ biển, nhưng lại có hệ thống giao thông kết nối với phần còn lại của Anh, dễ dàng tiếp cận với Manchester và Liverpool, hai cảng nội địa lớn nhất bằng ba tuyến đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Mua Sheffield Wednesday vừa rẻ, vừa dễ dàng phục vụ mục đích bành trướng thị trường đồ biển sang lục địa già.

Chansiri, người đứng đầu Sheffield Wednesday đã nói: “Bạn chỉ cần bỏ vài chục triệu bảng và thu lời gấp 10. Thử xem”. 

Khi chủ Thái thích... đá play-off

Vì sao, một CLB ít tên tuổi như Reading lại được 3 tỷ phú đình đám người Thái là Niruttinanon, Srivikorn và Thanakarnjanasuth yêu mến? Trong lần trả lời phỏng vấn tờ Bangkok Post hồi 2015, Niruttinanon (50% cổ phần) cho biết: “Tôi không thích Reading lên Premier League bằng đường thẳng. Tôi muốn Reading đá trận tranh vé vớt”.

Thoạt nghe vô lý, nhưng ngẫm lại mới thấy vô cùng có lý. Reading đã 2 lần vô địch giải hạng Nhất trong thế kỷ 21, cùng với số tiền thưởng là 30 triệu bảng. Một con số đáng kể, nhưng chẳng nhằm nhò gì so với đội thắng ở trận play-off lấy vé thứ 3 lên Premier League: 120 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Ngay cả đội thua cũng cầm về 40 triệu bảng, nhiều hơn cả nhà vô địch hạng Nhất.

Đầu tư theo sở thích đám đông

Ngoài những ưu đãi truyền hình nhận được khi đầu tư vào Premier League, người Thái chọn giải Ngoại hạng còn bởi người dân Thái Lan đặc biệt sùng bái các trận đấu ở xứ sương mù. Chỉ riêng phí tiếp sóng bản quyền Premier League ở xứ sở chùa vàng đã nói lên tình yêu của người Thái với bóng đá Anh, khoảng 140 triệu bảng, gấp gần 4 lần mức giá ở Việt Nam. Trước khi mua Leicester, Vichai từng có ý định tiếp quản Real Betis (La Liga) và Cologne (Đức) nhưng trong phiếu khảo sát lấy ý kiến khách hàng của King Power, Vichai đổi ý. Cụ thể, chỉ 12% số người được hỏi hứng thú với ý tưởng người Thái sở hữu một CLB bóng đá ngoài lãnh thổ Anh.  

Đơn Ca
.
.
.