Thảm họa MH370, một năm nhìn lại

Thứ Ba, 10/03/2015, 09:30
Vậy là đã một năm trôi qua (8/3/2014 – 8/3/2015) kể từ ngày chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Hàng không Malaysia Airlines (MAS) thực hiện chuyến bay MH370 cùng 237 hành khách và phi hành đoàn bí ẩn "biến mất", khi đang thực hiện lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc).

Không thể diễn tả được nỗi đau mà thân nhân các hành khách và phi hành đoàn đã phải chịu đựng trong năm qua, mặc dù một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới đã được tiến hành tại vùng biển được cho là nơi máy bay rơi, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa có câu trả lời.

Tiếp tục tìm kiếm

Trong một tuyên bố đánh dấu tròn một năm MH370 mất tích, ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, nước này cùng với các đối tác quốc tế theo sát những bằng chứng dù là nhỏ, cam kết tiếp tục công cuộc tìm kiếm này với hi vọng sẽ tìm được chiếc máy bay xấu số.

Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai tuyên bố, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370. Ông Liow Tiong Lai cho biết: "Malaysia đã chuẩn bị về mặt tài chính cho cuộc tìm kiếm.

Trên thực tế, trong năm qua, Malaysia đã hỗ trợ cuộc tìm kiếm này và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều này". Cho tới nay, việc tìm kiếm đang tập trung ở vùng biển Nam Ấn Độ Dương, với tổng diện tích tìm kiếm khoảng 60.000km2. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được bất kỳ dấu vết gì của chiếc máy bay xấu số. Ông Liow bày tỏ tự tin sẽ tìm thấy chiếc máy bay mất tích tại khu vực đặc biệt này và hy vọng có thể hoàn thành công tác tìm kiếm vào tháng Năm tới. Trong giai đoạn tiếp theo, nếu không định vị được MH370 trong khu vực được chỉ định, các chuyên gia sẽ bắt đầu đánh giá các dữ liệu và số liệu để đưa ra những chỉ dẫn.

Theo ông Liow, nhóm chuyên gia sẽ đưa ra quyết định bởi họ có kỹ thuật và chuyên môn trong các lĩnh vực này. Ông nói: "Chúng ta cần lời khuyên từ họ. Chúng ta hãy chờ đợi họ quyết định. Tôi không muốn giành quyền quyết định trước".

Phát biểu cùng ngày bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 sẽ không dừng lại: "Việc tìm kiếm MH370 vẫn tiếp tục. Hôm nay là ngày vô cùng khó khăn cho gia đình những hành khách có mặt trên MH370. Trái tim chúng tôi luôn bên các bạn".

Một bức vẽ graffiti về MH370.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng, Malaysia Airlines đã bắt đầu công việc bồi thường cho gia đình các hành khách trên chuyến bay định mệnh. "Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ cần thiết cho các gia đình có người thân trên chuyến bay. Chúng tôi giúp các bạn duy trì lợi ích hợp pháp và quyền lợi hợp pháp" - ông Vương Nghị khẳng định.

Ông Vương Nghị đưa ra tuyên bố trên gần 2 tháng sau khi Malaysia chính thức tuyên bố vụ máy bay MH307 mất tích là "một tai nạn" và toàn bộ hành khách, trong đó phần lớn là người Trung Quốc, và phi hành đoàn trên chuyến bay được coi là đã thiệt mạng. Chia sẻ quan điểm này, chính phủ Australia cũng khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho vụ tai nạn của máy bay MH370.

Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cho biết, vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 đã để lại khoảng trống không thể san lấp trong lòng các thân nhân hành khách. Theo ông Truss, đây chính là lý do để chính phủ các nước Trung Quốc, Malaysia và Australia tiếp tục cam kết tìm kiếm chiếc máy bay này.

Chiến dịch tìm kiếm tốn kém

Theo Bộ trưởng Liow, chiến dịch tìm kiếm MH370 là lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến 26 quốc gia, và 166 tài sản, trong đó có 81 máy bay và 85 tàu. Chi phí tìm kiếm 93 triệu USD, số tiền lớn nhất trong lịch sử cứu hộ trên biển từ trước đến nay, do Australia và Malaysia cùng đài thọ. Các tàu tìm kiếm tập trung vào khu vực ưu tiên rộng 60.000km2, hơn 40% trong số đó đã được rà soát tính đến thời điểm này, nhưng họ vẫn chưa tìm được gì về chiếc máy bay bí ẩn này.

Trong một năm qua, các tàu cứu hộ đã "bất đắc dĩ" vẽ lại bản đồ đáy biển của khu vực biển Ấn Độ Dương rộng lớn, bản vẽ có thể giúp các nhà khoa học dự đoán dòng chảy, cảnh báo sóng thần và dự báo thời tiết. Đây là một trong những điểm tốt hiếm hoi của công cuộc tìm kiếm gần như vô vọng này.

Theo các chuyên gia, kể cả có xác định được tọa độ MH370, cũng sẽ mất thêm nhiều năm để trục vớt. Ví dụ, năm 2009, máy bay Air France 447 của hàng không Pháp bị rơi ở biển Atlantic, những mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy chỉ vài ngày sau khi tai nạn xảy ra, nhưng họ vẫn mất hai năm để tìm ra xác máy bay và hộp đen.

Kim Linh
.
.
.