Ám ảnh khủng hoảng tài chính

Thảm họa của giai cấp trung lưu - Kỳ 1

Thứ Năm, 14/06/2018, 10:16
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ nước Mỹ năm 2008 đã sắp tròn 10 năm. Một khảo sát cho biết gần 50% dân Mỹ tin rằng khủng hoảng tài chính và những tác động của nó còn đáng sợ hơn vụ khủng bố ngày 11-9-2001 và những ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.


Một nghiên cứu cho biết gần 1/3 những người từng thuộc giai cấp trung lưu ở Mỹ nay đã bị “giáng cấp” xuống tầng lớp có thu nhập thấp, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nghiên cứu cũng cho thấy giai cấp trung lưu ngày nay được hưởng thụ mức sống thấp hơn so với giai cấp trung lưu cách nay một thế hệ.

“Ý tưởng rằng trẻ em sẽ có cuộc sống tốt hơn cha mẹ chúng là một nội dung chính của Giấc mơ Mỹ, nhưng giấc mơ đó đã không thành hiện thực khi có tới 28% người Mỹ là con em các gia đình trung lưu, nhưng lớn lên lại không còn đủ điều kiện để ở lại trong tầng lớp trung lưu”.

Thành phố Lều

Ngày càng có nhiều gia đình nơi nhiều thế hệ cùng chia sẻ một ngôi nhà. Tính đến năm 2011, có 21,8 triệu gia đình như vậy ở Mỹ, tăng 10,7% so với con số 19,7 triệu hồi năm 2007, theo Ủy ban Dân số. Điều đó có nghĩa 18,3% hộ gia đình ở Mỹ nay là gia đình đa thế hệ.

Điều tra của Ủy ban Dân số còn cho biết hiện có hàng triệu người Mỹ phải cư trú lâu dài trong các motel. Motel là dạng nhà ở nằm gần đáy trong thang nhà ở tại Mỹ, chỉ trên các hộp các tông. Trong những căn phòng chật chội với bức tường mỏng dính và tấm trải nylon thay giường, hàng triệu người Mỹ cố tằn tiện chi tiêu với tiền thuê khoảng vài trăm USD/tháng.

Một nghiên cứu của Hội Từ thiện Vô gia cư (HCC) năm 2011 dự báo sự đi xuống của nền kinh tế và nỗ lực cắt giảm chi tiêu phúc lợi của chính phủ sẽ khiến số người vô gia cư tăng mạnh trong vài năm tới, thậm chí có thể lan đến tầng lớp trung lưu. Điều này đã thành hiện thực tại Los Angeles, thành phố đông dân nhất bang California và lớn thứ 2 của Mỹ. Tại đó, nhiều gia đình trước đây thuộc tầng lớp trung lưu nhưng nay phải chịu cảnh vô gia cư.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong các khu rừng bên ngoài Lakewood, New Jersey xuất hiện một “thành phố” mà các chính khách không muốn nhắc đến: Thành phố Lều (Tent City) của những người vô gia cư. Cư dân của “thành phố” này là những người giống như Doug Hardman, một nhạc công bị siết nhà ở Florida.

Cho đến nay, sau khi chính phủ đổ ra hàng tỷ USD để giúp giới chủ nhà khỏi bị siết nhà, người đóng thuế Mỹ vẫn còn 248.000 căn nhà thuộc diện siết nợ, là nước có số nhà thuộc diện tịch thu để thế nợ lớn nhất hành tinh. Và con số trên không ngừng tăng lên.

Khốn đốn vì nợ

Theo CardHub.com, nợ thẻ tín dụng của người Mỹ tăng tới 54 tỷ USD trong năm 2011, so với mức tăng chỉ 9 tỷ USD năm 2010 và sự sụt giảm vào năm 2009. Như vậy, đây là một sự điều chỉnh cực lớn. Tổng nợ thẻ tín dụng của người Mỹ hiện lên tới 772 tỷ USD. “Hàng triệu người đang sống trong bong bóng”, theo Odysseas Papadimitriou, CEO của CardHub.

Trong khi đó, tỷ lệ vỡ nợ của sinh viên cũng tăng đột biến. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục nước này, số ca vỡ nợ sinh viên tăng tới 15% trong năm 2010, con số này là 11,6% năm 2009. “Người đi vay đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện tại”, theo James Kvaal, Thứ trưởng Giáo dục, “Chúng ta dễ dàng nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng vỡ nợ sinh viên và tỷ lệ thất nghiệp”.

Tờ Daily Mail số tháng 9-2011 có một bài viết khiến nhiều người phải suy nghĩ, khi đăng câu chuyện một nữ luật sư phải đi múa thoát y để kiếm tiền trả các hóa đơn nợ trong khi chờ xin việc bên ngành luật. Nữ luật sư, được biết đến với tên Carla, đã đi làm 10 năm, nhưng sau khi bị tinh giảm năm 2009, cô phải đi làm đủ việc để khỏi bị chìm vào các khoản vay sinh viên và những loại nợ khác.

Tái cấu trúc giai cấp toàn cầu

Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến sự chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người. Những gì tiếp theo sẽ là một sự tái cấu trúc giai cấp trên toàn cầu trong bối cảnh giai cấp trung lưu phương Tây phần lớn sẽ bị “rớt hạng” và hầu hết tài sản của họ bị thanh lý để trả nợ. 

Đây là một giai đoạn mới trong công cuộc toàn cầu hóa, như 2 nhà phân tích William I. Robinson và Jerry Harris viết trên tờ Khoa học và Xã hội: “Một tiến trình trung tâm trong công cuộc toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa là sự tái cấu trúc giai cấp xuyên quốc gia, đã đạt tới bước quốc tế hóa vốn tư bản và sự hợp nhất toàn cầu các cấu trúc sản xuất quốc gia. Qua sự hợp nhất các nền kinh tế quốc gia, sự linh động của vốn tư bản và sự suy giảm của các giới hạn quốc gia, cơ cấu giai cấp đang ngày càng ít phụ thuộc vào lãnh thổ”.

Thành phố Lều trong các khu rừng bên ngoài Lakewood, New Jersey (Mỹ).

Hai nhà phân tích này cho rằng một giai cấp thống trị toàn cầu mới đang nổi lên như một kết quả của toàn cầu hóa. Giai cấp này được họ gọi là “Giai cấp Tư bản xuyên quốc gia” (TCC): “TCC là một giai cấp thống trị toàn cầu. Đó là giai cấp thống trị vì nó điều khiển cần kiểm soát của các công cụ nhà nước xuyên quốc gia và của việc hoạch định chính sách toàn cầu”.

Warren Buffett, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, nói rằng những gì đang diễn ra là một cuộc “chiến tranh giai cấp”, và rằng “giai cấp của tôi - giai cấp giàu có - đang tiến hành cuộc chiến, và đang chiến thắng”.

“Vượt biên”

Việc triển khai liên hoàn những chính sách khắc khổ ở những nước phải nhận ứng cứu từ bên ngoài như Hy Lạp và Ireland đang khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn, và nhiều người đã chọn đến phương án cuối cùng: rời bỏ đất nước.

Cách đây không lâu, ở những nước như Hy Lạp và Ireland, người ta từng cho rằng những “thời kỳ tươi đẹp” kéo dài suốt một hoặc hai thập kỷ trước cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho sự di cư, những người trẻ giỏi giang và sáng sủa nhất không còn bao giờ nghĩ đến chuyện phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm sự nghiệp. Nhưng nay không ai tin vào điều đó nữa.

Tại chợ Athens có một “người bán cá thông thái” tên Filippos Katampouris. Có lẽ anh là một trong những người bán cá có trình độ cao nhất từng được biết. Anh có bằng cử nhân của một trường đại học ở Hy Lạp, và một bằng thạc sĩ quản lý công nghệ ở Anh. 

Khi từ bỏ công việc ở  Anh để quay về Hy Lạp cách đây một vài năm, anh được xem như một hình tượng cho sự thịnh vượng của đất nước, nơi đã thu hút được những trí thức trẻ nhờ những điều kiện tốt. “Tôi muốn sống ở nước tôi, và không muốn sống quãng đời còn lại ở nước ngoài”, anh nói khi quay về đất nước. Nhưng đến nay, anh cho rằng đó là một quyết định “cực kỳ sai lầm”.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu ảnh hưởng đến Hy Lạp, anh đã bị mất việc trong một cơ quan nghiên cứu thị trường. Tất cả những gì anh có thể làm là phụ giúp cha mình bán cá ở chợ để mưu sinh. “Tương lai của tôi thật đen tối”, anh nói. “Tôi có tính đến việc quay lại nước Anh, nhưng vợ tôi không muốn đi cùng nên tôi ở lại và cầu mong mọi việc sẽ sáng sủa hơn”. 

Katampouris không phải là trường hợp cá biệt. Hàng nghìn người Hy Lạp đang phải đối mặt với tình trạng này. Liệu họ sẽ ở lại, chịu thiếu thốn và thất nghiệp, hay sẽ trở thành thế hệ di cư ồ ạt mới sang các nước như Australia, Anh và Mỹ?

Tại Ireland, sự hồi sinh của phong trào di cư đang khởi  động mạnh mẽ. Trong thời kỳ nở rộ của “Con hổ Celtic”, Chính phủ Ireland tự hào rằng những công việc trong các ngành công nghệ mới đang giữ chân lao động trong nước, trong khi thu hút người di cư trở về với số lượng lớn. Nhưng thời kỳ nở rộ kinh tế đó nay đã trở thành một quả bong bóng vỡ. Nạn thất nghiệp đang gia tăng chóng mặt và Chính phủ Ireland phải triển khai những biện pháp chi tiêu khắc khổ. Trong số các nhân công lĩnh vực công chống lại các biện pháp đó có nhân viên cơ quan cấp hộ chiếu chính ở Dublin.

Những đám đông giận dữ xếp hàng bên ngoài mỗi buổi sáng khi họ mong muốn có được passport, một số ít để đi nghỉ mát, nhưng đa phần để di cư. “Tôi được mời đến Mỹ và tôi đang nghĩ đến chuyện miễn sao rời khỏi nước là được”, một người đang xếp hàng nói. “Dĩ nhiên tôi không muốn rời đất nước. Nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Giới chủ thì giảm lương và tiếp tục giảm lương. Và nếu tôi ra đi, tôi sẽ không quay về”.

Cách đó không xa là khu đại học Trinity College Dublin, nơi lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Conan O'Broin cũng tỏ ra ngán ngẫm: “Tôi đã phải chào tạm biệt vài người bạn thân, một số người tôi nghĩ họ sẽ không bao giờ quay về”, anh nói. Conan thừa nhận chính anh cũng đang có ý định bỏ đi.

Vĩnh Cẩm
.
.
.