Thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc

Thứ Năm, 02/02/2012, 17:11

Long Châu cận kề Cao Bằng nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp như hậu phương trực tiếp của Việt Nam. Trong chiến dịch Cao Bắc Lạng năm 1949, Long Châu đã từng giúp đỡ quân dân ta chiến đấu. Năm 1950, khi sang Trung Quốc và Liên Xô để đề nghị sự giúp đỡ của nước bạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác cũng đã chọn Long Châu là điểm tập kết.

Trại sáng tác văn học về biên giới hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ Cao Bằng phối hợp tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Chắc có ý đồ gì đó nên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã mời toàn các nhà văn "cứng" cả về tuổi tác cả về sự nhanh nhạy, trực tính.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đầu bảng với 73 mùa xuân, tiếp đó là Tô Nhuận Vĩ, Trần Nhương "bảy sập". Còn lại trứng gà trứng vịt cỡ trên 60 như Hoàng Minh Tường, Đức Hậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Minh Khuê, Văn Lừng, Đào Vĩnh, Tô Thi Vân. Em út có nàng Y Ban cũng "ngũ thập chi thiên mệnh". Nhà văn Tô Nhuận Vĩ được cử là trại trưởng chính xác đến nỗi "chuẩn không cần chỉnh", chu đáo, mẫn cán đến từng xăng ti mét…

Bác Hồ thăm Bạch Long động ở Trung Quốc.

Những ngày đi thăm các đồn biên phòng Sóc Hà, Thị Hoa, Đàm Thủy, đến tận bờ sông Quây Sơn có thác Bản Giốc nơi mà dư luận xã hội quan tâm đến việc cắm mốc nơi đây. Vào những ngày áp chót chúng tôi đi thăm Đồn Biên phòng Tà Lùng rồi nhân thể quá giang sang thị trấn Long Châu thuộc Quảng Tây, Trung Quốc.

Lúc đầu chúng tôi cũng ngỡ là một chuyến đi ngẫu hứng hóa ra không phải. Tỉnh Cao Bằng đã bố trí một công ty du lịch đưa các văn nhân đi hẳn hoi. Đặc biệt đoàn chúng tôi mang xe nhà sang ngao du trên đất Long Châu. Bên Trung Quốc xe ôtô mang biển xanh là tư nhân, xe biển trắng là của ngành Tòa án và Công an. Bởi vậy nên khi con xe 16 chỗ của công ty du lịch Cao Bằng chạy vù vù vào thị trấn Long Châu thì bà con, công an Trung Quốc dõi theo để mắt xem có chuyện gì. Nhìn kĩ không thấy người ngồi trên xe mặc sắc phục mà toàn thấy đầu râu tóc bạc lại sinh nghi có khi mấy tên tội phạm! Các chốt kiểm tra đều ách xe lại xem giấy tờ kỹ lưỡng rồi mới cho đi. Mỗi nước có những loại xe thịnh hành, kiểu sơn khác nhau nên xe Việt Nam chạy trên đường Trung Quốc là cái sự lạ. Tôi đùa với bác Hoàng Quốc Hải là chúng mình kém gì ông Obama khi đi thăm đâu đều mang xe đặc chủng theo, chỉ có điều xe mình không trang bị chống đạn xuyên…

Tôi kể lại với các đồng nghiệp trên xe rằng chúng ta đang đi trên con đường cách đây 61 năm Bác Hồ đã đi. Vào năm 1950, Bác bí mật đi thăm Trung Quốc và Liên Xô để nhờ sự giúp đỡ của các bạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác phải cải trang thành ông Ké áo chàm đi bộ cũng qua Tà Lùng đến Long Châu. Chuyến đi rất vất vả, nguy hiểm vì quân Pháp, Tưởng và các lực lượng ô hợp đóng dày đặc hai bên đường biên. Hoàng Minh Tường nói thì ra ở đâu ta cũng theo con đường của Bác… Bác luôn luôn dẫn đường…

Long Châu là một thị trấn cấp huyện nhưng không kém phần hoành tráng. Nói chung với một nước trên 1 tỷ dân thì cái sự to là đương nhiên. Long Châu là nơi Bác và 18 thanh niên cách mạng dừng chân trước khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Năm 1950 trên đường về nước khi đến gần Long Châu, Bác đã viết bài thơ Cận Long Châu:

Cận Long Châu
Viễn cách Long Châu tam thập lý,
Dĩ văn pháo hưởng dữ cơ thanh.
Việt Nam dân chúng chân anh dũng,
Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành.

Dịch thơ:

Đến gần Long Châu
Còn cách Long Châu ba chục dặm
Nghe tàu bay rú, pháo gầm rung,
Nhân dân nước Việt anh hùng thật,
Diệt thù, dựng nước ắt thành công

Long Châu cận kề Cao Bằng nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp như hậu phương trực tiếp của Việt Nam. Trong chiến dịch Cao Bắc Lạng năm 1949, Long Châu đã từng giúp đỡ quân dân ta chiến đấu.  Năm 1950, khi sang Trung Quốc và Liên Xô để đề nghị sự giúp đỡ của nước bạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác cũng đã chọn Long Châu là điểm tập kết.

Có lẽ vì mảnh đất mà Bác Hồ nhiều năm tháng gắn bó nên nhân dân và chính quyền Long Châu và tỉnh Quảng Tây, thành phố Sùng Tả đã xây dựng nhà lưu niệm Bác tại đây.

Ngôi nhà 74 đường Nam thị trấn Long Châu là một ngôi nhà gỗ cổ giống như các ngôi nhà cổ ở Hội An hay Hàng Buồm của ta. Ngôi nhà có diện tích sử dụng tới 1230 mét vuông, hai tầng, ở giữa có giếng trời. Nhà cổ với những xà, những kèo bằng lim nhẵn bóng chứng tỏ có tuổi thọ hàng trăm năm. Được lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, thành phố Sùng Tả và huyện Long Châu chi tới 2,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ VND) để cải tạo, trưng bày nhà lưu niệm này. Đúng ngày 19-5-2006  khai trương. Từ đó đến nay nhiều bà con Việt Nam cũng như Trung Quốc đã đến tham quan, học tập.

Chúng tôi đến nhà lưu niệm thì không phải ngày mở cửa. Ai nấy đều thất vọng vì đã sang đến đây mà không thăm nhà lưu niệm Bác Hồ thì rất đáng tiếc. Không phải chờ lâu, một ông già xuất hiện. Khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang ông đã vội vàng mở cửa ngay.

Chúng tôi bị bất ngờ vì rất nhiều hiện vật, hình ảnh Bác và các vị lãnh đạo khác đã hoạt động ở đây. Qua những hình ảnh và hiện vật chúng tôi thấy vào những năm 60 thế kỉ trước Bác thường sang thăm Trung Quốc. Nhiều tấm ảnh Bác chụp với Chủ tịch Mao Trạch Đông, thăm hỏi bà con lao động, các cháu thiếu nhi. Có những tấm ảnh rất quý mà ở ta chưa từng công bố. Tôi lấy máy ảnh chụp lại một số ảnh trưng bày tại đây. Nhiều hiện vật gốc như chiếc bát sứ Bác dùng ở nhà đồng chí Nông Kỳ Chấn tại bản Na Tạo, xã Hạ Đống; chiếc chậu thau đồng mà Bác và những người cách mạng khác đã sử dụng trong thời gian nghỉ tại nhà Tô Trung Lương ở  bản Lũng Ỷ, Bình Mạnh, huyện Nà Pha; chiếc gối và vali da năm xưa Bác dùng để giữ tài liệu và súng lục…

Cuộc đời hoạt động của Bác đã được trưng bày có hệ thống như biên niên sử và cuối cùng là mô hình Lăng Bác đã cho người xem hiểu được dễ dàng cuộc đời của vị lãnh tụ kính yêu…Bên cạnh hình ảnh, hiện vật của Bác là các hình ảnh của khá nhiều các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Một bộ quân phục, cái cặp của Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo…

Đoàn văn nghệ sỹ thăm nhà lưu niệm của Bác Hồ tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Với 2 tầng nhà rộng tới hơn một ngàn mét vuông, nhà lưu niệm Bác Hồ tại Long Châu là một biểu hiện lòng tôn kính Bác Hồ của nhân dân Quảng Tây. Điều chúng tôi thích thú là trên cơ sở một ngôi nhà gỗ cổ, các bạn Long Châu đã làm nên một nhà lưu niệm với các trang bị trưng bày khá hiện đại nhưng rất ăn nhập, hài hòa. Phía sau nhà lưu niệm là một sân rộng ngay bên bờ sông thơ mộng để khách tham quan có thể ngồi đây nghỉ ngơi và ngắm dòng sông Lệ Giang đầy truyền thuyết ….

Khi chúng tôi sang Long Châu mỗi người đổi một ít nhân dân tệ để mua quà nhưng nhiều anh em chẳng mua gì vì hàng tầm tầm mua rồi cũng không dùng được mấy nả. Chuyến đi Long Châu chỉ có một ngày nếu không đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ thì không gợn một ấn tượng nào..

Trở về đến cửa khẩu Tà Lùng lại gặp non nước Cao Bằng với những dãy núi chất ngất như thành, các ngọn núi nhọn như kiếm. Tạo hóa thật kì khu, sắp đặt cho vùng biên cương này một dáng Việt uy nghi…

Cao Bằng, 11/2011

Trần Nhương
.
.
.