Thăm thẳm miền biên viễn

Thứ Năm, 03/12/2015, 16:00
Bản Hụm (xã Chiềng Xồm, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) chiều sẩm tối, những liếp nhà sàn của đồng bào Thái nghi ngút tỏa hương nếp cơm lam thơm lừng, nhịp sống dường như chậm lại để nhường chỗ cho những chén rượu chất ngất ngày mùa. Men theo con đường bờ ruộng, không khó để chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ khệ nệ ôm chai đi mua rượu. Và cũng không khó để lắng mình nghe điệu ru con êm dịu, mượt mà của người mẹ Thái. Tiếng ru lẩn trong chất giọng vỡ tan của tuổi dậy thì, tiếng ru vừa kịp đọng lại một nỗi buồn khắc khoải…  

1.Quán tạp hóa bên góc đường vẳng tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ nhỏ. Người đàn bà mặt búng ra sữa cuốn Tằng Cẩu (phong tục của người Thái đen khi phụ nữ lấy chồng phải búi tóc cao thành chỏm, gọi là Tằng Cẩu) khe khẽ ru con. Nếu không có cái chỏm tóc cao chót vót trên đầu ấy, chắc hẳn chúng tôi sẽ gọi người mẹ này là thiếu nữ. Lò Thị Thao nói tiếng Kinh vanh vách, nhanh nhẩu tiếp chuyện với khách rồi lại tất tả chạy vào ru con. Chồng đâu sao không phụ?

Thao thở hắt ra hơi: "Nó đi uống rượu từ chiều rồi". 20 tuổi, Thao đã làm mẹ được 4 năm. Nghĩa là lấy chồng từ thuở 15? Thao cãi: "Làm gì có, em học đến cấp 3 mới nghỉ, tròn 18 tuổi mới lấy chồng đấy". Sau khi bấm đốt ngón tay, nhẩm đi nhẩm lại Thao phải thừa nhận rằng mình lấy chồng từ thuở 16. Chồng Thao hơn 2 tuổi, là thanh niên cùng bản, lớn lên cùng củ sắn củ khoai rồi gặp Thao trong một lần ra nhà mua rượu. Khi ấy, Thao là thiếu nữ mới dậy thì, cơ thể phổng phao, nước da trắng hồng. "Say" con gái ông chủ lò rượu, ngày nào Vi Văn Sủng cũng mang chai tới nhà Thao mua rượu.

Bản làng yên bình của người Thái về đêm.

Từ một thanh niên "trong ngần", tối ngày lam lũ với nương rẫy, Sủng trở thành con ma rượu có hạng ở bản. Những đêm vụ mùa, trai gái đốt lửa đỏ rực ngoài đường nướng ngô, nướng cơm lam ăn rồi chuốc nhau những chén rượu tình say đắm. Tình yêu đầu đời khiến Thao xiêu đổ, cô bỏ học để chấp nhận lời yêu của Sủng và gật đầu về làm vợ khi tuổi đời còn căng tràn nhựa sống. Là gái mới lớn, chưa biết gì ngoài xã hội, Thao được bố mẹ chồng đầu tư cho một quán tạp hóa bên vệ đường để buôn bán. Nguồn thu nhập chính của vợ chồng Thao chỉ trông vào quán tạp hóa, mặt hàng bán chạy nhất vẫn là rượu. Còn Sủng ngày mùa cắm đầu trên nương rẫy, hết mùa thì theo cánh đàn anh ra thành phố phụ hồ.

Tiền kiếm được vài đồng, Sủng nướng vào rượu hết. Sủng bây giờ là một tay rượu có hạng ở bản, Sủng có thể uống cả lít không biết say là gì, cho nên không cuộc nhậu nào của cánh trai bản là vắng mặt anh. Thao có bầu và sinh hạ một bé trai ngay năm đầu tiên lấy chồng. Lời ru con của Thao the thé, chưa thành âm thành vần khiến thằng bé cứ khóc ngằn ngặt mỗi khi được mẹ ru ngủ. Mẹ Thao phải bỏ việc nương dạy Thao học thuộc "Khắp ú lụh" (lời ru con), dạy Thao cách ru sao cho vần cho điệu. Chỉ một thời gian, tiếng "Khắp ú lụh" của Thao làm mê mệt cả chim muông, thằng bé ngủ no đẫy trên tay mẹ. Thao kể về ngày đầu học ru đầy ngộ nghĩnh: "Lúc đầu nghe em ru người đi đường cứ ôm bụng cười làm em xấu hổ quá. Sau em toàn phải vào trong bếp để học và ru thật khẽ, sợ mọi người nghe thấy. Bây giờ thì em ru còn hay hơn cả hát dân ca nữa". 

Quán sắp đến giờ đóng cửa mà chồng Thao vẫn chưa về, con trai ngủ được mấy giấc mà chưa thấy hơi cha. Thao đứng tần ngần ngoài bậu cửa, ngóng mãi ra đêm đen mịt mù chờ chồng về ăn cơm. Hỏi Thao có hối hận khi lấy chồng quá sớm? Thao ngây thơ trả lời: "Con gái lớn phải lấy chồng, bố mẹ mình đâu có nuôi mãi được. Chỉ tiếc vì không được đi chơi với bạn bè, không được xúng xính áo váy lộng lẫy xuống phố những ngày xuân". Nói rồi Thao che miệng cười, cái cười lúng lính của đứa con gái sớm phải giã từ những cuộc vui tuổi trẻ.

Với Thao, lấy chồng là nghĩa vụ và trách nhiệm của con gái mới lớn. Chồng xỉn chồng say là lẽ đương nhiên của đàn ông và điều đó cô hoàn toàn chấp nhận. Suy nghĩ đơn giản, sống hồn nhiên nên nụ cười của Thao như tia nắng sớm mai, trong trẻo mà không hề vướng bận chút lo toan thường nhật. Cho dù mỗi ngày mở mắt ra, Thao phải bầm dập với quán xá, với những nồi rượu đầy ăm ắp và một đứa con nheo nhóc mũi dãi xanh lè bấu vạt áo.

2.Không may mắn như Thao, Lò Thị Dích (19 tuổi) có cuộc đời chơi vơi và đầy buồn khổ. Dích thoát ly gia đình đi làm từ năm 13 tuổi. Người ta không biết Dích làm nghề gì ở thành phố, chỉ thấy cứ vài tháng cô lại xuất hiện ở bản một lần với váy ngắn cũn cỡn, dép cao vót, tóc nhuộm vàng khè. Thuở ấy, nhiều cô gái bản mơ mộng cuộc đời mới mẻ, lạ lẫm và đầy vinh quang như Dích đã rủ nhau bỏ học lên thành phố. Nhưng chỉ được vài ngày, các cô kéo nhau về trong cảnh rũ rượi, héo hon vì đói. Các cô từ đó chừa hẳn mộng làm gái thành phố, ở bản an phận với ruộng rẫy. Chỉ có Dích biệt tăm mất vài năm không thấy về bản thì bỗng một hôm xuất hiện với một đứa trẻ cắp hông.

Thời gian không đi rẫy, phụ nữ Thái ra chợ bán hàng.

Dích lếch thếch đi bộ ngoài đầu bản, một số người còn tưởng ai đó đi lạc vì không nhận ra cái dáng vẻ tiều tụy, già nua cằn cỗi của Dích. Dích trở về nhà cha mẹ ruột, quăng đứa con lại rồi lao ra ngoài trong đêm, không biết là đi đâu. Từ ngày có con gửi lại, Dích siêng về nhà hơn nhưng cũng ít giao tiếp với xóm làng. Phải mất một thời gian dài, Dích mới hoàn hồn và chịu chia sẻ với mọi người. Rằng, thời gian đầu Dích về Mộc Châu làm nhân viên cho một công ty du lịch. Tiền kiếm được bao nhiêu Dích ngốn vào mua sắm cho bằng chúng bạn, cho giống người phố thị để về bản cho… oách cái bụng.

Dích yêu một anh chàng buôn chè quê Lào Cai. Anh này thường đi sang Trung Quốc nhập hàng rồi bỏ mối dọc biên giới các tỉnh Tây Bắc. Những bộ cánh Dích mặc cũng là của anh ta tặng. Tình yêu của Dích bắt đầu bằng những chiếc váy ngắn và những thỏi son nhập lậu rẻ tiền. Anh ta hứa sống hứa chết là sẽ đưa Dích về gia đình ra mắt và Dích sẽ trở thành bà chủ của một chuỗi cửa hàng chè nức tiếng Lào Cai. Thế rồi, Dích ngây ngất trao thân gửi phận cho anh ta, yêu say đắm và điên cuồng. Khi Dích báo tin có bầu, anh ta sẵn sàng cho Dích nghỉ hẳn công việc để dưỡng thai. Anh ta chu cấp cho Dích đúng ba tháng đầu thì cạn dần rồi hiện nguyên hình là một con nghiện. Dích té ngửa khi anh ta tuyên bố, tiền kiếm được bao nhiêu đã nướng vào ma túy hết sạch. Anh ta khuyên Dích, nếu cảm thấy không nuôi nổi con thì đi phá, còn không thì tự lo, vì anh ta bất lực rồi.

Dích tuyệt vọng, ôm bụng lao ra đường trong đêm đông rét buốt ở xứ cao nguyên đầy mộng mơ và lắm cạm bẫy. Bụng lùm lùm ngang mặt, Dích không còn mặt mũi nào quay trở về nhà, cũng không dám đi xin việc ở nơi làm cũ. Cuối cùng, Dích dạt về thành phố Sơn La thuê nhà trọ ở. Dích năn nỉ bà chủ nhà trọ cho phụ bán quần áo với điều kiện chỉ lấy miếng cơm ăn hàng ngày. Dích vẫn nuôi hy vọng thằng "chồng" khi nào mỏi gối chùn chân sẽ quay đầu vào bờ, vì anh ta đã trót "gieo" ra đời một "cục máu". Cha nào mà chẳng thương con, Dích nghĩ vậy.

Lò Thị Thao đong rượu bán cho khách.

Đùng một cái, Dích nhận được tin "chồng" chết trong trong một cơn sốc thuốc. Nước mắt Dích chan chứa, không còn hơi sức đâu mà đi nhìn mặt "chồng" lần cuối nữa. Thôi kệ, người ta vứt đâu thì vứt, Dích phải gồng mình lên mà nuôi con. Dích vật vờ chờ đến ngày sinh con. Thời gian "nằm ổ", không còn cái ăn, không thể đi làm, Dích muối mặt ôm con đỏ hỏn trở về bản.

Kể về thảm cảnh cuộc đời, Dích vẫn thấy mình hạnh phúc vì còn sống quay trở về quê, còn có đứa con làm giá đỡ tinh thần. Không bất hạnh như cô Dẻo ở bản Tông, háo hức vào đời rồi bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Bây giờ bặt vô âm tín, không khéo bỏ xác nơi xứ người. Các cô "vươn mình" ra khỏi bản, những mong thoát xác, đổi đời để không phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" cho đến chết ở cái xó nhà quê, nhưng có mấy ai ra đi mà huy hoàng ngày về. Nhắc đến những cô gái ấy, bà Lò Thị Đích (70 tuổi) ở bản Làu thở dài: "Có học hành bằng ai mà thích đua đòi. Đi rồi lại về thôi, không giàu sang nổi đâu. 4 đứa con của tôi lớn lên cho lấy chồng sớm hết. Nó đói nó khổ mình còn thấy mặt, chứ nó sung sướng ở xứ nào, có khi chết cũng chẳng nhìn thấy mặt nhau".

20 giờ, chúng tôi vẫn lang thang trong các bản làng, gió lạnh ào về thổi hồng bếp lửa, những thanh cơm lam căng mọng hương nếp, ngọt lử đầu môi được bà con sẻ ra đãi khách. Trong không gian mênh mông của đại ngàn biên viễn, cuộc sống về đêm của đồng bào Chiềng Xồm toát lên vẻ nguyên sơ đến tinh khôi, như chưa từng gói ghém thăng trầm và nỗi buồn thế thái. 

Ngọc Thiện
.
.
.