Tháng 1/2015 mới ban hành quy chế tuyển sinh: Quá muộn!

Thứ Tư, 12/11/2014, 12:01
Hạn định ngày 15/10 để các trường ĐH, CĐ trên cả nước chốt dự thảo phương án tuyển sinh đã hết và đa số các trường cũng đã gửi phương án tuyển sinh về Bộ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ vẫn chưa đưa ra quy chế tuyển sinh riêng khiến cho các trường và các em học sinh như mò kim đáy bể. Và dường như tháng 1/2015 vẫn là mốc quá muộn để khảo thí một "chiếc áo giáo dục" vừa vặn hay quá rộng?

Trước câu hỏi bao giờ Bộ mới đưa ra quy chế tuyển sinh, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, Cục đang gấp rút xây dựng quy chế của kỳ thi quốc gia. Chậm nhất khoảng tháng 1/2015 quy chế sẽ được ban hành.

Rõ ràng, Bộ đang xây dựng quy chế trên cơ sở yêu cầu các trường chốt phương án tuyển sinh, vậy khi quy chế được ban ra, nếu có những phát sinh, các trường có phải thay đổi theo để hợp với quy chế không? đó là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều trường ở thời điểm hiện tại. Với thời gian quá chậm là tháng 1/2015 các em học sinh sẽ mất thời gian, tâm lý hoang mang, thiếu ổn định để ôn tập.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, so với tháng 2 như những năm trước, mốc tháng 1/2015 mà Bộ đưa ra năm nay vẫn còn sớm. Tuy nhiên, các trường khi được hỏi đều cho rằng mốc này quá muộn và nguyện vọng của họ là làm sao Bộ ban hành quy chế càng sớm càng tốt. Bởi những năm trước Bộ đưa ra quy chế vào tháng 2 trong bối cảnh không có nhiều xáo trộn và thay đổi như năm nay.

Có một vấn đề nữa cần bàn ở đây, nếu để cho các trường tự quyết, thì việc thi cử sẽ diễn ra như thế nào cho công bằng? Và liệu các phương án đưa ra đã hợp chuẩn đào tạo chưa? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục & Đào tạo về những thắc mắc xoay quanh phương án tuyển sinh:

Nhiều trường cho rằng tháng 1/2015 mới ban hành quy chế tuyển sinh là quá muộn!

Thưa ông, hiện nay đa số các trường đều chốt phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Ông đánh giá như thế nào?

+ Theo thống kê chưa đầy đủ đến chiều 15 tháng 10 đã có hơn 250 trường đại học, cao đẳng gửi thông tin tuyển sinh năm 2015 về Bộ khẳng định sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và trong số gần 100 trường đại học, cao đẳng xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh gửi về Bộ, phần lớn đều dùng hai phương thức: sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở THPT. Đặc biệt các trường lớn như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Vùng, các trường đại học trọng điểm, khối các trường Y-Dược đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Ngoài những trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia làm cơ sở xét tuyển thì có một số trường đưa ra phương án tuyển sinh riêng. Cục quản lý việc thi riêng này như thế nào?

+ Các trường tuyển sinh riêng phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đề án tự chủ tuyển sinh của trường và quy chế tuyển sinh do Bộ ban hành là căn cứ pháp lý để trường tổ chức thực hiện và Bộ tổ chức thanh, kiểm tra cũng dựa trên cơ sở này.

Vậy phương án tuyển sinh mà các trường đưa ra liệu có phù hợp với chuẩn đào tạo hay chưa?

+ Việc lựa chọn tổ hợp môn thi để xét tuyển cần thực hiện theo các quy định tại Công văn 5151/2014/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 19 tháng 9 năm 2014. Những trường xây dựng phương án xét tuyển không đúng với tinh thần công văn này, Bộ sẽ yêu cầu điều chỉnh lại cho phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng của công tác tuyển sinh và quyền lợi của học sinh.

Cảnh chờ con thi đại học của các phụ huynh.

- Với các trường nộp đề án tuyển sinh riêng, việc công khai đề án hoàn chỉnh cho thí sinh được chốt vào 1/1/2015 liệu có muộn quá không?

+ Thông tin quan trọng nhất đối với thí sinh (để ôn tập) là cách thức trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tổ hợp môn để xét tuyển vào các ngành đào tạo đã được các trường công bố sớm (theo quy định là trước 15-10). Còn các đề án tự chủ tuyển sinh trước khi được trường công bố chính thức (chậm nhất là 1-1-2015) đã được Bộ công bố trên các báo 1 tháng theo quy định của quy chế nên không gây khó khăn cho việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi của các thí sinh.

Như vậy, phía Cục khẳng định mốc tháng 1/2015 đưa ra không gây khó khăn cho việc ôn tập của các thí sinh. Tuy nhiên, không biết Bộ đã dự trù được những vấn đề phát sinh nếu quy chế làm ảnh hưởng? Chẳng có gì nói trước, đã có quá nhiều văn bản đưa ra khảo thí đi khảo thí lại. Nhà trường đã chán nản vì phải bị động, chạy theo Bộ; còn các em học sinh hoang mang trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Nguyên B trưởng B GD&ĐT Phm Minh Hc: Mt văn bn không có c gì làm đến 2 tháng tri!

Từ mấy năm nay, tôi đã kiến nghị với Bộ rằng một kỳ thi quốc gia chung, phải có 1 văn bản pháp quy của Bộ chính thức ban hành chứ không phải một phương án trần trụi. Phải có một văn bản rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ. Và cũng phải tuyên bố từ tháng 9 thì vừa rồi là tháng 10 và bây giờ lùi lại 2 tháng nữa thì chậm quá. Tôi có theo dõi báo chí, cũng được biết các cán bộ quản lý đã nêu ý kiến là quá chậm. Họ sợ các quy định tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đã công bố khác quy chế của Bộ thì lúc đó sẽ giải quyết như thế nào. Họ đang chờ đợi. Không biết trong chuyện này Bộ chủ động hay bị động như thế. Nhưng rõ ràng, mốc tháng 1-2015 đưa ra là quá chậm. Một văn bản không có cớ gì làm đến 2 tháng trời với tất cả bộ máy hàng trăm con người. Lẽ ra tháng 9 phải công bố rồi chứ!

Nguyên Th trưởng B GD&ĐT Trn Xuân Nhĩ: B không th đưa ra mc sm hơn vì đang ri toàn din!

Bộ không thể đưa ra mốc sớm hơn được vì ngay bản thân cái gốc của đề án đổi mới này cũng đang rối ren. Rối toàn diện từ cơ sở đến Bộ. Rối từ quyết định phương án thi cho tới tổ chức thi. Mình chủ trương học toàn diện, nâng cao kiến thức. Nhưng bây giờ học sinh học có 4 môn, lấy đâu toàn diện? Mặt khác, thi đánh giá tốt nghiệp phổ thông, người đào tạo học sinh là Sở GD&ĐT tỉnh, là địa phương. Mà bây giờ không cho các anh ấy làm, mà do ĐH đứng ra làm. Thế địa phương làm làm gì nữa. Rối còn ở chỗ 20 cụm ĐH, 63 cụm ở địa phương, các em học sinh đều học ở phổ thông, cũng phải được bình đẳng như những nơi khác. Như vậy, có sự phân biệt đối xử ở đây. Đó còn chưa kể ở địa phương, chỉ có vài ba em đăng ký thi, cũng tổ chức hội đồng thi à? Rối này là rối tổng thể. Vậy thì làm sao Bộ GD&ĐT có thể đưa ra phương án sớm hơn được!

Lê Phương Anh, hc sinh lp 12C2, trường THPT chuyên Phan Bi Châu, tnh Ngh An: Chúng em cn mt quy chế n đnh đ yên tâm ôn tp!

Kỳ thi ĐH sắp tới, em định thi khối D. Nguyện vọng của em là một trong 2 trường ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân. Với riêng em, phương án đổi mới tuyển sinh mà Bộ đưa ra nhìn chung thuận lợi đối với thí sinh. Tuy nhiên qua theo dõi báo chí, em cũng sốt ruột khi đến nay vẫn chưa có quy chế tuyển sinh. Em không biết khi có quy chế thì quá trình ôn tập của mình có “dã tràng xe cát biển Đông” hay không vì có thể có những điều không khớp giữa phương án tuyển sinh của trường em định thi và quy chế của Bộ. Nguyện vọng của chúng em là cần một quy chế ổn định, đi kèm với đó là những văn bản rõ ràng, thống nhất. Đừng biến chúng em thành chuột bạch!  

Du Nguyễn
.
.
.