Thăng trầm của 2 đồng tiền ảo Ethereum và Bitcoin

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:28
Mặc dù bị sụt giá xuống thấp nhất trong hơn 2 tháng qua - mất trên 20% giá trị, còn 130,26 USD, nhưng đồng tiền ảo Ethereum vẫn được giới chuyên gia đánh giá là "gương mặt" sáng giá nhất, chỉ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin.

Theo giới truyền thông, một trong những nguyên nhân khiến các startup blockchain bán tháo Ethereum và mọi việc xuất phát từ tốc độ tăng trưởng quá nóng lên đến hàng nghìn phần trăm trong thời gian ngắn của đồng tiền ảo này. Giới chuyên môn đánh giá, trên thị trường tiền ảo thế giới, Ethereum hiện đứng thứ 2, với trị giá 31 tỷ USD, sau Bitcoin ở mức 45 tỷ USD.

Đồng Ethereum nhận được sự quan tâm của Tổng thống Putin, khi ông gặp Vitalik Buterin, người sáng lập đồng tiền này tại Diễn đàn kinh tế tại Saint Petersburg và nhấn mạnh, nền kinh tế số sẽ là nền móng để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Đồng tiền ảo Ethereum - Bitcoin.

Tuy mới xuất hiện cách đây hơn 3 năm (cuối năm 2013), nhưng Ethereum đã tăng từ mức 8,24 USD vào ngày 1-1-2017 lên 203,3 USD trong ngày 25-5-2017, tương đương với mức tăng 2.367% chỉ trong 5 tháng. Có người đã nói, Ethereum có thể thay thế vị trí của Bitcoin trong thời gian tới.

Bởi theo nhận định của tờ New York Times, từ khi Bitcoin xuất hiện đã có nhiều loại tiền ảo tìm cách vượt mặt đồng tiền ảo này, nhưng chưa ai làm được như Ethereum. Ethereum đã giảm từ 319 USD xuống 10 cent chỉ trong 1 giây hôm 22-6, khi bất ngờ giảm sốc hơn 3.000 lần sau một lệnh bán trị giá hàng triệu USD. Nhưng sau đó, Ethererum đã nhanh chóng chốt phiên ở mức 325 USD.

Gần 2 tháng trước (27-5), Huobi, 1 trong 3 sàn giao dịch Bitcoin lớn ở Trung Quốc cùng BTCC và OKCoin, đã chính thức chấp nhận và hỗ trợ giao dịch đồng Ethereum.

Tại phiên giao dịch hồi trung tuần tháng 7, Bitcoin giảm hơn 3%, bất chấp việc Thụy Sỹ thông qua việc lưu hành đồng tiền ảo này và các loại tiền điện tử khác. Falcon Private Bank đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên được Cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ cho phép lưu hành Bitcoin như một loại tài sản.

Theo đó, Falcon Private Bank sẽ tiếp cận với Bitcoin thông qua Bitcoin Suisse - sàn Bitcoin điện tử có trụ sở tại Thụy Sỹ. Và ngân hàng này đã lắp một máy rút Bitcoin tự động tại trụ sở ở Zurich - cho phép khách hàng rút Bitcoin bằng điện thoại.

Theo giới chuyên gia, động thái kể trên của Thụy Sỹ không những mở đường cho việc giao dịch bằng Bitcoin, mà còn là tín hiệu cho thấy công nghệ blockchain đằng sau Bitcoin đang dần được công nhận và đánh giá cao. Việc này diễn ra trong bối cảnh các công ty dịch vụ công cộng lớn nhất châu Âu thử nghiệm công nghệ blockchain.

Theo đó, 23 công ty điện và khí đốt lớn như Enel SpA của Italia, hay RWE của Đức sẽ giao dịch trực tiếp trên phần mềm mang tên Enerchain - cho phép người tham gia giao dịch có thể gửi lệnh tới một hệ thống phân cấp mà mọi người có thể truy cập và các lệnh sẽ được tự động xử lý, không cần đến nhà môi giới hay bên thứ 3. Hệ thống này sẽ giúp tăng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Giới chuyên môn cho rằng, tiền ảo chỉ là hình thức cơ bản nhất của blockchain.

Đài BBC vừa dẫn lời ông Marco Ciocca, đồng sáng lập của 2 trường mầm non tư nhân ở New York, Mỹ cho biết, họ chấp thuận nhận học phí bằng Bitcoin bởi đó là xu hướng và nhu cầu của phụ huynh.

Theo ông Marco Ciocca, quyết định được đưa ra dựa trên sự gia tăng số lượng các trường học chấp nhận học phí bằng Bitcoin, trong đó có nhiều trường đại học nổi tiếng ở Anh và Hy Lạp. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Ai Cập không chấp nhận Bitcoin.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Gamal Negm phủ nhận các tin đồn nói rằng, nước này sẽ chấp nhận Bitcoin. Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Lubna Hilal cũng phủ nhận việc sẽ cho phép sử dụng Bitcoin trong các hoạt động giao dịch.

10 ngày trước (11-7), Mark Karpeles, nhà sáng lập MtGoX, từng là công ty giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới, đã phải hầu tòa tại Tokyo (Nhật Bản) với tội danh làm giả dữ liệu để biển thủ tiền của khách hàng.

Nhưng Mark Karpeles (bị bắt tháng 8-2015) đã phủ nhận các cáo buộc làm giả dữ liệu và biển thủ 341 triệu yen (khoảng 2,9 triệu USD) của khách hàng cho mục đích cá nhân. MtGox tuyên bố phá sản (tháng 4-2014) sau khi mất khoảng 850.000 Bitcoin, với trị giá khoảng 48 tỷ yen vào thời điểm đó.

Sàn tiền ảo lớn nhất Hàn Quốc Bithumb (là sàn giao dịch Bitcoin lớn thứ 4 thế giới, và là sàn Ethereum lớn nhất thế giới) vừa bị tin tặc tấn công và đánh cắp hàng tỷ won trong tài khoản của khách hàng. Nhưng theo đại diện của Bithumb, tuy tin tặc đã tấn công và đánh cắp tài khoản giao dịch của hơn 31.800 khách hàng, nhưng chúng không thể truy cập và thực hiện giao dịch trong các quỹ tiền ảo lưu trữ trên sàn. Điều này đồng nghĩa với việc, tin tặc chỉ có thể đánh cắp thông tin cá nhân, không thể đánh cắp tiền của họ.
Nhiệm Bình
.
.
.